Đề tham khảo theo cấu trúc mới 2025 của Bộ -đề số 37

PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

(1) Bây giờ, Đất Mũi đang mùa gió chướng. Coi ra thì người xóm Mũi sướng nhất đời rồi, ngọn Nam, ngọn chướng về, xóm Mũi là nơi đón, thưởng thức trước tiên. Em tôi muốn mời anh về ngay mùa này, lúc đất chuyển vào xuân. Gió mùa phây phẩy, gió đưa trời lộng lên cao, phù sa bắt đầu nôn nả lấn biển, rồi không lâu lắm đâu, từ bãi bồi, đất sẽ cồn lên, một rừng mắm xanh non rào rạt tiến về phía trước giữ đất lại cho người. Mùa này, ba khía chuẩn bị vào hội; không biết hẹn hò nhau từ hồi nào, ba khía tụm về xúm xít đeo trên gốc mắm, rễ đước. Con nào con nấy thịt chắc nụi, gạch ứ đầy mai…

Cũng mùa này, bắt đầu con nước rông, cây đước nhón cái rễ như cái nơm cao lên đến nửa thân cây, những cái rễ mới thò xuống từ trong tán lá rừng xanh biếc. Nước tràn bờ bãi, người xóm Mũi bắt đầu cuộc sống rặt trên sàn. Những cây đước lót sít sao nhau để làm lối vào nhà, lối qua bên hàng xóm, lối ra nhà tắm, chuồng gà. Trẻ con chạy rượt, u hơi ở trên sàn, nhảy lò cò bên những bụi hẹ, bụi ớt lơ thơ trồng trong thúng. Cá thòi lòi dạn dĩ theo con nước chạy rột rẹt dưới sàn nhà, có lúc ngóc đầu lên, nhìn thom lom, ý hỏi ai đây ta, ai mà lặn lội tới xứ bùn sình rừng rú này, ai mà ngó tui thiếu điều lòi con mắt ra, lạ lắm sao?

(2) Lạ lắm, nếu anh đến, thể nào anh cũng bảo cái mũi đất cùng trời cuối đất này sao mà lạ quá đi? Lạ chớ, em tôi cười, lạ từ cái cây, ngọn cỏ,… Em tôi hỏi anh đã từng thấy nụ bông đậu cộ tím biêng biếc như những chiếc giày cao cổ (em bảo chắc như đinh đóng cột rằng hầu hết hoa dại ở xứ tôi đều có màu tím thủy chung), anh đã thấy những bông vẹt cứng cỏi xòe chơm chởm như cái nơm cá, bao giờ kết trái, hoa lại trở thành chiếc ô che đầu, rồi những trái quao mới sinh ra đã cong cong… Và còn những trái đước quê tôi, anh đã biết? Từ khi còn là trái xanh lủng lẳng trên thân cây mẹ, trái đước đã thẳng người trong tư thế một ngày cắm thẳng xuống bãi bùn mà không mảy may nghi ngờ, chọn lựa.

[…]

(3) Tôi vẫn không từ bỏ câu nói của mình rằng Đất Mũi thường thôi, rất thường, nhưng hết thảy mọi thứ ở đây đều làm cho người ta nhớ vì lạ, vì thương. Bầy dã tràng xe những hòn cát liu riu nằm trên bãi Khai Long, những bông rau muống biển mỏng tang mà chống chọi với gió trời, rập rờn tím ngát. Hòn Khoai thì xanh thẳm ngoài kia với ngọn hải đăng chưa bao giờ tắt. Dường như mọi thứ ở đây đều thắm và đậm. Nắng thì lầm lì thôi là lầm lì, gió cởi mở thôi là cởi mở. Rừng đã xanh là xanh lặc lìa, một màu rời rợi. Biển đã đục là ngầu ngầu phù sa. Nước đã mặn là mặn quéo đầu lưỡi. Người Đất Mũi rặt đã thương là thương trọn, đã nhớ thì nhớ sâu, đã sầu thì sầu dai dẳng. Hết thảy đều không thể nửa vời. Cho nên khi anh về, đừng có từ chối mà không cạn từng ly rượu đế cay xè, cũng đừng trả giá nửa ly thôi, làm lòng bà con mình buồn nghen. Mà, anh dứt khoát phải gặp em tôi một lần, cô có tất cả đặc trưng của người Đất Mũi, da ngăm ngăm, rắn rỏi, mắt hay cười, em hay hồn nhiên xắn quần cao đến khỏi đầu gối lội qua kinh những lúc nước ròng, mộc mạc không giả đò mắc cỡ làm duyên…

(Trích Đất Mũi mù xa, Nguyễn Ngọc Tư, in trong Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư,

NXB Trẻ, TP.HCM, 2020, Tr.12-15)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định đề tài của văn bản? (0,5 điểm)

Câu 2. Những loài cây đặc trưng nào của vùng Đất Mũi được tác giả nói tới trong đoạn (1) của văn bản? (0,5 điểm)

Câu 3. Phân tích sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình được thể hiện trong văn bản? (1,0 điểm)

Câu 4. Đặc điểm nào về thiên nhiên hoặc con người Đất Mũi để lại cho anh/ chị ấn tượng sâu sắc nhất? Vì sao? (1,0 điểm)

Câu 5. Văn bản “Đất Mũi mù xa” gợi lên trong lòng anh/ chị suy nghĩ gì về tình cảm của bản thân đối với quê hương, đất nước? (Viết khoảng 5-7 dòng). (1,0 điểm)

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1: (2 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích vẻ đẹp của các yếu tố tượng trưng trong bài thơ “Màu thời gian” – Đoàn Phú Tứ

Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương(1) ấm thoảng xuân tình

Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần Phi (2)
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian(3)

Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát(4)
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh (5)

Tóc mây một món chiếc dao vàng (6)
Nghìn trùng e lệ phụng (7) quân vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng (8)

Duyên trăm năm dứt đoạn
Tình một thuở còn hương
Hương thời gian thanh thanh
Mầu thời gian tím ngát (9)

(“Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh-Hoài Chân, NXB Văn học, tr101)

Đoàn Phú Tứ (1910-1989), là nhà soạn kịch, nhà thơ, dịch giả Việt Nam nổi danh từ thời tiền chiến.

[1] Thi nhân mượn sự tích người xưa để giữ vẻ kín đáo cho câu chuyện. Xưa có người cung phi, nàng Lý phu nhân, lúc gần mất nhất định không cho vua Hán Võ-đế xem mặt, sợ trông thấy nét mặt tiều tụy vua sẽ hết yêu. Cái tên Tần Phi thi nhân đặt ra vì một lẽ riêng. Ngàn xưa không lạnh nữa: Chuyện xưa đã hầu quên nay nhớ lại lòng thấy nôn nao.

[2] Thi nhân muốn nói dâng hồn mình cho người yêu. Song nói như thế sẽ sỗ sàng quá. Vả người thấy mình không có quyền nói thế, vì tình yêu ở đây chưa từng được san sẻ. Nên phải mượn cái hình ảnh “Trời mây phảng phất nhuốm thời gian” để chỉ hồn mình. Chữ “nhuốm” có vẻ nhẹ nhàng không nặng nề như chữ “nhuộm”. Chữ “dâng” hơi kiểu cách.

[3] Người Pháp thường bảo thời gian màu xanh. Nhưng thi nhân nhớ lại thời xưa, hồi người đương yêu, cứ thấy màu thời gian tím ngát vì người riêng thích một thứ hoa tím, và màu hoa lẫn với màu yêu.

[4] Hương thời gian là hương thứ hoa kia mà cũng là hương yêu, một thứ tình yêu qua đã lâu rồi, nên chỉ thấy thanh sạch, nhẹ nhàng.

[5] Nàng Dương Quý Phi lúc mới vào cung, tính hay ghen, bị Đường Minh Hoàng đưa giam một nơi. Nhưng nhà vua nhớ quá sai Cao lực sĩ ra thăm. Dương Quý Phi cắt tóc gửi vào dâng vua. Vua trông thấy tóc, thương quá, lại vời nàng vào cung. Đoàn Phú Tứ hợp chuyện này và chuyện Lý phu nhân làm một và tưởng tượng một người cung phi lúc gần mất không chịu để vua xem mặt chỉ cắt tóc dâng, gọi là đáp lại trong muôn một mối tình trìu mến của đấng quân vương. Ở đây không có chuyện cắt tóc nhưng có chuyện khác cũng tương tự như vậy.

[6] Chữ “phụng” rất kín đáo, chữ “dâng” sẽ quá xa vời, chữ “tặng” quá suồng sã.

[7] Ý nói: thà phụ lòng mong mỏi của chàng, còn hơn gặp chàng trong lúc dung nhan tiều tụy để di hận về sau.

[8] Tím ngát tả đúng mối tình dìu dịu. “Tím ngắt” sẽ đau đớn quá.

Câu 2: (4 điểm)

Anh/ chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải có lòng yêu cuộc sống.

 ĐÁP ÁN ĐỀ KIỂM TRA

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I 1 Đề tài: Thiên nhiên và con người Đất Mũi. 0.5
2 Những loài cây đặc trưng của vùng Đất Mũi được tác giả nói tới trong đoạn (1) là: cây mắm, cây đước. 0,5
3 Sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình được thể hiện trong văn bản:

+ Tự sự: kể cho người đọc biết những đặc điểm kì lạ của thiên nhiên và con người Đất Mũi.

+ Trữ tình: bộc lộ niềm tự hào, tình yêu sâu đậm, thiết tha đối với Đất Mũi-mảnh đất quê hương kì lạ và đặc biệt từ thiên nhiên đến con người.

 

0,5

 

 

0,5

4 Học sinh được tự do lựa chọn đặc điểm mà mình ấn tượng, miễn là có những phân tích hợp lí. Tham khảo:

– Chi tiết: Người Đất Mũi rặt đã thương là thương trọn, đã nhớ thì nhớ sâu, đã sầu thì sầu dai dẳng. Hết thảy đều không thể nửa vời.

– Lí giải:

+ Đặc điểm trên cho ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn của con người Đất Mũi: ở những con người ấy, tất cả mọi tình cảm, cảm xúc đều được đẩy lên đến mức tột đỉnh. Điều đó làm cho con người Đất Mũi trở nên đặc biệt, đã gặp một lần không dễ gì nguôi quên.

+ Nó cũng khiến ta cảm động vì tình yêu thiết tha, sự gắn bó sâu nặng của tác giả đối với mảnh đất và con người Đất Mũi – quê hương của tác giả.

 

 

 

0,25

 

 

0,5

 

 

0,25

5 Suy nghĩ gì về tình cảm của bản thân đối với quê hương, đất nước:

– Mỗi người cần có sự gắn bó và hiểu biết sâu sắc về quê hương, đất nước mình.

– Cần dành cho quê hương, đất nước một tình yêu sâu nặng và lòng tự hào mãnh liệt.

– Có những hành động nhằm quảng bá những vẻ đẹp độc đáo của quê hương, đất nước mình đối với bạn bè năm châu.

1,0
    Viết  
II 1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích vẻ đẹp của các yếu tố tượng trưng trong bài thơ “Màu thời gian” – Đoàn Phú Tứ. 2,0
  a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

– Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc xong hành.

0,25
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

– Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: vẻ đẹp của các yếu tố tượng trưng trong bài thơ “Màu thời gian” – Đoàn Phú Tứ.

0,25
  c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý: Yếu tố tượng trưng là những hình ảnh, biểu tượng chứa đựng nhiều tầng nghĩa và gợi liên tưởng đa chiều; làm nổi bật mối tương giao giữa con người và vũ trụ; hoà trộn cảm nhận của nhiều giác quan, diễn tả chuyển động tinh vi của tạo vật; phối hợp các âm tiết, thanh điệu, nhịp điệu nhằm khơi dậy cảm giác bất định, mơ hồ.

– Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.

0,5
  d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: vẻ đẹp của các yếu tố tượng trưng trong bài thơ “Màu thời gian”

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng.

0,5
  đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,25
  e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận: có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
2 Anh/ chị hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải có lòng yêu cuộc sống.  
  a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

– Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội

0,25
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: sự cần thiết phải có lòng yêu cuộc sống. 0,5
  c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết:

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận về vấn đề xã hội:

* Mở bài

– Giới thiệu vấn đề cần bàn luận

– Nêu khái quát quan điểm của người viết về vấn đề cần bàn luận.

* Thân bài:

– Giải thích được vấn đề cần bàn luận: Yêu cuộc sống chính là khi chúng ta luôn cảm nhận cuộc sống này là tươi đẹp và đáng sống, từ đó sống mãnh liệt, say mê, sống hết mình để làm cho cuộc đời trở nên ý nghĩa.

– Trình bày được hệ thống luận điểm thể hiện quan điểm của người viết.

– Nêu được lí lẽ thuyết, phục đa dạng để làm sáng tỏ luận điểm.

– Nêu được bằng chứng đầy đủ, phù hợp, xác đáng để làm sáng tỏ lí lẽ.

– Trao đổi với các ý kiến trái chiều một cách hợp lí

* Kết bài

– Khẳng định lại quan điểm của bản thân.

– Đề xuất giải pháp, bài học phù hợp.

1,0
  d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ đối tượng nghị luận.

– Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng.

1,5
  đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,25
  e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận: có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5
Tổng điểm 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *