Đề kiểm tra học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11 có đáp án

Trường TH,  THCS và THPT                                        ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ 2 ( 2017 – 2018 )
      TRƯƠNG VĨNH KÝ                                                    Môn:  VĂN –  Khối: 11
                                                                                            Thời gian làm bài:  90   phút
(Đề thi gồm 2 trang)
 
Họ và tên học sinh: …………………………………………………………………….. Lớp: …………………….
 PHẦN ĐỌC – HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 4:
 Các chuyên gia y tế cảnh báo, ngày càng có nhiều trường hợp trầm cảm do nghiện điện thoại, trò chơi game, đặc biệt là nghiện facebook đến mức phải nhập viện điều trị.    
 Trước tình hình ngày càng có nhiều bạn trẻ “nghiện Facebook”, thậm chí gần đây ngày càng có nhiều người mắc bệnh trầm cảm phải điều trị tại bệnh viện tâm thần, Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Nghiện Facebook” là dành quá nhiều thời gian sử dụng Facebook, làm ảnh hưởng đến các hoạt động trong cuộc sống như làm việc, học tập hoặc duy trì mối quan hệ thật với bạn bè, gia đình và người xung quanh. Lứa tuổi “nghiện Facebook” thường ở lứa tuổi trẻ như học sinh, sinh viên.
  Hiện nay, chưa có nghiên cứu về thuốc đặc trị hiệu quả đối với “nghiện Facebook”. Các bệnh nhân chỉ có thể dùng thuốc khi có các bệnh đồng diễn, hậu quả của “nghiện Facebook” gây nên như mất ngủ, trầm cảm… Khi “nghiện Facebook”, bệnh nhân có thể mất ngủ, nghèo nàn các kỹ năng xã hội, giảm sút các mối quan hệ thật do sống ảo; hiệu suất công việc, học tập giảm; có thể dẫn đến sử dụng ma túy, chất kích thích…
[…] Bác sỹ Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Hà Nội) cũng cho biết, gần đây ngày càng có nhiều trường hợp trầm cảm do nghiện mạng xã hội, nghiện điện thoại, trò chơi game đến mức phải nhập viện. Người bệnh chỉ thích tập trung vào điện thoại, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài; nếu để lâu trên 6 tháng thì sẽ chuyển sang mãn tính và thời gian điều trị có thể kéo dài 3 – 5 năm… Chính vì thế, các gia đình cần quan tâm, chú ý đến con em hơn nữa để phát hiện sớm, can thiệp kịp thời.
(Theo Tin Tức TTXVN – Thu Phương, 10/01/2018)
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản. (0,5 điểm)
Câu 2. Nêu ngắn gọn nội dung của văn bản. (0,5 điểm)
Câu 3. Chỉ ra và nêu hiệu quả của một biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn thứ ba. (1,0 điểm)
Câu 4. Từ văn bản trên, anh/chị rút ra bài học gì cho bản thân? (1,0 điểm)
PHẦN LÀM VĂN ( 7.0 ĐIỂM)
Câu 1 (3,0 điểm)
Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về hiện tượng lãng phí thời gian vào những thứ vô bổ trong đó có Facebook đang phổ biến ở các bạn trẻ hiện nay.
Câu 2 (4,0 điểm)
Phân tích hai khổ thơ sau trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mặc Tử để làm rõ nét đẹp của phong cảnh thiên nhiên và tâm trạng của nhà thơ:
            Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
                           Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
                           Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
                           Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
 
                           Gió theo lối gió, mây đường mây
                           Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
                           Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
                           Có chở trăng về kịp tối nay?
                                               
                              (Theo Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.39)          
——–HẾT———
ĐÁP ÁN VĂN 11, HỌC KÌ 2, 2017- 2018
 
Câu 1
Phong cách ngôn ngữ báo chí
– Điểm 0,5: Trả lời đúng phương án trên
– Điểm 0,0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 2
Nội dung của đoạn trích: Hậu quả của việc nghiện Facebook – nghiện Facebook là nguyên nhân khiến con người bị trầm cảm.
– Điểm 0,5: Trả lời đúng phương án trên
– Điểm 0,25: Trả lời đúng ý trên nhưng diễn đạt chưa rõ ý hoặc còn vụng về
– Điểm 0,0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 3
Biện pháp tu từ Liệt kê: mất ngủ”, “nghèo nàn các kỹ năng xã hội”, “giảm sút các mối quan hệ thật do sống ảo”, “hiệu suất công việc, học tập giảm”, “có thể dẫn đến sử dụng ma túy, chất kích thích”.
– Điểm 0,5: Trả lời đúng phương án trên
– Điểm 0,25: Trả lời đúng tên biện pháp tu từ nhưng không nêu dẫn chứng
Tác dụng: Biện pháp tu từ Liệt kê nhằm nhấn mạnh và cụ thể hóa những hậu quả của việc nghiện Facebook.
– Điểm 0,5: Trả lời đúng phương án trên
– Điểm 0,0: Trả lời sai hoặc không trả lời
 Lưu ý: HS không xác định đúng biện pháp tu từ nhưng nêu đúng tác dụng vẫn không cho điểm.
Câu 4
 Việc lạm dụng Facebook gây ra những hậu quả khôn lường. Vì vậy, mỗi người cần có ý thức sử dụng Facebook hợp lí, khoa học.
– Điểm 1,0: Trả lời đúng phương án trên
– Điểm 0,5: Trả lời đúng một trong hai ý trên
– Điểm 0,0: Trả lời sai hoặc không trả lời
PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
1.Câu 1 (3,0 điểm)
* Yêu cầu chung: Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc: diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (0,5 điểm)
Điểm 0,5: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
– Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết bài, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
– Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm)
Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Hiện tượng lãng phí thời gian đang phổ biến ở các bạn trẻ hiện nay.
– Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
– Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp: các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận): biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm):
– Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
– Giải thích và nêu hiện tượng:
+ Lãng phí thời gian là hiện tượng sử dụng thời gian không hợp lí, không đem lại những giá trị hữu ích cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội.
+ Biểu hiện của hiện tượng lãng phí thời gian ở các bạn trẻ: nhiều bạn trẻ để thời gian trôi qua một cách vô ích hoặc “giết thời gian” vào những thú vui vô bổ, không chú ý vào công việc, học tập;
– Phân tích chỉ ra nguyên nhân và tác hại của hiện tượng lãng phí thời gian:
+ Sống thiếu trách nhiệm với bản thân, không biết quý trọng thời gian, không biết đặt ra mục tiêu, kế hoạch hợp lí; Lười biếng, không chú tâm vào công việc, học tập, dễ bị sa ngã, cám dỗ trước các thú vui vô bổ…
+ Lãng phí thời gian là lãng phí nhiều cơ hội quý giá trong cuộc đời, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống, công việc;
– Liên hệ bản thân và đề xuất một vài giải pháp ngăn chặn hiện tượng tiêu cực này:
+ Nhận thức được giá trị của thời gian, mỗi bạn trẻ cần biết phân phối thời gian học tập, nghỉ ngơi, giải trí hợp lí.
+ Mỗi bạn trẻ cần hình thành mục đích sống đúng đắn, nỗ lực học tâp, rèn luyện bản thân.
– Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, phân tích, bình luận) còn chưa được đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
– Điểm 0,5: Đáp ứng được 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên
Điểm 00: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
Sáng tạo (0,5 điểm)
– Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 00: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Chính tả, dùng từ, đặt câu (0.5 điểm)
– Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Câu 2 (4,0 điểm)
* Yêu cầu chung: Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc, thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (0,5 điểm):
– Điểm 0,5: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết luận khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
– Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
– Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận; Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):
– Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích hai khổ thơ đầu trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của nhà thơ Hàn Mặc Tử
– Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
– Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp: Các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (2,0 điểm)
– Điểm 2,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
– Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm;
– Chọn lọc và phân tích những hình ảnh tiêu biểu để làm rõ vẻ đẹp đượm buồn của xứ Huế với cảnh thôn Vĩ bên dòng sông Hương êm đềm, thơ mộng và tâm trạng cô đơn của  nhà thơ- một con người tha thiết yêu đời, yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp, yêu sự  sống trong cảnh ngộ bất hạnh, hiểm nghèo.
– Phân tích những đặc sắc nghệ thuật của đoạn thơ: Câu hỏi tu từ, điệp từ, nhân hóa và đặc biệt là sự hòa điệu trong bút pháp tả thực và tượng trưng, lãng mạn và trữ tình.
– Điểm 1,5 -1,75: Cơ bản đáp ứng được yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (phân tích, bình luận) còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ
– Điểm 1,0 – 1,25: Đáp ứng được 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0,5 – 0,75: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
– Điểm 0: Không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
Sáng tạo (0,5 điểm)
– Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện sự tinh tế, khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức.
– Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm)
– Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
 
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *