Đề thi kết thúc học kì 1, ngữ văn 12

Đề thi kết thúc học kì 1, ngữ văn 12. Đọc hiểu hãy học cách đứng lên sau vấp ngã. Phân tích bức tranh tứ bình Việt Bắc- Tố Hữu

 Môn: Ngữ Văn – Lớp 12
Năm học: 2015 – 2016            Thời gian: 90 phút
ĐỀ THI HỌC KÌ I – KHỐI 12
Môn: Ngữ văn
Thời gian: 90 phút

PHẦN ĐỌC HIỂU(3,0 điểm)
    Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
“Bất cứ ai cũng đã từng thất bại, đã từng vấp ngã ít nhất một lần trong đời như một quy luật bất biến của tự nhiên. Có nhiều người có khả năng vực dậy, đứng lên rồi nhẹ nhàng bước tiếp như thể chẳng có chuyện gì xảy ra, nhưng cũng có nhiều người chỉ có thể ngồi một chỗ và vẫn luôn tự hỏi lí do vì sao bản thân lại có thể dễ dàng “mắc bẫy” đến như thế…
      Bất kì vấp ngã nào trong cuộc sống cũng đều mang lại cho ta một bài học đáng giá: Về một bài toán đã áp dụng cách giải sai, về lòng tốt đã gửi nhầm chủ nhân hay về một tình yêu lâu dài bỗng phát hiện đã  trao nhầm đối tượng. 
(…)
Đừng để khi tia nắng ngoài kia đã lên, mà con tim vẫn còn băng lạnh. Đừng để khi cơn mưa kia đã tạnh, mà những giọt lệ trên mi mắt vẫn còn tuôn rơi. Thời gian làm tuổi trẻ đi qua nhanh lắm, không gì là mãi mãi, nên hãy sống hết mình để không nuối tiếc những gì chỉ còn lại trong quá khứ mà thôi…”

(Trích: Hãy học cách đứng lên sau vấp ngã – Nguồn: www. vietgiaitri.com, 4/6/2015)

Câu 1: Hãy chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn văn? (0,25 điểm)
Câu 2: Đoạn văn trên đề cập đến nội dung gì? (0,5 điểm)
Câu 3: Hãy chỉ ra một biện pháp tu từ và tác dụng của biện pháp tu từ đó trong hai câu văn sau: “Đừng để khi tia nắng ngoài kia đã lên, mà con tim vẫn còn băng lạnh. Đừng để khi cơn mưa kia đã tạnh, mà những giọt lệ trên mi mắt vẫn còn tuôn rơi”?  (0,75 điểm)
Câu 4: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 – 15 dòng) trình bày suy nghĩ của bản thân về vấn đề: Sống như thế nào để không phải nuối tiếc khi nhìn lại quá khứ. (1,5 điểm)
LÀM VĂN (7,0 điểm)
Cảm nhận về đoạn thơ sau:

Ta về mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người

 Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

 Ve kêu rừng phách đổ vàng,

  Nhớ cô em gái hái măng một mình.

Rừng thu trăng rọi hòa bình,

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.”

(Việt bắc, Tố Hữu)

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI HỌC KÌ 1 MÔN NGỮ VĂN 12

Năm học 2015 – 2016

ĐỌC HIỂU (3,0điểm)

  1. Phương thức biểu đạt chính là nghị luận (0,25 đ)
  2. Nội dung đoạn trích:

– Hãy biết đứng lên sau vấp ngã vì mỗi lần vấp ngã là một lần ta rút ra được những bài học cho bản thân.
– Hãy sống yêu thương, sẻ chia, đồng cảm để không phải nuối tiếc khi nhìn lại quá khứ.
* Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng vẫn hướng vào nội dung nói trên. Mỗi ý đúng cho 0,25đ

  1. * Biện pháp tu từ: HS chỉ ra được một trong ba phép tu từ sau: Điệp ngữ (Đừng để khi) ; điệp cấu trúc ngữ pháp (lặp CTNP); đối lập (tia nắng…đã lên><giọt lê….rơi).

* Tác dụng:
– Điệp ngữ ; điệp cấu trúc ngữ pháp:
+ Tạo âm hưởng nhịp nhàng, cân đối.
+ Nhấn mạnh, khuyến khính mọi người hãy từ bỏ những ưu phiền để sống vui vẻ, hòa nhịp với thế giới xung quanh…
– Đối lập: Làm nổi bật sự trái ngược giữa ngoại cảnh với tâm trạng con người, nhằm khích lệ con người từ bỏ những ưu phiền, hướng đến cuộc sống vui tươi, ý nghĩa…
* Lưu ý: + HS chỉ ra biện pháp tu từ nào thì phải nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó
+ Chỉ đúng 1 biện pháp tu từ: 0,25đ
Nêu được đầy đủ tác dụng của biện pháp tu từ đó: 0,5 đ

  1. Học sinh có thể trình bày nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được cách thức viết đoạn văn nghị luận xã hội và cần có những suy nghĩ sâu sắc, chân thành, tích cực về việc sống như thế nào để không phải nuối tiếc khi nhìn lại quá khứ. Chẳng hạn như:

– Phấn đấu hết mình trong học tập và rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội.
– Sống có mục đích, lí tưởng.
– Luôn biết yêu thương, đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ mọi người.
Lưu ý: Nếu HS viết đoạn văn quá ngắn so với yêu cầu thì GV không cho quá ½ số điểm của câu 4)
LÀM VĂN (7,0 điểm):
HS có những cảm nhận, cách viết khác nhau nhưng cần đảm bảo những yêu cầu về kỹ năng và kiến thức khi cảm nhận đoạn trích bức tranh tứ bình ttrong bài thơ Việt Bắc:

  • Có đủ 3 phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. (0,25 đ)
  • Xác định đúng vấn đề nghị luận (0,5 đ): Cảm nhận đoạn trích bức tranh từ bình
  • Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng:

+ Giới thiệu được vị trí đoạn trích bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc (0,5 đ)
+ Cảm nhận được vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật của đoạn trích: (5,0 điểm)

  • Đoạn trích là cảm nhận, thể hiện của tác giả về bức tranh tứ bình độc đáo với sự luân chuyển của bốn mùa và mỗi mùa đều có nét đẹp riêng: Mùa đông, mùa xuân, mùa hè, mùa thu. Hs phải cảm nhận rõ được ở mỗi bức tranh, tác giả đều thể hiện sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên: Con người hiện lên với vẻ đẹp khỏe khoắn, khéo léo, đảm đang, thủy chung, nghĩa tình, làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời…; thiên nhiên đẹp trong sự ấm áp, tươi vui, sống động nhưng cũng rất nên thơ, êm đềm….
  • Cảm nhận được vẻ đẹp nghệ thuật của đoạn trích: Những đặc sắc, độc đáo, tài tình của Tố Hữu trong việc lựa chọn những chi tiết làm nổi bật cái hồn nhất của cảnh; sử dụng những từ ngữ giàu ý nghĩa biểu đạt, thể thơ lục bát….
  • Đánh giá khái quát về đoạn trích
  • Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 đ)
  • Sáng tạo: 0,5 đ

—–HẾT—-

Xem thêm :

  1. Tuyển tập đề thi khối 12
  2. Tổng hợp những đề thi và bài văn hay về Việt Bắc- Tố Hữu : Việt Bắc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *