Đề HSG Tất cả mọi điều trên thế giới này đều được hy vọng làm nên

 

 

 

 

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

 NĂM HỌC 2023-2024

Môn: Ngữ văn, lớp 10

Thời gian làm bài: 150 phút, không tính thời gian phát đề

(Đề có 01 trang)

————–

 Câu 1 (3,0 điểm):

Có ý kiến cho rằng: “Tất cả mọi điều trên thế giới này đều được hy vọng làm nên” (Martin Luther).

Em có suy nghĩ gì về ý kiến trên.

Câu 2 (7,0 điểm)

Bàn về thơ, nhà phê bình Hoàng Minh Châu khẳng định: “Thơ khởi sự từ tâm hồn, vượt lên bằng tầm nhìn và đọng lại nhờ tấm lòng người viết”.

Anh /chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng trải nghiệm văn học làm sảng tỏ nhận định trên

 

TRƯỜNG THPT

 

 

                       HƯỚNG DẪN CHẤM

Môn: Ngữ văn, lớp 10

(Đáp án và Hướng dẫn chấm gồm 02 trang)

 

Câu 1(3 điểm):

  1. A) Yêu cầu về kĩ năng

– Nắm vững kỹ năng làm kiểu bài nghị luận xã hội.

– Kết cấu bài viết chặt chẽ.

– Diễn đạt, hành văn trong sáng.

  1. B) Yêu cầu về kiến thức

Học sinh có thể tổ chức bài viết linh hoạt, sử dụng nhiều thao tác nghị luận và đặc biệt có thể đưa ra nhiều liên tưởng, suy nghĩ khác nhau miễn là hợp lí. Tuy nhiên, cần hướng tới một số ý cơ bản như sau:

Ý NỘI DUNG ĐIỂM
1 Giới thiệu vấn đề nghị luận: Vai trò của hi vọng trong cuộc sống con người. 0,25
2 Giải thích

Hi vọng là tin tưởng mong chờ những điều tốt đẹp sẽ đến….

à Câu nói: Tất cả mọi điều trên thế giới này đều được hy vọng làm nên” đề cập đến tầm quan trọng của hy vọng

0,5
3 Bàn luận

 Câu nói của Martin Luther là một ý kiến đúng đắn: Học sinh dùng lý lẽ, dẫn chứng để chứng minh tầm quan trọng của hi vọng trong cuộc sống

– Hy vọng tiếp thêm cho con người động lực để đi đến thành công. Có hy vọng, con người mới có quyết tâm, dám thực hiện ước mơ, khát vọng của mình đến cùng

– Hy vọng nâng đỡ con người mỗi lúc khó khăn, tưởng như gục ngã trong cuộc sống, thậm chí có thể cứu vớt, mang lại sự sống cho con người

– Hy vọng giúp con người có được, giữ vững niềm tin. Có niềm tin con người mới có thể phát huy hết tiềm năng của bản thân trong mọi hoạt động thực tiễn

 * Mở rộng

+ Không có hy vọng, con người sẽ sống một cuộc đời tẻ nhạt, không có động lực sống, phấn đấu.

+ Nhưng quá hy vọng và ảo tưởng mà không dựa trên cơ sở thực tiễn, không bắt tay vào hoạt động thực tiễn sẽ khiến con người trở nên viển vông, không biết trân trọng giá trị cuộc sống

+ Tóm lại, cuộc sống cần có hy vọng nhưng hy vọng phải dựa trên cơ sở thực tiễn của đời sống , hoàn cảnh, thực lực của mỗi con người.

1,75
4 Bài học nhận thức và hành động 0,5

 

Câu 2 (7,0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng

– Học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học: hiểu và giải quyết một vấn đề lí luận về đặc trưng văn học nói chung, của thơ nói riêng; chứng minh qua một bài thơ cụ thể (có những cảm nhận, đánh giá mang màu sắc cá nhân).

– Bài viết có bố cục rõ ràng, hệ thống luận điểm, luận cứ thuyết phục.

– Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, viết câu. Hành văn trôi chảy, linh hoạt, có chất văn chương.

– Trình bày sạch sẽ, khoa học.

  1. Yêu cầu về kiến thức

Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau, song  cần đảm bảo những nội dung cơ bản sau:

ý Nội dung Điểm
1 Giới thiệu vấn đề nghị luận 0,25
2 Giải thích

“Thơ khởi sự từ tâm hồn”. “Khởi sự” được hiểu là bắt đầu, là nguồn cội. Theo Hoàng Minh Châu: thơ được khơi lên từ tâm hồn người nghệ sĩ. Cụ thể là từ những rung động trong tâm hồn người nghệ sĩ trước cuộc sống. Những người làm thơ luôn coi tâm hồn là nơi khởi đầu của thơ ca.

Lí giải:

+ Là thể loại nghệ thuật trữ tình, thơ là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc, của trí tưởng tượng phong phú, nên thơ thường bắt đầu từ những tình cảm, cảm xúc của nhà thơ rung động trước cuộc sống. Đây là một đặc điểm quan trọng để phân biệt thơ với những thể loại văn học khác:

+ Phản chiếu thế giới tâm hồn, nên thơ là tiếng nói cảm xúc của cái tôi trữ tình của nhà thơ.

Thơ “khởi sự từ tâm hồn” nhưng không chỉ là thể hiện những cảm xúc thuần túy, thơ còn phải “vượt lên bằng tầm nhìn”. Nghĩa là ngoài cảm xúc, thơ còn phản ánh tư tưởng, quan điểm của nhà thơ về cuộc sống – một biểu hiện tính tư tưởng của tác phẩm thơ. Bi-ê-lin-xki cho rằng: “Nhà thơ, ngay cả các nhà thơ vĩ đại nhất cũng đồng thời phải là nhà tư tưởng”

Theo Hoàng Minh Châu “thơ khởi sự tâm hồn, vượt lên bằng tầm nhìn”, nhưng điều cốt lõi để thơ “đọng lại”, cách nói ẩn dụ để chỉ sức sống của thơ, chính là “tấm lòng người viết”. “Tấm lòng người viết” mà Hoàng Minh Châu nhắc đến ở đây chính là tình cảm chân thực mang ý nghĩa nhân văn mà nhà thơ dành cho con người, cho cuộc sống. Đó là những yêu thương, là đồng cảm, trân trọng…mà nhà thơ hướng đến những đối tượng được nói đến trong tác phẩm thơ.

à Cả 3 yếu tố nói trên làm nên giá trị đích thực của thơ nói riêng và văn học nói chung.

1
3 Bàn luận về ý kiến

Ý kiến của HMC tựu chung lại là cách đánh giá về cội nguồn sâu xa để làm nên giá trị  đích thực của thơ. Đây là ý kiến hoàn toàn xác đáng, có ý nghĩa định hướng cho người sáng tác và cả người tiếp nhận thơ:

2.1. Đối với người làm thơ:

– Trước mỗi hiện tượng cuộc sống, tâm hồn nhạy cảm của người làm thơ thường có những rung động, cảm xúc sâu xa.

– Thơ bắt nguồn từ những cảm xúc sâu xa của nhà thơ về cuộc sống, nên thơ cũng góp phần khơi gọi, hé lộ phần nào thế giới tâm hồn của nhà thơ. Nó giúp người đọc cảm nhận được những rung động tinh tế, nhạy cảm của nhà thơ trước thiên nhiên, trước cuộc sống. Để từ đó, người đọc cũng hòa nhịp với những rung động ấy ở nhà thơ.

– Vì thế bản thân người làm thơ phải tự ý thức việc bồi đắp cho thế giới tâm hồn mình có những xúc cảm trong sáng, lành mạnh…mới mong định hướng cho người đọc những tình cảm lành mạnh.

– Không chỉ khơi gợi những xúc cảm, nhà thơ còn phải định hướng một “tầm nhìn” – nghĩa là định hướng tư tưởng tích cực cho người đọc thơ.

Nhà thơ NĐT cho rằng: “Thơ phải có tư tưởng, có ý thức, vì bất cứ cảm xúc, tình tự nào của con người cũng dính liền với suy nghĩ”.

+ Tác phẩm thơ, cũng như mọi tác phẩm văn học khác, là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, nên cũng phải phản chiếu đời sống hiện thực.

+ Để thể hiện nội dung tư tưởng, nhà thơ cần có một cái nhìn toàn diện và sắc sảo về hiện thực cuộc sống: thấy được bản chất cuộc sống, qui luật vận động…Từ đó chuyển tải cho người đọc một cái nhìn đúng đắn và tích cực về cuộc sống.

– Giá trị tư tưởng của bài thơ phải thể hiện cái nhìn mang tính khám phá, phát hiện có chiều sâu của nhà thơ về con người và cuộc sống…Đều này đòi hỏi nhà thơ phải trau dồi vốn sống, trải nghiệm cuộc sống…để có tầm nhìn rộng và sâu gửi gắm vào tác phẩm.

– Điều cốt lõi để tạo nên giá trị đích thực của bài thơ chính là ở “tấm lòng” người làm thơ dành cho con người, cho cuộc sống.

+ Những rung động tâm hồn hay tư tưởng nhà thơ gửi vào tác phẩm, xét đến cùng phải bắt đầu bằng một tấm tình chân thành nhất mà nhà thơ hướng đến con người và cuộc sống. Nói cách khác là cảm xúc hay tư tưởng mà không bắt đầu từ sự chân thành, chỉ là sự ồn ào, sáo rỗng, chẳng mấy có ý nghĩa với cuộc đời.

+ Bản thân nhà thơ phải đặt mình vào bối cảnh cuộc đời, vào hoàn cảnh và số phận nhân vật, để cảm nhận những cay đắng, ngọt bùi, niềm vui, nỗi buồn thực…và viết về nó bằng sự chia sẻ, cảm thông, hay ngợi ca một cách thành thực nhất. Và đương nhiên tấm lòng ấy của nhà thơ sẽ làm rung động trái tim người đọc. Tiếng nói tri âm đi từ trái tim của nhà thơ đến với trái tim độc giả. Và đó là điều “đọng lại” sâu sắc nhất và lâu bền nhất, yếu tố để làm nên sức sống của bài thơ.

2.2. Với người tiếp nhận thơ:

– Đọc thơ phải hiểu tâm hồn thi sĩ, hiểu những rung động sâu xa từ tấm lòng thi sĩ dành cho con người và cuộc sống.

– Nhận thức được những bài học nhân sinh nhà thơ gửi gắm trong sáng tác của mình.

– Cảm nhận được cái tài và cái tâm của thi sĩ, ở đó cái tâm là điều cốt lõi, nói như Nguyến Du “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”

1,25
4 Làm sáng tỏ ý kiến qua tp

VD: Thơ NT

Thơ Nguyễn Trãi đúng là “khởi sự từ tâm hồn, vượt lên bằng tầm nhìn và đọng lại nhờ tấm lòng người viết”, (Bảo kính cảnh giới số 43)

– Tâm hồn Nguyễn Trãi rung động trước cảnh sắc ngày hè với:

Hòe lục đùn đùn tán rợp giương

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương

à Cảnh sắc làng quê mang đến cho nhà thơ niềm cảm hứng dao dạt khiến ông vượt qua cả luật lệ nghiêm ngặt của cách làm thơ đương thời để đưa cỏ cây hoa lá đời thường vào thơ…Bức họa làng quê của nhà thơ được họa bởi một tấm lòng thiết tha với thiên nhiên, với cuộc sống đời thường.

-Bảo kính cảnh giới 43 giống như bao bài thơ khác của Nguyễn Trãi có hơi thở của cuộc sống nông thôn và những người nông dân. Đây chính là sự sáng tạo của ông so với những ước lệ, tượng trưng, thi liệu, văn liệu quen thuộc của thơ trung đại. Ông đưa vào bài thơ tất cả những cỏ, cây, hoa, lá bình dị của đời sống thực ở nông thôn Việt Nam với “hòe lục”, “thạch lựu”, “hồng liên” và những hình ảnh, âm thanh quen thuộc của làng quê với “lao xao chợ cá”; “dắng dỏi cầm ve”; “lầu tịch dương” ….

à Chính những điều này đã góp phần thể hiện tư tưởng nhân nghĩa cao cả của Ức Trai.

– Điều ấn tượng nhất “đọng lại” trong tâm hồn người đọc, không chỉ là tình yêu quê hương, làng nước, mà còn ở “tấm lòng” ông dành cho chốn quê này: muốn có trong tay cây đàn vua Ngu Thuấn mà tấu khúc Nam phong ca ngợi cuộc sống thanh bình. Phải yêu dân, vui buồn với nhân dân nhà thơ mới có nỗi lòng chân thực đó….

4,0
5 Đánh giá, mở rộng

– Ý kiến của tác giả Hoàng Minh Châu đã khái quát được những điều cốt lõi để một tác phẩm thơ khẳng định được chỗ đứng xứng đáng của mình trong lòng độc giả. Thơ phải khởi nguồn từ những xúc cảm của nhà thơ trước cuộc sống; được nâng lên ở một tầm tư tưởng và chắt lọc ra từ tấm chân tình của người nghệ sĩ.

– Ý kiến trên cũng đặt ra trách nhiệm với người làm thơ, làm sao phải hài hòa trong thơ cả cái tài và cái tâm của người nghệ sĩ. Có như thế thơ mới có giá trị đích thực.

– Đồng thời mỗi người đọc thơ cũng phải có ý thức trân trọng, nâng niu những đứa con tinh thần của các nhà thơ.

0,5

 

* Lưu ý:

 – Giám khảo nắm  yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh. Cần khuyến khích những bài viết có chất văn, có những suy nghĩ sáng tạo.

  – Việc chi tiết hóa điểm số của các câu, các ý phải linh hoạt, đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của câu và được thống nhất trong nhóm chấm.

– Điểm lẻ được làm tròn đến 0,5 điểm sau khi đã chấm xong và cộng tổng điểm toàn bài./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *