Đề minh hoạ môn văn theo cấu trúc thi tốt nghiệp 2025, đề số 99

ĐỀ THAM KHẢO THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ GD&ĐT

PHẦN 1: ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

   Đọc văn bản

(Tóm tắt đoạn trước: Nhà văn Độ và nhà văn Hoàng quen nhau và trở thành bạn từ trước năm 1945. Pháp xâm lược nước ta, Độ trở thành một chiến sĩ, tham gia vào công cuộc kháng chiến chống Pháp. Còn Hoàng thì trở về sống ở nông thôn. Độ muốn vận động Hoàng tham gia vào văn hoá cứu quốc, nên nhân cơ hội đi công tác, Độ đã ghé thăm vợ chồng Hoàng. Độ được vợ chồng Hoàng đón tiếp rất chu đáo. Họ trò chuyện với nhau, vợ chồng Hoàng ca ngợi chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng họ không tin vào khả năng làm cách mạng của tầng lớp nông dân)

“ […]Tôi cười gượng. Ðiều muốn nói với anh, tôi đành giấu kín trong lòng không nói nữa. Tôi biết chẳng đời nào anh nhận làm một anh tuyên truyền nhãi nhép như tôi. Vả lại dầu có rủ được anh làm như tôi, khoác cái ba lô lên vai, đi hết làng nọ đến làng kia để nhận xét nông thôn một cách kỹ càng hơn cũng chẳng ích gì. Anh đã quen nhìn đời và nhìn người một phía thôi. Anh trông thấy anh thanh niên đọc thuộc lòng bài “ba giai đoạn” nhưng anh không trông thấy bó tre anh thanh niên vui vẻ vác đi để ngăn quân thù. Mà ngay trong cái việc anh thanh niên đọc thuộc lòng bài báo như một con vẹt biết nói kia, anh cũng chỉ nhìn thấy cái ngố bề ngoài của nó mà không nhìn thấy cái nguyên cớ thật đẹp đẽ bên trong. Vẫn giữ đôi mắt ấy để nhìn đời thì càng đi nhiều, càng quan sát lắm, người ta chỉ càng thêm chua chát và chán nản.

Tôi biết lắm. Trước mặt người đàn anh trong văn giới ấy, tôi chỉ là một kẻ non dại, mới tập tọng học nghề. Bởi vậy tôi không dám nói hết những ý nghĩa của tôi ra. Tôi chỉ rụt rè và đưa ra vài điểm nhận xét:

– Có nhiều cái kỳ lạ lắm. Người nhà quê dẫu sao thì cũng còn là một cái bí mật đối với chúng ta. Tôi gần gũi họ rất nhiều. Tôi đã gần như thất vọng vì thấy họ phần đông dốt nát, theo nhếch, nhát sợ, nhịn nhục một cách đáng thương. Nghe các ông nói đến “sức mạnh quần chúng”, tôi rất nghi ngờ. Tôi vẫn cho rằng đa số nước mình là nông dân, mà nông dân nước mình thì vạn kiếp nữa cũng chưa làm cách mạng. Cái thời Lê Lợi, Quang Trung, có lẽ đã chết hẳn rồi, chẳng bao giờ còn trở lại. Nhưng đến hồi Tổng khởi nghĩa thì tôi đã ngả ngửa người. Té ra người nông dân nước mình vẫn có thể làm cách mạng, mà làm cách mạng hăng hái lắm. Tôi đã theo họ đi đánh phủ. Tôi đã gặp họ trong mặt trận Nam Trung Bộ. Vô số anh răng đen, mắt toét, gọi lựu đạn là “nựu đạn”, hát Tiến quân ca như người buồn ngủ cầu kinh, mà lúc ra trận thì xung phong can đảm lắm. Mà không hề bận tâm đến vợ con, nhà cửa, như họ vẫn thường thế nữa. Gặp họ, anh không thể tưởng tượng được rằng chính những người ấy, chỉ trước đây dăm tháng, giá có bị anh lính lệ ghẹo vợ ngay trước mặt cũng chỉ đành im thin thít mà đi, đi một quãng thật xa rồi mới dám lẩm bẩm chửi thầm vài tiếng, còn bao nhiêu ghen tức đành là đem về nhà trút vào má vợ.

[…] Hoàng với tôi đi nằm trước. Một gói thuốc lá thơm và một bao diêm đặt ở bên cạnh cái đĩa gạt tàn thuốc lá ở đầu giường. Tôi để nguyên cả quần áo tây và chỉ ngay ngáy lo đêm nay một vài chú rận có thể rời sơ-mi tôi để du lịch ra cái chăn bông thoang thoảng nước hoa. Mọi hôm tôi vẫn đắp chăn chung với anh em thợ nhà in, cái giống ký sinh trùng hay phản chủ ấy, ở người tôi, không dám cam đoan là tuyệt nhiên không có. Chị Hoàng thu dọn đồ đạc, đóng cửa, rồi đem một cây đèn to lại chỗ cây giường chúng tôi, lấy ra một cái chai…                                  

(Trích  Đôi mắt – Nam Cao)

           Thực hiện những yêu cầu sau:

Câu 1: Xác định ngôi kể của người kể chuyện.

Câu 2: Đến hồi tổng khởi nghĩa, nhân vật tôi đã phát hiện ở người nông dân có

những vẻ đẹp nào?

Câu 3: Nhận xét một phẩm chất của nhân vật Độ được biểu hiện trong đoạn trích

Câu 4:  Anh/chị hiểu thế nào là “nhìn đời và nhìn người một phía”?

Câu 5: Anh/chị hãy rút ra một bài học về cách nhìn đời, nhìn người từ đoạn trích trên

 

PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1 (2, 0 điểm): Viết đoạn văn 200 chữ nêu cảm nhận của anh/ chị về nhân vật Độ qua đoạn trích trên.

Câu 2 (4,0 điểm): Theo anh/chị cách nhìn đời, nhìn người có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống, lối sống, vị trí của mỗi người? Viết bài văn nghị luận 600 chữ nêu suy nghĩ của anh/chị về vấn đề trên.

ĐÁP ÁN

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Xác định ngôi kể của người kể chuyện: Ngôi thứ nhất 0,5
  2 Người nông dân có vẻ đẹp: hăng hái, can đảm, nhiệt tình yêu nước 0,5
  3 HS có thể rút ra phẩm chất của nhân vật Độ: sống gần gũi, gắn bó với người nông dân 1,0
4 – Đó thường là cách nhìn phiến diện, nông cạn, cách nhìn ấy dễ đánh giá sai lầm đối với hiện thực và con người.

– Có những người thường chỉ thấy mặt đen tối của đời sống, khuyết điểm, tiêu cực của người khác mà không thấy được mặt tích cực, tốt đẹp của họ.

1,0
5 Bài học rút ra: Cần có cách nhìn đời, nhìn người toàn diện và sâu sắc, tránh nhìn phiến diện, giản đơn 1,0
II   VIẾT 6,0
1 Viết đoạn văn 200 chữ nêu cảm nhận của anh/ chị về nhân vật Độ qua đoạn trích trên. 2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng  yêu cầu về hình thức, dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: cảm nhận về nhân vật Độ

0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề cần nghị luận

-Xác định được một số ý phù hợp để làm rõ vấn đề cần nghị luận, sau đây là một số ý:

+ Khái quát: tác giả Nam Cao; tác phẩm Đời thừa  và  nhân vật Độ trong đoạn trích.

+ Giới thiệu khái quát về nhân vật Độ:

x Nhà văn nghèo sống trong xã hộ cũ, sớm giác ngộ cách mạng và sẵn sàng tham gia kháng chiến.

x Nhà văn có tài năng nhưng rất khiêm tốn nhưng gắn bó với nông dân, tin tưởng vào sự nghiệp dân tộc

+ Cách Độ nhìn người nông dân

xTrước cách mạng: Độ cũng như Hoàng chỉ thấy những điểm yếu của người nông dân nên có phần coi thường, nghi ngờ sức mạnh của họ.

‘‘Họ phần đông dốt nát, nheo nhếch, nhát sợ, nhịn nhục đáng thương…”,

‘‘ Nghi ngờ ‘‘sức mạnh quần chúng”,‘‘vạn kiếp nữa cũng chưa làm cách mạng…có lẽ đã chết  hẳn rồi

->Cái nhìn phiến diện, hạn chế của Độ khi nhìn về người nông dân.

x Sau cách mạng

 ‘‘Tổng khởi nghĩa tôi đã ngả ngửa người. … đến vợ con , nhà của…”

->Thấy những bản chất tốt đẹp ẩn giấu bên trong của họ .Độ nhìn về kháng chiến có sự thay đổi. Anh tin tưởng vào sức mạnh của nông dân, tin vào tương lai cuộc kháng chiến.

+ Tự nguyện gắn bó với nông dân và sự nghiệp dân tộc. Mọi hôm tôi vẫn đắp chăn chung với anh em thợ nhà in, Tôi đã theo họ đi đánh phủ. Tôi đã gặp họ trong mặt trận Nam Trung Bộ…

->Cách nhìn  về nông dân  tích cực và tin tưởng vào sức mạnh của họ.

=>Độ đã có cái nhìn đúng đắn, quan điểm tiến bộ của người trí thức trong xã hộ đương thời. Qua đó thể hiện được lối sống, nhân cách cao đẹp của nhà văn.

+Nghệ thuật: cốt truyện độc đáo, trần thuật miêu tả khắc họa tâm li nhân vật đặc sắc, xây dựng  hình tượng nhân vật tiêu biểu, thủ pháp đối lập …

– Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn

0,5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: cảm nhận về nhân vật Độ được thể hiện trong đoạn trích

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng

0,5
  đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu văn

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ

0,25
2 Theo anh/chị cách nhìn đời, nhìn người có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống, lối sống, vị trí của mỗi người? Viết bài văn nghị luận 600 chữ nêu suy nghĩ của anh/chị về vấn đề trên.

 

4,0
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: cách nhìn đời, nhìn người 0,5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận

*Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm cá nhân về vấn đề

* Triển khai vấn đề nghị luận

– Giải thích vấn đề nghị luận

– Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:

Cách nhìn đời, nhìn người có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến cuộc sống, lối sống, vị trí của mỗi người.

Vì:

+ Cách nhìn thể hiện lập trường, thái độ, sự hiểu biết và tình cảm của mình đối với người, với cuộc đời, với sự việc, hiện tượng.

+ Có cách nhìn đúng đắn, toàn diện, sâu sắc thì có hành động đúng và mang lại giá trị tốt đẹp, dễ mang lại thành công, được mọi người tin tưởng, yêu mến.

(Bằng chứng)

+ Ngược lại, ngược lại nhìn vấn đề một cách phiến diện, tiêu cực dễ dẫn đến hành động sai lầm, thất bại. Thậm chí là để mất niềm tin đối với người khác.

(Bằng chứng)

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân: Cần nhìn người khác với cái nhìn toàn diện, sâu sắc, độ lượng… Trước khi phê bình ai, ta nên kiểm tra trước phẩm chất cái nhìn của ta. Ta xuất phát từ động cơ gì, từ thiện chí ra sao đối với người khác. Đừng xét nét, hẹp hòi với người khác cũng như vội vàng đánh giá, kết luận về họ mà chưa soi lại cách nhìn nhận, đánh giá của mình.

 

1,0
d. Viết bài văn, đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng

1,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ

0,5

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *