Đề minh hoạ môn văn theo cấu trúc thi tốt nghiệp 2025, đề số 97

ĐỀ THAM KHẢO THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ

PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Cửa tiệm không nhiều khách, trong nửa tiếng mới chỉ có một người bước vào. Kĩ thuật cắt hình bóng của người nghệ nhân này là vô cùng điêu luyện, chỉ thấy ông chăm chú quan sát khách hàng mấy giây rồi cầm kéo lên cắt giấy chuyên nghiệp. Từ những động tác của nghệ nhân, bạn tôi nhìn thấy được sự lưu loát phóng khoáng, tự do bay bổng của đôi tay ông. Hai ba phút sau, bằng những nhát cắt dứt khoát, linh động, một hình cắt bóng sống động đã hiện ra.

Bạn tôi nghĩ bụng:“Lẽ nào mình gặp được cao nhân ở chốn này?” Thế là anh bước tới, nhờ nghệ nhân cắt bóng chân dung mình. Nghệ nhân niềm nở, mời bạn tôi ngồi xuống, sau đó quan sát nhanh đường nét của anh ấy. Hình cắt bóng của bạn tôi nhanh chóng được hoàn thành. Anh nhìn hình cắt bóng chân dung mình nhưng lại cảm thấy cái bóng nghiêng đen rất kì lạ, cái bóng mím môi, cau mày toát lên một vẻ buồn bã không thể diễn tả bằng lời.

Nghệ nhân cắt hình bóng nhận ra vẻ ngạc nhiên của anh, giải thích rằng:“Vừa nhìn thấy anh, tôi đã cảm thấy anh là một người hay bi quan, buồn rầu. Muốn cắt được hình bóng của một người, kĩ thuật tất nhiên rất quan trọng nhưng quan sát và nắm bắt thần thái còn quan trọng hơn. Như vậy mới có thể tạo nên một tác phẩm vừa có hình lại vừa có thần. Tôi làm công việc cắt hình bóng này hai mươi năm rồi, tôi làm vì yêu thích, khi không có khách, tôi thường quan sát những người đi qua đây, hoặc quan sát thiên nhiên xung quanh, sau đó cắt sự vật, cỏ cây hoa lá, núi non sông nước… Nhờ sự chịu khó quan sát này mà kĩ thuật của tôi ngày càng thêm phong phú, bây giờ tôi có thể tự tin để có thể nắm bắt được diện mạo và truyền thần một người.”

Lúc này trong lòng bạn tôi không còn nỗi nghi hoặc nào nữa. Anh ấy đứng dậy chuẩn bị ra về nhưng nghệ nhân đã gọi anh lại:“Anh bạn trẻ, tôi thấy trong lòng anh u sầu buồn bã. Thế này đi, tôi tặng anh một bức cắt bóng có chủ đề là bóng tối nhé!”

Nói xong nghệ nhân cúi đầu, dùng giấy đen bắt đầu cắt hình bóng. Chỉ sau một lát, một vành trăng khuyết và mấy ngôi sao lấp lánh đã xuất hiện.

(Theo Đá cuội hay kim cương, Dale Carnegie,NXB Thanh niên, 2018, trang 24,25)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định ngôi kể của người kể chuyện?(0,5 điểm)

Câu 2. Nghệ nhân cắt hình bóng đã sử dụng kỹ thuật và quan sát như thế nào để tạo ra hình cắt bóng chân dung? (0,5 điểm)

Câu 3:  Theo anh chị, ý nghĩa của hình ảnh một vành trăng khuyết và mấy ngôi sao lấp lánh trong hình cắt bóng chủ đề bóng tối mà người nghệ nhân cắt bóng dành tặng cho anh bạn trong văn bản trên là gì?. (1,0 điểm)

Câu 4. Qua văn bản, anh/chị hãy nhận xét về vẻ đẹp của người nghệ nhân cắt bóng? (1,0 điểm)

Câu 5. Từ nội dung văn bản, hãy rút ra bài học có ý nghĩa nhất với anh/chị? Lí giải? (1,0 điểm)

PHẦN VIẾT( 6,0 điểm)

Câu 1(2,0 điểm): Viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ hình ảnh thơ trong đoạn thơ sau:

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.”

                                   (Vội vàng – Xuân Diệu)

Câu 2 (4,0 điểm):

          Viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết của nỗi ân hận đối với mỗi người

 

— HẾT—

 ĐÁP ÁN:

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
1 Ngôi kể của người kể chuyện: ngôi thứ nhất 0,5
2 Nghệ nhân cắt hình bóng đã sử dụng kỹ thuật và quan sát để tạo ra hình cắt bóng chân dung:

– Nghệ nhân đã áp dụng sự kết hợp giữa kỹ thuật điêu luyện và quan sát tinh tế để tạo ra hình cắt bóng chân dung.

– Ông chăm chú quan sát khách hàng chỉ trong vài giây để nắm bắt được đường nét và thần thái, sau đó sử dụng kỹ năng cắt giấy chuyên nghiệp của mình.

– Nghệ nhân nhấn mạnh rằng, để tạo ra một tác phẩm có hồn, không chỉ kỹ thuật là quan trọng mà việc quan sát và hiểu được thần thái của người đó cũng rất cần thiết.

0,5
3  – Ý nghĩa của hình ảnh một vành trăng khuyết và mấy ngôi sao lấp lánh trong hình cắt bóng chủ đề bóng tối mà người nghệ nhân cắt bóng dành tặng cho anh bạn trong văn bản trên:

+ Thể hiện tài năng quan sát và nắm bắt tâm trạng của người nghệ nhân với khách hàng. Ông muốn tạo ra một tác phẩm phản ánh không chỉ diện mạo bên ngoài mà còn cả trạng thái nội tâm của họ.

+ Ẩn chứa lời khuyên của người nghệ nhân dành cho anh bạn: mỗi khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, u buồn hãy biết hướng về phía ánh sáng.

1,0
4 Thí sinh thể hiện suy nghĩ của cá nhân. Có thể diễn đạt theo các cách khác nhau. Sau đây là một vài gợi ý:

– Vẻ đẹp của cái tài: là người nghệ nhân tài hoa, điêu luyện, khéo léo:  kĩ thuật phong phú; đôi bàn tay lưu loát phóng khoáng, tự do; những nhát cắt dứt khoát, linh động, hình cắt bóng sống động tạo ra nhanh chóng chỉ mất hai ba phút; biết nắm bắt thần thái của sự vật, hiện tượng, con người.

– Vẻ đẹp của cái tâm:

+ Là người yêu nghề, tận tâm, chuyên tâm với nghề: ông gắn bó với nghề đã hai mươi năm, làm vì yêu thích, say mê; chịu khó quan sát học hỏi

+ Là người có tâm hồn tinh tế, hiểu thấu tâm lý khách hàng: ông tinh tế trong những đường nét cắt bóng, tinh tế trong việc hiểu thấu tâm hồn khách hàng, làm khách hàng luôn có sự hài lòng…

à Cái tài và cái tâm luôn có sự thống nhất trong phẩm chất của người nghệ nhân cắt bóng

1,0
5 – Học sinh được tự do rút ra bài học, miễn là tích cực và liên quan đến nội dung đoạn trích. Tham khảo:

+ Bài học về sự chuyên tâm trong nghề, tình yêu với nghề

+ Bài học về sáng tạo

+ Bài học về cách quan sát, học hỏi

+ Bài học về niềm tin, về cách vượt qua u buồn, bi quan…

– Học sinh đưa ra cách lý giải hợp lí, thuyết phục, phù hợp với chuẩn mực đạo đức

1,0
II   VIẾT

 

6,0
1 Viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ hình ảnh thơ trong đoạn thơ bài “Vội vàng” – Xuân Diệu.

 

2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hay song hành. 0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: hình ảnh thơ trong đoạn thơ bài “Vội vàng” – Xuân Diệu. 0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận. Sau đây là một số gợi ý:

– Hình ảnh thơ:

+ Gần gũi, thân quen (nắng gió, hoa lá, ánh sáng, âm thanh); tươi đẹp, tràn đầy sức sống, niềm vui (đồng nội xanh rì, cành tơ phơ phất, thần vui gõ cửa…); tình tứ, quyến rũ (ong bướm, tuần tháng mật, ngon như một cặp môi gần…)

® Thiên nhiên được diễn đạt bằng những hình ảnh mới lạ; ngôn từ gợi cảm, tinh tế với nhiều biện pháp tu từ đặc sắc (nhân hóa, so sánh, điệp ngữ…)

 

0,5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận, đặc điểm của hình ảnh thơ thể hiện trong đoạn trích bài thơ “Vội vàng”.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục, lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

0,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
2 Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/ chị về sự cần thiết của nỗi ân hận đối với mỗi người 4,0
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội 0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: sự cần thiết của nỗi ân hận đối với mỗi người 0,5
3. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ bài viết

– Xác định được ý chính của bài viết

– Triển khai các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận

* Triển khai vấn đề nghị luận:

– Giải thích: Ân hận là trạng thái của con người cảm thấy có lỗi về hành động, việc làm hoặc suy nghĩ của mình mà mình cho là không đúng; có khi cảm thấy đau khổ, dằn vặt, cắn rứt lương tâm khi thấy mình có lỗi.

– Thể hiện quan điểm của người viết: Cần thiết có nỗi ân hận ở mỗi con người

·        Bất cứ ai cũng có thể phạm sai lầm, khi phạm sai lầm thì nỗi ân hận giúp con người nhìn nhận lại bản thân, có những bài học cho bản thân.

·        Giúp con người hoàn thiện bản thân (nhận thức điều xấu, hướng tới điều tốt)

·        Thúc đẩy hành động tích cực để sống tốt hơn

– Mở rộng, trao đổi quan điểm trái chiều để có cái nhìn toàn diện

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân và rút ra bài học cho bản thân

1,0
  d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất 2 luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và bằng chứng

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ

0,5
Tổng điểm 10

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *