Đề HSG chương trình mới: Sự chi phối của điểm nhìn trong truyện kể chính là vấn đề quyền năng của người kể chuyện

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

NĂM HỌC 2023 – 2024

Môn thi: NGỮ VĂN

Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

 (Đề này có 01 trang)

 

Câu 1 (8,0 điểm)

                                  Tình yêu dắt đời người trong sóng gió

                                  Đau thương lặng gieo hạt giống nhân từ

                                                (Trích “Dòng sông vẫn rì rào” – Nguyễn Đình Thi)

Bài học cuộc sống mà anh/ chị tâm đắc nhất từ hai câu thơ trên?

 

Câu 2 (12,0 điểm)

  1. Scholes và R. Kellogg cho rằng: Sự chi phối của điểm nhìn trong truyện kể chính là vấn đề quyền năng của người kể chuyện.

          (Dẫn theo GS. Trần Đình Sử, Tự sự học –một số vấn đề Lí luận và lịch sử (Phần 2), NXB Đại học sư phạm, H.2008, tr.138)

Bằng trải nghiệm của anh/ chị về thể loại tự sự dân gian, tự sự trung đại đến tự sự hiện đại, hãy làm sáng tỏ vấn đề trên.

                                         ____________ Hết_____________

NHÓM TRƯỜNG THPT

KIM XUYÊN

ĐẦM HỒNG

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

NĂM HỌC 2023 – 2024

    Môn thi: NGỮ VĂN

                                      (Hướng dẫn chấm có 05 trang)

  1. Hướng dẫn chung

– Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm.

– Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn và tính chất của kỳ thi là chọn học sinh giỏi nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; đặc biệt khuyến khích những bài viết có cảm xúc, có những ý tưởng mới mẻ, cách trình bày sáng tạo.

– Việc chi tiết hóa hướng dẫn chấm (nếu có) phải đảm bảo không sai lệch tổng điểm của mỗi ý, được thống nhất trong tổ chấm thi và được trưởng ban chấm thi duyệt.

– Điểm lẻ toàn bài đến 0,25.

  1. Hướng dẫn chấm từng câu
Câu Nội dung Điểm
1 Viết bài NLXH về một tư tưởng đạo lí:

Những bài học rút ra từ câu thơ: vai trò của tình yêu và lòng nhân từ trong cuộc sống

8,0
 

 

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Có đủ các phần: mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; thân bài triển khai thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau, cùng làm sáng tỏ vấn đề; kết bài đánh giá được vấn đề.

0,5
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Bài học về vai trò của tình yêu và lòng nhân từ trong cuộc sống

0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận

– Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận.

– Biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động.

– Đặt được bản thân vào vấn đề, có những suy nghĩ và định hướng, bài học cho bản thân mình.

Có thể trình bày theo định hướng sau:

 
* Giải thích

Tình yêu dắt đời người trong sóng gió: Tình yêu có sức mạnh nâng đỡ, định hướng cho con người trước những khó khăn, thử thách của cuộc sống.

Đau thương lặng gieo hạt giống nhân từ: Trong đau thương hãy biết sống bao dung, độ lượng, biết tha thứ, đừng vì đau thương mà gây thù hận, chỉ có như vậy cuộc sống của con người mới trở nên tốt đẹp, con người mới thực sự xứng đáng là CON NGƯỜI.

=> Hai câu thơ thể hiện suy ngẫm sâu sắc, mang tính triết lí về vai trò của tình yêu và lòng nhân từ trong cuộc sống.

1.0

 

 

* Phân tích, chứng minh

Khẳng định hai câu thơ chứa đựng bài học mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc:

–  Tình yêu có sức mạnh to lớn, bởi:

+ Những khó khăn, thử thách là quy luật tất yếu của cuộc sống, con người trong cuộc đời sẽ có lúc gặp phải những khó khăn, thử thách đó là điều không tránh khỏi, trong những lúc sóng gió ấy con người có thể chông chênh, chao đảo, mất phương hướng thậm chí là gục ngã vì thế con người rất cần được đón nhận tình yêu từ người khác.

+ Tình yêu là những tình cảm cao đẹp giữa con người với con người, tình cảm nhân văn ấy sẽ là sức mạnh tinh thần to lớn nâng đỡ, dẫn đường chỉ lối, định hướng và giúp cho con người vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống.

– Lòng nhân từ có vai trò to lớn, bởi:

+ Lòng nhân từ giúp con người có một thái độ sống tích cực, thể hiện nhân cách cao đẹp và xứng đáng với thiên chức của CON NGƯỜI.

+ Khi con người có lòng nhân từ thì tâm hồn sẽ luôn thanh thản, nhẹ nhàng và người được đón nhận lòng nhân từ sẽ cảm thấy hạnh phúc. Vì thế mối quan hệ giữa người với người cũng sẽ tốt đẹp hơn, đó là nền tảng của một xã hội văn minh, tiến bộ.

+ Sống nhân từ cũng là gìn giữ và tiếp nối vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam trong truyền thống: “Sống hiên ngang mà nhân ái chan hoà” (Huy Cận)

– Tình yêu sẽ là cơ sở, là nền tảng để con người sống nhân từ và nhân từ cũng là một trong những yếu tố để hình thành và nuôi dưỡng tình yêu giữa con người với con người. Một con người cần có đủ hai yếu tố tình cảm cao đẹp, nhân văn đó.

HS cần lấy được dẫn chứng, kết hợp với lí lẽ để làm sáng tỏ các luận điểm đưa ra.

3,5

 

 

 

 

 

* Bàn luận, mở rộng

– Bày tỏ thái độ đáng tiếc, đáng trách với những người sống không có tình yêu và lòng nhân từ, luôn sống vị kỉ, hẹp hòi, vô cảm.

– Tuy nhiên tình yêu chỉ có sức mạnh, có ý nghĩa khi đúng đối tượng và cũng chỉ nhân từ với từng đối tượng, trong từng hoàn cảnh cụ thể, vì mục đích cao đẹp.

 

HS cần lấy được dẫn chứng, kết hợp với lí lẽ để làm sáng tỏ các luận điểm đưa ra.

1,0
* Bài học và liên hệ

– Mỗi người cần nhận thức được vai trò, ý nghĩa của tình yêu, lòng nhân từ trong cuộc sống nhất là trong xu thế hội nhập toàn cầu. Hai câu thơ còn mang một thông điệp: hãy mở rộng vòng tay yêu thương và trái tim nhân hậu, hãy độ lượng, biết tha thứ, khép lại quá khứ để hướng tới tương lai.

– Liên hệ bản thân (HS viết bằng trải nghiệm cá nhân, thể hiện rõ cảm xúc, suy ngẫm riêng)

0,75

 

 

 

d. Sáng tạo

Có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm, hình thức văn bản mới mẻ…) thể hiện quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

0,5
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

0,25
2 Viết bài nghị luận văn học: 

Nhận định về truyện ngắn, có ý kiến cho rằng: “đó là một kỳ quan nghệ thuật bé nhỏ nhưng có sức chấn động phi thường”.

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng những trải nghiệm văn học của cá nhân về thể loại truyện, anh/ chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

12,0
  a.     Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Có đủ các phần: mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài đánh giá được vấn đề.

0,5
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

       Vai trò của điểm nhìn tần thuật trong mối quan hệ với câu chuyện được kể

0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận

Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

Có thể trình bày theo định hướng sau:

 
* Giải thích

-Điểm nhìn trong truyện kể: là vị trí của người kể trong mối quan hệ với câu chuyện được kể; thuộc về nghệ thuật kể chuyện của nhà văn.

quyền năng của người kể chuyện: là nhà văn có quyền toàn bộ trong quá trình sáng tạo, lựa chọn điểm nhìn trần thuật cho truyện kể của mình.

=> Ý kiến nhấn mạnh vai trò của điểm nhìn trần thuật trong nghệ thuật kể chuyện và sự sáng tạo của nhà văn trong quá trình lựa chọn, tạo ra điểm nhìn trần thuật riêng cho tác phẩm tự sự của mình.

1,5

 

 

 

* Bàn luận

– Điểm nhìn trần thuật thuộc về nghệ thuật kể chuyện trong tác phẩm tự sự, là sáng tạo có chủ đích của nhà văn; tạo nên thành công của tác phẩm.

– Nhiều nghiên cứu về điểm nhìn nghệ thuật đều chú trọng vào người kể chuyện và phân loại thành nhiều kiểu người kể chuyện, chẳng hạn: người kể chuyện ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba; người kể chuyện toàn tri[1] (người kể chuyện thông suốt mọi sự việc) hoặc người kể chuyện không toàn tri (chỉ biết một phần sự việc); người kể chuyện theo điểm nhìn bên trong hoặc bên ngoài;….

-Từ tự sự dân gian, tự sự trung đại đến tự sự hiện đại có sự phát triển, thay đổi về nghệ thuật tự sự – thì một phần là sự thay đổi, sáng tạo ở vấn đề người kể chuyện, điểm nhìn trần thuật.

3,0
 * Chứng minh

HS tự chọn tác phẩm tự sự dân gian, tự sự trung đại, tự sự hiện đại để làm rõ vấn đề:

-Điểm nhìn, ngôi kể trong tác phẩm tự sự dân gian, tự sự trung đại: thường ở ngôi thứ nhất hoặc thứ ba, người kể chuyện biết hết mọi sự việc; thường theo trình tự thời gian tuyến tính; chú trọng nội dung được kể hơn là nghệ thuật kể.

(Chọn 1 tác phẩm tự sự dân gian; 1 tác phẩm tự sự trung đại để làm rõ vấn đề)

– Điểm nhìn, ngôi kể trong tác phẩm tự sự hiện đại: có sự linh hoạt ở ngôi thứ nhất hoặc thứ ba nhưng thường xuyên có sự thay đổi, di chuyển điểm nhìn; người kể chuyện thường không biết hết sự việc để tạo ra nhiều điểm nhìn trong nghệ thuật kể chuyện;…

(Chọn 1 tác phẩm tự sự hiện đại để làm rõ vấn đề)

=> Trong nghệ thuật tự sự, từ dân gian đến hiện đại, là bước tiến, phát triển, sáng tạo không ngừng về điểm nhìn trần thuật. Thực chất, các nhà văn hiện đại, đương đại thể hiện quyền năng rõ nhất trong việc sáng tạo, chi phối điểm nhìn trần thuật trong truyện kể.

4,0
* Đánh giá, mở rộng vấn đề:

-Nhà văn có quyền năng trong việc sáng tạo điểm nhìn trần thuật của tác phẩm; tuy nhiên mọi quyền năng  đó đều là dụng ý của nhà văn và tuân theo quy luật sáng tạo; Sự sáng tạo trong điểm nhìn trần thuật góp phần tạo nên sự hấp dẫn, mê hoặc của mỗi truyện kể.

-Bài học cho người sáng tác và người tiếp nhận.

1,5

 

 

 

d. Sáng tạo

– Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ.

– Có cách thức (so sánh, đối chiếu, liên tưởng…) để làm nổi bật vấn đề.

0,5
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

0,5
  Tổng toàn bài 20,0

 

___________ Hết_____________

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *