Đề văn lớp 11 Chả cá , Miếng ngon Hà Nội – Vũ Bằng

PHẦN ĐỌC – HIỂU

Đọc văn bản sau và trử lời các câu hỏi

ĐỀN NGỌC SƠN

Trong cụm di tích hồ Gươm nổi tiếng của thủ đô Hà Nội, người ta vẫn thường nhắc tới Đền Ngọc Sơn như một nơi liêng thiêng và luôn đồng hành cùng mọi sự thăng trầm của thủ đô Hà Nội. Chính vì lẽ đó, không có vị khách nào tới Hà Nội mà không ghé thăm quần thể kiến trúc độc đáo này

Đền nằm trên đảo Ngọc (còn gọi là Ngọc Sơn), một gò đất nổi giữa Hồ Gươm, cách Tháp Rùa một quãng không xa. Theo văn bia của đền ghi lại, đền Ngọc Sơn được khởi xây vào mùa thu năm 1841. Ngôi đền được tu sửa công phu nhất vào năm 1865, do Nguyễn Văn Siêu – nhà nho lỗi lạc của đất Thăng Long đứng ra lo liệu. Nhiều công trình ý nghĩa cũng được hình thành vào lần tu sửa này tạo nên bộ mặt hài hòa của kiến trúc đền Ngọc Sơn gồm: đền Ngọc Sơn – cầu Thê Húc – tháp Bút – đài Nghiên.

Tháp Bút được xây bằng đá, trên có tạc 3 chữ “tả thanh thiên” (viết lên trời xanh), trên đỉnh là hình ngọn bút lông vươn lên trời cao. Đài Nghiên là một nghiên mực bằng đá được đội lên bởi 3 con cóc. Nếu Văn Miếu – Quốc Tử Giám nổi tiếng với hình ảnh rùa đội bia thì kiến trúc cóc đội nghiên này mang lại một nét đặc sắc khá thú vị cho khu đền Ngọc Sơn. Tháp Bút – đài Nghiên từ xưa vẫn luôn được coi như biểu tượng linh thiêng gắn liền với văn chương, thi cử. Nhiều sĩ tử tìm đến đây cầu một chút may mắn để vững tâm hơn trong con đường học hành của mình.

Cầu Thê Húc, cây cầu với cái tên mang ý nghĩa là đón những ánh nắng ban mai đã trở thành hình ảnh tiêu biểu của quần thể kiến trúc Hồ Gươm nói chung và đền Ngọc Sơn nói riêng. Cây cầu bằng gỗ sơn son với 15 nhịp, 32 chân cột tròn nổi bật trên nền nước xanh ngăn ngắt của Hồ Gươm, nối liền từ đường cái quan đến cổng đền. Cổng đền có tên là Đắc Nguyệt Lâu với lối kiến trúc hai tầng đẹp mắt vẫn còn giữ nguyên nét cổ kính cho tới ngày nay. Bên trong là đền chính gồm hai khu nối nhau. Khu thứ nhất hướng về phía Bắc thờ Đức Đại vương Trần Hưng Đạo và Đức Văn Xương Đế Quân. Phía Nam là đình Trấn Ba có kiến trúc thanh thoát và đậm chất thơ. Ngoài ra, trong đền Ngọc Sơn còn thờ cả đức Phật A Di Đà. Điều này vừa thể hiện đời sống tâm linh phong phú của người dân vừa là minh chứng rõ nét cho sự chung sống hòa hợp giữa các tôn giáo trên cùng một đất nước Việt Nam.

Cùng với quần thể Hồ Gươm, Tháp Rùa; đền Ngọc Sơn là một di tích văn hóa – lịch sử độc đáo, một điểm du lịch đặc sắc của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

(Trần Thanh Giang, theo Báo Điện tử)

Câu 1. Ngoài phương thức biểu đạt chính là thuyết minh, văn bản còn sử dụng những phương thức biểu đạt nào khác?

Câu 2. Văn bản viết về đề tài gì?

Câu 3. Phần in đậm ở đầu văn bản gọi là gì? Nêu tác dụng của phần in đậm đó.

Câu 4. Em ấn tượng nhất với chi tiết thuyết minh nào trong văn bản? Vì sao em ấn tượng với chi tiết đó?

Câu 5. Viết đoạn văn khoảng 5-7 dòng, đánh giá về giá trị nổi bật của Đền Ngọc Sơn.

PHẦN VIẾT

Câu 1. Đền Ngọc Sơn, chùa Một Cột, hay Hoàng thành Thăng Long là những di sản văn hóa vật chất tồn tại lâu đời của Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung. Theo em chúng ta cần làm gì để bảo tồn những giá trị văn hóa vật chất mà cha ông để lại? (Viết đoạn văn khoảng 200 chữ để làm rõ vấn đề trên)

Câu 2. Cho đoạn văn sau

Chả Cá

Nhưng rượu uống thật ngon, uống mãi không say, uống quên cả trời cả đất thì là rượu uống trong những bữa chả cá mà người Hà Nội vẫn ưa thưởng thức vào những buổi tối mưa sa gió lạnh.

Có ai cùng với người bạn thiết, một đêm, trèo lên một căn gác cũ, ngồi vào một chiếc bàn con, vừa nhắm nhót chả cá mà lại vừa nhìn xuống con đường mưa bay mà xem người ta đi lại như trong một cái đèn kéo quân tháng Tám, mới có thể biết rằng ăn chả cá ở hiệu thú vị đến chừng nào. Ăn ở nhà, nó tẻ mà ít khi ngon thật sự.

Tôi không hiểu các ông Tàu nhiễu sự, mua chả cá ở Hà Nội rồi đóng bồ, cùng với mắm tôm và các thứ rau, đi tàu bay để đem về Hương Cảng chén với bà con bên đó thì phong vị chả cá ra thế nào?

Riêng tôi thì thấy có một cái thú riêng được thưởng thức chả cá trên căn lầu một cửa hiệu cũ kỹ – mà cửa hiệu đó phải là ở phố hàng Chả Cá – chật chội, tối tăm, thấp bé, mà bàn ghế thì mộc mạc và ám khói – nếu không muốn nói là không lấy gì làm sạch lắm.

Có lẽ đó chỉ là một cách nại tính, cũng như người ăn thuốc quen tiệm mà thôi; nhưng tôi nghiệm thấy rằng chả cá mà bán ở chợ hay là bán ở một phố khác phố Chả Cá, đều là không “thọ”, hay là được rất ít người biết đến.

Cũng vậy, chả cá làm ở nhà cũng kém ngon và do đó không được hoan nghênh mấy, cho nên chồng thấy rét về thèm bữa chả cá, thường là dắt vợ đi ăn hay vợ muốn đổi bữa cho chồng, vẫn đề nghị “hay là ta lên chả cá?”

Đi ăn như thế, mà gặp hôm trời lạnh thì nên đi sớm sớm. Muộn một tí, thường là đã hết rồi vì chả cá ngon chỉ có hai hàng ăn được – mà hai hàng đó thường là đông khách, lắm khi phải đứng đợi mới có chỗ mà ngồi.

Đứng ngoài mà trông, thèm lắm; nhưng thú hơn, là cái không khí trên lầu; thoạt để chân lên là mình đã thấy ấm cúng ngay; sự ồn ào, tấp nập, tuy có làm cho mình hoa mắt lên một tí thực, nhưng mà vui đáo để.

Trẻ hầu bàn chạy cứ nhốn nháo cả lên. Đây, một ông rượu đã ngà ngà kêu bún; đó, một gia đình phàn nàn gọi mãi “hai chụp gắp chả mà chưa thấy đưa lên”, lại này một cậu bé hầu bàn nói như bắc loa để cho mọi người nghe tiếng: “Thưa các cụ, hết cả chả lòng rồi ạ!”

Từ các bàn ăn khói bốc lên nghi ngút, những trông đã đủ ấm rồi. Đưa cay một cốc mai quế lộ nhấm nháp với lạc rang, ta ngồi đợi chả mà như cảm thấy có bàn tay bé nhỏ cù vào tim. Đời người đẹp quá.

Người nào người nấy đều như tìm thấy chân hạnh phúc ở cái ăn, chuyện trò ầm ĩ, bàn tán, chê trách từng cái rau, từng chiếc đũa, từng mảnh giấy lau tay, và đôi khi lại dỗi hay ghen với bàn bên cạnh. Có ông cầu kỳ hơn một chút lại gọi lấy một cái lò đất con rừng rực than hồng để lên giữa bàn, rồi đặt lên trên một cái sanh con; trong cái sanh con đó, người khách sành ăn, lát nữa, sẽ trưng mỡ rồi nhúng từng miếng chả vào; hay sau khi chán miệng thì cho hầm bà là cả bún, cả rau thìa là vào đó, đập một quả trứng rồi xào hẩu lốn lên, lấy ra bát để ăn cho thực nóng.

Bởi vì cái chả cá này, muốn ăn cho thật thú, lắm khi cũng phải cầu kỳ một chút, không thể nào xong thôi. Nhất là các gia vị thì có những thứ không thể nào thiếu được: hành, mắm tôm, chanh, ớt, lạc rang, bánh đa vừng… Còn về rau cũng không nhiều, nhưng thiếu một thứ, bữa chả kém vẻ ngon đi nhiều lắm.

Đầu vị là rau thìa là và hành hoa. Sau khi đã sửa soạn các đĩa rau và các gia vị xong rồi, mời ông nâng chén nhắm “chay” vài củ lạc hay mấy miếng bánh đa; nhà bếp đem chả gắp lên, gỡ ra bát, rồi phủ thìa là rưới mỡ nóng lên là ta lên đũa… nhắm ngay đấy, đừng có để trùng trình mà nguội!

Trên lớp rau thìa là êm ái mướt xanh như nệm cỏ, những miếng cá nục nạc màu vàng nghệ nằm thảnh thơi như những đứa bé nằm chơi ở cánh đồng quê trông thật ngộ nghĩnh và đẹp mắt.

Tiếng mỡ nóng phi hành hoa rưới lên kêu lép bép mới làm cho lòng khách ăn rộn ràng làm sao! Một miếng bún, một miếng bánh đa, rồi hành tây, hành ta, rau thơm, mùi, lạc rang, kèm một hai miếng chả chấm đẫm mắm tôm chanh ớt, và từng miếng to, sau khi đã đưa cay hớp rượu, khà khà! Béo quá, bổ quá, bùi mà thơm ngon quá…

Rượu đã ngà ngà rồi, ông đảo mắt nhìn chung quanh gian gác mờ mờ trong bóng tối, mỗi bàn có khói xanh nghi ngút bốc lên cao rồi nhẹ tỏa trên những cái xà nhà vàng thẫm màu bồ hóng mà nước vôi trắng không thể che lấp được, ông tưởng tượng mình là một nhân vật trong chuyện Tầu xưa, ngồi nhắm rượu trên một tầng lầu của một thứ Bồng Lai quán.

Ngon lành mà ấm bụng quá, hiền huynh ạ! Có thể như thế này cứ ngồi cả sáng đêm. Chả hiểu, họ làm cách nào mà tài thế? Ở nhà, mình đi kiếm cá chiên, cá lăng hay cá nheo tươi để làm nhưng chả vẫn không được se mặt, nướng lên vẫn nát, mà nướng quá tay một tí thì lại khô xác, ăn không ngậy. Ở hiệu, chả bao giờ cũng vừa vặn, không sống mà cũng không khô. Hơn thế, vị của nó lại đậm đà, thơm phức, quyến rũ lạ lùng. Sở dĩ được như thế, có người bảo tại hàng chả cá có một bí quyết là gia một chút “mỡ cầy” vào cá khi đem ướp – chẳng biết có đúng không?

Tài nhất là điểm này: chả cá ăn không tanh. Tôi đã từng thấy nhiều người sợ cá lắm, động món gì có cá là không ăn được, vậy mà thử dùng hai ba lần món chả cá thì thấy thích, rồi đâm ra nghiện, mùa rét đến mà không được thưởng thức thì cho như là đã bỏ lỡ một dịp gì tốt lắm.

Vì thế có nhiều người ở các tỉnh xa về chơi Hà Nội vào dịp mùa đông không thể bỏ qua được món chả cá và những người Hà Nội có khách lạ về thăm, nhiều khi không nghĩ ra cách nào mời ăn khác hơn chả cá, vì theo ý họ, chỉ có chả cá mới là phong vị đặc biệt mà các nơi không có.

(Trích Miếng ngon Hà Nội – Vũ Bằng)

            Cảm nhận của em về sự hấp dẫn của món chả cá Hà Nội được nhà văn Vũ Bằng thể hiện trong văn bản trên. Qua văn bản, em hãy nhận xét sự độc đáo của nhà văn trong cách diễn tả món ăn bình dân này của người Hà Nội.

 

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

PHẦN ĐỌC – HIỂU

Câu 1: Ngoài phương thức biểu đạt chính là thuyết minh, người viết văn bản còn sử dụng thêm phương thức tự sự và miêu tả.

(GV hướng dẫn HS nhận diện các phương thức tự sự, miêu tả:

– Tự sự: kể về quá trình xây dựng quần thể kiến trúc Đền Ngọc Sơn

– Miêu tả: miêu tả về cấu trúc ngôi đền

Câu 2: Căn cứ nội dung văn bản, GV gợi ý cho HS xác định đúng đề tài.

Văn bản viết về một danh lam thắng cảnh của Hà Nội từ một công trình kiến trúc

Câu 3:

– Phần in đậm trong văn bản gọi là Sapo

– Tác dụng của phần Sapo trong văn bản:

+ Nêu bật chủ đề bài viết

+ Tạo sự hứng thú, lôi cuốn đối với người đọc đối với thắng cảnh đền Ngọc Sơn

(Câu này GV phải giải thích rõ cho HS biết thế nào là Sapo và vai trò của Sapo trong văn bản thông tin)

Câu :

– Câu hỏi này tùy vào lựa chọn của học sinh, miễn là giải thích hợp lí

– Gợi ý:

+ Chi tiết ấn tượng nhất: chi tiết thuyết minh về tháp bút đài nghiên

+ Lí do lựa chọn chi tiết đó: giúp em hiểu được ý nghĩa sâu xa của tri thức

Câu 5. Từ nội dung văn bản, GV gợi ý cho HS nhận diện được giá trị nổi bật của Đền Ngọc Sơn để HS viết đoạn

– Đền Ngọc Sơn có giá trị văn hóa tinh thần: Đền Ngọc Sơn là biểu tượng của văn hóa và trí tuệ của người Hà Nội, được một trí thức nổi tiếng đất Hà Thành là Nguyễn Siêu đứng ra chủ trì việc xây dựng.

– Đền Ngọc Sơn có giá trị văn hóa tâm linh: Kiến trúc ngôi đền cũng như cách bài trí nơi thờ tự tạo ra sự linh thiêng, đồng thời cho thấy sự hòa hợp giữa Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo

PHẦN VIẾT

Câu 1:

– Giải thích:

+ Văn hóa vật chất là những sản phẩm vật chất do con người tạo ra trong quá trình phát triển của lịch sử, thể hiện ý thức, giá trị, tư tưởng, tín ngưỡng và đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc.

+ Bảo tồn giá trị văn hóa vật chất nghĩa là mỗi người cần trân trọng và giữ gìn, không làm tổn hại đến những công trình văn hóa, những di sản vật chất mà thế hệ trước để lại

– Ý nghĩa của việc bảo tồn những giá trị văn hóa vật chất:

+ Bảo vệ được những giá trị văn hóa vật chất nghĩa là chúng ta ý thức được sự quan trọng của văn hóa dân tộc

+ Giữ gìn những di sản văn hóa vật chất là một trong những biểu hiện của tính tự tôn, tự hào dân tộc, là tiền đề nâng cao ý thức bảo vệ nền độc lập của mỗi người

+ Không có ý thức giữ gìn những di sản văn hóa vật chất mà cha ông để lại, con người dễ trở thành kẻ mất gốc, quên mất nguồn cội, thiếu ý thức tự hào dân tộc.

– Làm thế nào để bảo tồn những giá trị văn hóa vật chất mà người xưa để lại:

+ Biết quý trọng, giữ gìn, không xâm phạm hay làm tổn hại đến những công trình kiến trúc, những công trình mang tính biểu tượng văn hóa của địa phương hoặc của quốc gia

+ Tạo môi trường cảnh quan thẩm mỹ xung quanh một di sản văn hóa vật chất nhằm nâng cao ý thức thưởng thức và giữ gìn cái đẹp của con người

+ Lên án những hành vi xâm phạm lợi ích văn hóa vật chất vì tư lợi của một bộ phận người trong xã hội

– Bài học nhận thức và hành động của học sinh:

+ Nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn văn hóa nói chung và văn hóa vật chất nói riêng

+ Có những hành động thiết thực để bảo vệ các công trình văn hóa, tránh để bị xâm phạm như giữ gìn cảnh quan, môi trường văn hóa của công trình đó…

(Mỗi ý GV lấy dẫn chứng minh họa cho HS hiểu)

Câu 2:

Mở bài:

– Giới thiệu về tác giả Vũ Bằng và tác phẩm “Miếng ngon Hà Nội”

– Nêu vấn đề nghị luận: cái ngon của món chả cá Hà Nội qua sự cảm nhận của nhà văn Vũ Bằng; Sự độc đáo trong cách diễn tả về món chả cá của nhà văn

– Trích dẫn văn bản

Thân bài:

* Cảm nhận sự hấp dẫn của món chả cá Hà Nội:

– Sự hấp dẫn của món chả cá Hà Nội được tạo nên bởi nhiều yếu tố :

+ Địa điểm ăn làm nên cái ngon của món chả cá: ăn chả cá phải ăn ở hiệu chứ không được ăn ở nhà

+ Không gian làm nên sức hấp dẫn của món ăn: món chả cá theo cảm nhận của nhà văn Vũ Bằng ưa sự mộc mạc, giản dị vì vậy không gian ăn không cầu kì, trái lại rất bình dân, thậm chí cái không gian đó còn lại phải chật chội, tối tăm, thấp bé, bàn ghế thì ám khói

+ Thời tiết cũng là một yếu tố khiến cho vị của chả cá thêm ngon: ăn chả cá là phải ăn lúc trời rét mới ngon, mới thú

+ Không khí hàng ăn cũng tác động không nhỏ tới vị ngon của món ăn bình dân này: người ăn thích ăn trong không khí ồn ào, bồi bàn qua lại tấp nập

– Một yếu tố rất quan trọng làm nên sự hấp dẫn của món chả cá là cách thưởng thức món ăn:

+ Khi đợi món ăn mang lên: ngồi nhâm nhi một li rượu mai quế lộ với lạc rang để thưởng thức cái cảm giác “có bàn tay bé nhỏ cù vào tim”

+ Khi ăn thì cũng chẳng cần giữ ý, giữ tứ mà cứ thoải mái chuyện trò, bàn tán, bình phẩm vì đó là món bình dân, nên cách thưởng thức cũng rất bình dân

+ Người thích cầu kì thì gọi một lò than hồng, để giữa bàn, trực tiếp rán chả và nếu có chán cách ăn đó thì cho cả bún, cả rau, cả trứng, cả chả vào sanh thành một món hẩu lốn mà ăn cho nóng

+ Gia vị để ăn món chả cá cũng phải thật đầy đủ, thiếu một vị chả cá sẽ mất ngon

– Sự hấp dẫn của món chả cá Hà Nội trong văn bản còn được gợi nên bởi yếu tố xúc cảm của người thưởng thức và của cả nhà văn:

+ Nhà văn Vũ Bằng thể hiện cái khoái lạc của người ăn mà như bản thân mình đang thưởng thức món chả cá: “khà khà! Béo quá, bổ quá, bùi mà thơm ngon quá…”

+ Tác giả diễn tả rất có hồn vẻ thư thái của người ăn, như thả hồn vào cõi tiên với món chả cá: “chung quanh gian gác mờ mờ trong bóng tối, mỗi bàn có khói xanh nghi ngút bốc lên cao rồi nhẹ tỏa trên những cái xà nhà vàng thẫm màu bồ hóng mà nước vôi trắng không thể che lấp được,… tưởng tượng mình là một nhân vật trong chuyện Tầu xưa, ngồi nhắm rượu trên một tầng lầu của một thứ Bồng Lai quán.”

+ Nhà văn cũng trực tiếp bộc lộ cảm xúc trước cái ngon của món ăn, khiến cho người thích ăn chả cá có thể ngồi cả ngày cả đêm ở quán mà thưởng thức món ăn này: “Ngon quá, hiền huynh ạ!”

+ Cái ngon của món chả cá còn được thể hiện gián tiếp qua thái độ ngạc nhiên của nhà văn: “chả hiểu, họ làm cách nào mà tài thế”

* Những đặc sắc về nghệ thuật viết tùy bút của nhà văn Vũ Bằng:

– Cách miêu tả của nhà văn cụ thể, chi tiết, chân thực và rất sống động

– Câu văn miêu tả giàu sức gợi hình qua việc tác giả sử dụng các hình thức so sánh, liên tưởng

– Không chỉ đơn giản là ghi chép mà tác giả còn bộc lộ cảm xúc chủ quan trước đối tượng, tạo nên một sự hấp dẫn rất riêng trong cách viết tùy bút của mình

* Sự độc đáo trong cách diễn tả món ăn chả cá của nhà văn Vũ Bằng:

– Sự độc đáo ý muốn nói đến tính chất riêng và lạ. Nhà văn Vũ Bằng diễn tả món ngon của chả cá rất độc đáo bởi ông thể hiện cái ngon đó không giống bất cứ nhà văn nào khác.

– Biểu hiện tính độc đáo trong cách diễn tả cái ngon của món chả cá mà nhà văn Vũ Bằng thể hiện trong văn bản:

+ Miêu tả chi tiết, cụ thể đến cầu kì về món ăn bình dân của người Hà Nội

+ Món chả cá qua cách miêu tả của tác giả không chỉ ngon mà còn đẹp và có hồn, bởi cách so sánh độc đáo và ấn tượng: “Trên lớp rau thìa là êm ái mướt xanh như nệm cỏ, những miếng cá nục nạc màu vàng nghệ nằm thảnh thơi như những đứa bé nằm chơi ở cánh đồng quê trông thật ngộ nghĩnh và đẹp mắt.”

+ Cảm xúc của tác giả như hòa lẫn vào cảm xúc của những thực khách đang thưởng thức cái ngon của món chả cá và được được bộc lộ khá tự nhiên chân thực trong bài viết này.

– Nhận xét về tính độc đáo trong cách diễn tả của nhà văn:

+ Tính độc đáo là một nét trong sáng tác của nhà văn Vũ Bằng, tạo nên một phong cách viết kí, viết tùy bút rất riêng của ông

+ Tính độc đáo của tác giả trong cách diễn tả cái ngon của món chả cá đem đến một sự hấp dẫn cho bài viết, khẳng định tài năng của ông.

Kết bài: Đánh giá chung về tác phẩm và tài năng viết kí, tùy bút của nhà văn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *