Đề minh hoạ môn văn theo cấu trúc thi tốt nghiệp 2025, đề số 98

ĐỀ THAM KHẢO THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ GD&ĐT

Đọc văn bản sau:

TRĂNG

(Xuân Diệu)

Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá,

Ánh sáng tuôn đầy các lối đi.

Tôi với người yêu qua nhẹ nhẹ…

Im lìm, không dám nói năng chi.

 

Bâng khuâng chân tiếc giậm lên vàng,

Tôi sợ đường trăng tiếng dậy vang,

Ngơ ngác hoa duyên còn núp lá,

Và làm sai lỡ nhịp trăng đang.

 

Dịu dàng đàn những ánh tơ xanh,

Cho gió du dương điệu múa cành;

Cho gió đượm buồn, thôi náo động

Linh hồn yểu điệu của đêm thanh.

 

Chúng tôi lặng lẽ bước trong thơ,

Lạc giữa niềm êm chẳng bến bờ.

Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá!

Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ.

(thivien.net)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5: (Trả lời ngắn gọn)

Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.

Câu 2. Liệt kê các từ ngữ, hình ảnh miêu tả ánh trăng trong văn bản trên.

Câu 3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của các từ láy được sử dụng trong văn bản trên.

Câu 4. Nhận xét về cảm xúc của nhân vật trữ tình được thể hiện trong văn bản.

Câu 5. Qua văn bản, anh chị hãy nêu một thông điệp về tình yêu có ý nghĩa nhất đối với bản thân và giải thích lí do vì sao anh (chị) chọn thông điệp đó.

II/ LÀM VĂN ( 6 điểm)

Câu 1. (2 điểm):

Viết một đoạn văn nghị luận (200 chữ) làm rõ những đặc điểm của nhân vật truyện ngắn qua phân tích, đánh giá nhân vật chú bé bán báo trong văn bản dưới đây

CHÚ BÉ BÁN BÁO

                                                                  (Đặng Anh Đào)

– Báo mới đây! Báo mới đây! Ngàn lẻ một vụ ly dị! Phỏng vấn con bệnh sida đây! Cô dâu đã xử sự thế nào trong đêm tân hôn?…

Chú bé hoa chiếc loa, gào lên bài học thuộc lòng. Xe bus sắp chuyển bánh. Một hành khách lưỡng lự, rồi quyết tâm móc tiền, chìa ra cho chú bé. Tức thì mấy người ngồi quanh như bị lây, cũng móc túi lấy tiền mua báo. Một bà béo rút khăn chấm nước mắt: “Ôi! ở đây người ta viết nẫu cả ruột! Lấy nhau rồi bỏ nhau, đứa bé đi bụi đời!”. Ông đeo kính ngỏng cổ cò, giơ ngón tay, đặng hắng, giọng nghiêm khắc: “Năm 1994 là năm gia đình! Quốc tế bảo vệ gia đình!”.

Chú bé lần đầu tiên nhìn vào tờ báo. Xưa nay nó đi bán báo nhưng không bao giờ xem báo. Nó đọc thuộc lòng những tít giật gân mà chẳng để ý xem mình đang nói gì. Một khách ngồi ở cuối xe đưa trả lại tờ Model 94: “Này! Bán cho tao tờ báo giống của bà kia cơ!”. Chú nhìn chồng báo: đang còn một tờ, cái tờ báo đã làm bà béo thút thít. Nhưng nó ngẩng đầu: “Cháu hết số ấy rồi!”.

Nó tụt xuống xe, lao tới cái nhà ấy, quên cả bán báo. Nắng trút lửa, rồi cơn giông ập xuống. Sao hôm nay ông ấy về muộn thế? Nó đói, nó lo báo ướt, lo không bán nốt được chỗ báo còn lại. Trước đây 4 năm, khi bỏ mẹ con nó, ông ấy nói với nó: “Bố không muốn cướp nốt con của mẹ đi. Mẹ chỉ còn con làm chỗ dựa”… Giờ thì đúng như vậy. Mẹ nó ốm, nó đi bán báo. Hai mẹ con sống trong một gian phòng mỏng manh ọp ẹp, như làm bằng giấy báo.

Đến quá trưa, ông ấy mới về, đỡ thằng con nhỏ từ trên xe bước xuống. Ông nhìn thằng bé bán báo sụp chiếc mũ cói gần kín mặt đang chìa tờ báo. Ông có đọc thứ này bao giờ? Nhưng thằng con nhỏ đã cầm lấy một tờ… Họ đã bước vào, thằng bé bán báo vẫn nhìn trân trân vào ngôi nhà. Chợt cánh cửa sổ mở tung. Ông ấy và đứa bé thò đầu ra cửa sổ. Một cánh thuyền bằng giấy báo – tờ báo viết về “Ngàn lẻ một vụ ly dị” – từ từ trôi ra, cùng tiếng cười giòn tan trong mưa rơi. Có tiếng đàn bà dịu dàng: “Ồ! Anh đóng cửa lại đi! Mưa tạt ướt hết nó rồi!”.

Chiếc thuyền dúm dó, lềnh bềnh trôi ra cống. Thằng bé bán báo lấy mũ cuộn chặt mấy tờ báo còn lại, chạy ra giữa trời, giọng rao khản đặc:

– Báo đây! Báo mới đây! Ngàn lẻ một vụ ly dị!…

(Nguồn:https://chandungkesi.com)

Câu 2. (4 điểm)

Ước mơ là động lực để con người ta cố gắng, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Ước mơ cũng giúp cho mỗi người cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa và đẹp hơn rất nhiều. Thế nhưng có không ít trẻ hiện nay lớn lên lại có cuộc sống không biết đến ước mơ là gì.” (Nguyễn Thanh Huyền – Nguồn: https://baophunuthudo.vn)

Viết bài nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh (chị) về hiện tượng không ít các bạn trẻ hiện nay sống không có ước mơ.

————-Hết————–

ĐÁP ÁN

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Thể thơ: thất ngôn 0,5
2 Liệt kê các từ ngữ, hình ảnh miêu tả ánh trăng trong văn bản: ánh sáng tuôn đầy, vàng, ánh tơ xanh, sáng, xa, rộng.  0,5
3 Các từ láy: nhẹ nhẹ, im lìm, bâng khuâng, dịu dàng, du dương, ngơ ngác, lặng lẽ, bơ vơ

Tác dụng:

+ Gợi tả những trạng thái tinh tế của tạo vật trong đêm trăng thơ mộng

+ Thể hiện những rung động khẽ khàng của tâm hồn nhân vật trữ tình khi đi bên cạnh người yêu trong đêm trăng.

+ Tạo nên nhạc điệu nhẹ nhàng, dìu dặt cho bài thơ.

1,0
4 – Cảm xúc của nhân vật trữ tình: Xao xuyến, bâng khuâng, ngượng ngùng, chăm chú lắng nghe những rung động của tạo vật và tâm hồn lứa đôi, có chút cô đơn mơ hồ.

– Nhận xét:

+ Đó là những cảm xúc rất mơ hồ, khó nắm bắt nhưng được tác giả gợi tả tinh tế.

+ Thể hiện một cái tôi nhạy cảm, luôn khát khao giao cảm với tạo vật và con người nhưng luôn có cảm giác cô đơn – những cảm xúc đặc trưng của cái tôi lãng mạn.

1,0
5 – Nêu một thông điệp về tình yêu có ý nghĩa nhất đối với bản thân. (Gợi ý: Tình yêu cần sự tinh tế, lắng nghe, thấu hiểu/ Tình yêu cần sự hòa điệu, giao cảm về tâm hồn)

– Giải thích lí do vì sao chọn thông điệp đó hợp lí, thuyết phục.

1,0
II LÀM VĂN 6,0
  1 Viết một đoạn văn nghị luận (200 chữ) làm rõ những đặc điểm của nhân vật truyện ngắn qua phân tích, đánh giá nhân vật chú bé bán báo trong văn bản dưới đây. 2,0
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng đoạn văn (khoảng 200 chữ). Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng- phân-hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: làm rõ những đặc điểm của nhân vật truyện ngắn qua phân tích, đánh giá nhân vật chú bé bán báo trong văn bản. 0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

-Xác định được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:

+ Nhân vật chú bé không được khắc họa “đầy đặn” mà chỉ được đặt vào một tình huống ngắn ngủi trong đời sống: chú bé từ lời bàn tán của người mua báo về ngày gia đình đã tìm đến người cha đã bỏ rơi mẹ con chú nhưng chỉ nhận đươc sự buồn bã, chua chát.

+ Từ đây, nhân vật được thể hiện qua hành động (không bán tờ báo cuối cùng, tìm gặp cha); qua suy nghĩ, tâm trạng (nhớ về quá khứ, buồn bã trước cảnh mẹ ốm đau, tủi hổ khi chứng kiến gia đình hạnh phúc của người cha).

+ Qua đó, nhà văn cho thấy số phận đáng thương, tội nghiệp và niềm khát khao cháy bỏng về mái ấm gia đình của những đứa trẻ có gia đình tan vỡ.

+ Nhân vật đã góp phần thể hiện chủ đề tác phẩm: khi người lớn gây ra lỗi lầm, gia đình tan vỡ thì nạn nhân đau khổ nhất luôn là trẻ thơ. Tác phẩm thể hiện niềm xót thương vô hạn với những số phận trẻ em bất hạnh, thiệt thòi.

-Sắp xếp được hệ thống ý phù hợp với bố cục đoạn văn

0,5
d/ Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu:

-Lựa chọn được các thao tác và phương thức biểu đạt phù hợp để làm rõ vấn đề cần nghị luận.

-Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý

-Lập luận chặt chẽ, thuyết phục; lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

0,5
e. Chính tả, ngữ pháp 

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

0,25
g. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
  2 Viết bài nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh (chị) về hiện tượng không ít các bạn trẻ hiện nay sống không có ước mơ. 4,0
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định đúng yêu cầu kiểu bài: nghị luận xã hội

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: hiện tượng không ít bạn trẻ sống không có ước mơ 0,5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

-Xác định được hệ thống ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

*Mô tả thực trạng: hiện tượng giới trẻ sống không có ước mơ biểu hiện ở một số khía cạnh:

+ Sống thiếu đi mục tiêu phấn đấu, không có ước mơ, chỉ hướng tới cuộc sống đầy đủ về vật chất là thỏa mãn.

+ Phụ thuộc vào sự sắp xếp của cha mẹ, không có khả năng hoạch định tương lai, thậm chí sống ỷ lại vào cha mẹ.

*Bàn luận về hiện tượng trên theo một số gợi ý sau:

+ Nguyên nhân của hiện tượng: do sự đầy đủ về vật chất gây ra tình trạng “khủng hoảng thừa”; do sự can thiệp quá sâu của cha mẹ vào con đường của con cái dẫn tới tính ỷ lại;  do giới trẻ thiếu định hướng về gía trị sống.

+ Hậu quả hiện tượng: Tạo nên một thế hệ hưởng thụ, thiếu động lực phấn đấu, không phát huy được tiềm năng, đánh mất ý nghĩa của cuộc sống, xã hội kém phát triển.

+ Giải pháp: Giáo dục các giá trị sống cho học sinh, phát huy tinh thần tự lập, tự chủ trong cuộc sống của giới trẻ; cha mẹ có cách giáo dục đúng đắn, đúng mực…

-Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện.

*Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân

1,0
d/ Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu:

-Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân

-Lựa chọn được các thao tác và phương thức biểu đạt phù hợp để làm rõ vấn đề cần nghị luận.

-Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý

-Lập luận chặt chẽ, thuyết phục; lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

*Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật

1,5
e. Chính tả, ngữ pháp 

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản

0,25
g. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5
TỔNG ĐIỂM 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *