PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
KIM TRỌNG TƯƠNG TƯ(1)
Chàng Kim từ lại thư song,
Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây.
Sầu đong càng lắc càng đầy,
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê!
Mây Tần(2) khóa kín song the,
Bụi hồng(3) liệu nẻo đi về chiêm bao.
Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao(4),
Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng.
Phòng văn hơi giá như đồng,
Trúc se ngọn thỏ, tơ chùng phím loan(5).
Mành Tương phất phất gió đàn,
Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình.
Vì chăng duyên nợ ba sinh(6),
Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi.
Bâng khuâng nhớ cảnh, nhớ người,
Nhớ nơi kì ngộ, vội dời chân đi.
Một vùng cỏ mọc xanh rì,
Nước ngâm trong vắt, thấy gì nữa đâu!
Gió chiều như giục cơn sầu,
Vi lô(7) hiu hắt như màu khơi trêu.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều, NXB Văn học, 2018, tr.19-20)
Chú thích:
(1) Nhan đề đoạn trích do người soạn đặt
(2) Mây Tần: Sách Tần thư có câu: “Tần vân như mĩ nhân”, nghĩa là mây Tần như cô gái đẹp.
(3) Bụi hồng: dịch chữ Hán “hồng trần”- chỉ bụi sắc đỏ do gió bốc lên, nghĩa bóng là cõi trần.
(4) Tuần trăng khuyết: chờ cả tháng, trải trăng đầy đến trăng khuyết. Đĩa dầu hao: thức suốt đêm, chỉ đĩa dầu (đèn) đầy đến khi đĩa dầu cạn.
(5) Trúc se ngọn thỏ: ngọn bút bằng lông thỏ se lại, vì chủ nhân biếng không dùng đến nó. Tơ chùng phím loan: vì chủ nhân biếng đánh đàn nên để cho dây đàn chùng lại.
(6) Duyên nợ ba sinh: theo quan niệm nhà Phật, nhân duyên từ kiếp này là kết quả ở kiếp khác, nợ nghiệp từ kiếp này mà sang kiếp khác phải trả; như thế, trải qua ba kiếp quá khứ, hiện tại, tương lai.
(7) Vi lô: cây lau, cỏ lau.
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
Câu 1 (0,5): Xác định nhân vật trữ tình trong đoạn trích trên.
Câu 2 (0,75): Nguyễn Du đã sử dụng những từ láy nào để diễn tả trạng thái tương tư của nhân vật trữ tình?
Câu 3 (0,75): Anh/ chị hãy giải thích ý nghĩa của hai câu thơ: “Sầu đong càng lắc càng đầy,/ Ba thu dọn lại một ngày dài ghê.”
Câu 4 (1,0): Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong hai câu thơ: “Gió chiều như giục cơn sầu,/ Vi lô hiu hắt như màu khơi trêu.”
Câu 5 (1,0): Hãy ghi lại 3 câu thơ hoặc câu ca dao có cùng nội dung, chủ đề với đoạn trích trên.
PHẦN VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) cảm nhận vẻ đẹp của nhân vật “tôi” trong văn bản sau:
BÍ ẨN CỦA LÀN NƯỚC
Bảo Ninh
Lược một đoạn: Năm ấy, trúng đỉnh lũ đêm Rằm tháng Bảy, một loạt bom Mĩ phá tan vệt đê canh giữ đằng trước làng, phá bung đê tràn ngang vào đồng ruộng. Từ trên điếm canh nhân vật tôi chạy lao về làng vì hồi chiều hay tin vợ ở nhà trở dạ. Nước đã ngập làng. Nhân vật tôi về, kịp dìu vợ leo lên mái, mái nhà bị lôi đi trong đêm đen, rồi may mắn bám được vào thân cây đa trước đình làng, và người vợ sinh con).
Vợ tôi ôm khư khư đứa con mới sinh, nhất định không để tôi bế đỡ.
– Con trai… con trai mà…, con trai… Để yên em ẵm, anh vụng…
Nhiều giờ trôi qua. Mưa tuôn, gió thổi. Mực nước không dâng cao hơn, nhưng chảy xiết hơn. Cây đa đầy người hơn. Tôi mỏi nhừ. Tay ôm chặt vợ, tay níu mình vào chạc cây. Vợ tôi yếu lả, ướt lướt thướt, lạnh ngắt.
Khoảng gần sáng, bỗng có tiếng quẫy nước ngay dưới cành đa của vợ chồng tôi. Một giọng nghẹn sặc với lên:
– Cứu mẹ con tôi mấy… cứu mấy… con gái tôi…
Một bàn tay nhớt và lạnh như tay ma rờ vào chân tôi đang buông thõng. Tôi vội cúi xuống, đưa tay ra. Nhưng bàn tay của người đàn bà dưới nước truội đi, chìm nghỉm. Cành đa kêu rắc, chao mạnh. Vợ tôi ối kêu một tiếng thảng thốt, và “ùm”, con trai tôi, đứa con sơ sinh tôi chưa được nhìn thấy mặt, tuột khỏi bọc ni lông trên tay mẹ nó, sa xuống làn nước tối tăm.
– Con tôi …! – Vợ tôi hét rú lên và lao ngay lập tức xuống nước hòng chụp lấy con.
Tôi phóng mình theo. Nước lạnh, ngầu bùn, sâu hút và cuốn mạnh. Tôi vớ kịp thằng con, nhao vội lên, trao nó cho những bàn tay đang chìa xuống, rồi lại lặn tiếp ngay để cứu vợ. Nhiều người phi xuống theo để trợ sức tôi …
Tôi tỉnh lại, thấy trời sáng rồi và đã tạnh mưa. Tôi nằm trong khoang một ca nô cứu nạn đầy ắp người. Hồi đêm, tôi đã vật lộn điên dại quyết sống mái một phen với làn nước giết người, nhưng tôi đã thua cuộc. Ứa ra cả máu tai máu mũi mà không những không cứu nổi vợ, đến thi thể cô ấy cũng bất lực không tìm thấy. Khi ca nô quân đội tới, mọi người đã phải dùng sức để buộc tôi rời mặt nước. Kiệt sức, tôi ngất đi. Khổ đau, tôi tỉnh dậy, nước mắt nóng rực, tê nhói. Một chị phụ nữ chen tới bên tôi, lên lời an ủi:
– Phận chị ấy đã vậy, thôi thì anh phải nén lòng lại, giữ sức khoẻ mà nuôi con. Ơn trời, anh còn kịp cứu được cháu. Chao ôi, vừa kịp khóc chào đời đã trải một cơn kinh hoàng hú vía. Anh coi con anh này. Cứ như không. Đã bú, đã ngủ rồi đây này. Ngoan chưa này…Ôi chao, nó tè dầm rồi này.
Chị nựng nịu, và từ từ giở bọc chăn chiên đang ủ kín con tôi. Chị thay tã cho nó. Tôi nhìn. Choáng váng, chết lặng, tôi nén một tiếng kêu thất thanh.
– Con tôi … – Tôi òa khóc, đỡ lấy bọc chăn. – Con tôi!
Từ bấy tới nay, thời gian trôi qua và triền nước trôi đi, tôi đã có tuổi và con gái tôi đã thành một thiếu nữ đẹp nhất làng. Nó là đứa con của làn nước, mọi người đều nói thế bởi vì chuyện nó sa xuống dòng nước lụt rồi được cha nó cứu lên thì cả làng ai cũng biết. Nhưng điều bí mật kia thì không ai hay, kể cả con gái tôi nó cũng không thể biết. Chỉ có dòng sông biết.
Có ngày nào mà tôi không ra đê ngắm làn nước trôi. Vợ tôi, con trai tôi và người đàn bà vô danh nhìn tôi từ đáy nước. Thời gian, năm tháng cứ trôi, dòng sông và lịch sử, tất thảy đều đổi thay nhưng mà niềm đau của đời tôi thì khôn nguôi bởi vì ấy là một niềm đau không thể nói nên lời.
(Trích Những truyện ngắn Bảo Ninh, NXB Trẻ, 2013, tr.11-12)
Chú thích:
Nhà văn Bảo Ninh sinh năm 1952. Quê ông ở Xã Bảo Ninh, huyện Quảng Ninh (nay thuộc thành phố Đồng Hới), tỉnh Quảng Bình. Bảo Ninh được biết tới với những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh và thời hậu chiến. Ông là nhà văn có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới văn xuôi Việt Nam hiện đại giai đoạn từ sau 1975 tới nay.
Câu 2. (4,0 điểm)
“Tuổi trẻ không có lí tưởng giống như buổi sáng không có mặt trời.” (Bi-ê-lin-xki)
Từ nhận định trên, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của mình về vai trò của lí tưởng sống đối với tuổi trẻ.
— HẾT —
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
HƯỚNG DẪN CHẤM
(Gồm 04 trang)
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 4,0 | |
|
1 | Nhân vật trữ tình: Kim Trọng | 0,5 |
2 | Các từ láy được sử dụng để diễn tả tâm trạng của Kim Trọng là: canh cánh, ngao ngán, phất phất, bâng khuâng, hiu hắt.
(trả lời 1-2 từ cho 0,25; 3-4 từ cho 0,5; 5 từ cho 0,75) |
0,75 | |
3 | Ý nghĩa của 2 câu thơ:
– Sầu là trạng thái tâm lí, không cân đo đong đếm được. Nhưng ở đây Nguyễn Du đã cụ thể hóa nỗi sầu, để có thể “đong”, “lắc”, nỗi sầu như kết thành khối, chất chứa trong lòng Kim Trọng. Và thời gian tâm lí của kẻ tương tư như dài vô hạn, một ngày không nhìn thấy nhau, tưởng thời gian dài như ba năm. -> Nguyễn Du thật tinh tế, tài tình trong việc diễn tả nỗi niềm tương tư. |
0,75 | |
4 | – Biện pháp tu từ so sánh qua từ “như”, nhân hóa qua từ “giục”, “khơi trêu”
– Tác dụng: + Thể hiện sâu sắc tâm trạng của nhân vật trữ tình: Gió chiều như làm sống dậy, tăng thêm nỗi sầu; và màu ảm đạm, hiu hắt của hoa lau như khơi dậy, trêu ghẹo nỗi lòng đang buồn sầu của chàng Kim-> cảnh vật cũng nhuốm màu tâm trạng (tả cảnh ngụ tình) + Ý thơ thêm sinh động, giàu sắc thái biểu cảm |
0,25
0,75
|
|
5 | 3 câu thơ hoặc ca dao cùng nội dung, chủ đề tương tư với đoạn trích: Gợi ý:
– Nhớ ai em những khóc thầm Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa (Ca dao) – Mình em như cây thầu dầu Ngoài tươi, trong héo, giữa sầu tương tư (Ca dao) – Ngày qua ngày lại qua ngày Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng (Tương tư– Nguyễn Bính) – Nhớ lắm lúc như si như dại Nhớ làm sao bải hoải chân tay (Muôn năm sầu thảm– Hàn Mặc Tử) – Lòng em nhớ đến anh Cả trong mơ còn thức (Sóng– Xuân Quỳnh) (Trả lời được 1 câu cho 0,5; 2 câu cho 0,75; 3 câu cho 1,0) |
1.0 | |
II | VIẾT | 6,0 | |
1 | Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) cảm nhận vẻ đẹp của nhân vật “tôi” trong văn bản “Bí ẩn của làn nước” của Bảo Ninh | 2,0 | |
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức, dung lượng đoạn văn | 0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Vẻ đẹp của nhân vật “tôi” trong văn bản “Bí ẩn của làn nước” của Bảo Ninh | 0,25 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận
HS có thể triển khai đoạn văn theo những cách khác nhau nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận như phân tích, chứng minh, bình luận và đảm bảo các nội dung sau: – Nhân vật tôi là nhân vật chính trong tác phẩm. – Vẻ đẹp: + Con người đầy tinh thần trách nhiệm và giàu tình yêu thương, nỗ lực hết sức để mong tìm cứu được vợ và những người bị nạn. (Chi tiết Khi ca nô quân đội tới, mọi người đã phải dùng sức để buộc tôi rời mặt nước) + Bao dung, vị tha, giàu đức hi sinh: Nhân vật tôi chết lặng, òa khóc trước những đau thương, mất mát quá lớn khi anh nhận ra cả vợ và đứa con trai mới chào đời của mình đã ra đi mãi mãi. Dù đau đớn tột cùng, anh vẫn đỡ lấy bọc chăn. Cùng với làn nước, anh đã cất giấu nỗi đau của mình để sống tiếp và nuôi nấng, yêu thương đứa bé gái- con của người đàn bà xa lạ, lớn lên thành cô con gái xinh đẹp nhất làng. – Bài học sâu sắc nhất gợi ra từ vẻ đẹp của nhân vật tôi là: chỉ có tình thương mới có thể chữa lành vết thương. Mỗi người có nỗi đau riêng nhưng cần có bản lĩnh nén nỗi đau, mang yêu thương cho người khác… |
1,5 | ||
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn quy tắc chính tả, ngữ pháp tiếng Việt, trình bày sạch sẽ, sáng rõ |
0,25 | ||
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ |
0,25 | ||
2 | “Tuổi trẻ không có lí tưởng giống như buổi sáng không có mặt trời.” (Bi-ê-lin-xki)
Từ nhận định trên, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của mình về vai trò của lí tưởng sống đối với tuổi trẻ. |
4,0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề |
0,25 | ||
b. Xác định đúng yêu cầu của đề.
Vai trò của lí tưởng sống đối với tuổi trẻ. |
0,5 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
HS có thể viết bài nhiều cách trên cơ sở kết hợp được lí lẽ và dẫn chứng để tạo tính chặt chẽ, logic của mỗi luận điểm; đảm bảo các yêu cầu sau: |
2,5
|
||
1. Giải thích:
– Lí tưởng là những mục đích tốt đẹp mà con người hướng tới, là điều lớn lao ý nghĩa mà mỗi người mong mỏi đạt được trong cuộc đời này. – Tuổi trẻ là tuổi thanh xuân- quãng thời gian đẹp nhất của mỗi đời người. à Ý nghĩa của nhận định: Bằng cách nói phủ định, giàu hình ảnh, tác giả đã nhấn mạnh vai trò của lí tưởng đối với con người, nhất là tuổi trẻ. 2. Bàn luận * Vai trò của lí tưởng sống – Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường soi sáng, định hướng cho cuộc đời mỗi người như L. Tônxtôi khẳng định: “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”. – Có lí tưởng con người sẽ có mục đích để phấn đấu vươn lên, nỗ lực hành động, vượt thoát những giới hạn của bản thân và kiến tạo những giá trị tốt đẹp, cống hiến cho cộng đồng. – Lí tưởng cổ vũ giới trẻ vượt ra khỏi lối sống ích kỉ, tránh được những cám dỗ tầm thường; là điều kiện để sống có ý nghĩa, giúp con người hoàn thiện nhân cách. * Mở rộng – Phê phán những người không có lí tưởng, sống một cuộc đời nhạt nhòa, không định hướng. Có lí tưởng mà không kiên trì hành động thì lí tưởng cũng trở nên viển vông, xa vời. – Lí tưởng phải gắn với mục đích cao đẹp. Cần phân biệt lí tưởng cao đẹp với những dục vọng tầm thường. (Trong quá trình phân tích, lí giải HS chọn 2-3 dẫn chứng tiêu biểu để làm sáng rõ vấn đề nghị luận) 3. Bài học nhận thức và hành động: – Đồng quan điểm với Biêlinxki, Gaston Dutil cũng cho rằng: “Một trái tim không lí tưởng là một bầu trời không tinh tú”. Vì vậy, tuổi trẻ hãy xác định cho mình lí tưởng sống đúng đắn để cuộc đời có ý nghĩa. – Nỗ lực hết mình để thực hiện lí tưởng, biến ước mơ thành hiện thực, và không hoài phí tuổi thanh xuân của mình. |
0,25
2,0
0,25
|
||
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. |
0,25 | ||
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. | 0,5 | ||
Tổng điểm | 10.0 |