Đề minh hoạ môn văn theo cấu trúc thi tốt nghiệp 2025, đề số 77

ĐỀ MINH HỌA

PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Họ gánh về cho tôi mùa ổi mùa xoài mùa mận

Mùa sen mùa cốm trên vai

Ngày đi rưng rưng đôi dép lê

Tôi mua được mùa ổi mùa sen bằng đồng bạc lẻ

Đồng bạc lặng lẽ

Thấm đẫm sương đêm thấm đẫm mồ hôi (…)

Họ gánh về cổng tôi bao mùa trinh nguyên, những mùa tôi sẽ quên nếu thiếu họ

Hương nhãn Hưng Yên vừa vào mùa, sen Tây Hồ vừa nở,

cốm làng Vòng vừa trăn trở những hạt xanh

Họ gánh tặng tôi ngọn gió mát lành đồng quê

Nơi mẹ và con và chồng họ đứng chờ (…..)

Những ngôi sao của tôi

Gánh trên vai mình hẩm hiu số phận

Vô danh giữa đời thường

Dẫu đôi lúc đặt vào mắt tôi bao tia nhìn mang hình ảnh dấu hỏi.

            (Trích Những ngôi sao mang hình quang gánh, Nguyễn Phan Quế Mai)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):

Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản? (0,5 điểm)

Câu 2. Nêu thái độ và tình cảm của tác giả đối với “họ” trong tác phẩm?(0,5 điểm)

Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu thơ sau: (1,0 điểm)

Hương nhãn Hưng Yên vừa vào mùa, sen Tây Hồ vừa nở,

                cốm làng Vòng vừa trăn trở những hạt xanh

Câu 4. Vì sao tác giả lại gọi những người bán hàng rong là “Những ngôi sao của tôi”? (1,0 điểm)

Câu 5. Ghi lại ngắn gọn suy nghĩ của em về những người lao động “Vô danh giữa đời thường” trong đoạn trích trên bằng 1 đoạn văn từ 3 đến 5 câu. (1,0 điểm)

PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

           Viết đoạn văn nghị luận ( khoảng 200 chữ) làm rõ giá trị nhân đạo trong đoạn văn bản sau:

Người lên ngựa, kẻ chia bào1,

Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san2.

Dặm hồng bụi cuốn chinh an3,

Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.

Người về chiếc bóng năm canh,

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.

(Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du)

Chú thích

Sau những ngày tháng sống bẽ bàng ở chốn lầu xanh, Kiều được Thúc Sinh yêu mến và chuộc ra khỏi chốn thanh lâu. Hai người đã có khoảng thời gian sống hạnh phúc bên nhau. Thúc Sinh vốn đã có vợ là Hoạn Thư nên Thuý Kiều khuyên chàng trở về quê nói chuyện của hai người với vợ cả. Đoạn trích trên miêu tả cảnh chia ly giữa Thúc Sinh và Thuý Kiều.

(1) Chia bào: Buông áo.

  • Quan san: Cách ải, cách núi, ý nói sự xa cách.
  • Chinh an: Yên ngựa đi đường. Chỉ việc đi đường xa.
  • Gối chiếc: Gối đơn, chỉ sự cô đơn.
  • Dặm trường: Đường xa.

Câu 2. ( 4,0 điểm)

           Viết bài văn nghị luận ( khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/ chị về  trách nhiệm của thế hệ hôm nay với quá khứ và tương lai.

===HẾT===

  • Thí sinh không được sử dụng tài liệu;
  • Giám thị không giải thích gì thêm.

 HƯỚNG DẪN CHẤM – ĐỀ MINH HỌA

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Hướng dẫn chấm: Thể thơ tự do.

– Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

0,5
2 Hướng dẫn chấm:

– Thái độ: trân trọng

– Tình cảm: yêu quý; cảm thông, thương xót với nỗi bất hạnh, khó khăn của họ.

– Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án, diễn đạt còn sơ sài: 0,25 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0,5
3 Hướng dẫn chấm: Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu thơ là liệt kê: nhãn Hưng Yên, sen Tây Hồ, cốm làng Vòng. (0,25 điểm)

Tác dụng:

– Về nghệ thuật: tạo nhạc điệu, tăng tính hấp dẫn, sinh động. (0,25 điểm)

– Về nội dung:

+ Miêu tả sự phong phú của những món hàng theo mùa trên gánh hàng rong. (0,25 điểm)

+ Niềm yêu mến của tác giả đối với những người bán hàng rong. (0,25 điểm)

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

1,0
4 Hướng dẫn chấm:

Bởi vì:

– Họ mang trong mình những vẻ đẹp phẩm chất sáng ngời dù phải trải qua muôn vàn sóng gió cuộc đời.

– Tác giả nhìn về họ với sự ngưỡng mộ, trân quý.

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/2 số ý: 0,5

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,0
5 Hướng dẫn chấm:

Suy nghĩ: chấp nhận các cách trả lời khác nhau của học sinh, miễn hợp lí, thuyết phục.

Gợi ý:

– Người lao động vất vả, lam lũ.

– Họ mang những phẩm chất tốt đẹp: cần cù, chăm chỉ, giàu đức hi sinh, yêu thương gia đình…

– Họ mang đên những giá trị tốt đẹp cho cuộc đời.

– Cần trân trọng, biết ơn những người lao động thầm lặng ấy.

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án 2  ý:  0,75 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án 1 ý:  0,5 điểm

– Trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

(Lưu ý: HS có thể có cách diễn đạt khác, miễn là lí giải hợp lí, thuyết phục thì vẫn cho điểm)

1,0
II   VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) 2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Giá trị nhân đạo trong đoạn trích.

0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

– Giá trị nhân đạo là tình yêu thương con người, là 1 trong 2 nội dung lớn xuyên suốt của văn học Việt Nam.

– Nguyễn Du là nhà nhân đạo lớn với trái tim chan chứa yêu thương được thể hiện qua các tác phẩm của ông; Truyện Kiều, Văn chiêu hồn…

– Biểu hiện của giá trị nhân đạo trong đoạn trích:

+ Đồng cảm với cảnh ngộ chia lìa đôi lứa của Thúc Sinh và Thúy Kiều.

+ Xót thương trước nỗi cô đơn, lẻ loi của Thúy Kiều.

+ Ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của Kiều: vị tha, luôn nghĩ cho người khác.

+ Trân trọng khát vọng bình yên, hạnh phúc của Kiều.

0,5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: ……

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Trình bày rõ quan điểm hệ thống các ý

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

0,25
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
  2 Viết bài văn nghị luận ( khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/ chị về  trách nhiệm của thế hệ hôm nay với quá khứ và tương lai. 4,0
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: trách nhiệm của thế hệ hôm nay với quá khứ và tương lai. 0,5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

– Trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay với quá khứ và tương lai cũng chính là trách nhiệm của thế hệ hôm nay với các thế hệ đi trước và thế hệ mai sau.

– Vấn đề đặt ra có ý nghĩa quan trọng với mỗi cá nhân và toàn xã hội.

* Triển khai vấn đề nghị luận:

– Thế hệ trẻ hôm nay là những người trẻ tuổi, gánh trên vai trọng trách chủ nhân của đất nước.

– Thế hệ trẻ hôm nay cần có trách nhiệm với thế hệ đi trước bởi họ đang được thừa hưởng hững thành quả mà thế hệ đi trước để lại. Trách nhiệm với thế hệ đi trước:

+ Cần biết trân trọng quá khứ, trân trọng mồ hôi xương máu thế hệ trước đã đổ xuống cho độc lập tự do, cho cuộc sống bình yên ngày hôm nay.

+ Cần kế thừa, gìn giữ những thành quả đó.

+ Cần phát huy những thành tựu và cần sửa chữa, thay đổi những hạn chế, sai lầm của thế hệ đi trước.

– Thế hệ trẻ hôm nay cần có trách nhiệm với tương lai, với thế hệ mai sau bởi sự nối tiếp cả các thế hệ mới làm nên lịch sử, làm nên dân tộc, đất nước. Thế hệ mai sau chính là thế hệ cháu con tiếp nối thế hệ ngày hôm nay.

+ Cần phấn đấu để xây đắp những tiền đề tốt đẹp về cả vật chất và tinh thần cho thế hệ sau.

Xây dựng nền móng vật chất đầy đủ cho thế hệ sau: các công tình xây dựng, kinh tế, tài nguyên…

Những giá trị tinh thần: văn hóa, nghệ thuật…

+ Dìu dắt thế hệ sau bằng những kinh nghiệm của người đi trước giúp họ không sai lầm, vấp ngã.

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân

– Chúng ta chính là tuổi trẻ hôm nay, cần ý thức được trách nhiệm của mình với quá khứ và tương lai.

– Cần phấn đấu rèn đức luyện tài để xứng đáng với sự tin tưởng của thế hệ đi trước và trao truyền lại những giá trị tốt đẹp cho thế hệ sau.

1,0
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để àm rõ quan điểm cá nhân

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

 
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

 
Tổng điểm 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *