PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
Văng vẳng tai nghe tiếng chích choè, Lặng đi kẻo động khách lòng quê. Nước non có tớ càng vui vẻ,
Hoa nguyệt nào ai đã đắm mê? Quyên đã gọi hè quang quác quác, Gà từng gáy sáng tẻ tè te.
Lại còn giục giã về hay ở?
Đôi gót phong trần vẫn khoẻ khoe.
(Về hay ở, Nguyễn Khuyến, in trong Nguyễn Khuyến – Tác phẩm, Nguyễn Văn Huyền tuyển chọn, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2002)
Thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn): Câu 1. Văn bản trên được viết theo thể thơ nào? (0,5 điểm)
Câu 2. Chỉ ra các chữ có tác dụng hiệp vần trong văn bản? (0,5 điểm)
Câu 3. Chỉ ra tác dụng của tác từ láy tượng thanh được sử dụng trong văn bản? (1,0 điểm) Câu 4. Văn bản thể hiện tâm sự gì của nhân vật trữ tình? (1,0 điểm)
Câu 5. Từ văn bản, anh/chị có suy nghĩ gì về vai trò của quê hương đối với mỗi con người. (1,0 điểm)
PHẦN VIẾT (6,0 điểm) Câu 1. (2,0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ đặc điểm của nhân vật sử thi được thể hiện qua hình tượng Đăm Di trong văn bản sau:
(Tóm tắt: Bố mẹ Đăm Di sinh được 5 người con, bốn trai một gái, Đăm Di là con trưởng. Bốn người con trai đều tài giỏi, người con gái thì xinh đẹp vô cùng. Một hôm, Đăm Di kêu gọi thanh niên trai tráng trong làng cùng vào rừng sâu săn bắn. Mọi người đều đồng tình. Họ ra đi, để lại buôn làng cho người già, phụ nữ trông coi. Hơ Lát Giang là em trai út của Đăm Di, vì còn nhỏ nên không được đi theo. Trong lúc họ đi vắng, Y Hú và Y Jú – hai anh em xấu bụng và gian xảo, lười biếng đã xúi giục tên tù trưởng Ca Rơ Bú đến cướp làng của Đăm Di. Hơ Lát Giang tuy còn nhỏ nhưng đã anh dũng chống cự, giết được em trai của Ca Rơ Bú là Ca Rơ Mưng. Tuy vậy, cuối cùng, liệu không địch nổi kẻ thù, chàng đành bỏ trốn. Ca Rơ Bú bắt hết dân làng Đăm Di về làm nô lệ, cướp của, đốt nhà. Hơ Lát Giang trốn vào rừng sâu, tìm được Đăm Di và mọi người, kể lại hết sự tình. Đăm Di liền dẫn mọi người liền trở về làng. Họ bắt tay vào việc khôi phục lại buôn làng, chuẩn bị lực lượng để chiến đấu với Ca Rơ Bú. Khi thấy lực đã đủ mạnh, lại nhân dịp Ca Rơ Bú làm lễ bỏ mả cho em trai là Ca Rơ Mưng, Đăm Di đã cùng các em bàn bạc cẩn thận, sau đó kéo sang làng Ca Rơ Bú để trả thù. Kết quả là họ đã giết được anh em nhà Ca Rơ Bú, giải cứu cho mọi người. Cuộc sống trở lại cảnh no ấm, yên vui).
ĐĂM DI: – Hỡi tất cả trai làng! Ta có việc gấp cần bàn, cần làm. Hãy về ngồi đủ nơi sàn nhà ta, nghe ta nói điều bụng ta đang nghĩ, đang muốn. Mai ta muốn đi hỏi tội kẻ ác Ca Rơ Bú, cứu mẹ, cứu cha cùng vợ con, anh em các người.
TRAI LÀNG: – Ơ ông Đăm Di! Chúng tôi đến ngay đó!
Thuốc hút chưa hết một điếu, chưa tàn một tẩu, mọi người đã đến đông, đến đủ…
ĐĂM DI: Hỡi tất cả trai làng tốt bụng của ta! Tối nay ta thắp đèn mỡ, đốt lửa chai để bàn cho trúng, cho suốt việc đi đánh bọn ác Ca Rơ Bú. Ta muốn đi ngay sáng mai. (…) Bụng các anh nghĩ làm sao?
Đăm Di miệng nói chưa hết lời, dứt tiếng, trai làng người này người nọ đã ầm ầm như sấm dậy, giơ giáo mác như bông lau ngọn lách, muốn được đi đánh kẻ ác Ca Rơ Bú ngay.
TRAI LÀNG: Ơ ông Đăm Di! Đi ngay chứ! Chuyện đó chúng tôi đã muốn từ lâu, từ trước. Dao chúng tôi đã mài, mác chúng tôi đã sắc, khiên chúng tôi đã sắp, đã sửa. Chỉ còn chờ người gọi đi, chờ ông dẫn đường đó thôi. Thù Ca Rơ Bú đã đầy một bụng, giận Ca Rơ Bú đầy một ngực. Chúng tôi chỉ muốn đi hỏi nợ nó ngay tức khắc!
ĐĂM DI: – Hỡi trai làng, vậy sáng mai ta sẽ ăn thịt, uống rượu ở đây thật sớm để lên đường. Thôi các anh về nghỉ cho được khỏe chân, mạnh tay, mai cầm khiên cho chắc, vung dao cho khỏe, cuốc cho tan, đánh cho vỡ bọn cọp ác Ca Rơ Bú.
Đăm Di vừa dứt lời, trai làng người này một câu, người kia một tiếng. NGƯỜI NỌ: – Ơ chú Đăm Di, chuyện đó đừng lo, chúng tôi đã có nhiều sức.
NGƯỜI KIA: – Ơ ông Đăm Di, chuyện đó đừng ngại, chúng tôi đã dư nhiều lực. Tay chúng tôi sẽ làm theo lời ông, chân chúng tôi chẳng đi ngược chân ông. Phải cuốc được vỡ, đánh được tan bọn Ca Rơ Bú hung ác hơn con hổ, con cọp kia bụng chúng tôi mới hả, mới nguôi.
ĐĂM DI: – Hỡi trai làng, hãy về nhà nghỉ đi! Mai đến đây thật sớm ăn cơm uống rượu rồi lên đường cho khỏe chân, mạnh tay.
TRAI LÀNG: – Ơ bác, ơ ông Đăm Di! Chúng tôi về đây!
Khi trai làng đã về hết, Đăm Di lại tiếp tục bàn bạc với các em.
ĐĂM DI: – Ơ bạn Đăm Gơrơoăn, em Xing Mun, Xing Mơ Nga, Hơ Lát Dang! Việc nhỏ, việc lớn ta hãy bàn cho kĩ. Muốn đánh chóng được tan, cuốc được vỡ, giết nhanh được bọn Ca Rơ Bú, ta phải làm thế nào? Bụng bạn và các em nghĩ sao?
HƠ LÁT DANG: – Các anh như cây kơnia mọc trước, cây đa mọc đầu, các anh nói bụng các anh trước đi! Em là út xin được nói sau.
ĐĂM GƠRƠOĂN: – Ơ bạn Đăm Di! Sớm mai, khi chim bơrơbúc kêu, ta bắc nồi, dựng kiềng, chim ató gọi, ta vo gạo nấu cơm, chim diều hót, ta gói cơm, chim chào mào giục, ta mở cổng, chim mơlang báo thức người đi làm thì ta lên đường.
ĐĂM DI: – Đó là ý bạn Đăm Gơrơoăn. Còn bụng các em tính làm sao?
XING MUN: – Ơ anh Đăm Di! Bụng em nghĩ là sáng mai ta cơm nước thật sớm rồi đi ngay. Đến gần làng Ca Rơ Bú, ta sẽ chia người nào vây quanh làng, người nào nấp chờ ở bến nước ăn. Đến trưa, khi bọn Ca Rơ Bú đi làm lễ nhà mả về, kẻ mệt, thằng say, lúc đó ta ập vào đánh. Dẫu chúng có mười tay cũng không kịp trở, mười chân cũng không kịp chạy. Ta sẽ bắt chúng như bắt gà trong lồng, bắt lợn trong cũi!
XING MƠ NGA: – Bụng em nghĩ rằng, chờ đến chiều ngày mai, khi bọn Ca Rơ Bú đang ăn nhà mả, chúng ta sẽ ập vào đánh. Đúng lúc chúng đang mải tranh thịt, mê rượu, không còn nhớ, không còn nghĩ gì đến việc khiên đao, lúc đó chúng chỉ còn cách nằm im cho ta bắt, nằm gục cho ta trói. Bụng chúng hết giỏi, tay chúng hết mạnh!
Đăm Di quay mặt về phía Hơ Lát Dang hỏi.
ĐĂM DI: – Ơ em Hơ Lát Dang! Bụng em nghĩ sao, miệng em chưa thấy nói?
HƠ LÁT DANG: – Ơ anh Đăm Di, ơ các anh! Bụng em cũng như bụng các anh thôi. Đánh sáng sớm, đánh buổi trưa, hay buổi chiều đều được cả. Nhưng em nghĩ đánh buổi chiều tốt hơn. Đánh
buổi chiều, ta sẽ chóng cuốc được tan, đánh được vỡ bọn Ca Rơ Bú, ta mới chắc chắn cứu được mẹ, được cha, được chị Bra Lơ Tang, chị Hơ Bia Rơ Sun. Đánh sớm quá, bụng chúng chưa no thịt, đầu chúng chưa say rượu, chân chúng còn nhanh, mắt chúng còn tinh, chúng sẽ giết mất mẹ cha ta, cùng chị Bra Lơ Tang, chị Hơ Bia Rơ Sun…
ĐĂM DI: – Em Hơ Lát Dang nói trúng đấy! Bụng anh cũng nghĩ thế đó! Ơ bạn Đăm Gơrơoăn, ơ các em, mai ta cứ làm thế thôi. Bây giờ ta đi nghỉ cho khỏe chân, mạnh tay!
Đêm hôm ấy, Đăm Di mắt không muốn nhắm, đầu không muốn ngủ. Chàng thở lên “đứt ngọn dây dưa, thở xuống đứt ngọn dây mơkao”. Chàng vừa ngồi xuống chưa yên chỗ, đã lại muốn đứng lên, vừa ngả lưng chưa ấm chỗ, đã bật ngồi dậy. Bụng chàng đang thương em gái Bra Lơ Tang, lòng chàng đang nhớ Hơ Bia Rơ Sun (vợ của Đăm Di) bấy lâu bị bọn ác Ca Rơ Bú bắt trói, đánh đập. Chàng nghĩ thương mẹ, thương cha, thương dân làng. Tai chàng hết nghiêng bên này, nghe bên nọ xem đã có tiếng gà rừng gọi sáng, tiếng gà làng gọi dậy, tiếng chim bơrơ búk gọi nấu cơm, nghiêng bên kia xem đã có tiếng chim ató, tiếng chim mơlang gọi mở cổng, kêu mở cửa để lên đường đi đánh kẻ ác Ca Rơ Bú.
(Trích Đăm Di đi săn, sử thi Ê đê, in trong Tổng tập văn học Việt Nam, tập 40, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000, Tr.165-166)
Câu 2. (4,0 điểm)
Viết bài văn nghị luận xã hội (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/ chị về vấn đề: thực trạng đọc sách của giới trẻ hiện nay.
ĐÁP ÁN ĐỀ
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 4,0 | |
1 | Thể thơ: Thất ngôn bát cú Đường luật. | 0,5 | |
2 | Các chữ có tác dụng hiệp vần trong văn bản: chòe, quê, mê, te, khoe. | 0,5 | |
3 | Tác dụng của tác từ láy tượng thanh được sử dụng trong văn bản:
– Các từ láy tượng thanh: quang quác quác, tẻ tè te. – Tác dụng: + Mô phỏng âm thanh của các loài vật + Là tiếng gọi của thời gian, của quê hương, cũng là sự giục giã của lòng người, khiến người xa quê muốn từ bỏ chốn quan trường để quay về quê cũ. |
1,0 | |
4 | Tâm sự của nhân vật trữ tình:
– Nỗi nhớ mong quê hương tha thiết. – Nỗi phân vân, lòng mong mỏi muốn rời xa chốn quan trường xô bồ, thị phi để trở về với quê hương, với thiên nhiên yên bình nhằm “lánh đục tìm trong”. |
1,0 | |
5 | Suy nghĩ về vai trò của quê hương đối với mỗi con người: | 1,0 |
– Quê hương là nơi ta sinh ra, là nơi gắn liền với những năm tháng ấu thơ tươi đẹp, nơi bồi dưỡng tâm hồn và nhân cách của ta trong những thời khắc đầu đời.
– Quê hương là nơi có gia đình, có hàng xóm láng giềng, có hơi ấm của sự chở che, tình yêu thương. – Quê hương là bến đỗ của con người sau những giông bão của cuộc đời. |
|||
II | VIẾT | 6,0 | |
1 | Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ đặc điểm của nhân vật sử thi được thể hiện qua hình tượng Đăm Di trong văn bản “Đăm Di đi săn”. | 2,0 | |
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành. |
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
Làm rõ đặc điểm của nhân vật sử thi được thể hiện qua hình tượng Đăm Di trong văn bản “Đăm Di đi săn”. |
0,25 | ||
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
Sau đây là một số gợi ý: – Đăm Di là người anh hùng luôn đứng ra gánh vác trọng trách của cộng đồng: anh đã tập hợp mọi người lại để cùng bàn bạc, lên kế hoạch, nhằm kéo sang làng Ca Rơ Bú để trả mối thù chung. – Đăm Di là người anh hùng có uy tín, có khả năng hiệu triệu dân làng. Khi anh đưa ra mệnh lệnh, dân làng đều nghe theo. – Đăm Di là người được vị nể, nhưng anh luôn dân chủ trong mọi vấn đề: lắng nghe ý kiến của mọi người, và làm theo những ý kiến hợp lí. – Đăm Di luôn trăn trở, lo lắng cho dân làng. Đêm trước khi kéo sang làng Ca Rơ Bú, anh đã trằn trọc không ngủ được vì thương cha mẹ, thương dân làng, thương em, thương vợ bị bọn nhà Ca Rơ Bú bắt làm nô lệ. => Đăm Di là hiện thân cho vẻ đẹp của một con người hết lòng lo lắng và chiến đấu cho cộng đồng. |
0,5 | ||
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận. – Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý. – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng. |
0,5 | ||
đ. Diễn đạt:
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn. |
0,25 | ||
e. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,25 | ||
2 | Viết bài văn nghị luận xã hội (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/ chị về vấn đề: thực trạng đọc sách của giới trẻ hiện nay. | 4,0 | |
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài:
Nghị luận xã hội. |
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
Bày tỏ ý kiến về vấn đề: thực trạng đọc sách của giới trẻ hiện nay. |
0,5 | ||
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết | 1,0 |
– Xác định được các ý chính của bài viết
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận: 1. Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm cá nhân về vấn đề: – Giới thiệu vấn đề nghị luận: thực trạng đọc sách của giới trẻ hiện nay. – Đây là một vấn đề mang tính thời sự, cần thiết phải đưa ra bàn luận. 2. Triển khai vấn đề nghị luận: 2.1. Thực trạng: – Một bộ phận giới trẻ ngày nay vẫn còn niềm đam mê với sách. – Tuy nhiên, bên cạnh đó, có một bộ phận không nhỏ giới trẻ đã bỏ quên hoặc chưa có thói quen đọc sách; thay vào đó, họ tìm đến các thú giải trí khác như mạng xã hội, tik tok, intagram, hay các cuộc tụ tập cà phê, trà sữa, nhậu nhẹt,… 2.2. Lợi ích của việc đọc sách: – Giúp con người suy tư sâu hơn về cuộc sống cũng như về bản thân mình. – Giúp trau dồi kiến thức và khả năng ngôn ngữ. – Giúp chúng ta tránh được những tiêu cực do mạng xã hội hay các cuộc tụ tập bạn bè có thể gây ra, như sa vào các nguồn tin fake, các trang web không lành mạnh, thói nói xấu người khác,… 2.3. Tác hại của việc không có thói quen đọc sách: – Người không đọc sách sẽ khiến bản thân trở nên hời hợt, nông cạn, không có được sự điềm tĩnh trong việc nhìn nhận cuộc đời và bản thân. – Không đọc sách khiến tâm hồn ngày càng trở nên chai sạn, thậm chí dẫn đến vô cảm. – Không đọc sách mà chỉ lướt face, xem ảnh khiến cho con người dần trở nên lười biếng, không có được sự kiên trì, tập trung cần thiết cho việc học tập. 2.4. Giải pháp: – Cần ý thức được tầm quan trọng của sách, nhất là sách giấy đối với cuộc sống con người. – Cần tuyên truyền và nhân rộng văn hóa đọc sách trong nhà trường và xã hội. – Cần xây dựng các tủ sách cá nhân, tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học,… Từ đó hình thành từ sớm cho con cái thói quen đọc sách. 3. Rút ra bài học cho bản thân: – Cần dành ra mỗi ngày một khoảng thời gian nhất định để đọc sách. – Cần tìm đến những cuốn sách bổ ích, phù hợp với bản thân để đọc. – Cần có cách đọc sách khoa học để mang lại hiệu quả cao nhất. |
|||
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận. – Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý. – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng. |
1,5 | ||
đ. Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn
bản. |
0,25 | ||
e. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,5 |