ĐỀ THAM KHẢO THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ GD&ĐT
PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Đọc văn bản sau:
Sophia là rô-bốt được kích hoạt vào ngày 19/04/2015 và lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng vào tháng 3/2016 tại Lễ hội South by Southwest ở Austin, Taxas, Mỹ. Sophia được ông David Hanson của công ty Hanson Robotics tạo ra. Ông là nhà sáng chế robot và là một chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Sofia là người máy tiên tiến nhất mà công ty Hanson Robotics từng chế tạo. Robot được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ nhận diện khuôn mặt, giọng nói và khả năng xử lý dữ liệu bằng hình ảnh. Sofia sẽ có nhiều cuộc trò chuyện với con người và được kỳ vọng có thể phục vụ nhiều lĩnh vực trong cuộc sống như chăm sóc sức khỏe, dịch vụ khách hàng hay giáo dục. Ngày 25/10/2017 Sophia được Arab Saudi cấp quyền công dân như con người. Đây là một cột mốc lớn khi lần đầu tiên trong lịch sử rô-bốt trở thành công dân của một quốc gia. Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí, khi phóng viên đặt câu hỏi: “Liệu rô-bốt có thể nhận thức và hiểu rằng họ là rô-bốt không?”, Sofia đã trả lời: “Vậy để tôi hỏi anh điều ngược lại, làm thế nào anh biết anh là con người?”. Cô cũng cho rằng rô-bốt làm nhiều việc thay con người vì thế con người có thêm thời gian nghỉ ngơi, dành cho chăm sóc bản thân và gia đình.
(Báo điện tử Vietnamnet)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5
Câu 1. Chỉ ra những điểm tiên tiến nhất của rô-bốt Sophia.
Câu 2. Những lĩnh vực mà rô-bốt Sophia có thể thực hiện trong cuộc sống là gì?
Câu 3. Phân tích ý nghĩa câu trả lời của rô-bốt khi được hỏi:“Liệu rô-bốt có thể nhận thức và hiểu rằng họ là rô-bốt không?”
Câu 4. Anh chị có đồng tình với ý kiến của Sofia về việc rô-bốt làm nhiều việc thay con người vì thế con người có thêm thời gian nghỉ ngơi, dành cho chăm sóc bản thân và gia đình không? Vì sao?
Câu 5. Theo anh chị trí tuệ nhân tạo AI đang đặt con người trước những thách thức nào?
PHẦN VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
“Over thinking” hiện là căn bệnh mà rất nhiều người đang mắc phải, nhất là người trẻ. Đó là biểu hiện của hội chứng rối loạn lo âu. Người bệnh thường có cảm giác lo lắng quá mức đối với một tình huống hoặc sự việc, thậm chí là lo lắng rất vô lý về những điều do mình tự tưởng tượng. Điều này khiến họ không thể tập trung cho những việc ở thời khắc hiện tại, luôn cảm thấy lo lắng bất an. “Over thinking” trong thời gian dài rất có thể sẽ gây nên hội chứng trầm cảm hoặc tự kỷ.
(cand.com.vn)
Hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) về giải pháp ngăn chặn căn bệnh “Over thinking” ở giới trẻ hiện nay.
Câu 2. (4,0 điểm)
Đọc văn bản:
TẶNG MỘT VẦNG TRĂNG SÁNG
Lâm Thanh Huyền
Một vị Thiền sư tu trong nhà tranh trên núi, một hôm, nhân một buổi tối đi dạo trong rừng, dưới ánh trăng vằng vặc, đột nhiên ngài ngộ ra trí tuệ của mình.
Ngài vui mừng trở về nơi ở, nhìn nhà tranh của mình bị kẻ cắp lục lọi, kẻ cắp tìm không ra của cải gì, lúc sắp sửa bỏ đi thì gặp Thiền sư ở cổng. Thì ra, sợ kẻ trộm giật mình, Thiền sư từ nãy đến giờ cứ đứng đợi ở cổng. Ngài biết chắc kẻ trộm không tìm được bất cứ đồ đạc gì đáng giá, liền cởi chiếc áo ngoài của mình cầm trong tay từ trước.
Kẻ cắp gặp Thiền sư, đang trong lúc kinh ngạc bối rối, thì Thiền sư nói:
– Từ đường rừng núi xa xôi, cậu đến thăm tôi, dù thế nào đi nữa cũng không thể để cậu ra về tay không! Đêm lạnh, cậu hãy mang theo chiếc áo này!
Vừa nói, ngài vừa khoác chiếc áo lên người kẻ cắp. Kẻ cắp lúng túng không biết làm thế nào, cúi đầu chuồn thẳng.
Nhìn theo bóng kẻ cắp đi dưới ánh trăng vằng vặc, rồi mất hút trong rừng núi, Thiền sư không khỏi thương cảm, liền khẳng khái thốt lên:
– Hỡi con người đáng thương kia, ta chỉ mong được tặng cậu một vầng trăng sáng.
Sau khi tiễn kẻ cắp bằng ánh mắt, Thiền sư đi vào nhà tranh để trần ngồi thiền, ngài nhìn trăng sáng ngoài cửa sổ rọi vào khoảng không trong nhà.
Hôm sau dưới sự vuốt ve dịu dàng, ấm áp của ánh trăng, từ trong buồng Thiền sâu thẳm, ngài mở mắt ra, nhìn thấy chiếc áo ngoài ngài khoác lên người kẻ cắp được gấp gọn gàng, tử tế, đặt ở cửa. Vô cùng vui sướng, Thiền sư lẩm bẩm nói:
– Cuối cùng ta đã tặng cậu ấy một vầng trăng sáng.
( Tặng một vầng trăng sáng – Truyện cực ngắn, Vũ Công Hoan dịch, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003, tr.7-8)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích nội dung, nghệ thuật truyện cực ngắn trên, Từ đó so sánh nội dung văn bản với chi tiết sau trong tiểu thuyết Những người khốn khổ (Victor Hugo): Jean Valjean ăn cắp bộ đồ bằng bạc của nhà giám mục Myriel nhưng giám mục Myriel nói với cảnh sát rằng các đồ vật đó là ông ta cho anh ta và yêu cầu họ thả Jean Valjean.
ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC-HIỂU | 6,0 | |
|
1 | Sofia là người máy tiên tiến nhất mà công ty Hanson Robotics từng chế tạo. Robot được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ nhận diện khuôn mặt, giọng nói và khả năng xử lý dữ liệu bằng hình ảnh.
Hướng dẫn chấm: Trả lời đúng đáp án được 0.5 điểm. |
0.5 |
2 | Sofia sẽ có nhiều cuộc trò chuyện với con người và được kỳ vọng có thể phục vụ nhiều lĩnh vực trong cuộc sống như chăm sóc sức khỏe, dịch vụ khách hàng hay giáo dục.
Hướng dẫn chấm: Trả lời đúng đáp án được 0.5 điểm. |
0.5 | |
3 | Câu trả lời của rô-bốt “Vậy để tôi hỏi anh điều ngược lại, làm thế nào anh biết anh là con người?”
Ý nghĩa: – Rô-bốt luôn ý thức mình là rô-bốt như con người luôn ý thức mình là con người. – Thể hiện sự thông minh nhanh nhẹn, linh hoạt của rô-bốt. Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời đúng đáp án: 0.5 điểm. |
1.0 | |
4 | – Đồng tình vì: + Rô-bốt là công cụ phục vụ cho cuộc sống của con người + Rô-bốt hiện đại, thông minh sẽ đảm bảo chất lượng, hiệu quả công việc + Con người có thời gian để tận hưởng cuộc sống khi được giải phóng sức lao động. – Không đồng tình vì: + Con người dễ bị đào thải, thay thế bởi rô-bốt + Thui chột óc sáng tạo và khả năng tư duy của con người + Hạn chế cảm xúc của con người… Hướng dẫn chấm: Chấp nhận cách giải thích tương đương |
1.0 | |
5 | Thách thức:
– Nguồn lao động trình độ cao điều khiển rô-bốt thiếu trầm trọng – Có nhiều ngành nghề biến mất trong tương lai – Dư thừa nguồn lao động – Con người dễ bị phụ thuộc vào khoa học công nghệ, khó làm chủ cuộc sống, chạy đua theo rô-bốt… – Chi phí đầu tư lớn. – … Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời đúng 1 ý được 0.5 điểm. – Học sinh trả lời đúng đáp án: 1.0 điểm. |
0.5 | |
II | VIẾT | 4,0 | |
1. | “Over thinking” hiện là căn bệnh mà rất nhiều người đang mắc phải, nhất là người trẻ. Đó là biểu hiện của hội chứng rối loạn lo âu. Người bệnh thường có cảm giác lo lắng quá mức đối với một tình huống hoặc sự việc, thậm chí là lo lắng rất vô lý về những điều do mình tự tưởng tượng. Điều này khiến họ không thể tập trung cho những việc ở thời khắc hiện tại, luôn cảm thấy lo lắng bất an. “Over thinking” trong thời gian dài rất có thể sẽ gây nên hội chứng trầm cảm hoặc tự kỷ.
(cand.com.vn) Hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) về giải pháp ngăn chặn căn bệnh “Over thinking” ở giới trẻ hiện nay. |
2,0
|
|
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ
Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng -phân-hợp, song hành hoặc móc xích |
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: giải pháp ngăn chặn căn bệnh “Over thinking” ở giới trẻ hiện nay. | 0,25 | ||
c. Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ giải pháp ngăn chặn căn bệnh “Over thinking” ở giới trẻ hiện nay. Có thể triển khai theo hướng sau:
– Căn bệnh “Over thinking” là vô cùng nguy hại đến cuộc sống của con người nên cần có giải pháp phù hợp để ngăn chặn kịp thời. – Giải pháp với cá nhân: + Hiểu rõ mối nguy hại của việc nghĩ quá nhiều và nghĩ tiêu cực, có quyết tâm thay đổi bản thân + Không nên suy nghĩ quá nhiều, tập nghĩ theo chiều hướng tích cực. + Nếu nghĩ nhiều hãy tập trung hành động để quên đi. + Tham gia các lớp học kĩ năng sống để thay đổi bản thân. – Với tập thể: + Cần quan tâm, chia sẻ, nhận thức kịp thời những biểu hiện + Luôn giúp đỡ phù hợp, hiệu quả + Tuyên truyền về biểu hiện, hậu quả để ngăn chặn kịp thời,… + Phát hiện và điều trị hiệu quả. – Bài học nhận thức và hành động: luôn luôn có ý thức làm mới bản thân, sống năng động, lành mạnh, tích cực; hình thành cách sống có ích, có ý nghĩa… |
1,0 | ||
d. Sáng tạo:
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. |
0,25 | ||
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. | 0,25 | ||
2 | Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích nội dung, nghệ thuật truyện cực ngắn trên, Từ đó so sánh nội dung văn bản với chi tiết sau trong tiểu thuyết Những người khốn khổ (Victor Hugo): Jean Valjean ăn cắp bộ đồ bằng bạc của nhà giám mục Myriel nhưng giám mục Myriel nói với cảnh sát rằng các đồ vật đó là ông ta cho anh ta và yêu cầu họ thả Jean Valjean. | 4,0 | |
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
– Nội dung, nghệ thuật truyện – So sánh |
0,25 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng hợp lí. Sau đây là một số gợi ý: * Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm – Truyện “Tặng một vầng trăng sáng” của Lâm Thanh Huyền, dịch bởi Vũ Công Hoan, là một truyện cực ngắn thuộc tuyển tập truyện cực ngắn Trung Quốc có tiêu đề chung “Tặng một vầng trăng sáng”. – Điểm nổi bật của tập truyện này là sự ngắn gọn, súc tích và nhiều tầng lớp ý nghĩa gói gọn trong một số lượng câu chữ ít ỏi. – Câu chuyện kể về một vị thiền sư tu trong nhà tranh trên núi. Một hôm, khi đi dạo trong rừng dưới ánh trăng, ngài nhận ra trí tuệ của mình. Khi trở về nhà, ngài phát hiện nhà tranh của mình bị kẻ trộm lục lọi. Tuy nhiên, ngài không giận dữ mà thậm chí còn tặng chiếc áo của mình cho kẻ trộm. Sau đó, khi ngài nhìn thấy chiếc áo được gấp gọn gàng và đặt ở cửa vào ngày hôm sau, ngài vui mừng nói rằng cuối cùng đã tặng kẻ trộm một vầng trăng sáng. Với cốt truyện ngắn gọn nhưng ý nghĩa sâu sắc, truyện “Tặng một vầng trăng sáng” mang đến thông điệp về lòng nhân ái và sự tử tế của con người. * Phân tích nội dung + Hành động của tên trộm: là một hành động đáng lên án, khinh bỉ. + Hành động của vị thiền sư: không trách mắng, đánh đập kẻ trộm mà còn đứng đợi ở cổng vì “sợ kẻ trộm giật mình”. Ngài biết chắc kẻ trộm không tìm được bất cứ đồ đạc gì đáng giá, liền cởi chiếc áo ngoài của mình cho tên trộm. + Lời nói: \ Từ đường rừng núi xa xôi, cậu đến thăm tôi, dù thế nào đi nữa cũng không thể để cậu ra về tay không! Đêm lạnh, cậu hãy mang theo chiếc áo này! \ Hỡi con người đáng thương kia, ta chỉ mong được tặng cậu một vầng trăng sáng. + Lời nói và hành động của vị thiền sư làm cho tên trộm từ “kinh ngạc” “bối rối” đến hổ thẹn, “chỉ biết cúi đầu chuồn thẳng”, sau đó vị thiền sư thấy chiếc áo được gấp gọn gàng trước thềm nhà. Ý nghĩa: Chính vào giây phút chiếc áo được trả về tay của thiền sư thì vị thiền sư này đã “Tặng một vầng trăng sáng” cho tên trộm. Tình yêu thương, thấu hiểu, vị tha cho mọi lỗi lầm, khoan dung và đồng cảm đã giúp tên trộm nhận ra hướng đi lầm đường lạc lối của mình, việc trộm cắp là sai trái. Tên trộm đã được cảm hoá, nhận ra lỗi sai và sửa đổi bản thân, có thể hiểu, chính sự bao dung và yêu thương từ sâu trái tim của vị thiền sư đã giúp tên trộm trở nên lương thiện. * Phân tích nghệ thuật: – Truyện mang đậm chất triết lý, sâu sắc đặc biệt qua hình ảnh “vầng trăng sáng”: hình ảnh mang tính biểu tượng. Vầng trăng sáng là vầng trăng của thiên lương, của lòng tốt, của những điều tốt đẹp trong lòng con người. – Ngôn ngữ: mộc mạc, giản dị, nhưng không kém phần chân thật và giàu sức gợi. – Cốt truyện đơn giản, hấp dẫn, lôi cuốn. Tình tiết bất ngờ nhưng phù hợp với diễn biến tâm lý, tính cách của nhân vật. => góp phần thể hiện thành công tâm trạng của nhân vật, khắc sâu giá trị nhân đạo của tác phẩm. * So sánh với chi tiết Jean Valjean ăn cắp bộ đồ bằng bạc của nhà giám mục Myriel nhưng giám mục Myriel nói với cảnh sát rằng các đồ vật đó là ông ta cho anh ta và yêu cầu họ thả Jean Valjean trong tác phẩm Những người khốn khổ (Victor Hugo) Khác nhau: – Chi tiết Jean Valjean ăn cắp bộ đồ bằng bạc của nhà giám mục Myriel được trích trong tiểu thuyết dài Những người khốn khổ (Victor Hugo), còn tác phẩm Tặng một vầng trăng sáng là một tác phẩm truyện cực ngắn của Lâm Thanh Huyền. – Trong tác phẩm Những người khốn khổ (Victor Hugo) Jean Valjean ăn cắp bộ đồ bằng bạc của nhà giám mục Myriel nhưng giám mục Myriel nói với cảnh sát rằng các đồ vật đó là ông ta cho anh ta và yêu cầu họ thả Jean Valjean, còn với tên trộm trong truyện cực ngắn của Lâm Thanh Huyền, anh ta chưa tìm được gì đáng giá và chiếc áo của vị thiền sư là vật đáng giá nhất. Vị thiền sư đã trao cho anh ta vì “Từ đường rừng núi xa xôi, cậu đến thăm tôi, dù thế nào đi nữa cũng không thể để cậu ra về tay không” Giống nhau: Cả hai tác phẩm đều ca ngợi sức mạnh của tình yêu thương, sự bao dung, vị tha và lương thiện trong mỗi con người, chính những điều ấy sẽ cảm hoá những người đang lầm đường lạc lối; làm thành giá trị nhân văn cho tác phẩm; có giá trị giáo dục sâu sắc… Hướng dẫn chấm: – Phân tích đầy đủ, sâu sắc: 2.0 điểm – Phân tích tương đối đầy đủ: 1.5 – 1.75 điểm – Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu sắc: 1.0 – 1,25 điểm – Phân tích chung chung, không rõ các biểu hiện: 0.5 – 0,75 điểm. – Không phân tích, phân tích sơ sài:0.0-0.25 |
2,25
0,5 |
||
* Đánh giá khái quát
– Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của tác phẩm Câu chuyện là bài học về tình yêu thương, tình yêu thương của con người trong cuộc sống có khả năng cảm hóa, giúp con người lầm đường lạc lối hướng về cái thiện, cái thiên lương trong sáng – Khái quát đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm Truyện mang đậm chất triết lý, sâu sắc và có ý nghĩa giáo dục, hướng thiện, ngôn ngữ giản dị, cốt truyện đơn giản, bất ngờ thú vị. Hướng dẫn chấm: – Trình bày được 2 ý: 0.5 điểm – Trình bày được 1 ý: 0.25 điểm |
0,25 | ||
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp |
0,25 | ||
e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, sử dụng kiến thức lí luận; văn phong trôi chảy; kết hợp các phương thức biểu đạt và kiến thức tiếng Việt để bài viết giàu hình ảnh, cảm xúc. | 0,5 | ||
Tổng điểm | 10,0 |