Đề đọc hiểu tự luận theo SGK mới Thăng long thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan

BỘ KẾT NỐI

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường(1)

Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương(2)

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo(3),

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương(4),

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,

Nước còn cau mặt với tang thương.

Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.

Cảnh đấy người đây luống đoạn trường(5).

(Thăng Long thành hoài cổ, Bà Huyện Thanh Quan)

Chú thích:

(*) Bà Huyện Thanh Quan làm bài thơ này, sau năm 1802, khi mà Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu Gia Long và định đô ở Huế. Từ đó, Thăng Long mất địa vị trung tâm của đất nước về chính trị và văn hóa.

(1) Hí trường: rạp hát, sân khấu nơi diễn tuồng

(2) Tinh sương: Tinh là sao, sương là sương giá. Mấy tinh sương là mấy năm.

(3) Thu thảo: Cỏ mùa thu.

(4) Tịch dương: Mặt trời lúc chiều tối.

(5) Đoạn trường: Đứt ruột, ý nói đau đớn.

 

 Trả lời các câu hỏi:

Câu 1: Văn bản trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2: Chỉ ra những câu thơ gợi hình ảnh hoang tàn,phế tích của kinh thành xưa trong văn bản.

Câu 3: Xác định cách gieo vần của văn bản?

Câu 4: Tìm từ Hán – Việt được sử dụng trong hai câu thơ:

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

                                    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Câu 5: Chỉ ra và nêu tác dụng của phép tu từ nhân hóa được sử dụng trong hai câu thơ:

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt

                                    Nước còn cau mặt với tang thương

Câu 6: Chủ đề của văn bản trên là gì?

Câu 7: Anh/chị có nhận xét gì về tình cảm của nhà thơ được thể hiện trong văn bản?

 Câu 8: Anh/chị rút ra bài học gì sau khi đọc văn bản?

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của văn bản trên.

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Câu 1: Văn bản trên được viết theo thể thơ: Thất ngôn bát cú Đường luật.

Câu 2: Hình ảnh gợi lên sự hoang tàn, phế tích của kinh thành xưa trong văn bản:

                                    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

                                    Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt

Câu 3: Cách gieo vần của văn bản: Gieo vần chân

Câu 4: Từ Hán – Việt được sử dụng trong hai câu thơ: thu thảo, lâu đài, tịch dương

Câu 5: Tác dụng của phép tu từ nhân hóa được sử dụng trong hai câu thơ:

Nhân hóa:

– Tác dụng: đá trơ gan, nước cau mặt

+ Tăng sức gợi hình, gợi cảm; gần gũi, có hồn.

+ Từ đó nhấn mạnh: Biến những vật vô tri, vô giác như đá, nước cũng trở nên có tính cách có tâm trạng như con người: thiên nhiên xót xa mà lòng người cũng đau buồn khôn xiết.

Câu 6: Chủ đề của văn bản trên là: Bài thơ tả cảnh ngụ tình. Cảnh thì tang thương. Tình thì hoài cổ. Nỗi hoài cổ, nỗi nhớ xưa như dồn nén bao nỗi buồn chất chứa trong lòng nữ sĩ.

Câu 7: Nhận xét về tình cảm của nhà thơ được thể hiện trong văn bản:

Tâm trạng man mác, đau đớn, tiếc thương đối với sự phồn hoa của kinh thành trong quá khứ.

– Nỗi buồn hoài cổ mang tính nhân văn.

 Câu 8: Bài học rút ra sau khi đọc văn bản:

– Trân trọng, giữ gìn những giá trị của quá khứ

– Tự hào và phát huy trang sử vẻ vang của dân tộc

– Tình yêu Tổ quốc

LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây)

Dàn ý

Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm.

– Bà Huyện Thanh Quan sống vào nửa đầu thế kỉ XIX ở nước ta. Bà chỉ để lại khoảng 6 bài thơ Nôm, thể thất ngôn bát cú Đường luật. “Qua Đèo Ngang”, “Chiều hôm nhớ nhà”, “Thăng Long thành hoài cổ”, “Chùa Trấn Bắc”… là những bài thơ kiệt tác trong nền thi ca trung đại của dân tộc. Ngôn ngữ trang nhã, giọng thơ du dương, điệu thơ chậm và buồn, màu sắc cổ kính, tài hoa… là phong cách thơ của nữ sĩ.

Bài thơ này có thể được làm trong thời gian bà làm nữ quan “Cung trung giáo tập” tại Phú Xuân. Những tháng ngày xa cố hương, xa nơi nghìn năm văn vật luôn mang tâm trạng hoài cổ.

Thân bài: Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc, độc đáo của bài thơ:

* Phân tích, đánh giá mạch ý tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình:

(Chủ đề, mạch cảm xúc, hình ảnh, điểm nhìn…)

– Chủ đề: Bài thơ tả cảnh ngụ tình. Cảnh thì tang thương. Tình thì hoài cổ.

– Mạch cảm xúc: Nỗi hoài cổ, nỗi nhớ xưa như dồn nén bao nỗi buồn chất chứa trong lòng nữ sĩ. Mở đầu là lời than,oán trách trước sự đổi thay của cuộc đời. Đó còn tâm trạng đau đớn, buồn thương,tiếc nuối. Tuy tác giả vẫn luôn khẳng định sự bền vững của quá khứ tươi đẹp nhưng trước hiện thực có quá nhiều đổi thay, biến động, nhà thơ không tránh khỏi những cảm giác đau đớn, tang thương đối với mảnh đất kinh thành Thăng Long.

– Hình ảnh: Trong kí ức của nhà thơ, Thăng Long là một mảnh đất vô cùng tươi đẹp với những hào quang sáng chói của lịch sử, nhưng đến khi quay lại thì hiện thực đã đổi thay, thời thế biến động, nhân dân đau khổ.

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Xa xưa, nơi đây là mảnh đất đô hội nhộn nhịp, đông vui, xe ngựa rộn ràng qua lại, một cuộc sống phát triển, bình yên và độc lập. Nhưng hiện tại thật khiến người ta đau lòng, “hồn thu thảo” ấy là ngọn cỏ tàn úa của mùa thu, không gian chia li,vĩnh biệt.

 

* Phân tích đánh giá sự phát triển của hình tượng chính và tính độc đáo của các phương diện ngôn từ.

– Sự phát triển của hình tượng chính

+ Hai câu đề như một tiếng than cất lên, suy ngẫm về lẽ phế, hưng, đổi thay trong cuộc đời. Sau vần thơ là đôi mắt buồn, nhìn sâu thẳm vào dòng đời, thời gian lịch sử, một cái nhìn xa vắng mênh mông. Có cả tiếng thở dài ngao ngán

+ Hai câu thực đối nhau, diễn tả cảnh hoang tàn, phế tích của kinh thành xưa. Đường bàn cờ dọc ngang nơi Long Thành xưa kia từng suốt đêm ngày nhộn rịp ngựa xe của các ông hoàng, bà chúa, những xe tứ mã của các vương công, quốc thích. Nhưng nay chỉ còn lại “thu thảo”, cỏ mùa thu vàng úa. Những cung điện nguy nga, những lầu son gác tía, những bệ ngọc hành cung huy hoàng, tráng lệ thời Lê – Trịnh vì chiến tranh loạn lạc, vì sự thay chủ đổi ngôi, nay đổ nát hoang tàn, chỉ còn lại “nền cũ”.

+ Hai câu luận tỏ rõ thái độ mãnh liệt, các từ đá/ nước thể hiện lòng con người: “trơ gan, cau mặt”, cũng là sự tố cáo triều Nguyễn thời bấy giờ… Sự đổi thay của thành cũ hướng tới chủ đề: “Ngàn năm gương cũ soi kim cổ/ Cảnh đấy người đây luống đoạn trường…!”. Mấy câu này mang tính ẩn dụ, soi gương cũ, từ soi được nhân cách hóa nhằm đi sâu váo ý nhà Nguyễn đã tàn phá Thăng Long, chuyện cũ đã qua rồi mà không thể xóa nhòa.

+ Hai câu kết thể hiện cảm xúc hoài cổ dồn nén. “Gương cũ” là chuyện đời, là quá khứ và hiện tại, là Thăng Long xưa, là Hà Nội nay (thời nhà Nguyễn). Cảnh đấy là “lối xưa”, là “nền cũ”, “hồn thu thảo ” và “bóng tịch dương”, là “đá” và “nước”, là hồn nước thiêng liêng, là Kinh thành xa xưa… “Đoạn trường” nghĩa là đứt ruột, nỗi đau ghê gớm. Nữ sĩ vô cùng đau đớn trước cảnh hoang phế, hoang tàn của Kinh thành Thăng Long. Nhớ xưa thành Thăng Long là nhớ tới tất cả niềm tự hào những trang sử vàng chói lọi của tiền nhân… Hai chữ “ngàn năm” gợi nhớ thiên niên kỉ Thăng Long huy hoàng.

– Tính độc đáo của các phương diện ngôn từ:

+ Bài thơ “Thăng long thành hoài cổ” mang âm hưởng cổ kính mà thanh thoát, nhẹ nhàng, hình ảnh ước lệ nhưng có hồn có cảm.

+ Sự phối hợp giữa ý tưởng với âm thanh đã tạo nên một thi điệu tự nhiên, uyển chuyển và hấp dẫn. Bài thơ khác xa so với những dòng chữ chắp nối công phu nhưng vẫn lủng củng, không hồn của đa số các bài thơ tiền Nguyễn.

+ Cách sử dụng, từ Hán Việt (tuế nguyệt, tang thương) tinh tế, đã làm tăng chất súc cảm của vần thơ.

+ Phép đối chặt chẽ, hiệu quả:

++ Phép đối được sử dụng thần tình: “Lối xưa” với “nền cũ”, “xe ngựa” với “lâu đài”, “hồn thu thảo” với “bóng tịch dương” được cấu trúc cân xứng, hài hòa. Thanh điệu bằng, trắc hô ứng nhau tạo nên âm điệu du dương, trầm bổng như đưa hồn ta về xa xưa, năm tháng, những thuở vàng son của Kinh thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê, cái buổi hưng thịnh thanh bình…

++ Phép đối chặt chẽ, cách sử dụng, từ Hán Việt (tuế nguyệt, tang thương) tinh tế, đã làm tăng chất súc cảm của vần thơ. Qua hình ảnh ẩn dụ “đá” và “nước”, nữ sĩ gửi gắm nỗi buồn thương nhớ và tiếc nuối kinh thành Thăng Long một thời vàng son, huy hoàng và chói lọi. Chất hoài cổ như thấm vào đáy tầng sâu của lòng người, cảnh vật, cỏ hoa…

++ Hai vế tiểu đối: “Cảnh đấy”, “người đây” làm nổi bật sắc điệu thẩm mĩ tả cảnh ngụ tình. Câu 1 nói về “cuộc hí trường”, câu 8 cực tả “đoạn trường” – đó là cảm xúc chủ đạo của bài thơ. Có chứng kiến, có nhìn thấy sự đổi thay đến thấm thoắt nhanh chóng nơi Kinh thành xưa thì mới có nỗi đau “đoạn trường” đến như vậy.

* Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại

“Thăng Long thành hoài cổ” xứng đáng là viên ngọc quý trong nền thi ca cổ điển Việt Nam. Từ nhan đề đến thi liệu, từ phép đối đến cách lựa chọn từ Hán Việt, từ ngôn ngữ trang nhã đến nhạc điệu du dương – tất cả tạo nên màu sắc cổ điển, thi vị. Màu sắc hoàng hôn, bóng tịch dương đã tô đậm chất hoài cổ buồn man mác. Nỗi buồn hoài cổ mang tính nhân văn: Nhớ tiếc một thời vàng son của Thăng Long cũng là trở về cội nguồn của dân tộc, tự hào về sức sống và nền văn hiến Đại Việt. Bài thơ giúp mỗi chúng ta yêu thêm, gắn bó tâm hồn mình với Thăng Long, Đông Đô, Hà nội, “hồn núi sông ngàn năm”…

Kết bài: Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ.

Nỗi buồn hoài cổ mang tính nhân văn trong tác phẩm “Thăng Long thành hoài cổ” chính là nét vẽ đẹp nhất mà Bà Huyện Thanh Quan đã tạo nên trong sự nghiệp sáng tác của mình.

Bài viết tham khảo

Bà Huyện Thanh Quan chỉ để lại cho đời mấy bài thơ Nôm Đường luật mà gây ấn tượng suốt mấy trăm năm nay, và còn hứa hẹn trường tồn. Điều gì đã tạo ra sức hấp dẫn kì lạ của thơ Bà Huyện Thanh Quan? Có lẽ là bằng ngôn ngữ trác tuyệt, bằng thi pháp độc đáo, nữ sĩ đã phô diễn những điều bí ẩn trong tâm hồn hoài cổ của bà. “Thăng Long thành hoài cổ” là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho triết lí nhân sinh sâu sắc và nghệ thuật trác tuyệt của thơ Bà Huyện Thanh Quan.

Bài thơ tả cảnh ngụ tình. Cảnh thì tang thương. Tình thì hoài cổ. Nỗi hoài cổ, nỗi nhớ xưa như dồn nén bao nỗi buồn chất chứa trong lòng nữ sĩ. Mở đầu là lời than,oán trách trước sự đổi thay của cuộc đời. Đó còn tâm trạng đau đớn, buồn thương,tiếc nuối. Tuy tác giả vẫn luôn khẳng định sự bền vững của quá khứ tươi đẹp nhưng trước hiện thực có quá nhiều đổi thay, biến động, nhà thơ không tránh khỏi những cảm giác đau đớn, tang thương đối với mảnh đất kinh thành Thăng Long. Trong kí ức của nhà thơ, Thăng Long là một mảnh đất vô cùng tươi đẹp với những hào quang sáng chói của lịch sử, nhưng đến khi quay lại thì hiện thực đã đổi thay, thời thế biến động, nhân dân đau khổ.

Hai câu đề như một tiếng than cất lên, suy ngẫm về lẽ phế, hưng, đổi thay trong cuộc đời. Sau vần thơ là đôi mắt buồn, nhìn sâu thẳm vào dòng đời, thời gian lịch sử, một cái nhìn xa vắng mênh mông. Có cả tiếng thở dài ngao ngán

Hai câu thực đối nhau, diễn tả cảnh hoang tàn, phế tích của kinh thành xưa. Đường bàn cờ dọc ngang nơi Long Thành xưa kia từng suốt đêm ngày nhộn rịp ngựa xe của các ông hoàng, bà chúa, những xe tứ mã của các vương công, quốc thích. Nhưng nay chỉ còn lại “thu thảo”, cỏ mùa thu vàng úa. Những cung điện nguy nga, những lầu son gác tía, những bệ ngọc hành cung huy hoàng, tráng lệ thời Lê – Trịnh vì chiến tranh loạn lạc, vì sự thay chủ đổi ngôi, nay đổ nát hoang tàn, chỉ còn lại “nền cũ”. Phép đối được sử dụng thần tình: “Lối xưa” với “nền cũ”, “xe ngựa” với “lâu đài”, “hồn thu thảo” với “bóng tịch dương” được cấu trúc cân xứng, hài hòa. Thanh điệu bằng, trắc hô ứng nhau tạo nên âm điệu du dương, trầm bổng như đưa hồn ta về xa xưa, năm tháng, những thuở vàng son của Kinh thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê, cái buổi hưng thịnh thanh bình…

Hai câu luận tỏ rõ thái độ mãnh liệt, các từ đá/ nước thể hiện lòng con người: “trơ gan, cau mặt”, cũng là sự tố cáo triều Nguyễn thời bấy giờ… Sự đổi thay của thành cũ hướng tới chủ đề: “Ngàn năm gương cũ soi kim cổ/ Cảnh đấy người đây luống đoạn trường…!”. Mấy câu này mang tính ẩn dụ, soi gương cũ, từ soi được nhân cách hóa nhằm đi sâu váo ý nhà Nguyễn đã tàn phá Thăng Long, chuyện cũ đã qua rồi mà không thể xóa nhòa. Phép đối chặt chẽ, cách sử dụng, từ Hán Việt (tuế nguyệt, tang thương) tinh tế, đã làm tăng chất súc cảm của vần thơ. Qua hình ảnh ẩn dụ “đá” và “nước”, nữ sĩ gửi gắm nỗi buồn thương nhớ và tiếc nuối kinh thành Thăng Long một thời vàng son, huy hoàng và chói lọi. Chất hoài cổ như thấm vào đáy tầng sâu của lòng người, cảnh vật, cỏ hoa…

Cảm xúc hoài cổ dồn nén trong hai câu kết:

Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.

Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

“Gương cũ” là chuyện đời, là quá khứ và hiện tại, là Thăng Long xưa, là Hà Nội nay (thời nhà Nguyễn). Cảnh đấy là “lối xưa”, là “nền cũ”, “hồn thu thảo ” và “bóng tịch dương”, là “đá” và “nước”, là hồn nước thiêng liêng, là Kinh thành xa xưa… “Đoạn trường” nghĩa là đứt ruột, nỗi đau ghê gớm. Nữ sĩ vô cùng đau đớn trước cảnh hoang phế, hoang tàn của Kinh thành Thăng Long. Nhớ xưa thành Thăng Long là nhớ tới tất cả niềm tự hào những trang sử vàng chói lọi của tiền nhân… Hai chữ “ngàn năm” gợi nhớ thiên niên kỉ Thăng Long huy hoàng. Hai vế tiểu đối: “Cảnh đấy”, “người đây” làm nổi bật sắc điệu thẩm mĩ tả cảnh ngụ tình. Câu 1 nói về “cuộc hí trường”, câu 8 cực tả “đoạn trường” – đó là cảm xúc chủ đạo của bài thơ. Có chứng kiến, có nhìn thấy sự đổi thay đến thấm thoắt nhanh chóng nơi Kinh thành xưa thì mới có nỗi đau “đoạn trường” đến như vậy.

Bài thơ “Thăng long thành hoài cổ” mang âm hưởng cổ kính mà thanh thoát, nhẹ nhàng, hình ảnh ước lệ nhưng có hồn có cảm. Sự phối hợp giữa ý tưởng với âm thanh đã tạo nên một thi điệu tự nhiên, uyển chuyển và hấp dẫn. Bài thơ khác xa so với những dòng chữ chắp nối công phu nhưng vẫn lủng củng, không hồn của đa số các bài thơ tiền Nguyễn. Cách sử dụng, từ Hán Việt (tuế nguyệt, tang thương) tinh tế, đã làm tăng chất súc cảm của vần thơ.

Từ nhan đề đến thi liệu, từ phép đối đến cách lựa chọn từ Hán Việt, từ ngôn ngữ trang nhã đến nhạc điệu du dương – tất cả tạo nên màu sắc cổ điển, thi vị. Màu sắc hoàng hôn, bóng tịch dương đã tô đậm chất hoài cổ buồn man mác. Nỗi buồn hoài cổ mang tính nhân văn: nhớ tiếc một thời vàng son của Thăng Long cũng là trở về cội nguồn của dân tộc, tự hào về sức sống và nền văn hiến Đại Việt.

“Thăng Long thành hoài cổ” xứng đáng là viên ngọc quý trong nền thi ca cổ điển Việt Nam. Từ nhan đề đến thi liệu, từ phép đối đến cách lựa chọn từ Hán Việt, từ ngôn ngữ trang nhã đến nhạc điệu du dương – tất cả tạo nên màu sắc cổ điển, thi vị. Màu sắc hoàng hôn, bóng tịch dương đã tô đậm chất hoài cổ buồn man mác. Nỗi buồn hoài cổ mang tính nhân văn: Nhớ tiếc một thời vàng son của Thăng Long cũng là trở về cội nguồn của dân tộc, tự hào về sức sống và nền văn hiến Đại Việt. Bài thơ giúp mỗi chúng ta yêu thêm, gắn bó tâm hồn mình với Thăng Long, Đông Đô, Hà nội, “hồn núi sông ngàn năm”…

Nỗi buồn hoài cổ mang tính nhân văn trong tác phẩm “Thăng Long thành hoài cổ” chính là nét vẽ đẹp nhất mà Bà Huyện Thanh Quan đã tạo nên trong sự nghiệp sáng tác của mình. Dù cho ở quá khứ, hiện tại hay tương lai, tác phẩm này vẫn sống mãi với thời gian. Thật đúng với lời nhận định: “Văn học nằm ngoài mọi sự băng hoại, mình nó không chấp nhận quy luật của cái chết”.

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *