Đề HSG môn văn Trại hè Hùng Vương 2023 trường Chuyên Thái Nguyên

TRƯỜNG THPT CHUYÊN

THÁI NGUYÊN

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

 

 

 

KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG

                                NĂM HỌC 2022 – 2023

MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 10

Thời gian: 180 phút

(Đề thi gồm: 01 trang)

Câu 1 (8,0 điểm)

Khi khảo sát về giới trẻ toàn cầu, một tác giả đã nhận định rằng: Người trẻ đương đại, ở nơi đâu trên thế giới này, đang và sẽ có một tuổi thơ và tuổi thanh niên ngắn hơn, nhưng có trách nhiệm hơn. (Theo Hà Nhân, Sống như cây rừng, NXB Văn học, tr.41)

Từ nhận định trên, em hãy viết một bài văn nghị luận để trả lời câu hỏi: Bạn có nên tự rút ngắn tuổi thơ hay tuổi thanh niên của mình, theo một cách đầy trách nhiệm?

Câu 2 (12,0 điểm)

“Thơ là trải nghiệm từ những lăn lộn, va xiết trong trường đời. Thơ còn là những chiêm nghiệm về thế sự nhân sinh” (Theo TS Chu Văn Sơn, Đa mang một cõi lòng không yên định, NXB Hội Nhà Văn, 2021, tr.267)

Bằng những hiểu biết về thơ, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

________________ Hết______________

(Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.)

TRƯỜNG THPT CHUYÊN

THÁI NGUYÊN

 

 

KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG

                                NĂM HỌC 2022 – 2023

ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM MÔN NGỮ VĂN – LỚP 10

Thời gian: 180 phút

(Đáp án gồm: 05 trang)

Câu 1 (8,0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng:

Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội; kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; viết văn tự nhiên, kết hợp giữa lập luận và cảm xúc, những trải nghiệm cá nhân của người viết.

  1. Yêu cầu về kiến thức:

Thí sinh có thể đưa ra những ý kiến, trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần chính xác, hợp lí, rõ ràng, thuyết phục, đảm bảo nội dung cơ bản sau:

Ý Nội dung Điểm
1 Giải thích 1,0
 – Người trẻ: lớp người trẻ tuổi, đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện về thể chất và nhân cách.

– Tuổi thơ: lứa tuổi vô tư, trong sáng, hồn nhiên, vô lo vô nghĩ song đôi khi cũng hời hợt, vô tâm.

– Tuổi thanh niên: là bước chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ đến tuổi trưởng thành – lứa tuổi tràn đầy nhiệt huyết, năng lượng, giàu ước mơ và hoài bão song cũng không tránh khỏi những nông nổi, bồng bột, sai lầm.

– Rút ngắn tuổi thơ hay tuổi thanh niên: đây không phải là sự rút ngắn, thu hẹp cơ học mà cần hiểu là bớt đi những vô âu vô lo, bớt đi những vô tâm, hời hợt,  những bồng bột, nông nổi

– Câu hỏi Bạn có nên tự rút ngắn tuổi thơ hay tuổi thanh niên của mình, theo một cách đầy trách nhiệm? đặt ra vấn đề: những người trẻ có nên nhanh chóng trưởng thành sớm theo một cách đầy trách nhiệm với bản thân và cộng đồng?

 
2 Bàn luận, chứng minh 6,0
Người trẻ đang và sẽ có một tuổi thơ và tuổi thanh niên ngắn hơn, nhưng có trách nhiệm hơn.

– Trong lịch sử, trải qua những cuộc chiến tranh vệ quốc thần thánh của dân tộc, chúng ta đã từng có những lớp lớp thanh niên luôn ở tuyến đầu: “Tuổi 20 khi lẽ đời đã thấy/ Thì xa xôi cách mấy cũng lên đường”; hay “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/Tuổi hai mươi làm sao không tiếc?/Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ Quốc. Đó là thế hệ đi thẳng từ tuổi thơ ra chiến trường, sẵn sàng gác lại tất cả những năm tháng hồn nhiên, vô tư để lên đường “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Thậm chí rất nhiều những con người trẻ tuổi đã hi sinh khi chưa kịp cảm nhận vị ngọt của tình yêu: “Em ơi rất có thể/Anh chết giữ chiến trường/Đôi môi tươi đạn xé/Chưa bao giờ được hôn” (Phùng Quán)

– Trong thời đại ngày nay, tuổi trẻ  được sống trong hòa bình, trong đầy đủ vật chất nhưng vẫn luôn dấn thân khi Tổ quốc cần. Trong đợt dịch giã vừa qua, chúng ta đã được chứng kiến những gương mặt trẻ, những hình ảnh đẹp đẽ về những người trẻ tuổi ở tuyến đầu chống dịch: những anh bộ đội biên phòng làm lán trại ngủ giữa rừng để kiểm soát đường mòn lối mở, những sinh viên tình nguyện không quản ngày đêm phục vụ nhân dân ở khu cách ly, những y bác sĩ trẻ tuổi viết đơn xin đi vào vùng tâm điểm của dịch, dẫu biết trước có khả năng nhiễm bệnh mà vẫn kiên cường bám trụ…

* Việc trưởng thành sớm theo một cách đầy trách nhiệm đem lại nhiều lợi ích, giá trị cho bản thân, gia đình và xã hội

– Tự rút ngắn tuổi thơ hay tuổi thanh niên của mình, theo một cách đầy trách nhiệm giúp ta trưởng thành sớm, tự lập, tự chủ, chủ động trong cuộc sống, giúp chúng ta có được sự tin tưởng, an tâm của mọi người, có nhiều khả năng để thành công hơn.

– Trưởng thành sớm đi đôi với những sai lầm, vấp ngã, thất bại không tránh khỏi, nhưng nhờ đó mà tôi luyện cho con người bản lĩnh, ý chí nghị lực, những kinh nghiệm quý báu mà nếu cứ nương náu trong vòng tay bao bọc của cha mẹ, trong vòng an toàn do mình tạo ra, ta sẽ không bao giờ có được.

* Làm thế nào để tự rút ngắn tuổi thơ hay tuổi thanh niên của mình, theo một cách đầy trách nhiệm?

– Chấp nhận những khó khăn, rủi ro, vượt ra khỏi vùng an toàn, sẵn sàng đối mặt với những thách thức.

– Việc trưởng thành sớm đồng nghĩa với việc chúng ta cũng sẽ phải chấp nhận  đánh đổi sự bình yên, an toàn, vô lo vô nghĩ, được bao bọc được che chở để sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.  Thế nhưng, sự đánh đổi này lại khiến cho chúng ta có được nhiều thứ: tính tự lập, bản lĩnh, dũng cảm, trách nhiệm…

(Thí sinh nên chọn cách viết từ sự trải nghiệm của bản thân để có được một bài viết thuyết phục, giàu cảm xúc; có dẫn chứng tối ưu)

 
3 Mở rộng, bài học 1,0
Tự rút ngắn tuổi thơ hay tuổi thanh niên của mình, theo một cách đầy trách nhiệm  không có nghĩa là ta đánh mất đi những xúc cảm hồn nhiên trong trẻo, mà vẫn cần biết cảm nhận vẻ đẹp tinh tế của cuộc sống: vẻ đẹp của giọt sương long lanh trên cành lá, ánh mặt trời ló rạng, tiếng chim hót ríu ran,…

– Thước đo của sự trưởng thành ở đây là sự độc lập, tự chủ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với những việc mình làm; cần phê phán một số quan niệm sai lầm, lệch lạc về sự trưởng thành.

– Sự trưởng thành sớm càng khiến con người biết trân trọng và cảm nhận từng khoảnh khắc của cuộc đời.

 

Câu 2 (12,0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng:

Học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học; Bài viết có bố cục rõ ràng, hệ thống luận điểm, luận cứ thuyết phục; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, viết câu. Hành văn trôi chảy, linh hoạt, có cảm xúc, chất văn.

  1. Yêu cầu về kiến thức:

Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau, song cần đảm bảo những nội dung cơ bản sau:

Ý Nội dung Điểm
1  Giải thích 1,0
– Thơ: là một thể loại văn học, sử dụng phương thức trữ tình để phản ánh cuộc sống. Thơ chủ yếu thể hiện tình cảm, tâm trạng con người thông qua ngôn ngữ hàm súc, có cấu trúc đặc biệt, giàu hình ảnh, nhịp điệu,…

Thơ là trải nghiệm từ những lăn lộn, va xiết trong trường đời: Thơ là kết quả sự quan sát, va vấp, thâm nhập va khám phá không ngừng cuộc sống của người nghệ sĩ.

Thơ còn là những chiêm nghiệm về thế sự nhân sinh: Thơ còn thể hiện những suy nghĩ, những triết lí, bài học thấm thía của người nghệ sĩ về con người và cuộc đời

→ Ý kiến bàn về đặc trưng của thơ ca: Thơ bắt nguồn từ hiện thực và thể hiện những suy tư, triết lí về cuộc đời, con người.

 
2 Bàn luận 3,0
– Thơ là trải nghiệm từ những lăn lộn, va xiết trong trường đời:

+ Cũng như những thể loại văn chương khác, thơ bắt nguồn từ hiện thực đời sống. Cuộc sống chính là cánh đồng màu mỡ để thơ bén rễ sinh sôi. Thơ ca chỉ bật ra, chỉ lên tiếng khi trong trái tim người nghệ sĩ cuộc sống đã tràn đầy, khi người nghệ sĩ đắm mình vào cuộc sống, trải nghiệm cuộc sống để những cảm xúc được bật căng, được thăng hoa thành những đóa hoa thơ tuyệt đẹp.

+ Những chuyến trải nghiệm thực tế đem đến giác ngộ chân lí nghệ thuật “chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép”; sẽ chẳng có thơ khi người làm thơ không tìm được sợi dây giao nối với cuộc đời, không tìm đến những cánh đồng phì nhiêu để từ đấy hạt giống thơ ca được ươm trồng, nảy nở.

Thơ còn là những chiêm nghiệm về thế sự nhân sinh

+ “Hoạt động sáng tạo chân chính nào rồi cũng đi đến triết học, cũng lắng thành triết lý”(Chu Văn Sơn). Quả thật, lăn lộn, va xiết trong trường đời, nhà thơ sẽ có được những trải nghiệm đáng quý. Từ những trải nghiệm cá nhân, đúc kết thành những vấn đề phổ quát của thế sự và nhân sinh – đó là những suy tư, chiêm nghiệm, triết lí về lẽ đời, về những quy luật của cuộc sống. Chính điều này khiến cho thơ có thể tạo ra được sự đồng cảm quảng đại, kết nối trái tim với trái tim, tâm hồn với tâm hồn, có thể nói lời riêng mà thấu triệu tâm hồn, đi từ chân trời của một người đến chân trời của tất cả. Nhờ những chiêm nghiệm sâu sắc, cảm xúc trong thơ không dừng lại ở những xúc cảm cá nhân, cá thể mà mang tính khái quát, được dẫn dắt bởi một tư tưởng.

– Những chiêm nghiệm trong thơ chỉ có giá trị và ý nghĩa khi được đúc rút từ những trải nghiệm, những “lăn lộn, va xiết” của người nghệ sĩ với cuộc sống. Điều đó khiến cho những triết lí trong thơ không hề khô khan trừu tượng mà thấm đẫm cảm xúc, sự từng trải của nhà thơ

 
3 Chứng minh 6,0đ
* HS dựa vào hiểu biết của mình để lựa chọn dẫn chứng và phân tích dẫn chứng phải làm nổi bật những vấn đề sau đây:

– Tác phẩm thơ ca ấy là kết quả của những lăn lộn, va xiết trong trường đời

– Tác phẩm thơ ca ấy thể hiện chiêm nghiệm về thế sự nhân sinh

* Sau đây là một số gợi ý:

 – Truyện Kiều (Nguyễn Du)

+ Truyện Kiều là kiệt tác của văn học Việt Nam, cuốn sách gối đầu giường của bao thế hệ người Việt, tập đại thành của văn học cổ điển, có sức sống lâu bền trong đời sống tinh thần của người Việt.

+ Truyện Kiều được viết ra từ những biến thiên dâu bể, những cuộc thay đổi sơn hà khủng khiếp. Nguyễn Du viết Truyện Kiều trong những năm tháng cay cực nhất của cuộc đời – đó là khoảng thời gian ông lăn lộn ở nhiều vùng quê khác nhau để chạy loạn. “Mười năm gió bụi” đã giúp ông nếm trải đủ mọi chua cay mặn ngọt của cuộc đời, giúp ông có được những trải nghiệm quý giá để viết nên kiệt tác Truyện Kiều “Trải qua một cuộc bể dâu/Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Với con mắt “nhìn thấu sáu cõi và tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”, ông đã thấm thía tận cùng nỗi đau trước thân phận con người bị chà đạp: “Đau đớn thay phận đàn bà/Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. Những trải nghiệm của cuộc sống cũng giúp Nguyễn Du chiêm nghiệm được một quy luật thật nghiệt ngã và xa xót về kiếp hồng nhan bạc mệnh: “Trăm năm trong cõi người ta/Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Hay quy luật về sự chi phối của đồng tiền: “Trong tay sẵn có đồng tiền/Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì”….

Vội vàng (Xuân Diệu)

+ Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới. Với tâm niệm sống sâu sắc trong từng phút, từng giây của cuộc đời, luôn nhìn đời bằng cặp mắt xanh non biếc rờn và thức nhọn giác quan để cảm nhận cuộc sống, Xuân Diệu đã có có nhiều trải nghiệm về cuộc sống để nhận ra nhiều điều quý giá: thời gian một đi không trở lại, tuổi trẻ – quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời con người những lại ngắn ngủi vô cùng, vì thế hãy biết trân trọng từng phút giây ta đang sống, hãy cháy hết mình trong những năm tháng tuổi trẻ để không bao giờ phải hối tiếc. Nếu không lăn lộn va xiết với cuộc đời thì làm sao có thể rút ra được những triết lí nhân sinh thấm đẫm trải nghiệm như vậy.

–  Trong VHVN hiện đại, Nguyễn Duy là nhà thơ “ham mê chiêm nghiệm triết lý”: chọn Ánh trăng/Đò Lèn => những trải nghiệm bao giờ cũng lắng kết thành những triết lí sâu sắc về cuộc đời, con người

Thơ hai-cư:

+ Thơ hai-cư là thể thơ đặc sắc của Nhật Bản, thơ của khoảnh khắc bừng ngộ thấm đẫm tinh thần thiền tông, là thi đạo, thơ chấm phá, gợi mà không tả. Chỉ một cảnh vật, một sự việc trong thời điểm nhất định mà nhà thơ bừng ngộ một chân lý giản dị, sâu xa về con người và vạn vật.

+ Bài thơ hai-cư của Ba-sô:

Lệ trào nóng hổi

Tan trên tay tóc mẹ

Làn sương thu.

Khi Ba-sô về quê thì mẹ ông đã mất, người anh đưa cho ông di vật của mẹ còn lại là một mớ tóc bạc. Đau xót và buồn thương, Ba-sô viết bài thơ này. Cấu trúc bài thơ được xây dựng từ các hình ảnh: lệ (trào nóng hổi) của chính tác giả khóc thương mẹ, tóc mẹ (tan trên tay tác giả), và làn sương thu. Sự nối kết của các hình ảnh trong kết cấu vừa tả cái thực tại nỗi đau mất mẹ của tác giả, vừa gợi cái chân lý vĩnh hằng về sự vô thường của sự sống, sự ngắn ngủi của đời người đúng như chân lý của Phật giáo, chỉ là làn sương thu, như cách nói Đời người tựa bóngchim qua cửa của người Việt vậy. Cấu trúc đó gợi mở những suy ngẫm về đời người, triết lý sống và ứng xử hợp với qui luật của vũ trụ và nhân sinh, và để con người tỉnh thức, không mê lầm trong cõi vô thường.

3,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3,0

4 Mở rộng, đánh giá, bài học: 2,0
– Nội dung cảm xúc và những chiêm nghiệm về thế sự nhân sinh phải được chuyển tải qua hình thức nghệ thuật điêu luyện, ngôn ngữ cô đọng, hàm súc, sáng tạo.

– Bài học đối với người nghệ sĩ: cần không ngừng thâm nhập, lăn lộn với hiện thực cuộc sống để phát hiện những vấn đề mang tính phổ quát của nhân sinh và chuyển hóa vào trong tác phẩm, đem đến cho người đọc những khoảnh khắc chiêm nghiệm, bừng ngộ…

– Bài học đối với người đọc: Khi đọc thơ, cần hòa mình vào tác phẩm để cảm nhận được những triết lí sâu xa mà nhà thơ gửi gắm trong tác phẩm.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *