ĐỀ THAM KHẢO THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ GD&ĐT
PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
Dấu người đi là đá mòn,
Đường hoa vướng vất trúc luồn.
Cửa song dãi xâm hơi nắng,
Tiếng vượn kêu vang cách non1.
Cây rợp tán che am2 mát,
Hồ thanh nguyệt3 hiện bóng tròn.
Rùa nằm hạc lẩn nên bầy bạn,
Ủ ấp cùng ta làm cái4 con.
(Ngôn chí số 20, Nguyễn Trãi, theo https://www.thivien.net)
Chú thích:
non1: núi; am2: nhà tranh ở nơi vắng vẻ, thường là nơi ở của bậc ẩn sĩ. nguyệt3: trăng; cái4: từ cổ, nghĩa là mẹ.
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. (0,5 điểm) Trong bốn dòng thơ đầu của bài thơ, tác giả nhắc đến âm thanh nào?
Câu 2. (0,5 điểm) Chỉ ra những hình ảnh thiên nhiên trong bốn dòng thơ cuối của bài thơ.
Câu 3. (1,0 điểm) Nhận xét về đặc điểm ngôn từ của bài thơ.
Câu 4. (1,0 điểm) Nêu nội dung của hai dòng thơ sau:
Rùa nằm hạc lẩn nên bầy bạn,
Ủ ấp cùng ta làm cái con.
Câu 5. (1,0 điểm) Từ nội dung bài thơ, anh/ chị suy nghĩ gì về vai trò của thiên nhiên đối với đời sống của con người?
PHẦN VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ đặc điểm của nhân vật sử thi trong đoạn trích sau:
Ramayana là câu chuyện về những kì tích của hoàng tử Ra-ma, hoàng tử trưởng của nhà vua Đaxaratha. Do lòng đố kị của thứ phi Kakêi, Rama đã bị lưu đày trong rừng sâu cùng vợ (Gianaki) và em trai. Tên Ravana (Quỷ vương của loài Răksaxa) xấu xa đã bắt cóc vợ chàng khi Rama đi vắng. Rama đã vượt mọi hiểm nguy đến chiến đấu với Ravana để cứu người vợ yêu quý của mình. Đoạn trích dưới đây kể về cuộc giao chiến giữa Ravana và Rama.
Rama lại bắn tiếp những mũi tên vào những con tuấn mã của Ravana và chọc thủng trán của Ravana. Bị thương khắp mình, máu tuôn lênh láng, Ravana nhiều đầu nhiều tay nom như cây Axôka nở hoa.
Giận dữ, tức tối, hắn lấy cây cung và bắn xối xả vào Rama, như mưa trút rào rào xuống mặt hồ. Nhưng Rama vẫn đứng hiên ngang không động thân, như một ngọn núi, gạt rơi mọi mũi tên bắn vào chàng. Ravana tay đưa thoăn thoắt đánh vào cạnh sườn Rama bằng những mũi tên lấp lánh như ánh mặt trời. Chàng bị thương, nom như một cây Kjaxuka nở hoa, và trong cơn điên giận, chàng sáng rực rỡ, không ai có thể thấy được chàng, chẳng khác mặt trời chói lòa vào kỳ tận thế.
Rồi Rama nói với Ravana trong cơn điên giận, “Hỡi cái gã tệ mạt nhất trong loài Răksaxa kia! Nghe đây! Mi đã bắt người vợ yếu đuối của ta đưa đi khỏi Gianaxthana mà không nghĩ tới những hậu quả của việc mi làm, vì lí do đó, mi sẽ bị tiêu diệt. Mi đã bắt cóc Gianaki khi nàng đang ở trong rừng, hoàn toàn không có ai giúp đỡ, và vì cái đó mà mi tự coi như một vị anh hùng! Mi đã xử sự như một thằng hèn nhát đối với một phụ nữ mà chồng vắng nhà, ấy thế mà mi tự cho mình là người dũng cảm! Hỡi kẻ vô liêm sỉ kia! Mi đã vi phạm con đường của đạo đức. Kiêu căng, hợm hĩnh mi đã đưa thần Chết vào trong lòng, và nghĩ rằng mi có thể được nàng chấp nhận […]. Giờ đây, mi sẽ phải gặt hái hậu quả những việc làm ngạo mạn của mi”.
[…]. Sau khi đã mắng nhiếc Ravana bằng những lời lẽ gay gắt đó, Rama lại bắn tên vào Ravana. Tất cả những bí mật của vũ khí và những bí quyết sử dụng nó, sống lại trong kí ức chàng: và càng hăm hở nhiệt tình, đôi tay chàng càng thêm nhanh thoăn thoắt. Nhận thấy được tất cả những dấu hiệu báo điềm lành đó trong bản thân mình, Rama bắn vào kẻ thù, ác liệt hơn, chắc tay hơn. Bị mũi tên của Rama bắn phải, bị những đá nhỏ, đá to của của quân Vanara ném trúng, Ravana đâm ra kiệt quệ, đuối sức.
(Trích Ramayana, Tập III, NXB Văn học, 1988, tr.210-211)
Câu 2. (4,0 điểm)
Cuộc sống của mỗi người đều phải đối mặt với những hoàn cảnh khác nhau, ứng xử như thế nào trước hoàn cảnh là lựa chọn của bạn.
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/ chị về cách ứng xử với hoàn cảnh của tuổi trẻ.
————————-HẾT————————-
ĐÁP ÁN
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 4,0 | |
1 | Âm thanh: Tiếng vượn kêu.
Hướng dẫn chấm: – Trả lời như đáp án: 0,5 điểm – Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm. |
0,5 | |
2 | Những hình ảnh miêu tả thiên nhiên: Cây rợp tán, Hồ thanh nguyệt hiện bóng tròn, Rùa nằm hạc lẩn. Hướng dẫn chấm: – Trả lời như đáp án: 0,5 điểm – Trả lời tương đương như đáp án, diễn đạt còn sơ sài: 0,25 điểm – Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm |
0,5 | |
3 | Đặc điểm ngôn từ của bài thơ: bình dị, gần gũi mà tinh tế, gợi cảm.
Hướng dẫn chấm: – Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm – Trả lời được 1 ý tương đương như đáp án: 0,5 điểm – Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm |
1,0 | |
4 | Nội dung của hai dòng thơ:
– Mối liên hệ gần gũi, gắn bó giữa con người và thiên nhiên bình dị mà thanh cao. – Tình yêu thiên nhiên, tấm lòng nâng niu tạo vật của tác giả. Hướng dẫn chấm: – Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm – Trả lời tương đương như đáp án được 1/2 số ý: 0,5 – 0,75 điểm – Trả lời tương đương như đáp án được 1/3 số ý: 0,25 – 0,5 điểm – Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm. |
1,0 | |
5 | Vai trò của thiên nhiên đối với đời sống của con người:
– Thiên nhiên là tổng thể các yếu tố tự nhiên như sinh vật, các hiện tượng tự nhiên và môi trường xung quanh chúng ta. – Cung cấp không gian sống cho con người. – Cung cấp các điều kiện sống và tài nguyên để phục vụ cho đời sống và hoạt động kinh tế của con người. – Là nơi để con người nghỉ ngơi, giải tỏa căng thẳng, chữa lành tâm hồn. Hướng dẫn chấm: – Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm – Trả lời tương đương như đáp án 2 ý: 0,75 điểm – Trả lời tương đương như đáp án 1 ý: 0,5 điểm – Trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm. (Lưu ý: HS có thể có cách diễn đạt khác, miễn là lí giải hợp lí, thuyết phục thì vẫn cho điểm) |
1,0 | |
II | VIẾT | 6,0 | |
1 | Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ đặc điểm của nhân vật sử thi trong đoạn trích sử thi Ramayana. | 2,0 | |
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành. |
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Đặc điểm của nhân vật sử thi được thể hiện trong đoạn trích sử thi Ramayana. |
0,25 | ||
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý: Nhân vật Rama trong đoạn trích là một người anh hùng mang những phẩm chất lí tưởng: người chồng trách nhiệm, yêu thương vợ; người anh hùng có đạo đức, trọng danh dự, bổn phận, có bản lĩnh, tài năng; được yêu mến, quý trọng, ngưỡng mộ. – Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn. |
0,5 | ||
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: Đặc điểm của nhân vật sử thi được thể hiện trong đoạn trích sử thi Ramayana. – Trình bày rõ quan điểm hệ thống các ý. – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng. |
0,5 | ||
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn. |
0,25 | ||
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,25 | ||
2 | Cuộc sống của mỗi người đều phải đối mặt với những hoàn cảnh khác nhau, ứng xử như thế nào trước hoàn cảnh là lựa chọn của bạn.
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/ chị về cách ứng xử với hoàn cảnh của tuổi trẻ. |
4,0 | |
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội. |
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Cách ứng xử với hoàn cảnh của tuổi trẻ. | 0,5 | ||
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết
– Xác định được các ý chính của bài viết. – Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận: * Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề. * Triển khai vấn đề nghị luận: – Giải thích vấn đề nghị luận: hoàn cảnh: toàn thể nói chung những nhân tố khách quan có tác động đến con người hay sự vật, hiện tượng nào đó. – Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau: + Tuổi trẻ cần hiểu rõ hoàn cảnh của bản thân, từ đó có cách ứng xử đúng đắn, tích cực, phù hợp với hoàn cảnh. Vì: ++ Con người cũng như mọi sự vật, hiện tượng đều tồn tại trong một môi trường, hoàn cảnh tự nhiên, xã hội nhất định, ngẫu nhiên, không được lựa chọn; hoàn cảnh là yếu tố khách quan, độc lập, không chịu sự chi phối bởi mong muốn, ý chí của con người; hoàn cảnh luôn luôn biến đổi theo những chiều hướng phức tạp, khó lường. ++ Nếu hiểu rõ, biết cách ứng xử đúng đắn, tích cực, phù hợp với hoàn cảnh, con người sẽ: không sợ hãi cũng không chủ quan, bình tĩnh trước mọi biến động của hoàn cảnh; sống lạc quan, có chủ kiến, không a dua theo số đông; lan tỏa tinh thần, thái độ, năng lượng sống tích cực cho mọi người xung quanh; góp phần tạo nên môi trường thông tin, môi trường xã hội trật tự, an toàn, lành mạnh. ++ Ngược lại, nếu không hiểu biết, ứng xử sai lệch, không phù hợp với hoàn cảnh, con người sẽ: dễ tổn thương về tinh thần, tổn hại về vật chất; sống thiếu thực tế theo hướng bảo thủ hoặc mơ mộng hão huyền; không phát huy được năng lực của bản thân dẫn đến thất bại trong cuộc sống; gây hoang mang dư luận, khiến đời sống xã hội trở nên phức tạp hơn. – Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện. * Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân. |
1,0 | ||
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân. – Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận. – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng. Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. |
1,5 | ||
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản. |
0,25 | ||
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,5 | ||
Tổng điểm | 10,0 |