Đề minh hoạ môn văn theo cấu trúc thi tốt nghiệp 2025, đề số 63

ĐỀ THAM KHẢO THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ GD&ĐT

 PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Kate McWilliams đã bắt đầu học lái máy bay vào năm 13 tuổi. 16 tuổi, cô có chuyến bay một mình đầu tiên. 19 tuổi, Kate tham gia khóa đào tạo phi công của CTC Aviation tại Southampton. 21 tuổi, cô trở thành cơ phó của hãng hàng không giá rẻ EasyJet. 5 năm sau, cô là cơ trưởng lái máy bay dân dụng trẻ nhất thế giới sau khi vượt qua khóa đào tạo chỉ huy của hãng này.

Kate cho biết hàng ngày, nhiều nhân viên tổ bay và cả hành khách đều hỏi tuổi của cô. Tình huống này hiếm khi xảy ra khi cô còn là cơ phó. tất cả đều bất ngờ với những thành tựu cô gái đến từ Carlisle (Anh) đạt được ở tuổi 26. “Cá nhân tôi không nghĩ tuổi tác là vấn đề. Tôi cũng trải qua những khóa huấn luyện, đào tạo chỉ huy như bao cơ trưởng khác. Vì thế, tôi đã chứng minh rằng năng lực của bản thân không phụ thuộc vào độ tuổi”, Kate chia sẻ trên Daily Mail.

Trong số những phi công lái máy bay thương mại trên thế giới, phái nữ chỉ chiếm 5%. Năm ngoái, EasyJet tuyên bố sẽ tăng tỉ lệ nữ phi công của hãng này lên 12% trong  hai năm. Số lượng nữ phi công quá ít khiến Kate từng không dám mơ đến công việc này, đồng thời cũng không biết học hỏi kinh nghiệm từ ai để theo đuổi ước mơ.

Hiện nay, Kate sống ở Reigate, hạt Surrey và làm việc tại sân bay Gatwich. Cô từng lái máy bay Airbus A319 và A320 tới hơn 100 địa điểm, bao gồm các thành phố Reykjavik, Tel Aviv, và Marrakesh.

(Nguồn:http://news.zing.vn/co-gai-26-tuoi-tro-thanh-nu-co-truong-tre-nhat-the-gioi-post685227.html)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):

Câu 1. Xác định nội dung chính của đoạn văn bản trên?

Câu 2. Trong văn bản trên,  Kate McWilliams đã đạt được những thành tựu nào khi cô ở độ tuổi 26?

Câu 3. Theo anh/chị, tác giả có dụng ý gì khi đưa ra những thông tin “Trong số những phi công lái máy bay thương mại trên thế giới, phái nữ chỉ chiếm 5%. Năm ngoái, EasyJet tuyên bố sẽ tăng tỉ lệ nữ phi công của hãng này lên 12% trong  hai năm.”

Câu 4. Những thành tựu mà Kate McWilliams đạt được đã khẳng định điều gì?

Câu 5. Thông điệp có ý nghĩa mà văn bản gửi đến cho anh/ chị là gì? Vì sao?

PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Hãy viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ), trình bày quan điểm của anh/chị về cách nhìn còn thiển cận đối với nữ giới trong xã hội hiện nay?

Câu 2. (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Nhà nghèo

-Tô Hoài-

Họ thường cãi nhau vì những cớ rất nhỏ nhen, không có nghĩa. Cái đó cũng đã thành một thói quen. Lúc nào họ ngứa miệng, muốn to tiếng, là to tiếng liền. Hàng xóm bốn bên bị nghe chán cả tai, không buồn nghe nữa.

Cũng như thế, hôm nay hai vợ chồng anh Duyện cãi nhau làm ầm lên. Ðầu tiên, có gì đâu! Khốn nạn, câu chuyện rắc rối chỉ chớm như thế này:

Anh Duyện thì nằm trong nhà, ghếch hai chân lên cột, ư ử mấy câu Kiều lẩy: Trăm năm trong cõi người ta. Chữ tài chữ mệnh mấy là ghét nhau. Anh ngâm đương có hứng. Cái cột nhà rung lạch cạch với hai bàn chân. Chị Duyện ngồi đụp áo ngoài sân. Bỗng nhiên, không hiểu việc gì, chị ta muốn tìm cái Gái. Trông ngoài đầu ngõ không có…

Lược một đoạn: Chị Duyện ra sức gọi con những chả tháy con đâu. Chồng chị- anh Duyện- đang có hứng ngâm vịnh mấy câu mà bị làm phiền nên nổi nóng mắng vợ. Họ cãi nhau to, họ mang những nhược điểm của nhau ra mà chê bai, chế giễu. Càng ngày, họ cãi nhau càng to…

Bữa nay, hai vợ chồng cãi nhau, thì chúng (ba đưa con- cái Gái, thằng Cẳng, thằng Chân) đi chơi vắng. Nhưng đến lúc cơn bão cãi nhau nổi hăng chúng ở đâu lù lù dẫn nhau về. Con Gái cõng thằng Chân. Thằng bé ngất ngưởng ngủ, ngoẹo một bên đầu, dãi và nước mũi chảy lòng thòng. Thằng Cẳng chập chững đi sau lưng chị. Nó giả cách đương làm quan. Cầm cái roi lá nó cứ phết đen đét vào cánh tay chị Gái, và chửi rầm rĩ. Nhưng vào đến trong sân, nghe tiếng bố mẹ nói to, Gái đứng yên mà Cẳng thì tưng hửng, Chỉ có thằng Chân vẫn ngủ khò khè. Lúc ấy, cáu quá anh Duyện vừa nói nặng vợ một câu…

(Lược một đoạn: hai vợ chồng nhà anh Duyện cãi nhau to. Đúng lúc ấy, ba đứa con của anh chị dẫn nhau về. Chúng sợ hãi, khóc rồi cùng mẹ chạy ra ngõ khi bố của chúng dọa giết cả mấy mẹ con.

Đầu hè, có những trận mưa rào. Mọi người, mọi nhà đua nhau đi bắt nhái. Nhà anh Duyện cũng thế. Và, mọi giận dữ của cuộc cãi vã đã không còn. Họ cùng nhau tranh thủ cơ hội để cải thiện cho bữa cơm chiều)

Chị Duyện gặp cái Gái. Nó giơ giỏ lên khoe với u. Cái giỏ đã được lưng lửng. Ở trong nhái xô nhau oe oé. Con Gái nhe hai hàm răng sún đen xỉn, cười toét. Rồi nó lại lư mư vác giỏ xuống một vệ ao gần đấy. Trong khi mẹ nó tất tả đi ra miệt đầu đình. Gái rón rén bước. Nó vạch xem từng ngọn cỏ. Những cây cỏ nước xanh om, vươn cao ngọn, lòa xòa cứa vào người, khiến nó ngứa ngáy khó chịu. Nhưng mỗi lần túm hoặc vồ được một chú nhái bẻ gẫy hai chân sau bỏ tót vào giỏ, thì nó lại cười tủm một mình. Nó lần theo vệ ao, khuất sau mấy rặng dứa dại lởm chởm. Nhái nhẩy lõm bõm xuống nước. Những chòm dứa xòe những cẳng tay gai góc ra xung quanh.

Cuộc bắt nhái đã vãn. Ai nấy ra về. Anh Duyện xách giỏ về trước. Thứ đến chị Duyện. Thằng Chân và thằng Cẳng phải tù trong gầm phản đang khóc be be. Chị Duyện đưa cái giỏ nhái của mình cho chồng rồi chạy lại giỡ gạch, bế hai đứa con ra. Chị nựng con cho chúng nín. Anh Duyện ngồi ngẩn ngơ nhìn hai giỏ nhái. Nét mặt anh đờ đẫn. Có lẽ anh đương tưởng tượng đến bữa nhắm thú vị chiều nay.

Lược một đoạn: Vợ chồng anh Duyện đã về nhà sau cuộ cùng bà con lối xóm đi bắt nhái sau mưa. Nhưng cái Gái, con gái đầu của anh chị, chưa về. Chị Duyển nhỏ nhẹ hỏi chồng và mong muốn anh Duyện đi gọi con về… Vừa đi, anh vừa lẩm bẩm mắng yêu con…

… Anh Duyện lội xuống bờ ao nhà ông cả Tràng, về phía có nhiều cây dứa dại, thì anh trông thấy cái Gái. Nhưng anh thấy cái Gái nằm gục trên cỏ, hai tay ôm khư khư cái giỏ nhái. Lưng nó trần xám ngắt. Chân tay nó co queo lại. Vừa lúc ấy, miệng nó ngoáp ngoáp mấy cái; đôi mắt lộn lòng trắng lên mấy lần. Rồi nhắm hẳn. Chân tay nó duỗi ra. Con bé giẫy chết rồi.

Người bố nhìn đứa con giẫy chết rú lên một tiếng quái gở. Tuy cuống lắm, nhưng anh cũng còn nhìn thấy ở ngay bên vệ ao trên lớp bùn phẳng mới nguyên một lối bò dài như cái sào lúa còn hằn lại.

Duyện cúi lay xác con bé. Anh nghĩ chợt rằng bấy lâu nó vào cửa vợ chồng anh, cực khổ trăm đường. Trong người nó có bao nhiêu xương sườn, giơ hết cả ra. Thương ơi! bây giờ nó bỏ nó đi. Hai hàng nước mắt nhỏ ròng ròng. Anh ghé vai, xốc con bé lên. Hai tay nó còn mềm hơi nóng. Nhưng hai chân đã cứng nhẵng. Anh cõng xác con, chạy về.

Tô Hoài, Bến Ray, Tháng Chạp 1942

Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ), phân tích, đánh giá về nội dung và nghệ thuật đặc sắc của đoạn trích trên.

===HẾT===

Vài nét về nhà văn Tô Hoài

Tô Hoài là một trong những tên tuổi lớn của văn học hiện đại Việt Nam. Ông tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27 tháng 9 năm 1920 tại quê ngoại là làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ (nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) trong gia đình có truyền thống làm giấy dó. Đây cũng là nơi ông sinh sống và gắn bó suốt những năm tháng ấu thơ cho đến lúc trưởng thành.

Những sáng tác đầu tay của Tô Hoài được đăng trên Hà Nội tân văn và Tiểu thuyết thứ bảy đã nhanh chóng được bạn đọc đương thời chú ý. Ông sớm khẳng định được vị trí của mình bằng một loạt tác phẩm độc đáo, đặc sắc như: Con dế mèn (sau này viết bổ sung và đổi tên thành Dế Mèn phiêu lưu ký), Quê người, O chuột, Trăng thề, Nhà nghèo

Bên cạnh những mảng sáng tác trên, Tô Hoài còn viết rất nhiều tác phẩm cho thiếu nhi và rất thành công. Ngoài Dế Mèn phiêu lưu ký nổi tiếng.

Tô Hoài đã đạt nhiều giải thưởng sáng tác như Giải Nhất của Hội Văn nghệ Việt Nam (1956, Truyện Tây Bắc); Giải A − Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội (1970, tiểu thuyết Quê nhà); Giải thưởng của Hội Nhà văn Á − Phi (1970, tiểu thuyết Miền Tây); Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt 1, năm 1996) và Giải thưởng Bùi Xuân Phái −Vì tình yêu Hà Nội (năm 2010). Tác phẩm của Tô Hoài đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và giới thiệu tại nhiều quốc gia như Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ba Lan, Séc, Đức, Bungari, Cu Ba, Mông Cổ, Nhật Bản …

 

ĐÁP ÁN- BIỂU ĐIỂM

Phần Câu Đáp án Điểm
I ĐỌC- HIỂU 4,0
  1 Nội dung chính của văn bản: Kể về tấm gương của cô gái trẻ Kate McWilliams , mới 26 tuổi mà đã là cơ trưởng lái máy bay dân dụng trẻ nhất thế giới. 0,5
  2 Ở độ tuổi 26, Kate dã đạt được những thành tựu:

– 21 tuổi trở thành cơ phó của hãng hàng không giá rẻ EasyJet,

– 26 tuổi là cơ trưởng lái máy bay dân dụng trẻ nhất thế giới.

0,5
  3 Tác giả có dụng ý gì khi đưa ra những thông tin “Trong số những phi công lái máy bay thương mại trên thế giới, phái nữ chỉ chiếm 5%. Năm ngoái, EasyJet tuyên bố sẽ tăng tỉ lệ nữ phi công của hãng này lên 12% trong  hai năm.”

– Chứng minh cho hiện thực có rất ít phái nữ là phi công,

– Thể hiện sự thay đổi về cái nhìn về khả năng của phái nữ trong công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới: lái máy bay.

1,0
  4 Những thành tựu mà Kate McWilliams đạt được đã khẳng định:

– Không có việc gì mà phụ nữ không làm được

– Khẳng định sự bình đẳng giữa nam- nữ trong công việc

– Xóa bỏ quan niệm trọng nam, khinh nữ…

– Khi có đam mê và quyết tâm, khi được tạo điều kiện để phát triển bản thân, nữ giới cũng đạt được thành tựu không kém nam giới… (Lưu ý: HS có thể đưa ra những ý kiến khác, thuyết phục, vẫn cho điểm bình thường)

1,0
  5 HS có thể đưa ra thông điệp/ bài học khác nhau, có lý giải hợp lý (không vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật)

Có thể đưa ra những bài học sau:

– Có lòng đam mê và quyết tâm là có thể đạt được thành công.

– Đừng coi thường phụ nữ, họ có thể làm được bất cứ việc gì mà họ muốn,

– Bình đẳng giới thể hiện trong đam mê, khát vọng của Kate, người nữ cơ trưởng trẻ nhất thế giới.

– Hãy tạo điều kiện cho nữ giới để họ được học tập, rèn luyện, phát huy năng lực của bản thân và cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng, xã hội…

1,0
II VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn ( khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm về cách nhìn còn thiển cận đối với nữ giới trong xã hội hiện nay. 2.0
    a. Xác định được yêu cầu hình thức, dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.

HS có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng- phân-hợp…

0,25
    b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Quan điểm về cách nhìn còn thiển cận đối với nữ giới trong xã hội hiện nay 0,25
    c. Đề xuất hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

– Dẫn dắt, nêu vấn đề nghị luận: Quan điểm về cách nhìn còn thiển cận đối với nữ giới trong xã hội hiện nay.

– Nêu cách nhìn về nữ giới hiện nay: chưa thực hiện bình đẳng nam- nữ.

+ Nữ thì yếu đuối, chỉ làm những công việc nhẹ nhàng, không hoặc ít áp lực,

+ Nữ giới thì lo việc gia đình, con cái…

– Bình luận ( bày tỏ quan điểm) về cách nhìn còn thiển cận đối với nữ giới trong xã hội hiện nay.

+ Không đồng tình với cách nhìn còn thiển cận đối với nữ giới trong xã hội hiện nay.

+ Phân biệt đối xử, coi thường, không tin tưởng vào khả năng của nữ giới,

+ Không tạo điều kiện hoặc yêu cầu khắt khe với nữ giới trong công việc khiến họ không phát huy được khả năng, không đóng góp được cho cộng đồng, xã hội,

+ Tỉ lệ chênh lệch giữa nam-nữ trong nhiều ngành nghề (trừ một số ngành đặc thù)

+ Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều tấm gương nữ thành đạt trong cuộc sống và công việc ( HS có thể lấy dẫn chứng về tấm gương tiêu biểu trên thế giới hoặc ở Việt Nam như: Bà Nguyễn Thị Bình (Cựu Phó chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;  Bà Tôn Nữ Thị Ninh-người nhiều hộ chiếu nhất Việt Nam…

0,5
    d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác nghị luận: giải thích, bình luận kết hợp với các phương thức biểu đạt để làm rõ quan niệm về “cách nhìn còn thiển cận đối với nữ giới trong xã hội hiện nay”.

– Trình bày rõ quan điểm bằng hệ thống các ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng.

0,5
    đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp Tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,25
    e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cáh diễn đạt mới mẻ

0,25
  2 Viết bài văn (khoảng 600 chữ), phân tích, cảm nhận của anh/ chị về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích trên. 4,0
    a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận văn học (về tác phẩm truyện/ đoạn trích trong tác phẩm truyện) 0,25
    b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: nội dung và nghệ thuật của đoạn trích

– Nội dung: Cái nghèo đã khiến cho gia đình anh Duyện xảy ra những chuyện buồn phiền.

– Nghệ thuật:

0,5
    c. Đề xuất được hệ thống các ý hợp lý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết.

* Xác định được các ý chính của bài viết

* Sắp xếp các ý hợp lý theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:

– Dẫn dắt và nêu vấn đề nghị luận

+ Giới thiệu vài nét về nhà văn Tô Hoài, truyện ngắn “Nhà nghèo”.

+ Nêu nội dung cần nghị luận: Cái nghèo đã khiến cho gia đình anh Duyện xảy ra những chuyện buồn phiền đã được nhà văn Tô Hoài kể lại bằng giọng văn giàu cảm xúc và có nhiều chi tiết bất ngờ…

– Triển khai vấn đề nghị luận

+ Về nội dung

++ Đoạn trích phản ánh tình cảnh nghèo khó của gia đình anh Duyện, tiêu biểu cho những gia đình ở nông thôn Việt Nam  trước Cách mạng tháng 8 năm 1945. (Tóm tắt đoạn trích, chú ý các chi tiết miêu tả cảnh nhà nghèo…)

ü  Vợ chồng anh Duyện vì nghèo mà mãi đến khi đã đứng tuổi xế muộn chợ chiều”  mới có duyên gặp gỡ,

ü  Cuộc sống túng thiếu kiểu giật gấu vá vai khiến họ luôn lo lắng cho những bữa ăn mỗi ngày. Anh Duyện nghỉ làm có 1 ngày mà chị vợ cạnh khóe,…

ü  Họ cãi cọ nhau cũng chỉ vì nghèo khó, họ to tiếng với nhau, thậm chí chồng vác dao dọa giết cả vợ, con cũng là do cái nghèo, cái khó mà ra.

ü  Vì nghèo mà hình hài của cái Gái, đứa con xấu số của gia đình anh ám ảnh tâm trí người đọc bao nhiêu xương sườn, giơ hết cả ra”…

++ Thể hiện sự đồng cảm, xót thương cho những thân phận, những cuộc đời bị cái nghèo vây bám (Vợ chồng anh Duyện, cái Gái)…

+++ Vợ chồng anh Duyện vì không có việc làm thường xuyên nên cuộc sống của họ bấp bênh,

ü  Nhà lại đông con (3 đứa), trứng gà trứng vịt, có miệng ăn những chưa làm được để giúp bố mẹ,

ü  Trận mưa rào là cơ hội để vợ chồng anh Duyện cải thiện bữa ăn cho gia đình. Mọi mâu thuẫn đã tan biến khi họ cùng nhau ra đồng bắt nhái…

+++ Cái Gái, con gái lớn của vợ chồng anh Duyện, tuy chưa biết làm nhiều việc nhưng cũng biết chăm sóc các em, cùng góp sức với bố mẹ lo cho cuộc sống của gia đình.

ü  Gái chăm các em rất khéo: cõng em đi chơi, dỗ dành em cho mẹ yên tâm làm việc,

ü  Thấy bố mẹ cãi nhau, Gái cùng các em quan sát. Và khi bố nổi nóng, Gái cõng em cùng mẹ chạy ra ngoài đường,

ü  Sau trận mưa rào, Gái để hai đứa em ở gầm phản, chặn cho kỹ rồi xách giỏ ra đồng,

ü  Bắt được chú nhái, Gái cười tủm tỉm như tự thưởng cho bản thân. Hình ảnh, Gái nhe hàm răng sún, cười khoe với mẹ về cái giỏ nhái đã “lưng lửng” khiến ta cảm nhận được niềm vui, niềm tự hào của Gái vì đã góp phần khiến cho bữa cơm chiều của gia đình thêm ấm áp.

ü  Niềm vui của Gái đã không thực hiện được khi em bị rắn cắn và giỏ nhái vẫn được ôm chặt trước ngực (HS cần đánh giá kỹ hơn về chi tiết này)

Đánh giá chung: Qua đoạn trích, nhà văn Tô Hoài không chỉ phản ánh tình cảnh thê  thảm của một gia đình nông dân nghèo ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng 8 mà còn thể hiện tấm lòng đồng cảm, xót thương đối với những thân phận, những cuộc đời bị cái nghèo vây hãm. Họ thật đáng thương.

+ Về nghệ thuật

++ Truyện được kể ở ngôi thứ 3 với điểm nhìn từ bên ngoài nên các sự việc được kể đều mang tính khách quan, chân thực, thể hiện con mắt quan sát kỹ lưỡng, tỉ mỉ của nhà văn. Câu chuyện được kể theo trình tự thời gian (hiện tại có sự kết hợp, lồng ghép với quá khứ) khiến câu chuyện hấp dẫn, người đọc hiểu rõ hơn về cảnh nghèo của các nhân vật.

++ Với ngôi kể thứ 3 và điểm nhìn từ bên ngoài, nhà văn đã miêu tả chân thực và cảm động hoàn cảnh ngheo khó của vợ chồng anh Duyện. Vì nghèo mà họ đến với nhau khi đã quá thì, cùng nhau xây dựng tổ ấm hạnh phúc, dù có những lúc cãi vã, xung đột…

++ Ngôn ngữ kể chuyện giản dị, gần gũi với đời sống, từ ngữ giàu tính hình tượng, biểu cảm khiến nhân vật và tính cách nhân vật hiện lên vừa chân thực, vừa sinh động:

+++ Anh Duyện: nghèo, có tật ở lưng, chăm chỉ làm ăn, lo cuộc sống cho vợ con nhưng lại cục cằn, nóng nảy…

+++ Chị Duyện: nghèo, cũng có tật ở chân, cũng yêu thương chồng con nhưng lại mắc cái bệnh nói nhiều, hay lu loa…

+++ Cái Gái: hiểu chuyện, biết thương bố, mẹ, cùng bố, mẹ chăm lo cho tổ ấm gia đình…

++ Kết thúc không có hậu để lại trăn trở trong lòng người: cái Gái bị rắn cắn khi đi bắt nhái và tiếng rú quái gở của người cha… là biểu hiện cho nỗi đau xé lòng. Vì nghèo mà cái Gái đã chết thê thảm, chết mà chưa kịp thưởng thức thành quả lao động của bản thân…

+ Thông điệp mà nhà văn gửi đến người đọc: Hãy trân trọng cuộc sống hiện tại, hãy biết cảm thông với những thân phận, những mảnh đời nghèo khó, bất hạnh. Hãy hành động vì một cộng đồng hạnh phúc…

– Khẳng định giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật, phong cách viết truyện của Tô Hoài, bài học được rút ra từ đoạn trích.

1,0
    d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

–  Triển khai được những luận điểm về nội dung (2 luận điểm) và ít nhất 3 luận điểm về nghệ thuật ( ngôi kể; lời kể/ ngôn ngữ kể chuyện; nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật)…

– Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp với từng luận điểm, kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa lí lẽ và bằng chứng.

Lưu ý: Bám sát ngữ liệu trong đề bài.

1,5
    đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, viết câu, liên kết văn bản

0,25
    e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cáh diễn đạt mới mẻ

0,5
Tổng điểm   10,0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *