Đề tham khảo theo cấu trúc mới 2025 của Bộ -đề số 31

PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (4,0 điểm)

THẦN BIỂN

Có sự tích kể thần Biển đội lốt một con rùa khổng lồ, ở ngoài khơi biển Đông, thường chỉ có công việc thở nước ra và hít nước vào để làm mức thủy triều lên xuống, ngày ngày qua ngày khác. Thỉnh thoảng thần làm sóng to nước lớn, ấy là những lúc biển động, có những ngọn sóng cao như núi mà người miền biển vẫn gọi là sóng thần.

Cũng có sự tích rất cảm động kể rằng trước khi làm thần Biển, nữ thần này là một thiếu nữ ở trên đảo, nổi tiếng về thương yêu anh em. Nàng có bốn người anh em đều là người chài lưới, quanh năm sống trên thuyền ở ngoài biển cả.

Một hôm trong lúc bốn người anh em đi biển, cô gái tự nhiên chết giấc rất lâu. Người chung quanh tưởng là cô bị ngộ gió chết mới đổ thuốc cho tỉnh lại. Nhưng khi sống lại, cô trách sao lại gọi mình tỉnh dậy quá sớm. Sau đó, ba người anh kể lại rằng trong lúc đi biển họ gặp phải một cơn bão lớn dữ dội, được cô em hiện hồn lên cứu họ thoát khỏi tai nạn hiểm nghèo. Người anh thứ tư đi trên một chiếc thuyền khác mất tích luôn không thấy trở về, chỉ vì cô gái đã bị gọi khỏi cơn đồng thiếp trước khi cứu được anh.

Sau việc lạ lùng đó ít lâu thì cô gái chết. Cô từng hiện ra nhiều lần cứu các thủy thủ bị nạn hoặc giúp bắt bọn cướp biển, cùng làm mưa cứu mùa màng bị hạn nắng. Ngọc Hoàng thấy thế mới phong cô làm Thần Biển.

Người ta hình dung Thần là một người con gái ngồi trên đầu ngọn sóng, đầu đội mũ triều thiên, tay cầm hốt ngọc.

(Theo Hoàng Minh, Việt Dũng, Thu Nga, Thần thoại Việt Nam chọn lọc,

Nxb Thanh Niên, 2019)

Câu 1. Xác định nhân vật chính trong truyện? (0,75 điểm)

Câu 2. Cô gái trong truyện trước khi làm thần Biển đã có những hành động gì? (0,75 điểm)

Câu 3. Vì sao khi được dân làng cứu cô gái không cảm ơn mà lại trách móc? Nhận xét vẻ đẹp của cô gái qua hành động trên? (1,0 điểm)

Câu 4. Chi tiết “Cô từng hiện ra nhiều lần cứu các thủy thủ bị nạn hoặc giúp bắt bọn cướp biển, cùng làm mưa cứu mùa màng bị hạn nắng. Ngọc Hoàng thấy thế mới phong cô làm Thần Biển” có ý nghĩa gì? (1,0 điểm)

Câu 5. Anh/ chị hãy lí giải vì sao trong văn hóa dân gian, người dân vùng biển Việt Nam thường có tín ngưỡng thờ cúng trước khi đi biển? (0,5 điểm)

PHẦN II. LÀM VĂN (6,0 điểm)

Câu 1 (2 điểm)

 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ đặc điểm của nhân vật thần thoại trong văn bản trên.

Câu 2 (4 điểm)

Anh/chị hãy viết một bài văn (khoảng 500 chữ) thuyết phục mọi người từ bỏ thói quen adua trong ăn mặc, phát ngôn và hành động theo đám đông.

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1 Nhân vật chính của truyện là: Thần Biển

Học sinh trả lời được như đáp án: 0,75 điểm

0,75

 

2 Cô gái trong truyện trước khi làm thần Biển đã có những hành động:

– Cô đã cứu ba người anh thoát khỏi tai nạn hiểm nghèo

– Cô từng hiện ra nhiều lần cứu các thủy thủ bị nạn hoặc giúp bắt bọn cướp biển, cùng làm mưa cứu mùa màng bị hạn nắng

Học sinh trả lời được như đáp án: 0,75 điểm

Học sinh trả lời được ½ ý: 0,5 điểm

0,75

 

3 – Khi được dân làng cứu cô gái không cảm ơn mà lại trách móc vì cô chưa cứu được người anh thứ tư

– Vẻ đẹp của cô gái: yêu thương gia đình, vị tha, nhân hậu, trách nhiệm.

0,5

 

0,5

4 Ý nghĩa của chi tiết:

– Khẳng định công lao to lớn của Thần Biển với cuộc sống con người

– Con người nếu có lòng vị tha, nhân hậu sẽ được đền đáp xứng đáng

1,0
5 Người dân vùng biển thường có tín ngưỡng thờ cúng trước khi đi biển

– Thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn

– Cầu mong ra khơi được thuận buồm xuôi gió, bội thu.

0,5
    VIẾT 6,0
  CÂU 1  
  a. Đảm bảo cấu trúc, dung lượng của đoạn văn nghị luận 0,25
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Đặc điểm nhân vật thần thoại trong văn bản Thần biển. 0,25
  c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

– Xác định được hề thống ý để làm rõ vấn đề nghị luận. Sau đây là một số gợi ý: Nhân vật là vị thần, có ngoại hình, hành động, công trạng phi thường; làm nổi bật chủ đề văn bản.

– Sắp xếp được hệ thống ý theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.

0.5
  d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp với vấn đề nghị luận.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống ý

– Lập luận chặt chẽ thuyết phục, lí lẽ xác đáng, dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

0,5
  đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,25
  e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
  CÂU 2  
  a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội 0,25
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Thuyết phục người khác từ bỏ thói quen adua trong ăn mặc, phát ngôn và hành động theo đám đông.

0,5
  c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý hợp lý theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận: Thói quen adua trong ăn mặc, phát ngôn và hành động theo đám đông.

* Triển khai vấn đề nghị luận

Giải thích: Adua là bắt chước, làm theo đám đông một cách thiếu suy nghĩ, không lường trước hậu quả.

– Biểu hiện:

+ Hùa theo suy nghĩ của người khác để giống cách sống của chính họ.

+ Bắt chước vẻ bề ngoài trưng diện của người khác để giống hoặc bằng người khác về ngoại hình.

+Phát ngôn và hành động theo đám đông, cuốn theo đám đông một cách vô thức.

Lí do để mọi người nên từ bỏ thói quen a dua( Tác hại của thói quen):

+ Nghĩ và làm theo người khác một cách dễ dãi là thiếu tôn trọng bản thân mình, dần dần đánh mất niềm tin vào sức mạnh, năng lực, lí trí, cả vốn tri thức của chính bản thân mình.

+ Khi bị cuốn đi theo phát ngôn và hành động của đám đông, bạn sẽ trở thành một con người không có chính kiến và chủ kiến, dẫn đến việc đánh mất  bản ngã.

+ Thói quen a dua khiến bạn dễ bị kích động và bị lợi dụng.

+ Nghĩ và làm theo kẻ khác là đánh mất nhân cách của mình, thành cái bóng, thành bản sao của người khác.

+ Phát ngôn và hành động theo đám đông một cách vô thức dễ gây ra tổn thương cho người khác, và như thế đồng thời cũng tạo ra bất ổn cho chính mình.

+ Thói a dua khiến cộng đồng dễ bị kích động thì tất yếu và chắc chắn sẽ dẫn tới việc xã hội rất dễ bị tổn thương, nhiễu loạn.

+ Nếu từ bỏ được thói adua bạn sẽ được là chính mình, có sở thích, cá tính, suy nghĩ riêng biệt – bạn sẽ thành công theo cách riêng của bạn.

– Dự đoán phản ứng của người được thuyết phục – phản biện:

+ Người được thuyết phục có thể biện minh: Tôi adua theo đám đông để không bị lạc lõng, để hoà hợp với chúng bạn. Phản biện: Nếu chúng bạn đang theo một trào lưu xấu, việc hùa theo đám đông sẽ đẩy bạn vào con đường làm hại chính mình.

+ Trong đám đông có những cá nhân thành đạt, có tầm ảnh hưởng lớn nên việc hùa theo đám đông chẳng có gì là xấu, ngược lại đám đông còn là chỗ dựa tinh thần cho mỗi cá nhân và còn vì mỗi con người là một phần của xã hội. Người thuyết phục phản biện: Sự thành công và nổi tiếng của một vài cá nhân thành đạt không đại diện cho tất cả những điều tốt đẹp của cả một cộng đồng, cho nên không nên coi đám đông là chỗ dựa tinh thần. Chỗ dựa tinh thần lớn nhất của con người là dựa vào chính mình khi có đủ hiểu biết, bản lĩnh để suy xét đúng sai, phải trái, phân biệt được tốt xấu.

Giải pháp để từ bỏ thói quen:

+ Nhận thức đúng đắn về tác hại của thói quen a dua.

+Mỗi người cần đề cao sức mạnh cá nhân, sống có lòng tự trọng, có cả những cái tôi.

+ Mỗi người cần không ngừng học hỏi, trải nghiệm để nâng cao hiểu biết, biết suy xét đến tính đúng sai, có cách nhìn nhận thấu đáo, nhân văn đối với mọi chuyện đang diễn ra. Cần có cách ứng xử văn minh…

– Khẳng định lại vấn đề: Mọi người cần từ bỏ thói quen a dua; cần phân biệt thói quen a dua với thái độ chủ động học hỏi để có thể tiếp thu tri thức, tinh hoa của người khác để làm giàu có vốn tri thức và tâm hồn cho mình; đồng thời tạo lập các mối quan hệ tốt đẹp, góp phần xây dựng xã hội phát triển, văn minh.

1,0
  d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau

– Triển khai được ít nhất 2 luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân

– Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

– Lập luận chặt chẽ thuyết phục, lí lẽ xác đáng, dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể trình bày quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1.5
  đ. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25
  e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. 0,5
Tổng điểm I + II 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *