Đề tham khảo theo cấu trúc mới 2025 của Bộ -đề số 33

PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Xét cho cùng, biểu hiện lớn nhất của tình người ở Thị Nở là bát cháo hành. Và đây là một chi tiết thiên tài của Nam Cao.

Việc Thị Nở chăm sóc cho Chí Phèo khi bị cảm gió ngoài vườn, thực ra, chỉ là cử chỉ của một lòng tốt bình thường của một con người dành cho một con người. Nhưng trong cái thế giới ngày càng vô tình, tha hóa của làng Vũ Đại, đây là lòng tốt hiếm hoi duy nhất mà Chí nhận được kể từ ngày về làng. Vì thế nó quý giá, nó mới làm cảm động Chí Phèo sâu xa đến thế. Gửi niềm tin vào lòng tốt bình thường, Nam cao đã tỏ rõ tầm cỡ của một nhà văn nhân đạo lớn. Bởi cái mà nhân loại thiếu không phải một lòng tốt xa vời và hư ảo của một ông thánh, cũng không phải lòng tốt suông của những nhà lập thuyết viển vông: “Cái mà nhân loại thiếu, đó là một lòng tốt bình thường”, lời nói đó đã luôn vang lên như một điệp khúc khắc khoải trong tác phẩm của Rơ-mác. Chỉ cần mỗi con người mang cho nhau một lòng tốt bình thường là đủ để cả hành tinh này tốt đẹp rồi.

Cháo hành là thứ cháo xoàng xĩnh. Lại được nấu bởi bàn tay của Thị Nở thì chắc là… Ấy thế mà đến nay, khi sang đến cái dốc bên kia của cuộc đời, Chí mới lần đầu tiên được hưởng. Chí Phèo ý thức được sự hiếm hoi muộn màng đó. Và hắn nhận ra đó là hương vị của tình người. Kề bát cháo hành lên miệng, hắn đã khóc. Nam Cao đã tả bằng những lời văn bề ngoài lạnh lùng mà bên trong đầy thương cảm xót xa: “Thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt mình như ươn ướt”. May mà Chí Phèo vẫn còn những giọt nước mắt ấy. Nếu không còn khả năng khóc, Chí Phèo không còn khả năng lương thiện, nghĩa là lương tri đã chết hẳn trong con người Chí. Nam Cao tin vào nước mắt của con người. Với Nam Cao, nước mắt là biểu hiện của tính người. Sự thức tỉnh của các nhân vật Nam Cao đều cùng với giọt nước mắt là bằng nước mắt. Sống trong xã hội Vũ Đại héo khô tình người, giọt nước mắt trong Chí Phèo tưởng đã khô cạn, tiêu tan. Hóa ra chưa hẳn. Nó chỉ bị vùi lấp trong sâu thẳm lòng Chí, nó vẫn còn chảy len lỏi, âm thầm và trong suốt. Vậy là tình người đã được thức tỉnh, đã hồi sinh tính người trong Chí. Vừa chạm đến tình người thì cái lốt quỷ dữ của Chí dường như đã được trút bỏ, con người lương thiện đã hiện nguyên bản tướng. Đó chẳng phải là sự kì diệu của bát cháo hành, kì diệu của tình người hay sao?

(Bảy lời bình dành cho Chí Phèo, Chu Văn Sơn, in trong Đi tìm vẻ đẹp văn chương,

Trần Phương Thu tuyển chọn, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2018)

 Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):

Câu 1. Xác định các câu văn nêu chủ đề của văn bản?

Câu 2. Liệt kê một số từ ngữ, câu văn thể hiện tài năng nghệ thuật và và tấm lòng nhân đạo của nhà văn Nam Cao trong văn bản.

Câu 3. Những dấu hiệu nào giúp anh/ chị nhận biết văn bản trên là một văn bản nghị luận?

Câu 4. Nhận xét quan điểm, thái độ của tác giả đối với nhà văn Nam Cao được thể hiện trong văn bản?

Câu 5. Qua văn bản, hãy nêu một thông điệp mà anh/ chị thấy có ý nghĩa nhất đối với cuộc sống hôm nay và giải thích lí do.

PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ đánh giá chủ đề của văn bản sau:

[…] Một buổi chiều mà đàn con nhịn đói đã suốt buổi, bác Lê vá lại manh áo rét, gọi đứa cả đến rồi bảo:

– Ở nhà trông các em, tao vào nhà ông Bá[1] xem có xin được ít gạo nào không.

– Ban sáng u đã vào mà người ta có cho đâu; cậu Phúc lạo còn bảo hễ u vào nữa thì cậu ấy thả chó ra cắn.

Bác Lê đáp:

– Nhưng biết làm thế nào! Không có thì lấy gạo đâu ra mà ăn? Thôi, tao cứ liều vào lần nữa xem sao.

Nói xong, bác Lê mở cửa liếp ra đi. Trong lòng, bác vẫn có chút hy vọng, tuy buổi sáng, lúc xin gạo, ông Bá đã đuổi mắng không cho. Bác nhớ lại cái cảnh sang trọng ấm cúng trong nhà ông Bá: những chậu sứ, câu đối thiếp vàng sáng chói. Không lẽ ông Bá giàu có thế mà không thí cho mẹ con bác được bát gạo hay sao?

Ở nhà, đàn con bác ngồi nhìn nhau, đợi trong ổ rơm. Bác đi lâu mà không thấy về. Thằng Hy lắng tai nghe tiếng chó cắn trong làng, rồi bảo chị nó:

– Hình như u về đấy, chị ạ.

Bỗng có tiếng chân người rầm rập, đến tiếng gọi, rồi lũ trẻ thấy bác Đối và một người nữa khiêng bác Lê vào trong nhà. Trên bắp chân người mẹ, máu đỏ chảy ròng ròng.

Đứa cả hiểu ngay mẹ nó bị chó ông Bá cắn. […]

Thằng Hy vừa mếu máo vừa hỏi:

– U làm sao thế u?

Bác Lê nén cái đau, giảng cho con biết:

– Thật cậu Phúc ác quá! Đã không cho thì thôi, lại còn thả chó ra đuổi; tao đã chạy mà không kịp, nên nó cắn phải. May gặp bác Đối, chứ không biết bao giờ mới lê được về nhà.

Bác ngừng lại nhìn đàn con ốm yếu, rồi thở dài:

– Thế là mẹ con biết lấy gì mà ăn cho đỡ đói bây giờ?

Thằng Hy òa lên khóc, con Tí cũng khóc theo. Bác Lê giơ tay ra ôm chúng nó vào lòng, rồi nghĩ thương thân phận mình, bác cũng ứa nước mắt.

(Trích Nhà mẹ Lê – Thạch Lam, Nhà xuất bản Đời nay, 1937)

 

Câu 2. (4,0 điểm)

Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/ chị về câu nói của Rơ-mác: “Cái mà nhân loại thiếu, đó là một lòng tốt bình thường”.

 

———HẾT———

ĐÁP ÁN

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Câu văn nêu chủ đề của văn bản: Xét cho cùng, biểu hiện lớn nhất của tình người ở Thị Nở là bát cháo hành. Và đây là một chi tiết thiên tài của Nam Cao. 0,5
  2 Liệt kê một số từ ngữ, câu văn thể hiện tài năng nghệ thuật và và tấm lòng nhân đạo của nhà văn Nam Cao trong văn bản:

Đây là một chi tiết thiên tài của Nam Cao

Gửi niềm tin vào lòng tốt bình thường, Nam cao đã tỏ rõ tầm cỡ của một nhà văn nhân đạo lớn.

Nam Cao đã tả bằng những lời văn bề ngoài lạnh lùng mà bên trong đầy thương cảm xót xa.

Nam Cao tin vào nước mắt của con người. Với Nam Cao, nước mắt là biểu hiện của tính người

0,5
  3 Những dấu hiệu cơ bản giúp nhận biết văn bản trên là một văn bản nghị luận:

– Hình thức: Hệ thống luận điểm nhất quán, luận cứ rõ ràng, lập luận chặt chẽ (kết hợp giữa lí lẽ và dẫn chứng tiêu biểu từ tác phẩm) được tổ chức theo một trình tự hợp lí; thuyết phục, thể hiện được quan điểm, chính kiến của người viết.

– Nội dung nghị luận: Tình người trong truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao. Từ đó cho thấy tài năng nghệ thuật và tấm lòng nhân đạo lớn lao của Nam Cao.

1,0
  4 – Thái độ: ca ngợi tài năng nghệ thuật thiên tài và tấm lòng nhân đạo cao cả của Nam Cao.

– Quan điểm: Đồng tình với cách nhìn, cách quan niệm của Nam Cao về con người và xã hội, cụ thể: chỉ có lòng tốt, tình yêu thương mới có thể thức tỉnh và cứu chuộc những tâm hồn lầm lạc.

1,0
  5 Học sinh được tự do rút ra bài học, miễn là có lí giải thuyết phục. Gợi ý:

– Bài học: Cần biết sống yêu thương người khác.

– Lí giải: Bởi tình yêu thương chính là liều thuốc kì diệu để chữa lành những tâm hồn đang bị tổn thương, là động lực giúp cho con người vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc đời. Nó cũng khiến cho con người xích lại gần nhau hơn, cùng nhau tạo lập các mối quan hệ tốt đẹp, xây dựng một xã hội hòa đồng, nhân ái.

 

1,0
II   VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích chủ đề của văn bản trích Truyện ngắn Nhà mẹ Lê (Thạch Lam) 2,0
    a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng đoạn văn: xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách: diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích, song hành. 0,25
    b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Xác định đúng vấn đề nghị luận: đánh giá chủ đề của đoạn trích truyện ngắn Nhà mẹ Lê của Thạch Lam.

0,25
    c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:

– Đoạn trích phản ánh cuộc sống cơ cực của gia đình nhà mẹ Lê nói riêng, của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám nói chung. Đó là một người mẹ với một đàn con nheo nhóc phải chui rúc trong một căn nhà lụp xụp, kiếm ăn vô cùng chật vật. Cái đói cứ kéo dài triền miên đã khiến bác phải đánh liều đến hỏi vay gạo nhà ông Bá, để rồi dẫn đến kết cục bi thảm: bác bị người ta thả chó cắn, lên cơn sốt rồi chết.

– Từ đó thể hiện tư tưởng nhân đạo của nhà văn: sự đồng cảm xót thương đối với những kiếp người nghèo khổ; đồng thời gián tiếp lên án chế độ thực dân, phong kiến đã đẩy người dân nghèo đến bước đường cùng. Hình ảnh cậu Phúc với nét mặt gian ác và tinh nghịch là một chi tiết mang ý nghĩa tố cáo mạnh mẽ: nó cho thấy giai cấp phong kiến đã mất hết nhân tính, nhẫn tâm đứng nhìn những người nông dân sa vào bước đường cùng với thái độ hả hê, không hề gợn một chút lòng thương hại.

0,5
    d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: đánh giá chủ đề của đoạn trích truyện ngắn Nhà mẹ Lê của Thạch Lam.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp (ngữ liệu văn bản), kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng.

0,5
    đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,25
    e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận: có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
  2 Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/ chị về câu nói của Rơ-mác: “Cái mà nhân loại thiếu, đó là một lòng tốt bình thường”. 4,0
    a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội.

0,25
    b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Cái mà nhân loại thiếu, đó là một lòng tốt bình thường. 0,5
    c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bài viết.

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận.

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

* Triển khai vấn đề nghị luận:

– Giải thích vấn đề nghị luận:

+ Lòng tốt bình thường tức là sự quan tâm thông thường, tình yêu thương giản dị, tối thiểu mà ai cũng phải có khi đối xử với đồng loại của mình.

+ Tuy nhiên, với xu hướng con người ngày càng trở nên vô cảm hiện nay, lòng tốt bình thường lại trở nên thiếu thốn.

=> Ý kiến của Rơ-mac vừa cảnh báo một thực trạng đáng buồn (sự vô cảm của con người đối với con người), vừa nêu ra một thực tế: nhân loại không cần đến những thứ tình cảm lớn lao, vĩ đại, cao siêu,… Cái mà nhân loại cần chỉ là những lòng tốt bình thường.

– Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:

+ Chỉ với lòng tốt bình thường, con người mới quan tâm và yêu thương người khác một cách tự nhiên, giản dị mà không có một sự vụ lợi, một điều kiện nào trong đó.

+ Chỉ với lòng tốt bình thường, những người nhận được lòng tốt mới cảm nhận được sự yêu thương, quan tâm chân thành, từ đó những vết thương mới có thể được chữa lành, những tội lỗi mới có thể được gột rửa, những linh hồn lầm lạc mới có thể được cứu rỗi.

+ Trong xã hội ngày nay, con người dường như đã quên mất đi cái lòng tốt bình thường ấy. Hoặc họ yêu thương người khác, nhưng sự yêu thương ấy không còn vô tư nữa, thậm chí có khi lòng tốt ấy còn khoác lên mình những sắc màu lòe loẹt, những chiêng trống ầm ĩ để khoe khoang; hoặc họ lo chạy theo vật chất, trở nên vô cảm với nỗi đau của đồng loại.

+ Các giải pháp pháp huy lòng tốt bình thường:

++ Mỗi người phải tự ý thức được rằng: Việc quan tâm, yêu thương người khác là một hành động tự nhiên, tối thiểu mà con người cần có đối với đồng loại của mình.

++ Tập quan tâm, yêu thương những người gần gũi bên mình, từ những việc làm nhỏ nhất.

++ Luôn đặt lợi ích của người khác cao hơn lợi ích bản thân, yêu thương và giúp đỡ người khác một cách vô tư, không vụ lợi.

Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện, phê phán những biểu hiện sai lệch: Kiểu giúp đỡ người khác một cách vụ lợi, vì mục đích cá nhân. Thái độ thờ ơ, vô cảm đối với số phận của người khác.

– Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học chi bản thân: Ý thức được tầm quan trọng của lòng tốt bình thường đối với cuộc sống mỗi con người. Cần sống biết quan tâm, yêu thương người khác một cách vô tư. Cần lên án kiểu giúp đỡ người khác có tính chất vụ lợi; lên án lối sống vô cảm.

1,0
    d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân.

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và bằng chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1,5
    đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25
    e. Sáng tạo:

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận: có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
Tổng điểm 10,0

 

———————

[1] Bá (Bá hộ): Phẩm hàm cấp cho hào lí hoặc kẻ chức sắc thời phong kiến.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *