Đề kiểm tra cuối kì 1 môn ngữ văn lớp 11, Dì Hảo, suy nghĩ về đức hi sinh

   SỞ GD & ĐT

TRƯỜNG THPT ĐƯỜNG AN

 

            ĐỀ CHÍNH THỨC

        (Đề thi có 02 phần, 01 trang)

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ I

NĂM HỌC 2023 – 2024

MÔN: NGỮ VĂN 11

Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

 

 

Họ và tên học sinh:…………….………………………… Lớp:………………

 

PHẦN I. ĐỌ C HIỂU (6,0 điểm)

            Đọc đoạn trích:

            Dì Hảo chẳng nói năng gì. Dì nghiến chặt răng để cho khỏi khóc nhưng mà dì cứ khóc. Chao ôi! Dì Hảo khóc. Dì khóc nức nở, khóc nấc lên, khóc như người ta thổ. Dì thổ ra nước mắt. Nhưng đã vội phí nước mắt làm gì nhiều đến thế. Vì dì còn phải khóc hơn thế nhiều, khi hắn chán chửi, bỏ nhà mà đi, bỏ dì bơ vơ, đau ốm, để tìm cơm rượu. Trách làm gì hắn, cái con người bắt buộc phải tàn nhẫn ấy? Hắn phải ăn, phải uống, phải vui thú, đó là đời của hắn. Dì Hảo què liệt không còn những cái ấy để mà cho. Không, dì có trách chi con người tàn nhẫn ấy. Cũng như dì đã không trách bà tôi đã làm ngơ không cấp đỡ cho dì. Bà tôi có còn giàu như trước nữa đâu? Người đã già, đã ốm yếu, và khổ cực thay! Đã nghèo như lúc còn hăm hai. Cái cơ nghiệp người gây dựng thầy tôi buôn bán thua lỗ, chúng tôi học hành tổn phí nhiều, đã tan tác đi theo gió bốn phương. Người chỉ có thể đem đến cho dì Hảo mỗi ngày một xu quà và rất nhiều nước mắt. Và rất nhiều lời than thở.

(Trích Dì HảoTuyển tập truyện ngắn Đôi mắt, Nam Cao, NXB VH, 2017, tr. 208)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Đoạn trích được kể theo ngôi thứ mấy?

Câu 2. Theo đoạn trích, vì sao dì Hảo không thể trách người chồng tàn nhẫn của mình?

Câu 3. Tìm những từ ngữ diễn tả tâm trạng của dì Hảo?

Câu 4. Nêu tác dụng của phép điệp được sử dụng trong câu văn: Người chỉ có thể đem đến cho dì Hảo mỗi ngày một xu quà, và rất nhiều nước mắt. Và rất nhiều lời than thở.

Câu 5. Nội dung chính của đoạn trích là gì?

Câu 6. Trong đoạn trích, nhà văn thể hiện thái độ, tình cảm như thế nào đối với nhân vật dì Hảo?

Câu 7. Nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của Nam Cao trong đoạn trích.

Câu 8. Tình cảnh của dì Hảo giúp anh/chị hiểu gì về thân phận người phụ nữ trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng? ( trình bày khoảng 5 -7 dòng)

PHẦN II. VIẾT (4,0 điểm)

Từ đoạn trích Trao duyên (Trích Truyện Kiều) của Nguyễn Du, anh/chị hãy nêu suy nghĩ của mình về ý nghĩa của đức hi sinh trong cuộc sống.

           

………

SỞ GD & ĐT HẢI DƯƠNG

TRƯỜNG THPT ĐƯỜNG AN

 

ĐỀ CHÍNH THỨC

   (Hướng dẫn chấm gồm 03 trang)

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ I

NĂM HỌC 2023 – 2024

MÔN: NGỮ VĂN 11

 

               

Phần Câu Nội dung Điểm
       
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1 – Đoạn trích được kể theo ngôi thứ ba

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– HS trả lời sai hoặc không trả lời: Không cho điểm

0,5
2 Dì Hảo không thể trách người chồng tàn nhẫn của mình vì: Hắn phải ăn, phải uống, phải vui thú, đó là đời của hắn. Dì Hảo què liệt không còn những cái ấy để mà cho.

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– HS trả lời sai hoặc không trả lời: Không cho điểm

0,5
3 Những từ ngữ diễn tả tâm trạng của dì Hảo: Nghiến chặt răng; khóc; nấc; thổ ra

Hướng dẫn chấm:

Hs trả lời đúng 2 ý biểu hiện: 0,25 điểm

– Hs không trả lời hoặc trả lời sai: không cho điểm.

0,5
4 – Phép điệp ngữ: Và rất nhiều

– Tác dụng:

+ Tạo nhịp điệu, tăng tính sinh động, hấp dẫn cho lời văn

+ Nhấn mạnh nỗi đau khổ, bất hạnh của người đàn bà.

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời như đáp án: 1,0 điểm

– HS trả lời được biểu hiện của phép điệp: 0,25 điểm

– HS trả lời được tác dụng ý 1 (0,25 điểm), ý 2 (0,5 điểm)

– HS trả lời sai hoặc không trả lời: Không cho điểm

1,0
5 Nội dung chính của đoạn trích: Cuộc sống đầy đau khổ, bi thương lẫn nước mắt của dì Hảo.

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời như đáp án hoặc diễn đạt tương đương: 1 điểm

– HS trả lời đúng ½ nội dung: 0,5 điểm

– HS trả lời sai hoặc không trả lời: Không cho điểm

1,0
6 – Thái độ, tình cảm của nhà văn với nhân vật: Trân trọng, cảm thông, thương xót với những đau khổ mà dì Hảo đã phải trải qua.

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời như đáp án: 1 điểm

– HS trả lời đúng ½ nội dung: 0,5 điểm

– HS trả lời sai hoặc không trả lời: Không cho điểm

1,0
7 – Nhận xét nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của Nam Cao:

+ Khắc họa diễn biến tâm lí phức tạp, hướng vào mọi biểu hiện, mọi chuyển biến trong thế giới nội tâm của con người.

+ Sử dụng hiệu quả hình thức độc thoại nội tâm để diễn tả những suy nghĩ thầm kín nhất trong tâm hồn con người.

-> Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của nhà văn rất tinh tế, tài tình…

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời như đáp án: 1,0 điểm

– HS trả lời đúng 1 ý: 0,5 điểm

– HS trả lời sai cả hai hoặc không trả lời: Không cho điểm

1,0
8 – Thân phận người phụ nữ Việt Nam trước Cách mạng là những người phụ nữ khốn khổ, thấp cổ bé họng, chịu nhiều tủi nhục. Họ phải chịu kiếp sống lay lắt, trầy trật vì miếng cơm manh áo và còn bị những người xung quanh ức hiếp, đầy đọa.

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời có nội dung phù hợp, thuyết phục: 0,5 điểm.

– HS trả lời có nội dung còn sơ sài: 0,25 điểm.

– HS trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0 điểm.

0,5
II   VIẾT 4,0
  Từ đoạn trích Trao duyên (Trích Truyện Kiều) của Nguyễn Du, anh/chị hãy nêu suy nghĩ của mình về ý nghĩa của đức hi sinh trong cuộc sống.  
  a. Yêu cầu: HS kết hợp được kiến thức và kĩ năng để viết bài văn nghị luận xã hội rút ra từ một tác phẩm văn học. Bài viết phải có bố cục 3 phần (mở bài, thân bài, kết bài) đầy đủ, rõ ràng; đúng kiểu bài nghị luận; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. 0,5
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: bàn luận về ý nghĩa của đức hi sinh trong cuộc sống. 0,5
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

1. Mở bài:  Dẫn dắt và giới thiệu về vấn đề cần bàn luận.

2. Thân bài:

a. Đức hi sinh được biểu hiện trong đoạn trích Trao duyên (Trích Truyện Kiều) của Nguyễn Du.

– Biểu hiện:

+ Khi gia đình gặp phải án oan sai, cha và em trai bị bắt, Kiều quyết hy sinh hạnh phúc của bản thân để cứu gia đình, vẹn tròn chữ “Hiếu”.

+ Thúy Kiều đã nhận hết lỗi về mình, tự nhận mình là người phụ bạc khiến cho tình yêu của nàng và Kim Trọng tan vỡ (Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây).

– Ý nghĩa của đức hi sinh trong đoạn trích: thể hiện vẻ đẹp nhân cách của Kiều:

+ Thúy Kiều là người con hiếu thảo với cha mẹ.

+ Thủy chung, giàu ân tình với người yêu.

b. Ý nghĩa của đức hi sinh trong cuộc sống:

*  Giải thích: Đức hi sinh là sự nhường nhịn, chấp nhận phần thiệt thòi hơn về mình, có thể là vật chất, tinh thần hoặc thậm chí là cả mạng sống, để người khác có được cuộc sống và những điều tốt đẹp hơn.

* Phân tích:

–  Biểu hiện của người có đức hi sinh: Người có đức hi sinh biết nhường nhịn, không ganh đua, không quan trọng về hơn thua so với người khác, và sẵn sàng cho đi mà không mong nhận lại.

– Ý nghĩa của đức hi sinh trong cuộc sống:

+ Đức hi sinh có vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Khi mọi người hi sinh cho nhau, cuộc sống trở nên đẹp đẽ và ý nghĩa hơn.

+ Được người khác yêu mến, tôn trọng và học tập theo, tạo lên những tấm gương tích cực lan tỏa ra cộng đồng.

+ Đức hi sinh giúp con người sống gần gũi với nhau hơn, biết yêu thương và chia sẻ với nhau hơn.

– Chứng minh (dẫn chứng…)

– Phê phán những người có tính ích kỉ, chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân mà không để ý đến những người xung quanh.

* Bài học nhận thức và hành động: Hãy biết sống vì người khác, rèn luyện đức hi sinh để làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Đừng quên ơn những người đã hi sinh vì chúng ta, và hãy phát huy đức tính cao đẹp này để đóng góp vào sự phát triển của dân tộc và xã hội.

3. Kết bài: Khẳng định lại giá trị, vai trò của đức hi sinh trong cuộc sống

Hướng dẫn chấm:

– Bài viết đầy đủ, sâu sắc, lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục: 2,5 điểm.

– Đủ ý nhưng chưa có độ sâu, lập luận tương đối chặt chẽ, có sức thuyết phục: 1,5 – 2,25 điểm.

– Còn thiếu ý, sơ sài: 0,5 -1,25 điểm.

– Lạc đề: 0 điểm 

2,5
  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0,25
  e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0,25
Tổng điểm 10,0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *