Đề kiểm tra học kì 1 Ngữ văn lớp 11. Đọc hiểu : Tổ quốc nhìn từ biển.Nghị luận xã hội 200 từ:“Không thầy đố mày làm nên”.phân tích cảnh đám ma gương mẫu trong đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” (Trích “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng)
SỞ GD & ĐT SƠN LA ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I
TRƯỜNG THPT SỐP CỘP Năm học: 2016 -2017
Môn: Ngữ Văn – Lớp:11
Thời gian: 120 phút (không kể thời gian giao đề)
MỤC TIÊU BÀI KIỂM TRA
- Kiến thức :
- Kiểm tra khả năng nắm bắt, vận dụng kiến thức ngữ văn của học sinh sau một học kì học ngữ văn 11( Kiến thức tiếng việt, đọc văn, làm văn…).
- Kĩ năng :
- Vận dụng kĩ năng đọc hiểu văn học vào đọc hiểu một đoạn trích của văn bản văn học.
- Vận dụng phương pháp nghị luận xã hội vào làm văn nghị luận xã hội: trình bày suy nghĩ về một tư tưởng đạo lí.
- Vận dụng phương pháp nghị luận văn học vào phân tích tình huống và nhân vật văn học.
- Rèn luyện kĩ năng tư duy, kĩ năng trình bày, kĩ năng đọc hiểu, kĩ năng viết bài của học sinh.
- Thái độ :
- Rèn luyện tính sáng tạo, khả năng tự lập cho học sinh.
- Giáo dục tính chuyên cần, chịu khó cho học sinh, lòng yêu thích môn học.
- Năng lực :
- Cảm thụ văn học.
- Trình bày suy nghĩ của bản thân.
- Tạo lập văn bản.
HÌNH THỨC KIỂM TRA : TỰ LUẬN.
ĐỀ KIỂM TRA :
MA TRẬN ĐỀ KIỂM TRA
NỘI DUNG – CHỦ ĐỀ | MỨC ĐỘ | TỔNG SỐ | |||
NHẬN BIẾT | THÔNG HIỂU | VẬN DỤNG THẤP | VẬN DỤNG CAO | ||
TL | TL | TL | TL | ||
I. Đọc hiểu | – Nêu được các phương thức biểu đạt. – Nội dung chính của đoạn thơ. – Các biện pháp tu từ. – Nêu tác dụng của biện pháp tu từ. |
||||
Số câu Số điểm Tỉ lệ |
Số câu: 1 Số điểm: 3 Tỉ lệ: 30% |
Số câu: Số điểm: Tỉ lệ: |
Số câu: Số điểm: Tỉ lệ: |
Số câu: Số điểm: Tỉ lệ: |
Số câu: 1 Số điểm: 3 Tỉ lệ: 30% |
II. Làm văn | |||||
1. Nghị luận xã hội | – Giới thiệu vấn đề, trích dẫn câu tục ngữ. |
– Hiểu được quan niệm của nhân dân ta về vai trò của người thầy. – Hiểu được truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. |
– Vận dụng kiến thức kĩ năng viết đoạn văn nghị luận có bố cục 3 phần. |
– Khẳng định tính đúng đắn và đạo lý tốt đẹp của câu tục ngữ đối với các thế hệ học trò từ xưa cho đến nay. |
|
Số câu Số điểm Tỉ lệ |
Số câu: 1 Số điểm: 0.5 Tỉ lệ: 5% |
Số câu: 1 Số điểm: 1.0 Tỉ lệ: 10% |
Số câu: 1 Số điểm: 0.25 Tỉ lệ: 2.5% |
Số câu:1 Số điểm: 0.25 Tỉ lệ: 2.5% |
Số câu: 1 Số điểm: 2 Tỉ lệ: 20% |
2. Nghị luận văn học | – Giới thiệu tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, đoạn trích và vấn đề nghị luận. – Nêu được các chi tiết thể hiện cảnh đám ma gương mẫu. |
– Hiểu được cảnh đám ma gương mẫu được tổ chức long trọng. – Thành phần đi đưa đám. – Cảnh hạ huyệt. – Các biện pháp nghệ thuật. |
– Vận dụng kiến thức kĩ năng để viết một bài văn nghị lụân văn học. | – Đánh giá được cảnh đám ma gương mẫu là bức tranh thể hiện sự suy thoái đạo đức, sự phê phán của tác giả đối với tầng lớp thương lưu. | |
Số câu Số điểm Tỉ lệ |
Số câu: 1 Số điểm: 1.5 Tỉ lệ: 15% |
Số câu: 1 Số điểm: 2.0 Tỉ lệ: 20% |
Số câu: 1 Số điểm: 0,75 Tỉ lệ: 7.5% |
Số câu: 1 Số điểm: 0.75 Tỉ lệ: 7.5% |
Số câu: 1 Số điểm: 5 Tỉ lệ: 50% |
Tổng số | Số câu: 3 Số điểm: 5 Tỉ lệ: 50% |
Số câu: 2 Số điểm: 3 Tỉ lệ: 30% |
Số câu: 2 Số điểm: 1.0 Tỉ lệ: 10% |
Số câu: 2 Số điểm: 1.0 Tỉ lệ: 10% |
Số câu: 3 Số điểm: 10 Tỉ lệ: 100% |
ĐỀ KIỂM TRA THEO MA TRẬN
SỞ GD & ĐT SƠN LA ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I
TRƯỜNG THPT SỐP CỘP Năm học: 2016 -2017
Môn: Ngữ Văn – Lớp:11
Thời gian: 120 phút (không kể thời gian giao đề)
Phần I: Đọc hiểu( 3.0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:
“Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn”.
Tháng 4/2009
(Trích: Tổ Quốc nhìn từ Biển – Nguyễn Việt Chiến)
1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ trên.
2. Nêu nội dung chính của đoạn thơ.
3. Xác định hai biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ? Nêu tác dụng?
Phần II: Làm văn( 7.0 điểm)
Câu 1: (2.0 điểm)
Anh (chị) hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 từ) để trình bày suy nghĩ của mình về câu tục ngữ“Không thầy đố mày làm nên”.
Câu 2: (5.0 điểm)
Anh (chị) hãy phân tích cảnh đám ma gương mẫu trong đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” (Trích “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng)?
……………….HẾT………………..
III. ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM
Phần I: Đọc hiểu 3.0
– Phương thức biểu đạt: Phương thức biểu cảm/biểu cảm.1.0
– Nội dung chính: Sự trăn trở, lo lắng về tình hình biển đảo đang bị đe dọa bởi các thế lực xâm lăng và sự biết ơn với biển đảo quê hương 1.0
– Hai biện pháp tu từ: Điệp từ, so sánh….. 0.5
– Tác dụng:
+ Điệp từ: Sự trăn trở, lo âu về tình hình biển đảo.
+ So sánh: Sự biết ơn với biển đảo. 0.5
Phần II: Làm văn 7.0
Câu 1: (2.0 điểm)
Anh (chị) hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 từ) để trình bày suy nghĩ của mình về câu tục ngữ“Không thầy đố mày làm nên”.
a. Yêu cầu về kĩ năng:
– Học sinh biết cách viết một đoạn văn nghị luận xã hội có bố cục ba phần: Mở đoạn – Thân đoạn – Kết đoạn. Có sử dụng thao tác lập luận so sánh trong đoạn văn.
– Học sinh hiểu yêu cầu của đề, có định hướng giải quyết vấn đề đúng đắn; có lí lẽ thuyết phục, dẫn chứng xác thực, lập luận chặt chẽ.
– Hạn chế các lỗi diễn đạt; chữ viết rõ ràng, trình bày sạch sẽ.
b. Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách. Sau đây là các ý cơ bản.
Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề, trích dẫn câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên”. 0.5
Thân đoạn:
– Câu tục ngữ thể hiện quan niệm của nhân dân ta về vai trò của người thầy:
+ Thầy là người không chỉ dạy những kiến thức cần thiết, không chỉ dạy chữ mà còn dạy đạo lí làm người. Trong quá trình học tập, thầy là người giúp học sinh hiểu biết rất nhiều mặt của cuộc sống.
+ Thầy còn là người góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh…
+ Con người khó có thể làm tốt mọi việc nếu thiếu đi vai trò của người thầy. 0.5
– Câu tục ngữ còn là lời khẳng định về truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp của dân tộc ta. Vì thế bản thân người học sinh nói riêng và mọi người nói chung phải biết kính trọng, nhớ ơn thầy cô giáo – những người đã giúp đỡ, truyền thụ những điều hay lẽ phải để góp phần giúp chúng ta nên người. 0.5
Kết đoạn: Khẳng định lại tính đúng đắn và đạo lí tốt đẹp của câu tục ngữ đối với các thế hệ học trò từ xưa cho đến nay và cả mai sau. 0.5
Câu 2: (5.0 điểm)
Anh (chị) hãy phân tích cảnh đám ma gương mẫu trong đoạn trích“Hạnh phúc của một tang gia” (Trích “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng).
A. Yêu cầu về kĩ năng:
– Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận văn học có bố cục ba phần: Mở bài – Thân bài – Kết bài.
– Học sinh biết cách lập luận chặt chẽ, thuyết phục; biết cách lựa chọn những dẫn chứng chính xác, tiêu biểu để phân tích làm rõ yêu cầu của đề.
– Văn phong sáng rõ, mạch lạc; hạn chế các lỗi diễn đạt, chính tả.
B. Yêu cầu về kiến thức:
– Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách. Sau đây là các ý cơ bản:
Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn tác giả, tác phẩm, đoạn trích và vấn đề nghị luận: cảnh đám ma gương mẫu. 0.5
Thân bài:
* Nội dung:
– Cảnh đám ma gương mẫu được tổ chức long trọng, hoành tráng đúng ý muốn của cụ cố Hồng: đám ma tổ chức theo cả lối Ta, Tàu, Tây, có kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, lốc bốc xoảng và bú dích, và vòng hoa, ba trăm câu đối, vài trăm người đi đưa… 1.0
– Cảnh đưa đám:
+ Người đi đưa gồm những ông “tai to mặt lớn”, họ rất cảm động khi“trông thấy làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết”. Trong số những người đi đưa có rất nhiều những giai thanh gái lịch, họ thản nhiên chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau… với vẻ mặt buồn rầu của những người đi đưa đám ma.
+ Đám đi qua bốn phố, đi đến đâu làm huyên náo đến đó. Bạn cậu tú Tân thi nhau chụp ảnh như ở hội chợ.
+ Xuân Tóc Đỏ xuất hiện đúng lúc cùng với sáu chiếc xe và hai vòng hoa đồ sộ càng làm cho đám ma thêm nhốn nháo.
→ Cảnh đưa đám có vẻ ngoài long trọng nhưng chẳng khác gì một đám rước lố lăng, vô văn hóa của những con người vô đạo đức. 1.25
– Đỉnh cao của đám ma là cảnh hạ huyệt:
+ Cậu tú Tân bắt bẻ mọi người tạo dáng để chụp ảnh kỉ niệm lúc hạ huyệt, bạn của cậu nhảy lên các nấm mộ khác để chụp cho ảnh khỏi giống nhau.
+ Ông Phán mọc sừng oặt người đi khóc mãi không thôi và dúi vào tay Xuân một cái giấy bạc năm đồng gấp tư. 1.25
* Nghệ thuât:
– Miêu tả từ xa đến gần, kết hợp giữa âm thanh, màu sắc. Sử dụng điệp ngữ Đám cứ đi…
– Nghệ thuật tương phản, đối lập, khắc họa chân dung biếm họa. Giọng điệu mỉa mai, châm biếm. 0.5
Kết bài: Đánh giá cảnh đám ma gương mẫu là bức tranh thể hiện sự suy thoái đạo đức của một gia đình và cả xã hội thượng lưu lúc bấy giờ. Qua đó, ta thấy được sự phê phán của tác giả đối với tầng lớp thượng lưu thành thị của xã hội đương thời. 0.5
* Lưu ý:
– Học sinh có thể diễn tả và sắp xếp ý theo nhiều cách nhưng phải nêu đủ và mạch lạc các ý cơ bản trên thì mới đạt điểm tối đa.
– Học sinh có những sáng kiến riêng hợp lý thì vẫn được chấp nhận.
Xem thêm :
- Tuyển tập đề thi Ngữ văn khối 11
- Những bài văn hay, những đề thi về bài Hạnh phúc của một tang gia