Đề HSG 10 hội các trường chuyên duyên hải và ĐBBB 2023, Chuyên Thái Bình

SỞ GD – ĐT THÁI BÌNH   

TRƯỜNG THPT CHUYÊN THÁI BÌNH

ĐỀ ĐỀ XUẤT

 

 

(Đề thi gồm 01 trang)

KÌ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐBBB

NĂM HỌC 2022– 2023

 MÔN: NGỮ VĂN 10

Thời gian: 180 phút (Không kể thời gian giao đề)

 

 

 

Câu 1 (8 điểm)

Không ai là một hòn đảo

Không ai là một hòn đảo của bản thân mình

Mỗi người là một phần của lục địa

Một phần của lớn lao…

(Ngọc Minh dịch, https://canhbuom.eu.vn/)

Từ nội dung được gợi ra qua đoạn thơ trên cùng góc nhìn tuổi trẻ, em hãy viết bài văn nghị luận với nhan đề: Thế giới khác đi nhờ có bạn.

 

 Câu 2 (12 điểm)

Văn học luôn là một cuộc thám hiểm đến sự thật” (F. Kafka)

Bằng trải nghiệm văn học của bản thân, em hãy bình luận ý kiến trên.

SỞ GD – ĐT THÁI BÌNH   

TRƯỜNG THPT CHUYÊN THÁI BÌNH

HƯỚNG DẪN CHẤM

 

 

(Gồm 05trang)

KÌ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐBBB

NĂM HỌC 2022– 2023

 MÔN: NGỮ VĂN 10

Thời gian: 180 phút (Không kể thời gian giao đề)

 

YÊU CẦU CHUNG

– Giám khảo phải nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt. Hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.

– Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho đủ điểm.

– Điểm bài thi có thể cho lẻ đến 0,25 điểm và không làm tròn.

YÊU CẦU CỤ THỂ

Câu 1 (8,0 điểm)

Về kĩ năng:

– Biết cách làm bài văn nghị luận theo hướng đề mở, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, vận dụng tốt các thao tác lập luận, dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.

– Bài viết trong sáng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

– Học sinh có thể trình bày bài viết dưới nhiều hình thức khác nhau

b.Về kiến thức:

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

    Điểm
1. Giải thích Ý thơ: “Không ai là một hòn đảo của bản thân mình/ Mỗi người là một phần của lục địa/ Một phần của lớn lao…”: khẳng định mỗi người không phải là cá thể cô đơn, lạc lõng mà là một phần của thế giới; đóng góp vào sự phát triển tích cực của thế giới này.

Thế giới: là tổng thể nói chung những gì tồn tại, thường dùng để chỉ tổng quát những sự vật, vật chất và hiện tượng tồn tại bên ngoài, cũng có thể hiểu là nơi con người sinh sống, hay để chỉ toàn thể loài người, cộng đồng xã hội nói chung.

Khác đi: thay đổi, trở nên mới lạ, có thể theo chiều hướng tích cực, hoàn thiện hơn hoặc tiêu cực, ngày một xấu đi.

– Các bản trẻ là chủ nhân tương lai của thế giới nói chung, của đất nước nói riêng, thế giới sẽ đổi khác thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào suy nghĩ, nhận thức, hành động của thế hệ trẻ.

à Khẳng định vai trò của cá nhân trong việc làm đổi thay thế giới.

2.0
2. Bàn luận * Tại sao mỗi bản thể lại có khả năng thay đổi thế giới?

– Mỗi con người là một hạt nhân của xã hội. Mỗi nhận thức, mỗi hành động, lối sống của chúng ta đều có ảnh hưởng đến cộng đồng. Vì vậy, mỗi người cần có tác động tích cực để thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

– Đặc biệt tuổi trẻ là tương lai của đất nước, là lứa tuổi mang nhiều hoài bão, khao khát dấn thân và khẳng định mình, bởi vậy khả năng tác động của tuổi trẻ đến hiện tại và tương lai của xã hội là lớn lao

+ Mỗi con người là một thực thể riêng biệt không trộn lẫn với màu da, mái tóc và đặc biệt là tâm hồn, tư tưởng, cá tính hoàn toàn khác biệt. Sự tồn tại có ý nghĩa duy nhất trên cõi đời của chúng ta đã là điều kì diệu của tạo hoá. Cho nên làm tốt những điều bình thường, sống tích cực, lạc quan đã là sự khác biệt và tạo ra giá trị của chúng ta rồi.“Mọi người đều khao khát trở nên khác biệt nhưng họ quên rằng sống bình thường với những điều mình có đã là điều khác biệt nhất trên thế gian” (Osho)

* Mỗi người chỉ sống một lần, và cũng chỉ có một tuổi trẻ, vì vậy chúng ta cần chọn cho mình một đời sống ý nghĩa để mai sau không nuối tiếc vì đã sống hoài, sống phí.

* Phê phán những người không có trách nhiệm với gia đình, xã hội, những hành vi thiếu ý thức bảo vệ môi trường sống, sống hưởng thụ mà không có đóng góp gì cho cộng đồng, xã hội.

4.0
3. Phản biện – Mỗi cá nhân có khả năng tác động không thể phủ nhận với thế giới nhưng không vì thế mà đề cao vai trò của mình một cách thái quá, bởi lẽ: “Có cô thì chợ cũng đông/ không cô thì chợ cũng đồng mọi khi”. 1.0
4. Bài học – Nhận thức được trọng trách của mình với xã hội, tích cực hoàn thiện bản thân, có lối sống giản dị, nhân văn, biết yêu thương con người, động vật, cây cỏ, hình thành ý thức trách nhiệm với cộng đồng.

– Biết trân trọng bản thân và tôn trọng sự khác biệt của người khác.

1.0
  HS lấy dẫn chứng từ thực tiễn để bàn luận, chứng minh  

 

Câu 2 (12 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng

– Có kĩ năng viết bài văn nghị luận văn học, biết huy động các kiến thức lí luận, kiến thức về tác giả, tác phẩm để làm bài.

– Vận dụng các thao tác lập luận phù hợp, lí lẽ xác đáng, trình bày khoa học, diễn đạt lưu loát, trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

  1. Yêu cầu về kiến thức
    Điểm
1. Giới thiệu VĐNL Giới thiệu được nhận định và vấn đề nghị luận 1.0
2. Giải thích Cuộc thám hiểm: hành trình sáng tạo nghệ thuật nhiều gian truân, thử thách nhưng cũng đầy thú vị, hấp dẫn.

Sự thật: những vấn đề thuộc về bản chất của đời sống, của con người.

=> nhận định đã khẳng định chức năng của văn học và vai trò của nhà văn trong việc khám phá, phản ánh một cách trung thực bản chất của đời sống và con người.

2.0
3. Bàn luận – Văn học phản ánh hiện thực: mảnh đất hiện thực khơi gợi cho nhà văn chất liệu, cảm hứng, ý tưởng sáng tạo. Một trong số những chức năng quan trọng của văn chương là giúp độc giả có thêm những nhận thức phong phú, sâu sắc về hiện thực cuộc sống, về chính mình.

– Sự thật mà văn học đem đến là bản chất của đời sống, như nó vốn có. Sự thật hàm chứa trong đó cả cái tốt- xấu, đúng – sai… Sự thật là của đời sống nhưng thường không dễ nhận ra mà có thể lẫn sau các trạng thái bề bộn của sự sống, đôi khi, tồn tại ở các trạng thái khó phân định ranh giới.

– Văn chương không chỉ phản ánh sự thật bên ngoài của đời sống, văn chương còn khắc họa những sự thật trong tâm hồn của con người. Và sự thật tâm hồn này thì phức tạp, bí ẩn hơn.

– Tìm kiếm sự thật còn là hành trình có thể phải đối mặt với hiểm nguy, đau đớn, mất mát. Vì sự thật bao giờ cũng hàm chứa trong nó cả những điều đẹp đẽ lẫn xấu xa, thậm chí cả những sự thật trần trụi, trái với kì vọng và hình dung của con người. Có thể có cả những thế lực ngăn cản quá trình tiếp cận và công bố sự thật của nhà văn. Khi đó, nhà văn phải có khát vọng, bản lĩnh, sự trung thực đến tận cùng với bản thân và với cuộc đời. Ngược lại, nhà văn không trung thực là nhà văn bẻ cong ngòi bút, chỉ tạo nên thứ văn chương giả dối, nguy hiểm cho cuộc sống của con người.

– Tài năng của nhà văn, giá trị của tác phẩm chính là ở chỗ nó đưa độc giả xuyên qua được những lớp bề mặt ngồn ngang của đời sống để nhìn được vào sự thật bên trong nó. Nhà văn không đơn thuần là người bê nguyên hiện thực vào tác phẩm, mà còn phải nhào nặn để tạo nên “hiện thực thứ hai” hấp dẫn và ý nghĩa qua thế giới nghệ thuật in đậm cá tính sáng tạo của nhà văn.

4.0
4.Chứng minh HS lựa chọn những dẫn chứng thuyết phục. Có thể phân tích lần lượt từng tác phẩm, cũng có thể triển khai theo luận điểm sau:

– Những sự thật nào đã được khám phá trong tác phẩm?

– Trong đó, những sự thật nào là thứ hiển lộ, dễ dàng nhận thấy; những sự thật nào là thứ khám phá, tìm tòi riêng của nhà văn mà nhà văn phải “xuyên qua những bề mặt ngổn ngang” của nó để nhận ra?

– Nhà văn đã chứng tỏ được tài năng của mình như thế nào trong việc khám phá, thể hiện hiện thực trong tác phẩm của mình…?

4.0
5.  Mở rộng, nâng cao –  Những tác phẩm văn học không chỉ phản ánh những sự thật “đang diễn ra” mà còn dự báo những sự thật “sắp có”, “sẽ có” trong tương lai.

– Về phía nhà văn, anh cần phải sống sâu sắc, sống tận độ, mở rộng tâm hồn để đón nhận những âm vang của cuộc đời ngoài kia… Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội hiện đại với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, con người ngày càng bị “nhiễu thông tin” và khó khăn hơn bao giờ hết trong việc tiếp cận sự thật. Chính khi ấy, cần nhà văn phải trung thực, thành thực, bản lĩnh để có những trang viết có giá trị, hướng con người đến những giá trị nhân văn chân chính.

– Về phía độc giả, trong khi tiếp nhận, cũng phải thể hiện được bản lĩnh và năng lực của mình để có thể đồng hành với nhà văn trong việc khám phá hiện thực trong tác phẩm và hiểu hơn thực tại mà mình đang sống và sẽ sống.

1.0

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *