Đề HSG môn văn Trại hè Hùng Vương 2023 trường Chuyên Hưng Yên

TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG NĂM 2023

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HƯNG YÊN

ĐỀ ĐỀ XUẤT

 

 

 

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 10

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề

 

 

 

Câu 1 (8,0 điểm).

Bạn cũng biết rồi đó, cái tên đôi khi được cha mẹ đặt cho một cách ngẫu nhiên, nhưng chính cách sống của bạn đã không ngừng chưng cất cái tên của mình qua năm tháng, giúp nó tỏa hương”. (Nguyễn Nhật Ánh, “Tôi là Bê tô”, NXB Trẻ, 2007).

Hãy đề xuất một cách sống mà anh/chị cho rằng có thể “chưng cất cái tên của mình qua năm tháng” “giúp nó tỏa hương”.

Câu 2 (12,0 điểm).

Bàn về hình tượng trong tác phẩm nghệ thuật, tác giả Lại Nguyên Ân cho rằng: Hình tượng không chỉ phản ánh mà còn khái quát hiện thực, khám phá cái cốt lõi, bất biến, cái vĩnh cửu trong cái đơn lẻ, nhất thời, ngẫu nhiên.

Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng những hiểu biết của mình về văn học, hãy chứng minh.

 

——– HẾT ——–

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

 

TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG NĂM 2023

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HƯNG YÊN

ĐỀ ĐỀ XUẤT

 

 

 

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 10

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề

 

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

YÊU CẦU CHUNG

– Giám khảo cần nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.

– Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản, diễn đạt tốt vẫn cho điểm tối đa.

– Điểm bài thi làm tròn đến 0,25 điểm.

YÊU CẦU CỤ THỂ

Câu Ý Yêu cầu cần đạt Điểm
1   Bạn cũng biết rồi đó, cái tên đôi khi được cha mẹ đặt cho một cách ngẫu nhiên, nhưng chính cách sống của bạn đã không ngừng chưng cất cái tên của mình qua năm tháng, giúp nó tỏa hương”. (Nguyễn Nhật Ánh, “Tôi là Bê tô”, NXB Trẻ, 2007).

Hãy đề xuất một cách sống mà anh/chị cho rằng có thể chưng cất cái tên của mình qua năm thánggiúp nó tỏa hương.

8,0
    * Yêu cầu về kĩ năng

– Biết cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội: bố cục rõ ràng; lập luận chặt chẽ; vận dụng tốt các thao tác lập luận; dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.

– Bài viết trong sáng, mạch lạc, giàu cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

1,0
  * Yêu cầu về kiến thức:

Đây là dạng đề mở. Dạng đề này cho phép HS có thể đề xuất những cách sống khác nhau để khẳng định được tên tuổi, giá trị của mình theo năm tháng nhưng phải phù hợp và thuyết phục. HS cần viết bài với tâm thế của người trong cuộc, xuất phát từ điểm nhìn cá nhân và trình bày những suy nghĩ riêng về cách sống đẹp, từ đó khẳng định được vị trí, tên tuổi của bản thân trong cuộc đời này.

Chỉ đánh giá cao những bài viết in đậm dấu ấn cá nhân và thể hiện được nhân sinh quan tích cực. Không đánh giá cao những bài viết chung chung, nói theo, nói cho người khác chứ không hướng về mình và những bài viết không cho thấy cách sống đúng đắn, tốt đẹp mà mình theo đuổi để khẳng định dấu ấn và lưu danh.

 
1.1. Giải thích câu văn của tác giả Nguyễn Nhật Ánh.

– Cái tên đôi khi được cha mẹ đặt cho một cách ngẫu nhiên: cái tên là sự định danh cho mỗi người khi sinh ra trên cuộc đời. Nhiều cái tên được cha mẹ đặt một cách tình cờ, không hàm chứa ý nghĩa sâu xa, không có tính chất quyết định cuộc đời, giá trị của con người.

– Cách sống: là cách mà một người hướng đến, đối xử và thể hiện bản thân trong cuộc sống hàng ngày, bao gồm quan điểm, nguyên tắc, giá trị mà người đó theo đuổi; những hành vi, cách cư xử; những quyết định, lựa chọn của mỗi người trong cuộc sống.

– Chính cách sống của bạn đã không ngừng chưng cất cái tên của mình qua năm tháng, giúp nó tỏa hương: Cách sống của mỗi người sẽ khẳng định giá trị và sự ảnh hưởng tích cực của họ đến cộng đồng, giúp cho cái tên của họ thực sự có ý nghĩa và tạo được dấu ấn trong cuộc đời.

à Tóm lại, thông qua câu nói này, tác giả muốn nhấn mạnh tên gọi của mỗi người có thể ban đầu chưa hàm chứa một ý nghĩa sâu xa. Bằng cách đối xử và hành động tích cực (cách sống), tên tuổi của chúng ta dần dần được khẳng định, tỏa sáng và lưu danh.

1,5
1.2. Bàn luận.

Đề xuất một cách sống mà anh/chị cho rằng có thể chưng cất cái tên của mình qua năm thánggiúp nó tỏa hương.

– HS có thể đề xuất 1 cách sống đẹp, ý nghĩa để khẳng định được giá trị, tên tuổi của mình và tạo ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng.

– Dùng lí lẽ và dẫn chứng để chỉ ra vì sao lại mình lại lựa chọn cách sống ấy. Nêu rõ cách sống ấy mang lại cho bản thân những giá trị tốt đẹp gì, cách sống ấy có ảnh hưởng tích cực như thế nào đến cộng đồng.

– Sau đây là 1 số gợi ý về cách sống:

+ Sống tận hiến.

+ Sống nhân ái.

+ Sống tử tế.

+ Sống dấn thân.

+ Sống là chính mình.

+ Sống giàu ước mơ và khát vọng…

(Lưu ý: Trên đây là 1 số gợi ý, HS có thể đề xuất những “cách sống” khác miễn là lí giải hợp lí, thuyết phục.

Trong quá trình lập luận, học sinh cần chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận (chứng minh, bình luận, …) để triển khai các luận điểm; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng cần lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động).

 

 

4,0

  1.3. Mở rộng vấn đề và nêu ra bài học nhận thức, hành động.

– Phê phán những đối tượng có những cách sống không đẹp, không đúng đắn, không khẳng định được giá trị của bản thân, khiến cái tên của mình trở nên mờ nhạt, vô nghĩa trong xã hội.

– Nhìn cách sống mình lựa chọn ở nhiều góc độ, chỉ ra những cách hiểu chưa đúng, chưa toàn diện về cách sống ấy.

– Xác định rõ ràng cách sống và thực hiện, theo đuổi cách sống đó một cách tích cực, nghiêm túc.

1,5

 

2   Bàn về hình tượng trong tác phẩm nghệ thuật, tác giả Lại Nguyên Ân cho rằng: Hình tượng không chỉ phản ánh mà còn khái quát hiện thực, khám phá cái cốt lõi, bất biến, cái vĩnh cửu trong cái đơn lẻ, nhất thời, ngẫu nhiên.

Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng những hiểu biết của mình về văn học, hãy chứng minh.

12,0
  * Yêu cầu về kĩ năng

– Có kĩ năng viết bài văn nghị luận văn học; biết huy động các kiến thức lí luận, kiến thức về tác giả, tác phẩm để làm bài.

– Vận dụng tốt các thao tác lập luận, lí lẽ xác đáng; trình bày khoa học; văn viết có cảm xúc, giọng điệu riêng; diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

1,0
2.1. Giải thích.

– Hình tượng nghệ thuật: Theo “Từ điển thuật ngữ Văn học” (Lê Bá Hán – Trần Đình Sử – Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên), “hình tượng nghệ thuật là các khách thể đời sống được nghệ sĩ tái hiện bằng tưởng tượng sáng tạo trong những tác phẩm nghệ thuật”.

– Hình tượng không chỉ phản ánh mà còn khái quát hiện thực: hình tượng vừa có khả năng tái hiện, mô tả chân thực hiện thực đời sống khách quan vừa có khả năng bao quát những vấn đề quan trọng nhất, những quy luật, bản chất của cuộc sống.

Khám phá cái cốt lõi, bất biến, cái vĩnh cửu trong cái đơn lẻ, nhất thời, ngẫu nhiên: tính cá thể và giá trị phổ quát của hình tượng nghệ thuật. Trong đó, hình tượng nghệ thuật vừa mang nét cụ thể, cá biệt, không lặp lại vừa đồng thời thể hiện được những nội dung phổ biến, những giá trị không thay đổi của mọi người, mọi thời.

Khẳng định nội dung chính của nhận định: Ý kiến khẳng định sự thống nhất cao độ giữa cái cá biệt và cái khái quát trong hình tượng NT, khẳng định đặc trưng sức phản ánh khái quát của hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn học.

2,0
  2.2. Bàn luận

Đặc trưng phương thức phản ánh của văn học: văn học phản ánh cuộc sống thông qua hình tượng nghệ thuật. Đó có thể là một đồ vật, một phong cảnh thiên nhiên, một sự kiện xã hội…, nhưng thông thường nhất vẫn là hình tượng con người.

Hình tượng nghệ thuật là “cái đơn lẻ, nhất thời, ngẫu nhiên” bởi trong tác phẩm cụ thể, nó luôn phải mang tính tạo hình, có một tồn tại cụ thể (không gian, thời gian, ngoại hình …). Hình tượng là sản phẩm của sáng tạo nghệ thuật mang tính cá thể, thể hiện quy luật và đòi hỏi tất yếu của văn chương trong sự không lặp lại…

– Hình tượng tái hiện đời sống nhưng không phải sự sao chép y nguyên những hiện tượng có thật mà là tái hiện có chọn lọc, sáng tạo thông qua trí tưởng tượng và tài năng của nghệ sĩ. Cuộc sống phong phú đa dạng, những trang văn dẫu có đồ sộ đến đâu cũng không thể thu vào mình tất cả hình ảnh sự sống. Chính vì vậy, một đòi hòi tất yếu đặt ra cho nhà văn khi xây dựng hình tượng sẽ là: bên cạnh phản ánh phải khái quát, từ cái đơn lẻ nhất thời mà nói được cái cốt lõi, vĩnh hằng.

– Nhờ những đặc trưng đó, hình tượng nghệ thuật nói riêng, tác phẩm văn học nói chung trở thành sản phẩm mang dấu ấn một thời nhưng lại có sức phổ quát, nói những vấn đề của muôn người ở muôn thời đại. Đó cũng là yếu tố tạo nên sức sống lâu bền cho hình tượng nghệ thuật.

3,0
  2.3. Chứng minh

HS chủ động lựa chọn dẫn chứng để đưa vào phân tích, đảm bảo làm rõ được 2 nội dung thông tin cơ bản của hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm:

+ Nội dung cái đơn lẻ, cá biệt, nhất thời.

+ Nội dung cốt lõi, bất biến, vĩnh cửu.

 

5,0
  2.4 Đánh giá, mở rộng:

– Đánh giá chung:

+ Hình tượng nghệ thuật có ý nghĩa quan trọng, là minh chứng cho tài năng nghệ thuật, sức sáng tạo, tầm tư tưởng… của nhà văn.

– Bài học cho người sáng tác và người tiếp nhận:

+ Với người sáng tác, luôn cần sự công phu, tâm huyết trong lao động nghệ thuật để có thể sáng tạo nên những hình tượng nghệ thuật giàu ý nghĩa, vừa cụ thể, vừa khái quát, mang tính cá thể nhưng cũng có tầm vóc lớn lao, thể hiện được những vấn đề sâu xa của đời sống.

– Người đọc tiếp cận tác phẩm thông qua hình tượng nghệ thuật, cần hiểu các đặc trưng của hình tượng nghệ thuật như một chìa khoá giải mã hình tượng và tác phẩm văn chương.

1,0
    TỔNG ĐIỂM TOÀN BÀI 20,0

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *