SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
TRƯỜNG THPT CHUYÊN VĨNH PHÚC |
ĐỀ ĐỀ XUẤT DUYÊN HẢI VÀ ĐBBB
Năm học 2022–2023 Môn: Ngữ văn – Lớp 10 (Thời gian làm bài 180’) —————————- |
Câu 1 (8 điểm):
Nhiệm vụ của chúng ta trong cuộc sống không phải là thay đổi thế giới, nhiệm vụ của chúng ta là thay đổi bản thân chúng ta.
(Cuộc sống thay đổi khi chúng ta thay đổi, Andrew Matthews, NXB Thời đại, 2013)
Viết bài văn nghị luận xã hội trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên.
Câu 2 (12 điểm):
“Chừng nào tâm hồn một con người cần đến với một tâm hồn khác, chừng đó tác phẩm nghệ thuật còn cần thiết cho con người” (Dêgơcx)
Bằng trải nghiệm văn học, anh chị hãy bình luận ý kiến trên.
————– Hết —————
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VĨNH PHÚC |
HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ ĐỀ XUẤT DUYÊN HẢI VÀ ĐBBB Năm học 2022–2023 Môn: Ngữ văn – Lớp 10 —————————- |
Câu 1 (8,0 điểm).
* Yêu cầu về kỹ năng:
Thí sinh hiểu đúng yêu cầu của đề bài; biết cách làm bài văn nghị luận xã hội; bố cục ba phần rõ ràng; lập luận chặt chẽ, mạch lạc; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
* Yêu cầu về kiến thức:
Hiểu đúng ý kiến, có cách giải thích, bàn luận, chứng minh hợp lý, thuyết phục. Sau đây chỉ là gợi ý, định hướng giải quyết đề bài:
Ý | Nội dung | Điểm |
1 | Giải thích | 1,0 |
– Thay đổi: là sự chuyển biến từ trạng thái này sang trạng thái khác của sự vật, sự việc, con người.
– Thay đổi thế giới: là tác động làm chuyển biến hoàn cảnh, môi trường sống, con người trong phạm vi nhân loại rộng lớn, cải thiện thế giới theo chiều hướng tiến bộ hơn, văn minh hơn. – Thay đổi bản thân: là điều chỉnh những thói quen, suy nghĩ, tính cách đã ăn sâu bám rễ bên trong mỗi người, nhằm hướng tới những giá trị tốt đẹp. => Câu nói đưa ra lời khuyên về nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi người trong cuộc đời: con người chưa cần phải làm những việc cao cả vĩ đại như thay đổi thế giới, việc mỗi người cần làm là tự giác thay đổi chính mình. |
||
2 | Bàn luận | 6,0 |
– Thay đổi thế giới là khát vọng đẹp, cần được khích lệ bởi nó góp phần cải tạo xã hội, đưa con người đến gần hơn với sự văn minh. Tuy nhiên, thay đổi thế giới là điều không hề đơn giản, dễ dàng. Vậy trước hết, ta hãy thay đổi bản thân vì:
+ Chính bản thân mỗi con người người tự biết mình là ai, cuộc sống hiện tại thế nào, điểm mạnh, điểm yếu là gì để học hỏi và tự hoàn thiện mình mỗi ngày. + Thay đổi bản thân là cách giúp con người trở nên tốt đẹp hơn, bộc lộ những giá trị nội tại, chiến thắng chính mình, vượt qua mọi rào cản và giới hạn, mỗi ngày đều tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. + Thay đổi bản thân giúp con người chung sống hài hòa với những người xung quanh, thích nghi với môi trường mới, theo kịp sự tiến bộ của xã hội. – Thay đổi bản thân được thể hiện qua các góc độ: + Thay đổi tư duy, cách nhìn, nhân sinh quan: từ góc nhìn hạn hẹp, chủ quan, phiến diện, mỗi người biết cách nhìn sự vật, sự việc, hiện tượng, con người ở nhiều góc độ, bao quát hơn, toàn diện hơn. + Thay đổi hành động, thói quen, tính cách: từ hành động, thói quen xấu, mỗi người biết sửa chữa, cải thiện, khắc phục, làm lành lánh dữ như cách nói dân gian. + Thay đổi số phận: nhiều người dũng cảm thay đổi cuộc đời, bước từ bóng tối ra ánh sáng, từ khổ đau đến hạnh phúc. – Tuy nhiên, bên cạnh khát vọng thay đổi bản thân, chúng ta cũng cần có khát vọng thay đổi thế giới để tạo lập cuộc sống tốt đẹp hơn. + Vì từ bao đời nay, con người luôn có ước mơ và khát vọng chinh phục hoàn cảnh, cải tạo thế giới, thay đổi cuộc sống, thiết lập những giá trị tiến bộ hơn cho nhân loại. + Nếu không có khát vọng thay đổi thế giới, con người sẽ trở nên cam chịu, nhân loại sẽ không có những bước tiến dài trong lịch sử ở mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, khoa học. – Thay đổi bản thân hay thay đổi thế giới– hai sự lựa chọn ấy đều đáng quý, đều góp phần tạo nên con người sáng tạo, linh hoạt, bản lĩnh. Tùy thuộc vào hoàn cảnh mà mỗi chúng ta nên có cách giải quyết và chọn lựa một sự thay đổi riêng cho chính mình. Học sinh cần kết hợp lí lẽ và dẫn chứng để bàn luận |
||
3 | Mở rộng, bài học nhận thức và hành động | 1,0 |
– Đừng thay đổi bản thân vì muốn làm hài lòng người khác, chỉ thay đổi khi chắc rằng mình sẽ tốt hơn. Hãy nghĩ về chính bản thân mình trước khi quan tâm đến thái độ, đánh giá, phán xét của người đời.
– Bên cạnh đó, chủ động điều chỉnh môi trường xung quanh cũng là việc nên làm. Thay đổi cuộc sống xung quanh để phù hợp với bản thân là điều có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng. Đôi khi chính từ khát vọng thay đổi hoàn cảnh, thay đổi thế giới, con người mới thay đổi bản thân theo hướng tích cực hơn, trở thành phiên bản hoàn hảo hơn của chính mình. – Bản thân mỗi người cần tự nỗ lực, tự tìm ra hướng đi và cách thay đổi phù hợp với chính mình. Thay đổi bản thân để phù hợp với hoàn cảnh, và thay đổi thế giới nếu chúng ta đã sẵn sàng. |
Câu 3 (12,0 điểm).
Yêu cầu về kỹ năng:
Thí sinh hiểu đúng yêu cầu của đề bài; vận dụng tốt các kĩ năng làm văn để viết bài văn nghị luận văn học; bố cục ba phần rõ ràng; lập luận chặt chẽ, mạch lạc; dẫn chứng phong phú, tiêu biểu; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; khuyến khích những bài viết sáng tạo, giàu chất văn.
Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau trên cơ sở hiểu rõ yêu cầu của đề bài. Bài làm có cách nhìn nhận vấn đề theo quan điểm riêng và có hệ thống ý riêng, nhưng với điều kiện phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.
– Đánh giá cao những bài viết trình bày vấn đề một cách có hệ thống, lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc sảo, dẫn chứng đa dạng, có cảm xúc, có cá tính.
– Bài làm cần đạt được một số yêu cầu cơ bản sau:
Ý | Nội dung | Điểm |
1 | Giải thích | 1,0 |
– Tâm hồn: phần ẩn bên trong nhưng rất thực của sự tồn tại con người và không dễ dàng thấy được.
– Tâm hồn một con người cần đến với một tâm hồn khác: nhu cầu chia sẻ, thấu hiểu, giap tiếp giữa con người với con người. -> Ý kiến đã khẳng định một trong những chức năng quan trọng của văn học là chức năng giao tiếp. Tác phẩm nghệ thuật là tiếng nói của tâm hồn, là con đường, phương tiện đưa con người xích lại gần nhau bằng tình cảm, tinh thần và sự đồng điệu. |
||
2 | Bàn luận | 4,0 |
– Nghệ thuật là tiếng nói của tâm hồn con người. Hoạt động sáng tạo nghệ thuật không chỉ đơn thuần là một công việc, mà khi người nghệ sĩ viết văn, làm thơ là họ đến với người bạn tri âm tin cậy nhất để trải mọi nỗi lòng. Vì vậy khi sáng tác, nghệ sĩ được chia sẻ và giải tỏa những băn khoăn trăn trở của mình một cách tuyệt đối.
– Nghệ thuật chính là con đường để người nghệ sĩ giao tiếp với độc giả. Giao tiếp trong văn học không phải là sự thông báo một chiều mà là sự trao đổi, tác động qua lại giữa người cầm bút và độc giả. Khi những nhận thức, tình cảm, nỗi lòng…của nghệ sĩ trùng hợp với độc giả sẽ tạo nên sự đồng điệu, tri âm giữa nhà văn, nhà thơ và bạn đọc. – Nhờ nghệ thuật, con người có thể giao lưu cả quá khứ – hiện tại – tương lai, mang tiếng nói của dân tộc này đến dân tộc khác, thế hệ trước đến thế hệ sau; nó vượt ra ngoài ranh giới của không gian và thờ gian đem lại sự giao tiếp nhiều chiều, để con người thêm gắn kết, gần nhau hơn. Lưu ý: -Học sinh kết hợp lí lẽ và dẫn chứng để bàn luận -Ý bàn luận thứ 3 là ý phân hóa được học sinh giỏi |
||
3 | Phân tích, chứng minh | 6,0 |
* Học sinh có thể lựa chọn các tác phẩm văn học dân gian, văn học trung đại, văn học hiện đại, văn học nước ngoài để chứng minh.
* Dù lựa chọn dẫn chứng thế nào, phần chứng minh cũng cần theo hướng: – Tâm hồn của tác giả trong tác phẩm văn học đó là gì? (tâm hồn một con người) – Sự khao khát cần có những tâm hồn đồng điệu (cần đến một tâm hồn khác) thể hiện trong tác phẩm như thế nào? Tác giả có tìm được người đồng điệu với mình không? – Tác phẩm văn học thể hiện sự cần thiết đối với chính tác giả và với giai đoạn văn học đó như thế nào? Lưu ý: -Với đề bài này, việc phân hóa bài làm chất lượng cao sẽ ở hướng chứng minh với 3 ý như trên. Nếu thiếu 1 trong 3 ý, bài viết sẽ thiếu tính toàn diện. – Học sinh có thể vừa bàn luận vừa chứng minh, không nhất thiết phải tách riêng hai phần. |
|
|
4 | Mở rộng, nâng cao | 1,0 |
-Sự tồn tại và sự cần thiết của văn chương gắn liền với tiếng nói tâm hồn con người. Khát vọng chân chính của mỗi nhà văn là khi cất tiếng, họ thể hiện được nỗi lòng của mình và nhận được “tiếng vọng”, sự đồng điệu từ người đọc.
– Sẽ là bất hạnh nếu như tác phẩm của nhà văn bị “lệch nhịp” với bạn đọc đương thời. Nhiều tác phẩm văn học đi trước thời đại phải chấp nhận sự cô đơn và cần đợi nhiều năm sau mới được ghi nhận. – Khi không còn tiếng nói tâm hồn, tình cảm, thì liệu văn chương có cần thiết, có quan trọng trong cuộc sống con người không? Nếu tác phẩm do máy móc sáng tác, khi máy móc không có tâm hồn, thì đó có gọi là “văn học”? Đó sẽ là những câu hỏi lớn đặt ra cho các nhà văn trong bối cảnh thời hiện đại. |
Lưu ý:
– Cho điểm tối đa khi bài thi đảm bảo tốt cả 2 yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, khuyến khích những bài viết có chất văn, có sự sáng tạo, có kiến văn phong phú, sâu rộng.
– Điểm của bài thi là tổng điểm các câu cộng lại; cho điểm từ 0 đến 10.
– Điểm lẻ làm tròn tính đến 0,25 điểm .
—Hết—