Đề HSG các trường chuyên duyên hải và ĐBBB 2023, Chu Văn An

HỘI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN

VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ          ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN KHỐI 10

TRƯỜNG THPT CHU VĂN AN – HÀ NỘI                                       NĂM 2023

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT                                                Thời gian làm bài: 180 phút

                                                                                              (Đề thi có 01 trang, gồm 02 câu)

Câu 1 (8 điểm)

Lời của ngọn cỏ

Một ngọn cỏ nói với một chiếc lá mùa thu rằng:

“Ngươi rơi ồn ào quá! Ngươi làm tan tác mọi giấc mộng mùa đông của ta.”

Tức mình, chiếc lá mùa thu đáp trả:

“Đồ sinh chốn thấp hèn và ở nơi thấp hèn! Đồ không biết hát, đồ hay cáu kỉnh! Ngươi không sống giữa không khí trên cao và ngươi không thể nào phân biệt được thanh âm của giọng hát.”

Nói xong, chiếc lá mùa thu nằm yên dưới đất và ngủ. Khi mùa xuân tới, nó lại thức giấc – và nó là một ngọn cỏ.

Khi mùa thu sang và giấc ngủ mùa đông của nó kéo tới. Trên mình nó toàn bộ không khí lướt qua, những chiếc lá rơi xuống, và nó thì thầm với mình:

“Ôi những chiếc lá mùa thu! Chúng ồn ào quá! Chúng làm tan tác mọi giấc mộng của ta!”

(Mây trên đỉnh núi và kẻ mộng duKahlil Gibran

– Công ty sách thời đại và NXB Văn học, 2012, trang 175)

Câu chuyện trên gợi cho anh/chị những suy nghĩ gì?

 

Câu 2 (12 điểm)

Bàn về ngôn ngữ thơ, nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương cho rằng:

Thơ vừa là nghệ thuật ngôn từ, vừa là nghệ thuật vượt qua ngôn từ, “khắc phục ngôn từ” (D.Likhatshev). Trong thơ hình thức ngôn ngữ thường mờ đục, trái lại, trong văn xuôi ngôn ngữ thường trong suốt.

(Tác phẩm và thể loại văn học

NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh – trang 143)

Bằng hiểu biết văn học của mình, anh/chị hãy bàn luận ý kiến trên.

 

……………..HẾT……………..

 

ĐÁP ÁN + BIỂU ĐIỂM CHẤM MÔN NGỮ VĂN KHỐI 10

 

Câu Ý Nội dung chính cần đạt Điểm
Câu 1 1 Giải thích

– Lời phàn nàn của ngọn cỏ hay chiếc lá là câu chuyện về cách giao tiếp, ứng xử của con người khi không có lòng trắc ẩn, đồng cảm và thấu cảm.

+ Khi không ở vị trí của nhau, thường con người không thể hiểu hết được nhau, và thường xuyên xảy ra những trách móc, hiểu lầm.

+ Mọi xung đột, xung khắc, chiến tranh của con người đều bắt đầu từ chỗ không ai ở vị trí của nhau. Ngọn cỏ không là chiếc lá, chiếc lá không là ngọn cỏ.

– Nhưng tại sao khi chiếc lá là ngọn cỏ, nó lại tiếp tục phàn nàn về lá, mà không chịu thông cảm.

=> Đặt ra vấn đề lớn nữa của con người: con người không chỉ trách móc người khác khi không chịu thấu hiểu người khác, mà con người còn thường xuyên trách móc người khác khi họ mắc lỗi y như của mình, mắc những lỗi mà mình cũng đã từng mắc phải. Bởi con người rất mau quên những gì đã xảy ra với mình, và vì con người không chịu ý thức, phản biện lại bản thân.

 

2,0

2

3

Bình luận, Chứng minh

– Việc thấu hiểu người khác để cảm thông, chia sẻ là việc đương nhiên, là bản tính của con người, nhưng tại sao con người lại khó khăn khi hiểu người khác?

=> Việc thấu hiểu, thông cảm cho nhau là một việc rất khó, đòi hỏi con người phải biết vượt qua những định kiến, phán xét và thế giới chủ quan của cá nhân.

=> “Muốn hiểu được một người người khác, anh phải nuốt trọn cả thế giới”

– Vấn đề của việc con người không chịu thấu hiểu người khác là bởi, con người cũng thường xuyên không thấu hiểu chính mình. Con người không nhớ những sai lầm mình đã mắc phải, đã không sống chậm lại, ngẫm nghĩ về bản thân, phản tư lại chính mình.

=> Đặt ra vấn đề về sự cần thiết của việc phản biện chính mình, sự phản tư của cá nhân.

=> Con người không chỉ không có lòng trắc ẩn với người khác, mà còn không có lòng trắc ẩn và thấu cảm với chính bản thân.

5
2

2,5

 

 

 

 

 

 

 

2,5

HS chọn lọc dẫn chứng phù hợp.
  3 Liên hệ thực tiễn, rút ra bài học

Thế giới sẽ ra sao, nếu con người lúc nào cũng thấu hiểu nhau, thông cảm cho nhau?

=> Có thể con người sẽ không phát triển nữa. Đôi khi, chính những sự không thấu hiểu, va chạm giữa các giá trị giữa cá nhân này và cá nhân kia, sẽ khiến con người luôn nỗ lực và tìm ra mục đích sống của mình hơn.

1,0
Biểu điểm:

– Điểm 7 – 8: đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, bài viết sâu sắc độc đáo, diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 5 – 6: Nội dung đầy đủ, có thể còn thiếu một vài ý nhỏ, bố cục rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, câu văn có hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 3 – 4:  Bài làm còn thiếu ý. Văn chưa hay nhưng rõ ý. Mắc không quá 7 lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 1 – 2: Trình bày ý còn sơ sài, kết cấu không rõ ràng, còn nhiều lỗi diễn đạt (>7 lỗi).

 

 

Câu 2

1 Giải thích

Thơ và văn xuôi: hai kiểu tổ chức ngôn từ nghệ thuật mà sự khác nhau thuần túy bề ngoài trước hết ở cơ cấu nhịp điệu.

+ Nhịp điệu của thơ được tạo ra do sự phân chia (theo những quy tắc mang tính số lượng) dòng ngôn ngữ tác phẩm thành những ngữ đoạn vốn không trùng hợp với sự phân chia dòng ngôn từ theo cú pháp.

+ Dòng ngôn từ ở văn xuôi được chia thành những câu và đoạn câu vốn có ở lời nói thường ngày, nhưng đã được tu chỉnh lại.

Nghệ thuật ngôn từ: thơ cũng như các thể loại văn học khác, lấy ngôn từ làm chất liệu để xây dựng hình tượng nghệ thuật.

Nghệ thuật vượt qua ngôn từ, khắc phục ngôn từ: ngôn từ trong thơ luôn mở rộng biên giới ý nghĩa. Người làm thơ luôn vượt qua giới hạn nghĩa thông thường của ngôn từ để tạo lập một “kiểu”, một “cách” hiểu mới cho ngôn từ (đôi khi khác hẳn với nghĩa quen dùng).

Hình thức ngôn ngữ mờ đục: khó hiểu, đa nghĩa do chồng chập nhiều cách hiểu, nhiều cách liên tưởng.

Ngôn ngữ trong suốt: sáng tỏ, tường minh, logic.

=> Ý kiến bàn về đặc điểm của ngôn ngữ thơ, một phương diện nổi bật của thể loại thơ, trong sự so sánh với thể loại văn xuôi.

 

2,0

 
2 Bình luận, Chứng minh

Đây là ý kiến đúng đắn, khẳng định được đặc trưng của ngôn ngữ thơ ca.

– Vì sao thơ vừa là nghệ thuật ngôn từ, vừa là nghệ thuật vượt qua ngôn từ, “khắc phục ngôn từ” (D.Likhatshev). Trong thơ hình thức ngôn ngữ thường mờ đục, trái lại, trong văn xuôi ngôn ngữ thường trong suốt?

+ Văn xuôi là cách thức tổ chức ngôn từ dựa trên nguyên tắc nhân quả và thứ tự biên niên. Nói cách khác, văn xuôi tự sự là sự kết hợp có tính kế tục, sự trần thuật diễn ra từ một đối tượng này đến một đối tượng khác, kế cận nhau theo trận tự nhân quả hay trật tự thời gian.

→ Diễn ngôn của văn xuôi gần với lời nói thường ngày

→ Đọc văn xuôi ít nhiều người đọc thấy sự gần gũi.

+ Thơ lại là một thứ ngôn ngữ đặc biệt, khác thường. Ngôn ngữ thơ không phụ thuộc vào nguyên tắc nhân quả và thứ tự biên niên.

Tính chất bất thường của việc tổ chức ngôn từ ở câu thơ thể hiện ở ý nghĩa đặc biệt, bản chất đặc thù của phát ngôn: đó không phải là thông báo hay phán đoán lý thuyết mà là một hành vi ngôn ngữ tự tại.

+ So với văn xuôi:

Ngôn ngữ thơ:

  • Hàm súc
  • Đa nghĩa
  • Giàu liên tưởng

→ Lạ hóa

→ Nảy sinh như một sự phân lập khỏi ngôn ngữ thực tại, hình thức câu thơ đã như là tín hiệu của việc đưa thế giới nghệ thuật ra khỏi khuôn khổ tính xác thực thường ngày.

 

– Thơ vừa là nghệ thuật ngôn từ, vừa là nghệ thuật vượt qua ngôn từ, “khắc phục ngôn từ” (D.Likhatshev). Trong thơ hình thức ngôn ngữ thường mờ đục, trái lại, trong văn xuôi ngôn ngữ thường trong suốt như thế nào?

+ Thơ là ngôn ngữ đặc biệt, khác thường, nhưng phải có những nguyên tắc nhất định:

Cấu trúc của bài thơ dựa trên sự lặp lại của hình ảnh và nhịp điệu qua sự giống nhau hay tương phản của cái được biểu hiện.

+ Vì thế, việc vượt qua ngôn từ, hay mờ đục của thơ phải rất “nghệ thuật”, không thể tùy tiện.

 

– Học sinh chọn và phân tích dẫn chứng tiêu biểu trong các tác phẩm đã học, đã đọc để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.

– Có thể phân tích các dẫn chứng đan cài hoặc tách riêng với phần Bình luận nhưng cần có ý thức bám sát vấn đề nghị luận.

(Nên chọn những tác phẩm ngôn ngữ lạ hóa, đa nghĩa: Nguyệt cầm, Tây Tiến, Đàn ghita của Lorca, thơ Hàn Mặc Tử, thơ Đường, thơ Haiku, …)

 

8,0

 

 

 

 

 

  3 Đánh giá, mở rộng

– Ý kiến là góc nhìn về thơ của một nhà nghiên cứu nhưng cũng là sự khẳng định đúng đắn về đặc trưng của ngôn ngữ thơ ca.

– Cũng cần nhận thấy thêm rằng, không có sự phân tích quá rạch ròi giữa ngôn từ thơ và văn xuôi (nhiều tác phẩm văn xuôi cũng có ngôn ngữ vượt qua ngôn từ, khắc phục ngôn từ); và ngôn ngữ mờ đục hay không còn do khuynh hướng, trào lưu, phong cách tác giả.

– Bài học sáng tạo và tiếp nhận:

+ Nhà thơ cần nỗ lực sáng tạo ngôn ngữ trau dồi, tinh luyện.

+ Người đọc cần tiếp cận tác phẩm trên nhiều phương diện: hình thức đến nội dung để trân trọng sự sáng tạo của người nghệ sĩ và thâm nhập vào thế giới vi diệu, bí ẩn của thơ ca.

 

2,0
Biểu điểm:

– Điểm 11 – 12: đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, bài viết sâu sắc độc đáo, diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 8 – 10: Nội dung đầy đủ, có thể còn thiếu một vài ý nhỏ, bố cục rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, câu văn có hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 5 – 7:  Bài làm còn thiếu ý. Văn chưa hay nhưng rõ ý. Mắc không quá 7 lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 3 – 4: Trình bày ý còn sơ sài, kết cấu không rõ ràng, còn nhiều lỗi diễn đạt (>7 lỗi).

– Điểm 1 – 2: Không hiểu đề, không có kĩ năng nghị luận, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.

Lưu ý: Giám khảo vận dụng linh hoạt biểu điểm. Có thể thưởng điểm cho những bài viết có sáng tạo nếu điểm toàn bài chưa đạt tối đa. Điểm cho lẻ đến 0,25.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *