Đề thi thử THPT Quốc gia môn văn , đề số 66

Tài liệu ôn thi THPT Quốc gia môn văn. Bộ đề thi thử soạn theo cấu trúc mới

ĐỀ THI THỬ THPT QG , MÔN: NGỮ VĂN, KHỐI 12 ,Thời gian làm bài 120 phút

ĐỌC HIỂU ( 3,0 điểm)
Đọc văn đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu
Đó là lí do chúng ta phải công khai lên tiếng về AIDS. Dè dặt, từ chối đối mặt với sự thật không mấy dễ chịu này, hoặc vội vàng phán xét đồng loại của mình, chúng ta sẽ không đạt được tiến độ hoàn thành các mục tiêu đề ra, thậm chí chúng ta còn bị chận hơn nữa, nếu sự kì thị và phân biệt đối xử vẫn tiếp tục diễn ra đối với những người bị HIV/AIDS. Hãy đừng để một ai có ảo tưởng rằng chúng ta có thể bảo vệ được chính mình bằng cách dựng lên các bức rào ngăn cách giữa chúng ta và họ. Trong thế giới khốc liệt của AIDS không có khái niệm chúng ta và họ, trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết.

( trích “Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS, 1 – 12 – 2003”, Cô – Phi An – Nan)

1/ Xác định phương thức biểu đạt của văn bản?
2/ Nêu nội dung chính của văn bản
3/ Anh/chị hiểu thế nào về câu: “Trong thế giới khốc liệt của AIDS không có khái niệm chúng ta và họ, trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết”
4/ Từ văn bản trên, anh/chị hãy nêu lên những hành động của bản thân để góp phần vào công việc phòng chống HIV/AIDS.

LÀM VĂN(7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: “Trong thế giới khốc liệt của AIDS không có khái niệm chúng ta và họ, trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết”

Câu 2 (5,0 điểm): Phân tích tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm giải cứu cho A Phủ để qua đó thấy được tấm lòng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài.
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN: NGỮ VĂN, KHỐI 12
Phần Câu/Ý Nội dung Điểm
I Đọc hiểu 3.0
1 Phương thức biểu đạt: Nghị luận 0.5
2 Nội dung chính: Nêu lên thái độ của chúng ta đối với AIDS, trong đó nhấn mạnh không được kì thị, phân biệt đối xử đối với những người bị HIV/AIDS. 0.5
3 “Trong thế giới khốc liệt của AIDS không có khái niệm chúng ta và họ, trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết”có thể hiểu là:
– Thế giới khốc liệt của AIDS: Sự nguy hiểm, dữ dội của căn bệnh, người bệnh như đang lao vào một cuộc chiến
– Không có khái niện chúng ta và họ: Không kì thị, phân biệt đối xử
– Im lặng đồng nghĩa với cái chết: Phải công khai, không giấu giếm, giấu giếm cũng có nghĩa là chấp nhận đầu hàng, là chết.
Ý nghĩa: Trong quá trình đấu tranh để đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm chết người này, tất cả chúng ta đều không được kì thị và phân biệt đối xử. Và do đó, những người bị AIDS cần mạnh dạn công khai, lên tiếng về bệnh của mình, chỉ như thế mới cứu được bản thân.
1.0
4 ,HS trình bày hành động cụ thể của bản thân để góp phần vào công việc phòng chống HIV/AIDS.
Có thể nêu một số hành động như: Tuyên truyền các kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, sống lành mạnh, tích cực, tham gia vào các hoạt động từ thiện…
1.0
II Làm văn 7.0
1 “Trong thế giới khốc liệt của AIDS không có khái niệm chúng ta và họ, trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết” 2.0
Yêu cầu về kĩ năng:
a. Viết đúng đoạn văn, khoảng 200 chữ, đảm bảo cấu trúc đoạn nghị luận: Có đủ câu mở đoạn, các câu phát triển đoạn và câu kết đoạn.
0.25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.
Yêu cầu về nội dung:
Thí sinh có thể trình bày quan điểm cá nhân nhưng cần hợp lí, thuyết phục; dưới đây là một hướng giải quyết:
1. Giải thích:
– Khái niệm AIDS: AIDS là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh, nghĩa là Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (còn gọi là bệnh liệt kháng hoặc SIDA).
– Chúng ta và họ:
+ Chúng ta: chỉ những người khỏe mạnh, may mắn không mắc hoặc chưa bị căn bệnh AIDS.
+ Họ: chỉ những người đang bị căn bệnh AIDS.
– Im lặng đồng nghĩa với cái chết: không công khai, giấu giếm cũng có nghĩa là chấp nhận cái chết.
Câu nói khẳng định: AIDS là đại dịch vô cùng nguy hiểm, là thảm họa của loài người. Nếu muốn đẩy lùi căn bệnh này, chúng ta cần phải quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ họ, không được kì thị hay phân biệt đối xử.
2. Phân tích
a. AIDS là thế giới khốc liệt.
– Thực trạng của bệnh dịch AIDS ở Việt Nam và thế giới: AIDS vẫn không ngừng phát triển và có chiều hướng gia tăng , tốc độ lây lan nhanh chóng.
– Những hậu quả của căn bệnh AIDS để lại:
+ Tuổi thọ bị giảm sút nghiêm trọng, thiệt hại về tính mạng.
+ Thiệt hại về của cải vật chất.
+ Băng hoại các giá trị đạo đức.
+ Ngăn cản sự phát triển của xã hội.
-> AIDS là một thế giới khốc liệt, là thảm họa đưa loài người đến chỗ diệt vong.
b. Trong thế giới khốc liệt của AIDS không có khái niệm chúng ta và họ.
– Khái niệm chúng ta và họ đó là một thực tế đang xảy ra trong xã hội
– Chính thực tế xã hội đã vô tình tạo nên hai thế giới: chúng ta và họ. Ý kiến của Cô-phi An-nan không chỉ nêu lên thực tế mà là lời cảnh báo, nhắc nhở thái độ sai lầm đó.
c. Im lặng đồng nghĩa với cái chết.
– Khi mọi người không lên tiếng về đại dịch AIDS thì tốc độ lây lan càng nhanh hơn.
– Khi mọi người có thái độ kì thị, phân biệt đối xử về đại dịch AIDS sẽ tạo thành hàng rào ngăn cách đối với người nhiễm bệnh.
3. Bài học nhận thức và hành động:
– Nhận thức sự nguy hiểm của đại dịch AIDS trước cuộc sống của nhân loại
– Giải pháp để đẩy lùi đại dịch:
+ Mọi người cần công khai lên tiếng về AIDS.
+ Luôn tu dưỡng phẩm chất tốt, có lối sống lành mạnh.
+ Tham gia các hoạt động xã hội cùng cộng đồng phòng chống căn bệnh AIDS.
+ Khoan dung, nhân ái, đối xử tốt với người bị nhiễm HIV/AIDS…
 
2. Phân tích tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm giải cứu cho A Phủ để qua đó thấy được tấm lòng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài. 5.0
2.1
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề gồm nhiều ý/ đoạn văn, kết bài kết luận được
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tâm trạng và hành động của Mị trong đêm cứu A Phủ và tấm lòng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm:
– Tác giả: Tô Hoài là nhà văn lớn của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam với số lượng tác phẩm đạt kỉ lục
– Tác phẩm: Vợ chồng A Phủ in trong tập truyện Tây Bắc (1954).Tác phẩm ra đời là kết quả của chuyến đi thực tế của nhà văn cùng với bộ đội giải phóng Tây Bắc năm 1952 .
0.25
*Nêu nội dung nghị luận: Tâm trạng và hành động của Mị trong đêm cứu A Phủ và qua đó thấy được tấm lòng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài 0.25
2.2 Phân tích: Tâm trạng và hành động của Mị trong đêm cứu A Phủ và tấm lòng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài 4.0
* Giới thiệu chung về Mị Và A Phủ
– Mị xuất thân trong gia đình nhà nghèo; vì món nợ truyền kiếp của gia đình mà Mị phải làm dâu nhà thống lí Pá Tra; cuộc sống khổ cực, bị đày đọa cả thể xác lẫn tâm hồn; tuy vậy trong tâm hồn Mị vẫn tiềm ẩn một sức sống mãnh liệt…
– A Phủ: Mồ côi cha mẹ từ nhỏ; vì đánh nhau với A Sử – con trai thống lí Pá Tramà bị bắt phải làm công trừ nợ; vô tình để mất bò nên A Phủ bị trói đứng…
0.5
* Tâm trạng và hành động của Mị trong đêm cứu A Phủ
– Những đêm trước, khi nhìn thấy A Phủ bị trói: Mị vẫn thản nhiên thổi lửa hơ tay “Dù A Phủ là cái xác chết đứng đó cũng thế thôi”; một tâm trạng rất thờ ơ dường như không quan tâm;…
– Trong đêm cứu A Phủ: Mị lại thức dậy đến bếp đốt lửa lên để hơ tay; “Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại “; chứng kiến “dòng nước mắt lấp lánh” của A Phủ, tâm trạng của Mị diễn biến phức tạp; Mị thông cảm với người cùng cảnh ngộ, Mị nhớ đến chuyện người đàn bà ngày trước, lí trí giúp Mị nhận ra bọn lãnh chúa phong kiến thật độc ác; Mị xót xa trước số phận của mình rồi Mị lại nghĩ đến A Phủ; sau đó Mị lại tưởng tượng đến cái cảnh mình bị trói đứng… Một loạt nét tâm lí ấy thúc đẩy Mị đến với hành động: dùng dao cắt lúa rút dây mây cởi trói cho A Phủ.
– Sau khi cắt dây cởi trói cho A Phủ: Mị thì thào lên một tiếng “đi ngay” rồi Mị nghẹn lại; A Phủ vùng chạy đi, còn Mị vẫn đứng lặng trong bóng tối; Lòng Mị rối bời với câu hỏi: Vụt chạy theo A Phủ hay ở đây chờ chết?. Thế là cuối cùng sức sống tiềm tàng đã thôi thúc Mị phải sống và Mị vụt chạy theo A Phủ.
1.0
* Tấm lòng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài:
– Nhân đạo: Là tình cảm yêu thương con người, lên án tố cáo các thế lực tàn bạo chà đạp lên con người. Đồng thời, khẳng định đề cao phẩm chất, tài năng, những khát vọng chính đáng của con người.
– Tấm lòng nhân đạo của Tô Hoài: Ông đã gieo vào lòng người đọc một niềm thương cảm sâu xa trước số phận của Mị và A Phủ; là sự trân trọng khát vọng tự do, hạnh phúc và phẩm chất tốt đẹp của họ. Không chỉ trân trọng khát vọng tự do của Mị và A Phủ mà còn đồng tình với tinh thần phản kháng, đấu tranh của họ; đồng thời vạch ra cho họ con đường giải phóng.
1.0
* Bình luận: Thí sinh cần đánh giá về tâm trạng và hành động của Mị và qua đó khẳng định tấm lòng nhân đạo của tác giả.
0.75
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận 0.5
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
0.25

Đề sưu tầm

Xem thêm :Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn văn soạn theo cấu trúc mới :http://vanhay.edu.vn/tag/de-thi-thpt-quoc-gia-ngu-van

Tuyển tập đề thi về bài Vợ Chồng A Phủ- Tô Hoài:http://vanhay.edu.vn/tag/vo-chong-a-phu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *