Đề tham khảo theo cấu trúc mới 2025 của Bộ -đề số 32

ĐỀ MINH HỌA – LỚP 11

PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm).

Đọc văn bản sau:

Những ngón tay cơ bắp

Một trong những thứ có tỷ lệ lạm phát cao nhất ở thời đại của chúng ta, là sự nổi tiếng.

Có cơ sở để khẳng định điều này. Phần nhiều trong số các bộ não tinh túy nhất thế giới đang được thuê để giúp ta thêm yêu cái điện thoại của mình. Họ làm việc ở các công ty lớn nhất thế giới ở San Francisco hay Bắc Kinh, nhận lương rất cao, để nghĩ cách giữ chân chúng ta trên các nền tảng số.

Logic của lạm phát: thời gian chúng ta trực tuyến ngày càng cao, tương tác trên môi trường số ngày càng thuận tiện, và khối lượng tương tác tăng nhanh gấp nhiều lần tốc độ sản xuất nội dung. Ngón tay cái chúng ta trở nên cơ bắp hơn, nói như một báo cáo của hãng Motorola đầu thế kỷ này. Chúng ta phân phát nhiều “likes” và “thả tim” hơn, theo đúng cách mà các ngân hàng trung ương in thêm tiền trong kịch bản của lạm phát kinh tế.

Năm 2011, với tôi thì một dòng trạng thái có 300 lượt thích được coi là một kỳ tích. Năm 2017, một nghìn năm trăm “likes” được coi là một thất bại. Bất kỳ một cô gymer dáng đẹp nào cũng có thể thu hút trung bình bốn nghìn lượt thích cho mỗi bức ảnh. Số lượt theo dõi vài trăm nghìn từng chỉ dành cho các ngôi sao giải trí kỳ cựu, nay dành cho bất kỳ ai có chí tiến thủ trên mạng xã hội.

[………]

Chúng ta đang ở trong một thời đại mà lực lượng tiêu dùng của truyền thông ngày càng trẻ hóa. Những đứa trẻ vị thành niên trở thành tập khách lớn của nội dung trên mạng. Từ YouTube, chúng đi thẳng ra sân bay và nằm chờ thần tượng của mình từ Hàn Quốc sang. Từ Instagram, chúng trang điểm và mặc croptop cho giống hình mẫu. Từ Facebook, chúng học cách giết thời gian. Từ Tik Tok, chúng có thể chẳng học được gì. Lực đẩy của truyền thông mạnh hơn: những đứa trẻ không có sức phản kháng tinh thần.

Nhưng có một nghịch lý, là công cụ phản kháng với các vấn đề xã hội của chúng ta giờ nằm phần lớn trên Internet. Thỉnh thoảng, trong các bài viết về chứng nghiện mạng xã hội và lười đọc sách, chính tôi lại thêm vài dòng khuyến khích độc giả đưa ra quan điểm phía dưới bài viết – tức là lại ngồi gõ phím.

[….]

Hoặc ngay lúc này, tôi rất muốn khuyến khích quý độc giả tham gia vào bầu chọn “Ngôi sao của năm” trên báo Ngôi sao. Đó là nơi mà chúng tôi đang đi tìm sự vinh danh cho những hình mẫu xứng đáng của làng giải trí trong bối cảnh “người nổi tiếng” trở thành khái niệm đơn giản. VnExpress đã có một hội đồng bình chọn gồm nhiều nhân vật kỳ cựu trong giới văn hóa, để lựa chọn ra các ứng viên nổi bật. Nhưng ai trở thành người được tôn vinh, giá trị nào là xứng đáng nhất, vẫn phải trông chờ vào lựa chọn của chính độc giả.

Vấn đề là nếu đưa ra sự khuyến khích này, tôi tự mâu thuẫn với tất cả các phân tích về lạm phát tương tác số đưa ra ở trên.

Nghịch lý này, rất khó giải quyết. Có lẽ việc đầu tiên chúng ta có thể làm, là nhận thức được nó, bằng việc xem lại mình đã “thích” những gì trong tuần qua – và sẽ “thích” thêm gì nữa trong ngày Chủ nhật này.

(Đức Hoàng, Những ngón tay cơ bắp, 2018, VNEXPRES-Thứ năm, 7/12/2023)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1(0,5 điểm): Xác định luận đề của văn bản.

Câu 2(0,5 điểm): Xác định hai bằng chứng về sự phản kháng của chính bản thân tác giả khi nói về nghịch lý của việc lạm phát tương tác số trong văn bản trên.

Câu 3(1.0điểm): Ba câu văn sau có vai trò gì trong việc làm sáng tỏ luận đề của văn bản: Từ YouTube, chúng đi thẳng ra sân bay và nằm chờ thần tượng của mình từ Hàn Quốc sang. Từ Instagram, chúng trang điểm và mặc croptop cho giống hình mẫu. Từ Facebook, chúng học cách giết thời gian. Từ Tik Tok, chúng có thể chẳng học được gì.

Câu 4(1.0 điểm): Theo anh/chị, cách đặt nhan đề của tác giả có phù hợp với nội dung văn bản hay không? Vì sao?

Câu 5(1.0 điểm): Anh/chị có đồng tình với ý kiến đề xuất của tác giả: Có lẽ việc đầu tiên chúng ta có thể làm, là nhận thức được nó, bằng việc xem lại mình đã “thích” những gì trong tuần qua – và sẽ “thích” thêm gì nữa trong ngày Chủ nhật này hay không? Vì sao?

PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích, đánh giá ý nghĩa chi tiết cuối “Hóa thân thành gương soi” trong truyện ngắn sau của tác giả Nhật Chiêu:

Gương

                          Nhật Chiêu

          Lần đầu tiên, có người đưa cho N. Một chiếc gương soi. Từ đó, N. Luôn mang theo gương bên mình.

“Con người không nên nhìn thấy gương mặt của chính mình. Kẻ phát minh ra gương soi đã đầu độc trái tim người.” Pessoa nói vậy.

Một hôm, N. Đánh mất gương. Tìm khắp nơi, cuối cùng chàng đến một dòng suối. Nó giống gương quá. Và chàng trầm mình.

Hóa thân thành gương soi.

                   (Nhật Chiêu, Lời tiên tri của giọt sương, NXB Hội Nhà văn, 2011, tr.17)

Câu 2. (4,0 điểm)

Hãy viết bài văn nêu suy nghĩ của anh/chị về những hữu ích của mạng xã hội đối với cuộc sống hôm nay.

 

===HẾT===

  • Thí sinh không được sử dụng tài liệu;
  • Giám thị không giải thích gì thêm.

 ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM – ĐỀ MINH HỌA

MÔN NGỮ VĂN, LỚP 11

(Đáp án và hướng dẫn gồm có 04 trang)

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 – Luận đề: Một trong những thứ có tỷ lệ lạm phát cao nhất ở thời đại của chúng ta, là sự nổi tiếng.

(HS có thể nêu: lạm phát số về sự nổi tiếng)

0.5
2 – Hai bằng chứng về sự phản kháng của chính bản thân tác giả khi nói về nghịch lý của việc lạm phát tương tác số trong văn bản:

+ Thỉnh thoảng, trong các bài viết về chứng nghiện mạng xã hội và lười đọc sách, chính tôi lại thêm vài dòng khuyến khích độc giả đưa ra quan điểm phía dưới bài viết – tức là lại ngồi gõ phím.

+ Hoặc ngay lúc này, tôi rất muốn khuyến khích quý độc giả tham gia vào bầu chọn “Ngôi sao của năm” trên báo Ngôi sao.

0.5
3 Ba câu văn có vai trò gì trong việc làm sáng tỏ luận đề của văn bản:  

+ Là những lí lẽ, bằng chứng xác đáng, tiêu biểu chỉ ra những trang mạng có sức hút lớn mà giới trẻ yêu thích, quan tâm theo dõi; làm sáng rõ cho luận điểm: “lực lượng tiêu dùng của truyền thông ngày càng trẻ hóa. Những đứa trẻ vị thành niên trở thành tập khách lớn của nội dung trên mạng”.

+ Qua đó làm sáng tỏ cho luận đề: Lạm phát số về sự nổi tiếng.

1.0
4 – Cách đặt nhan đề của tác giả phù hợp với nội dung văn bản.

– Vì: Hình ảnh những ngón tay cơ bắp gây ấn tượng, khơi gợi “những ngón tay” like và “thả tim” của người dùng mạng; chính việc tương tác đó đã tạo ra lạm phát về sự nổi tiếng ảo.

1.0
5 – Thể hiện quan điểm cá nhân: Đồng tình/ không đồng tình.

– Lí giải: tùy vào quan điểm, cách nhìn, cách lí giải của thí sinh, nhưng không sai lệch về tư tưởng. Gợi ý:

+ Đồng tình, vì: mọi người cần nhận thức đúng đắn, không vội vàn trong suy nghĩ và hành động khi tương tác mạng xã hội; nhìn lại việc tương tác mạng xã hội trước đây của mình, từ đó cân nhắc khi tương tác mạng, hợp lí, đúng hướng, tích cực, phù hợp với những giá trị văn hóa dân tộc.

+ Không đồng tình, vì:…

1.0
II   VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) 2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: ý nghĩa chi tiết cuối trong truyện ngắn Gương

 

0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận.

Sau đây là một vài gợi ý:

– Chi tiết cuối mang yếu tố kỳ ảo: sự hóa thân. Nhân vật hóa thân thành chiếc gương.

– Chi tiết này được hiểu theo nhiều nghĩa:

+ Một câu chuyện cổ tích về nguồn gốc chiếc gương.

+ Chàng trai trở tành tấm gương cho mọi người về hậu quả của việc yêu mình quá mức, quá kiêu hãnh, tự hào về bản thân. Một biểu hiện của sự đầu độc về tâm hồn.

+ Chàng trai N hóa thành tấm gương để mọi người cùng soi rọi chính bản thân mình về việc “soi, ngắm” bản thân.

0,5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: ý nghĩa chi tiết cuối trong truyện ngắn Gương

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Trình bày rõ quan điểm hệ thống các ý

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

0,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
  2 Hãy viết một bài văn nghị luận(khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh chị với chủ đề: 4,0
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: những hữu ích của mạng xã hội đối với cuộc sống hôm nay. 0,5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.

* Nêu khái quát quan điểm của người viết về vấn đề cần bàn luận.

* Giải thích: Mạng xã hội là: nền tảng trực tuyến nơi mọi người dùng để xây dựng các mối quan hệ với người khác, có nhiều dạng thức và tính năng khác nhau, có thể vận hành trên tất cả các nền tảng như máy tính, điện thoại thông minh… cho phép người dùng chia sẻ câu chuyện, bài viết, ý tưởng cá nhân, đăng ảnh, video, thông báo, sự kiện… giúp người dùng kết nối với những người trên toàn thế giới.

* Trình bày hệ thống luận điểm, lí lẽ, bằng chứng làm sáng tỏ quan điểm về vấn đề nghị luận:

– Bàn luận: Những hữu ích của mạng xã hội

+ Kết nối, tập hợp các mối quan hệ giữa các cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức trên môi trường internet bao gồm nhiều cộng đồng trực tuyến khác nhau nhằm thỏa mãn các nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người(như Facebook, Youtube, Zalo…) thu hút một số lượng lớn người tham gia, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội.

+ Góp phần tích cực vào sự phát triển nhận thức, tư duy và kỹ năng sống của con người: Cung cấp tin tức, kiến thức về tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chỉ với một vài thao tác đơn giản, người dùng sẽ luôn nhận được những thông tin cập nhật kịp thời về lĩnh vực, vấn đề mà mình quan tâm theo dõi. Qua đó giúp họ có thể nắm bắt được các xu thế của đời sống phục vụ cho công việc và cuộc sống của mình. Bên cạnh đó, trên mạng xã hội có nhiều trang dạy kỹ năng sống như ngoại ngữ, nấu ăn, sửa chữa, giao tiếp, tâm lý, thể thao… giúp người dùng có những kỹ năng cơ bản cần thiết trong cuộc sống hiện đại mà không cần đến lớp hay đóng học phí,…

+ Góp phần tích cực vào sự phát triển của văn hóa cộng đồng:

. Nó cho phép người dùng có thể kết nối, tương tác với bạn bè, gia đình, cộng đồng ngày một thuận tiện hơn. Người dùng có thể dễ dàng chia sẻ tình cảm, niềm vui, nỗi buồn… với cộng đồng. Sự tham gia của cá nhân vào các công việc chung của cộng đồng cũng được thúc đẩy.

. Tạo ra những cơ hội, khả năng tiếp xúc, giao lưu văn hóa, thúc đẩy xích lại gần nhau, hiểu biết lẫn nhau giữa dân tộc ta với các dân tộc khác trên thế giới. Thông qua mạng xã hội, thế giới biết đến Việt Nam hơn như một dân tộc yêu chuộng hòa bình, tôn trọng công lý, năng động với các giá trị văn hóa phong phú, đầy bản sắc.

– Nêu dẫn chứng: Học sinh lấy dẫn chứng thực tế làm ví dụ minh họa cho bài làm văn của mình.

* Trao đổi những ý kiến trái chiều:

– Vẫn có một số người có quan điểm bảo thủ, có thể nói là lạc hậu, có cái nhìn sai lệch, do hiểu biết hạn chế, ít tương tác với cộng đồng… không dám nhìn thẳng vào những hạn chế của bản thân,… đã phản bác, bài trừ mạng xã hội.

– Việc sử dụng mạng xã hội nũng có cái tốt nhưng cũng có nhiều cái bất cập. nhiều người sử dụng nó quá lâu sẽ gây ra hội chứng cho rằng mọi điều trên mạng xã hội là thật, thậm chí nó đang trở thành công cụ, môi trường “màu mỡ” để tội phạm lợi dụng hoạt động.

* Khẳng định lại quan điểm của bản thân: Mạng xã hội có tác động lớn đến đời sống xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, giúp mọi người kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò, lợi ích tích cực của nó.

* Đề xuất giải pháp, bài học phù hợp.    

 

1,0
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1.5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0.5
Tổng điểm 10,0

 

===HẾT===

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *