(Đề thi gồm 02 trang) |
ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI VĂN HÓA CẤP CƠ SỞ
NĂM HỌC 2023 – 2024 MÔN THI: NGỮ VĂN – LỚP 10 Ngày thi: 19/3/2024 Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề |
PHẦN ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Bạn không nên để thất bại ngăn mình tiến về phía trước. Hãy suy nghĩ tích cực về thất bại và rút ra kinh nghiệm. Thực tế những người thành công luôn dùng thất bại như là một công cụ để học hỏi và hoàn thiện bản thân. Họ có thể nghi ngờ phương pháp làm việc đã dẫn họ đến thất bại nhưng không bao giờ nghi ngờ khả năng của chính mình.
Tôi xin chia sẻ với các bạn câu chuyện về những người đã tìm cách rút kinh nghiệm từ thất bại của mình để đạt được những thành quả to lớn trong cuộc đời.
Thomas Edison đã thất bại gần 10.000 lần trước khi phát minh thành công bóng đèn điện. J.K.Rowling, tác giả của “Harry Potter”, đã bị hơn 10 nhà xuất bản từ chối bản thảo tập 1 của bộ sách. Giờ đây, bộ tiểu thuyết này của bà trở nên vô cùng nổi tiếng và đã được chuyển thể thành loạt phim rất ăn khách. Ngôi sao điện ảnh Thành Long đã không thành công trong lần đóng phim đầu tiên ở Hollywood. Thực tế bộ phim Hollywood đầu tay của anh, thất vọng lắm chứ, nhưng điều đó cũng đâu ngăn được anh vùng lên với những phim cực kì ăn khách sau đó như “Giờ cao điểm” hay “Hiệp sĩ Thượng Hải”.
Thất bại không phải là cái cớ để ta chần chừ. Ngược lại nó phải là động lực tiếp thêm sức mạnh để ta vươn tới thành công.
(Trích Tại sao lại chần chừ?, Tác giả Teo Aik Cher, Người dịch: Cao Xuân Việt Khương, An Bình, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2016, tr 39,40)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định vấn đề nghị luận của đoạn trích trên.
Câu 2. Theo anh/chị, “suy nghĩ tích cực về thất bại” được nói đến trong đoạn trích có ý nghĩa như thế nào?
Câu 3. Việc tác giả trích dẫn các câu chuyện của Thomas Edison, J.K.Rowling, Ngôi sao điện ảnh Thành Long có tác dụng gì?
Câu 4. Anh/chị có cho rằng trong cuộc sống thất bại luôn “là cái cớ để ta chần chừ” không? Vì sao?
- PHẦN LÀM VĂN (15.0 điểm)
Câu 1. (5.0 điểm)
Trong bài thơ “Khúc dân ca”, nhà thơ Nguyễn Duy có viết:
Mây bay bằng gió của trời
Là ta, ta hát những lời của ta!
(Thơ Nguyễn Duy, NXB Hội Nhà văn, 2010, trang 59)
Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của mình về quan niệm sống được Nguyễn Duy gửi gắm trong hai dòng thơ trên.
Câu 2. (10.0 điểm)
Nghệ thuật chỉ làm ra những vần thơ khéo léo, còn trái tim mới làm nên tác phẩm thi ca. (V.Huygô)
Anh/chị hiểu như thế nào về nhận định trên? Hãy làm sáng tỏ qua bài thơ sau:
MỘT ĐỜI ÁO NÂU
(Nguyễn Văn Song)1
Một đời mẹ mặc áo nâu
Bao nhiêu tấm cũng một màu đất đai
Rách lành kể những hôm mai
Áo như đời mẹ sờn phai mỗi ngày
Áo nâu bạc! áo nâu gầy!
Áo như thửa ruộng chở đầy nắng mưa
Lắng nghe sợi vải ngày xưa
Thấy trong mặn chát đã thừa mồ hôi
Bao nhiêu nước mắt mẹ rơi
Áo nâu gói cả những lời xót xa
Mẹ như sông phía quê nhà
Dốc lòng đôi vạt phù sa lặng thầm
Mẹ đi về phía trăm năm
Con ngồi xếp những nâu trầm mà thương
Thôi đành nhờ cả khói sương
Áo nâu ơi hãy theo đường mẹ đi…
——Hết——
* Chú thích:
(1 ) Nhà thơ Nguyễn Văn Song sinh năm 1974, tại Vân Điềm, Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội. Hiện là giáo viên Trường THPT Phù Cừ, Hưng Yên. Nhà thơ đã xuất bản 2 tập thơ: Đi từ phía cổng làng, Mẹ và sen. Đoạt giải B (không có giải A) cuộc thi thơ của Báo Văn Nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam 2019 – 2020 và nhiều giải thưởng khác.
Thơ lục bát của Nguyễn Văn Song dễ đọc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người bởi ngôn ngữ thơ ông khá chân thành, mộc mạc nhưng lại có những câu từ đắt giá và hình tượng. Nhất là những bài thơ về cha mẹ, về làng quê. Những bờ ao, gốc rạ, cơi trầu, giỏ tre, gọng vó, cổng làng, sân đình… được nhà thơ xem như là những kỷ vật để anh thực sự ký thác hồn mình để nhả ra ngôn ngữ thi ca đầy hình tượng.
|
HƯỚNG DẪN
CHẤM HỌC SINH GIỎI VĂN HÓA CẤP CƠ SỞ NĂM HỌC 2023 – 2024 MÔN THI: NGỮ VĂN – LỚP 10 (Hướng dẫn chấm gồm 05 trang) |
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I |
Đọc văn bản và trả lời câu hỏi | 5,0 | |
1 | Vấn đề nghị luận (luận đề): Thất bại là động lực để vươn tới thành công. | 0,5 | |
2 | Ý nghĩa câu nói: “Suy nghĩ tích cực về thất bại”:
– “Suy nghĩ tích cực” có nghĩa là tiếp cận những thách thức trong cuộc sống với một cái nhìn lạc quan, tập trung vào những điều tốt đẹp trong bất kì tình huống nào. Suy nghĩ tích cực sẽ tạo động lực để ta hướng đến thành công. -> “Suy nghĩ tích cực về thất bại” được nói đến trong đoạn trích được hiểu là: Trước thất bại, con người luôn lạc quan, hướng về phía trước. Thất bại không phải là bước cản mà là động lực để đi tới thành công. -> Câu nói là lời khích lệ, động viên mọi người khi gặp phải thất bại trong cuộc sống. |
1,5
|
|
3 | – Việc tác giả trích dẫn các câu chuyện của Thomas Edison, J.K.Rowling, Ngôi sao điện ảnh Thành Long có tác dụng:
+ Nhấn mạnh ý nghĩa tích cực của thất bại đối với thành công của mỗi người. + Câu chuyện của Thomas Edison, J.K.Rowling, Ngôi sao điện ảnh Thành Long đều là người thật, việc thật được nhiều người biết đến như những “tấm gương sống” nên có giá trị thuyết phục cao cho luận điểm được nêu. |
1,5
|
|
4 | – Học sinh có thể đưa ra quan điểm cá nhân, đồng tình hoặc không đồng tình nhưng phải lý giải vì sao.
– Gợi ý: – – Trong thực tế cuộc sống thất bại nhiều khi đúng là “cái cớ để ta chần chừ”. Vì nhiều người thường chùn bước trước khó khăn, cản trở hay vấp ngã; không tự tin vào năng lực bản thân; thấy chán nản,… – – Tuy nhiên Thất bại không phải là cái cớ để ta chần chừ. Ngược lại nó phải là động lực tiếp thêm sức mạnh để ta vươn tới thành công. Vì: – + Không có con đường nào đi tới thành công mà dễ dàng, luôn có những khó khăn thử thách nếu ta coi thất bại chỉ như một thử thách, ranh giới cần vượt qua; – + Thực tế chứng minh nhiều người thành công sau thất bại; – + Thất bại còn như một phép thử, là thước đo cho ý chí, nghị lực và lý tưởng, năng lực của bản thân… |
1,5 | |
II
|
1
|
Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của mình về quan niệm sống được Nguyễn Duy gửi gắm trong hai dòng thơ:
Mây bay bằng gió của trời Là ta, ta hát những lời của ta! (Khúc dân ca) |
5,0 |
a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận
Có đầy đủ Mở bài, Thân bài, Kết bài. Mở bài nêu được vấn đề cần nghị luận; Thân bài triển khai được các luận điểm của vấn đề; Kết bài kết luận được vấn đề. |
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Mỗi người cần sống là chính mình, với những giá trị tự thân. | 0,5 | ||
c. Triển khai vấn đề: Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. Thí sinh có thể viết theo nhiều cách nhưng cơ bản phải nêu được những ý chính sau:
1. Giải thích quan niệm của Nguyễn Duy: – “Mây bay bằng gió của trời: Mây muốn bay được phải dựa vào sự tác động của yếu tố ngoại cảnh (gió trời). – “là ta, ta hát bằng lời của ta” là cách nói ẩn dụ: Con người muốn sống là chính mình cần dựa vào những giá trị của bản thân. -> Hai câu thơ là cách nói ẩn dụ truyền tải thông điệp của tác giả: mỗi người cần sống là chính mình, với những giá trị của bản thân mình để có một cuộc đời ý nghĩa, hạnh phúc. 2. Bàn luận vấn đề: – Đây là một quan niệm đúng đắn, sâu sắc. – Mỗi con người, ngay từ khi sinh ra đã là một bản thể riêng biệt, không trùng lặp với những tố chất, năng lực, sở thích, đam mê… khác nhau. – Được sống là chính mình mới có thể tạo ra những con người giá trị, có tư duy độc lập, có óc sáng tạo, có lối đi và thành tựu riêng. Bởi vậy, được sống là chính mình mới mang đến những cuộc đời ý nghĩa, hạnh phúc. – Sống lệ thuộc, bắt chước, sống “bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo” sẽ tạo ra nhiều bi kịch, bất hạnh. (Học sinh đưa dẫn chứng cụ thể cho các ý) 3. Mở rộng: – Phê phán những người sống thụ động, lệ thuộc, không làm chủ được cuộc đời, số phận của mình khiến cuộc sống buồn tẻ, tồn tại một cách vô nghĩa. – Sống là chính mình không có nghĩa là không cần đến ai, không quan tâm ai; cũng không có nghĩa là cố tạo ra kiểu sống kì quặc, ngược đời. 4. Bài học nhận thức và hành động, liên hệ bản thân: – Nhận thức được ý nghĩa của việc được sống là chính mình, khẳng định được bản thân mình. – Sống hết mình, phát huy hết những gì mình có để khiến cuộc sống của mình và mọi người ngày càng tốt đẹp, ý nghĩa hơn… |
0,5
2,0
0,5
0,5 |
||
d. Sáng tạo: Cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và thuần phong mĩ tục. | 0,5 | ||
e. Chính tả: Đảm bảo những quy tắc về chuẩn chính tả, ngữ pháp,… | 0,25 | ||
2
|
Nghệ thuật chỉ làm ra những vần thơ khéo léo, còn trái tim mới làm nên tác phẩm thi ca. (V.Huygô)
Anh/chị hiểu như thế nào về nhận định trên? Hãy làm sáng tỏ qua bài thơ: Một đời áo nâu (Nguyễn Văn Song). |
10,0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận
Có đầy đủ Mở bài, Thân bài, Kết bài. Mở bài giới vấn đề nghị luận; Thân bài triển khai được vấn đề cần nghị luận; Kết bài khái quát được nội dung cần nghị luận. |
0,5 | ||
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Đặc trưng nội dung, hình thức và giá trị của một bài thơ hay. | 0,5 | ||
c. Triển khai các luận điểm nghị luận: Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Thí sinh có thể triển khai các luận điểm theo nhiều cách, dưới đây là một số nội dung định hướng chấm bài:
1. Giải thích ý kiến: – Nghệ thuật chỉ làm ra những vần thơ khéo léo: + Nghệ thuật: những yếu tố thuộc phạm trù hình thức của tác phẩm thơ ca: thể loại, cấu tứ, ngôn ngữ, hình ảnh, nhạc điệu, các biện pháp tu từ… + Những vần thơ khéo léo: là những vần thơ đẹp, hấp dẫn bởi hình ảnh, ngôn từ, nhạc điệu…tạo ấn tượng ban đầu cho người đọc. – Trái tim mới làm nên tác phẩm thi ca: + Trái tim: cách diễn đạt hình tượng biểu hiện những tình cảm, cảm xúc mãnh liệt…vẻ đẹp tâm hồn của người nghệ sĩ. + Tác phẩm thi ca: sản phẩm tinh thần của nhà thơ. Ở đây V.Huygô đề cập đến những tác phẩm thơ ca chân chính, có giá trị, có sức sống mãnh liệt trong lòng độc giả, vượt qua giới hạn của thời gian, không gian, trở thành tác phẩm chung của nhân loại, của muôn đời. => Ý kiến nhấn mạnh yếu tố tình cảm, cảm xúc của người nghệ sĩ trong sáng tác thơ ca nói riêng, văn học nói chung. Đó là yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định giá trị của tác phẩm. 2. Bình luận ý kiến a. Cơ sở lý luận của ý kiến: – Đây là một nhận định đúng đắn, khái quát ngắn gọn về đặc trưng nội dung, nghệ thuật và giá trị của thơ trong đó nhấn mạnh yếu tố quan trọng, quyết định đến giá trị của tác phẩm thi ca là tình cảm, cảm xúc trong thơ. + Xuất phát từ đặc trưng của thơ ca là những rung động và cảm xúc của con người trước cuộc sống được bộc lộ một cách tự nhiên, chân thành. Tình cảm, cảm xúc là yếu tố có trước, khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho nhà thơ. Thơ là do tình sinh ra (Viên Mai), Thơ khởi phát từ lòng người ta (Lê Quý Đôn)… + Chức năng, giá trị của văn học: giáo dục tư tưởng, tình cảm, hướng con người tới vẻ đẹp Chân – Thiện – Mĩ…Thơ ca muốn lay động lòng người, truyền được tư tưởng tình cảm cho người đọc thì người cầm bút phải rung động mãnh liệt, có tình cảm thương yêu hay căm giận sâu sắc…Thơ sinh ra từ nụ cười trong sáng hay những giọt nước mắt đắng cay (Ra-xun Gam – za- tôp). Văn học nói chung, thơ ca nói riêng đem đến cho người đọc nhận thức nhiều mặt cuộc sống, hiểu về bản chất của cuộc sống và hiểu về chính mình; hình thành những tư tưởng tiến bộ, tình cảm cao đẹp, giúp tâm hồn con người trở nên trong sáng, lành mạnh, cao thượng hơn. b. Cơ sở thực tiễn của ý kiến: – Thí sinh làm sáng tỏ được nhận định, đi sâu phân tích cụ thể bài thơ Một đời áo nâu của Nguyễn Văn Song. – Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, song cần bám sát định hướng của đề, cần đạt được những yêu cầu cơ bản sau: * Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm: – Nhà thơ Nguyễn Văn Song sinh năm 1974, tại Vân Điềm, Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội. Hiện là giáo viên Trường THPT Phù Cừ, Hưng Yên. Nhà thơ đã xuất bản 2 tập thơ: Đi từ phía cổng làng, Mẹ và sen. Đoạt giải B (không có giải A) cuộc thi thơ của Báo Văn Nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam 2019 – 2020 và nhiều giải thưởng khác. Thơ lục bát của Nguyễn Văn Song dễ đọc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người bởi ngôn ngữ thơ ông khá chân thành, mộc mạc nhưng lại có những câu từ đắt giá và hình tượng. Nhất là những bài thơ về cha mẹ, về làng quê. Những bờ ao, gốc rạ, cơi trầu, giỏ tre, gọng vó, cổng làng, sân đình… được nhà thơ xem như là những kỷ vật để anh thực sự ký thác hồn mình để nhả ra ngôn ngữ thi ca đầy hình tượng. – Một đời áo nâu của Nguyễn Văn Song là một bài thơ xúc động, ý nghĩa về sự hi sinh của mẹ. Người mẹ trong bài thơ vừa có nét chung, rất giống với bao bà mẹ Việt Nam khác, đặc trưng chỉ có trong thơ và cảm nhận của Nguyễn Văn Song. * Nội dung (Học sinh làm sáng tỏ vai trò của cảm xúc, tình cảm trong thơ thể hiện qua nội dung của bài thơ) – Bài thơ khắc họa hình ảnh tiêu biểu của người mẹ Việt Nam: giản dị, cần cù, giàu đức hi sinh. – Bài thơ thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng, sự trân trọng và biết ơn mà tác giả dành cho mẹ của mình. Đó là sự trân trọng, biết ơn sâu sắc với công ơn sinh thành, dưỡng dục của người mẹ, tác giả thấu hiểu những vất vả, hi sinh và tình yêu thương vô bờ bến của mẹ dành cho mình. Đồng thời ông xót thương cho mẹ mình vì đã chịu quá nhiều gian khổ, muốn báo hiếu cho mẹ nhưng đã không còn kịp nữa, chỉ đành gửi những tâm tư, tình của của mình vào khói sương theo đường mẹ đi. * Nghệ thuật: (Làm nên giá trị của bài thơ không chỉ có cảm xúc mà tình trong thơ còn được thể hiện qua hình thức nghệ thuật) + Xây dựng hình ảnh tượng trưng “áo nâu” đầy ấn tượng và đặc sắc. + Ngôn ngữ giản dị, nhẹ nhàng, sâu lắng, tha thiết. + Kết hợp nhiều biện pháp tu từ (so sánh, hoán dụ) làm tăng sức gợi hình, gợi cảm, truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa. * Giá trị của bài thơ – Tác phẩm trân trọng, đề cao tình mẫu tử thiêng liêng. – Qua bài thơ, nhà thơ muốn nhắn nhủ chúng ta phải biết yêu thương, quý trọng cha mẹ của mình bởi cha mẹ những người sinh ra ta, không quản ngại cực khổ, gian khó để nuôi ta nên người. Chúng ta phải có trách nhiệm sống hiếu thảo, biết vâng lời và không phụ kì vọng của cha mẹ. 3. Bình luận mở rộng, nâng cao: – Luận: + Đánh giá khái quát ý kiến của V. Huy-gô: Mỗi tác phẩm là một chỉnh thể nghệ thuật được tạo nên từ sự thống nhất của hai yếu tố nội dung và hình thức biểu hiện. Trong đó nội dung bao giờ cũng đóng vai trò quyết định việc lựa chọn hệ thống các phương tiện biểu hiện của người viết. + Trong văn học nói chung, thơ ca nói riêng, những tác phẩm có giá trị, nội dung và hình thức luôn thống nhất chặt chẽ với nhau, chúng sẽ không thể tồn tại và không thể có ý nghĩa thực sự khi có cái này mà không có cái kia. Chính sự thống nhất của các yếu tố nội dung và hình thức nghệ thuật đã tạo nên sức mạnh tư tưởng cho tác phẩm. Yêu cầu lí tưởng là nội dung của tác phẩm phải có ý nghĩa lớn lao đối với đời sống con người, nội dung đó phải được biểu hiện bằng một hình thức độc đáo. Tác phẩm nghệ thuật đích thực, nhất là những tác phẩm ngôn từ, bao giờ cũng là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung (Lêônôp). Muốn làm được điều đó, nhà văn phải có tâm huyết và tài năng. – Nhận định đã gợi nhắc và đặt ra yêu cầu đối với người sáng tác và người tiếp nhận: + Với người sáng tác đặc biệt là thi sĩ, để sáng tạo nên những vần thơ đích thực, để vươn tới đỉnh cao của nghệ thuật chân chính, người nghệ sĩ không những phải có tài, sáng tạo những nét độc đọc về hình thức nghệ thuật mà cần phải có tình cảm mãnh liệt, sống hết mình với cuộc đời, biết xúc động trước niềm vui nỗi buồn của con người. Đồng thời truyền tải được những cảm xúc, suy tư của mình và gửi đến bạn đọc những thông điệp sâu sắc qua các phương tiện, hình thức nghệ thuật đẹp đẽ. + Với người tiếp nhận, đọc thơ là gặp gỡ một tâm hồn sẵn sàng tri âm; trân trọng quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ. Khi đánh giá một tác phẩm, không chỉ chú ý đến hình thức mà phải khám phá chiều sâu tư tưởng, tình cảm mãnh liệt mà tác giả gửi gắm. Và từ trang thơ, mỗi người đọc hãy nhận thức về chính mình và cuộc đời để có hành động tích cực, ý nghĩa, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. |
1,0
1,0
5,0
1,0
|
||
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt độc đáo; suy nghĩ, kiến giải mới mẻ về vấn đề nghị luận. | 0,5 | ||
e. Chính tả: Đảm bảo những quy tắc về chuẩn chính tả, ngữ pháp,… | 0,5 | ||
Tổng điểm | 20, 0 |
* Lưu ý khi chấm bài:
Giám khảo cần nắm vững yêu cầu chấm để đánh giá tổng quát bài làm cuả thí sinh, tránh đếm ý cho điểm một cách máy móc, vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm.