Đề kiểm tra Ngữ văn 12 (có đáp án.ma trận)

Đề kiểm tra ngữ văn 12 theo hướng đổi mới, đề mở trong môn ngữ văn
THIẾT LẬP MA TRẬN:
 

    Mức độ Chủ đề Nhận biết Thông hiểu Vận dụng thấp  Vận dụng cao Tổng số
 I. Đọc- hiểu Văn bản “Mẹ” (Trần Quốc Minh) – Nhận ra chủ thể trữ tình của bài thơ- Các biện pháp tu từ được sử dụng- Tái hiện lại những câu thơ, câu ca dao khác có cùng đề tài – Hiểu được tác dụng của các biện pháp nghệ thuật và ý nghĩa của các hình ảnh thơ – Cảm nhận được cái hay của câu thơ.
Số câuSố điểmTỉ lệ   21.010% 11,010% 11,010% 0 43,030 %
II. Làm văn Nghị luận văn học kết hợp với nghị luận xã hội – Vận dụng những tri thức về tác phẩm để tạo lập một bài nghị luận văn học. Từ đó rút ra những vấn đề của có ý nghĩa với bản thân và  cuộc sống
Số câuSố điểmTỉ lệ 17,070% 1      7,070%
Tổng chung:Số câuSố điểmTỉ lệ  21,010%             11,010%  11,010%  17,070%  510,0100%

 
ĐỀ KIỂM TRA
PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi:
            MẸ
Lặng rồi cả tiếng con ve
Con ve cũng mệt vì hè nắng oi 
Nhà em vẫn tiếng ạ ời
Kẽo cà tiếng võng mẹ ngồi mẹ ru
Lời ru có gió mùa Thu 

Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về 
Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con
Đêm nay con ngủ giấc tròn 

Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.
(Trần Quốc Minh)
 
Câu 1: Nhân vật trữ tình trong bài thơ trên là ai?
Câu 2: Câu thơ “Lặng rồi cả tiếng con ve” sử dụng biện pháp nghệ thuật nào? Nêu tác dụng của biện pháp đó?
Câu 3: Hãy phân tích cái hay của hình ảnh so sánh “Mẹ là ngọn gió” trong câu thơ cuối.
Câu 4: Ngoài bài thơ trên, em đã từng đọc những câu ca dao, câu thơ nào về mẹ? Hãy ghi lại một số câu thơ mà em yêu thích nói về người mẹ.
 
PHẦN II: LÀM VĂN (7.0 điểm)
          Lúc ấy đã khuya. Trong nhà đã ngủ yên, thì Mị trở dậy thổi lửa. Ngọn lửa bập bùng sáng lên, Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại. Nhìn thấy tình cảnh như thế, Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi… Người kia việc gì phải chết thế. A Phủ… Mị phảng phất nghĩ như vậy.
          Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi, cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình, Mị lại tưởng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, trong tình cảnh này, làm sao Mị cũng không thấy sợ…
                                                (Trích Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài, Sgk Ngữ văn 12, tập 2, trang 13 – 14)
          Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong đoạn trích trên. Hành động cứu A Phủ của Mị gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì về sức mạnh kì diệu của sự đồng cảm, tình thương giữa người với người trong cuộc sống.
HƯỚNG DẪN CHẤM VÀ BIỂU ĐIỂM
 Hướng dẫn chung
– Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm.
– Cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng hướng dẫn chấm và thang điểm; khuyến khích những bài viết thể hiện được quan điểm riêng một cách hợp lí, thuyết phục. Những bài viết chưa thật đủ ý, toàn diện nhưng trình bày được một số nội dung sâu sắc, có những kiến giải hợp lý cho những quan điểm riêng vẫn được đánh giá cao.
 Hướng dẫn cụ thể và thang điểm
 
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3.0điểm)
Câu 1 (0.5 điểm): Nhân vật trữ tình của bài thơ là một người con đang bày tỏ tình cảm biết ơn với người mẹ của mình.
Câu 2 (1.0 điểm): Nghệ thuật đảo ngữ (đưa tính từ lặng rồi lên đầu câu) nhằm nhấn mạnh cái khắc nghiệt của trưa hè, đến cả con ve cũng “lặng” tiếng rồi vì cái nóng quá oi ả.
Câu 3 (1.0 điểm): Đây là câu hỏi kiểm tra năng lực cảm thụ của học sinh về tác phẩm. Có thể chấp nhận nhiều cách bày tỏ khác nhau nhưng phải làm nổi bật được đây là một hình ảnh so sánh đặc sắc về mẹ: “Mẹ là ngọn gió” – ngọn gió mát lành làm dịu êm những vất vả trên đường, ngọn gió bền bỉ theo con suốt cuộc đời. Hình ảnh thơ giản dị nhưng giúp ta thấy được tình thương yêu lớn lao, sự hi sinh thầm lặng, bền bỉ suốt cuộc đời mẹ đối với con.
Câu 4 (0.5 điểm): Chỉ cho điểm tối đa nếu học sinh ghi lại được chính xác từ hai câu thơ hoặc ca dao trở lên, nếu ghi được 1 câu thì cho 0,25 điểm
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
(Ca dao)
–       Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương
(Ca dao)
Chỉ mẹ là nguồn vui, ánh sáng diệu kì
  Chỉ mình mẹ giúp đời con vững bước
(Thư gửi mẹ – Êxênin)
–          Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn
(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa – Nguyễn Duy)
 
PHẦN II: LÀM VĂN (7.0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng:

Thí sinh biết cách viết một văn bản nghị luận. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; lập luận thuyết phục, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

  1. Yêu cầu về kiến thức:

Chấp nhận nhiều cách giải quyết đề bài nếu hợp lí và thuyết phục. Học sinh có những quan điểm riêng đúng đắn, nghiêm túc về một vấn đề xã hội. Có thể tham khảo các ý sau:
Nêu vấn đề cần nghị luận
Giải quyết vấn đề:
* Phân tích diễn tâm trạng nhân vật Mị
– Khái quát hoàn cảnh của Mị: Bị bắt về nhà Pá Tra làm dâu gạt nợ, Mị bị hành hạ, chà đạp cả về thể xác và tinh thần. Cuộc sống ấy đã làm Mị trở nên lầm lũi, cam chịu, chai sạn và gần như băng giá về cảm xúc. Chứng kiến cảnh A Phủ bị trói đứng vào cột, mấy đêm trước Mị vẫn thản nhiên.
– Diễn biến tâm trạng của Mị:
+ Dòng nước mắt của A Phủ đã đánh thức kí ức của Mị về tình cảnh của mình năm trước, về người đàn bà đã bị trói đứng đến chết trước kia trong nhà thống lí
+ Nhìn vào cảnh ngộ thực tại của A Phủ (Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết). Từ sự đồng cảm vì cùng cảnh ngộ, Mị thấy thương A Phủ, nhận ra bản chất của cha con Pá Tra: “Chúng nó thật độc ác”
+ Nảy ra ý định cứu A Phủ: Mị ý thức được hậu quả ghê gớm (Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy) nhưng trong tình cảnh này, làm sao Mị cũng không thấy sợ… Sự bừng tỉnh của ý thức, tình thương đã giúp Mị có đủ can đảm vượt qua nỗi lo sợ cố hữu để cứu A Phủ.
– Về nghệ thuật: bút pháp miêu tả và phân tích tâm trạng nhân vật đặc sắc qua những lời độc thoại nội tâm, hồi tưởng, liên tưởng; giọng văn khi gấp gáp, khi chậm rãi như những đợt sóng cảm xúc của nhân vật; các hình ảnh giàu ý nghĩa tượng trưng (ngọn lửa, dòng nước mắt…)
* Phát biểu suy nghĩ về sức mạnh kì diệu của sự đồng cảm, tình thương giữa người với người trong cuộc sống
– Sự đồng cảm, tình thương là một phẩm chất cao đẹp, đáng quý và cần thiết của con người. Nó là sự thấu hiểu, quan tâm đến những nỗi đau đớn, bất hạnh của người khác bằng tình cảm chân thành.
– Sự đồng cảm, tình thương có sức mạnh kì diệu:
+ Nhờ sự đồng cảm mà con người biết yêu thương, chia sẻ với nhau trong cuộc sống. Nó khiến ta không thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau đớn, bất hạnh của đồng loại
+ Tình thương có thể xoa dịu nỗi đau, là ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn những con  người cô đơn, đau khổ, bất hạnh, mang đến hạnh phúc cho những người xung quanh và chính bản thân mình.
+ Tình thương có sức cảm hóa kì diệu, làm thức tỉnh nhân tính, giúp con người chiến thắng sự ích kỉ, cá nhân hẹp hòi để hướng tới những hành động có ý nghĩa lớn lao.
– Phê phán những biểu hiện thiếu cảm thông, chia sẻ, sống thờ ơ, lạnh lùng, vô cảm của một số người trong thực tế cuộc sống ngày nay.
Kết thúc vấn đề:
 
Thang điểm:

  • Điểm 6 – 7: Phân tích được diễn biến tâm trạng của Mị một cách sâu sắc, có năng lực vận dụng ra ngoài thực tế đời sống, bày tỏ được suy nghĩ về sức mạnh của sự đồng cảm, tình thương giữa người với người một cách thuyết phục. Lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc và sáng tạo, có thể còn vài sai sót không đáng kể về chính tả dùng từ.
  • Điểm 4 – 5: Cơ bản phân tích được diễn biến tâm trạng của Mị, nêu được suy nghĩ của bản thân về sức mạnh của sự đồng cảm, tình thương giữa người với người. Lập luận tương đối chặt chẽ; còn mắc một số lỗi về chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
  • Điểm 2 – 3: Chưa phân tích được diễn biến tâm trạng của Mị; phần bày tỏ suy nghĩ về sức mạnh của sự đồng cảm, tình thương giữa người với người còn sơ sài; mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp
  • Điểm 1: Chưa hiểu đề, sai lạc kiến thức; mắc rất nhiều lỗi về diễn đạt.
  • Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề hoàn toàn.

(Lưu ý: Điểm tối đa cho phần phân tích diễn biến tâm trạng của Mị là 4.0 điểm; phần phát biểu suy nghĩ về sức mạnh của sự đồng cảm, tình thương giữa người với người là 3.0 điểm)
( tài liệu sưu tầm )
Xem thêm : Đề thi Ngữ văn 12  vợ chồng a phủ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *