Đề tham khảo theo cấu trúc mới 2025 của Bộ -đề số 23

ĐỀ THAM KHẢO THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ GD&ĐT

 PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 5:

(Lược đoạn đầu: Điền là anh giáo khổ trường tư, nhưng nay đã thất nghiệp. Ông hiệu trưởng nợ mất nửa tháng lương, không có tiền trả Điền, bảo Điền mang bộ ghế mây của ông về dùng. Có những ngày Điền mang bốn chiếc ghế mây ra sân ngồi ngắm trăng. Điền yêu trăng, cho rằng trăng là cái gì đó rất cao đẹp và thơ mộng. Điền không ân hận vì bố mẹ đã mất nhiều tiền của cho anh ăn học giờ anh chẳng làm được gì, anh luôn tin rằng nhờ nó mà anh đọc nổi văn thơ và nhờ văn thơ mà anh hiểu được cái đẹp của gió của trăng. Thế nhưng, với vợ Điền trăng chỉ là … đỡ tốn 2 xu dầu mỗi tối. Điền phàn nàn cho những tâm hồn cằn cỗi như tâm hồn của vợ. Và ngay lúc này lúc ngồi ngắm trăng để tạm quên đi những lo toan thường ngày, Điền cũng còn tính vẩn vơ, Điền ước có một cuộc sống thật thanh bình, đơn giản, để cho anh không còn phải lo tính kế nữa và anh có thể rảnh rang theo đuổi cái mộng của anh … đó là cái mộng văn chương. Nhưng cuộc sống cơm áo không cho phép anh theo đuổi sự nghiệp mà anh từng mơ ước, anh phải tạm quên nó đi và nghĩ đến gia đình, nghĩ đến việc kiếm tiền. Điền ước những ước mơ xa xôi, đẹp đẽ, có những người đàn bà nhàn hạ chứ không xấu xí và méo mó như vợ anh.)

Ðiền thương con lắm. Vút cái, Ðiền thấy Ðiền không thể nào đi được. Ðiền không thể sung sướng khi con Ðiền còn khổ. Chao ôi! Trăng đẹp lắm! Trăng dịu dàng và trong trẻo và bình tĩnh. Nhưng trong những căn lều nát mà trăng làm cho cái bề ngoài trông cũng đẹp, biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp mình! Biết bao tiếng nghiến răng và chửi rủa! Biết bao cực khổ và lầm than?… Không, không, Ðiền không thể nào mơ mộng được. Cái sự thật tàn nhẫn luôn luôn bày ra đấy. Sự thực giết chết những ước mơ lãng mạn gieo trong đầu óc Ðiền cái thứ văn chương của bọn nhàn rỗi quá. Ðiền muốn tránh sự thực, nhưng trốn tránh làm sao được? Vợ Ðiền khổ, con Ðiền khổ, cha mẹ Ðiền khổ. Chính Ðiền cũng khổ. Bao nhiêu người nữa, cùng một cảnh, khổ như Ðiền! Cái khổ làm héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta. Tiếng đau khổ vang dội lên mạnh mẽ. Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Ðiền. Ðiền chẳng cần đi đâu cả. Ðiền chẳng cần trốn tránh, Ðiền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời…

Sáng hôm sau, Ðiền ngồi viết. Giữa tiếng con khóc, tiếng vợ gắt gỏng, tiếng léo xéo đòi nợ ngoài đầu xóm. Và cả tiếng chửi bới của một người láng giềng ban đêm mất gà.

(Trích “Giăng sáng” – Nam Cao, Nam cao tuyển tập, Nxb Văn học, Hà Nội)

Câu 1: Xác định ngôi kể của đoạn văn bản trên?

Câu 2: Liệt kê những âm thanh vang lên giữa lúc nhân vật Điền ngồi viết vào buổi sáng hôm sau?

Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ điệp trong các câu văn sau: “Ðiền muốn tránh sự thực, nhưng trốn tránh làm sao được? Vợ Ðiền khổ, con Ðiền khổ, cha mẹ Ðiền khổ. Chính Ðiền cũng khổ. Bao nhiêu người nữa, cùng một cảnh, khổ như Ðiền! Cái khổ làm héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta.”

Câu 4: Nhận xét về phẩm chất nổi bật của nhân vật Điền trong văn bản.

Câu 5: Qua văn bản, hãy nêu  ước mơ của nhân vật Điền mà anh chị cho là có ý nghĩa nhất đối với cuộc sống hiện nay và giải thích lí do.

 

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1. ( 2,0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận ( Khoảng 200 chữ) làm rõ đặc điểm về cảm xúc của nhân vật trữ tình trong văn bản sau:

 

Em lo âu trước xa tắp đường mình

Trái tim đập những điều không thể nói

Trái tim đập cồn cào cơn đói

Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn

Em trở về đúng ngĩa trái tim em

Là máu thịt đời thường ai chẳng có

Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.

( Tự Hát – Tuyển tập thơ Xuân Quỳnh, NXB Tác phẩm mới, 1984)

Câu 2. ( 4,0 điểm)

Mỗi chúng ta đều có một giá trị riêng. Nhận thức và phát huy hay không là ở lựa chọn của bạn. Viết bài văn nghị luận ( khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/ chị về việc nhận thức về giá trị của bản thân mỗi người.

 

ĐÁP ÁN

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4.0
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1 Ngôi kể của đoạn văn bản: Ngôi thứ 3 0.5
2 Những âm thanh vang lên giữa lúc nhân vật Điền ngồi viết vào buổi sáng hôm sau là: Tiếng con khóc, tiếng vợ gắt gỏng, tiếng léo xéo đòi nợ và tiếng chửi bới của một người láng giềng ban đêm mất gà. 0.5
3 – Biện pháp tu từ điệp trong các câu văn là: Điệp ngữ: Vợ Ðiền khổ, con Ðiền khổ, cha mẹ Ðiền khổ. Chính Ðiền cũng khổ. Bao nhiêu người nữa, cùng một cảnh, khổ như Ðiền!

– Tác dụng: + Nhấn mạnh người đọc hình dung ra sự thống khổ, những khó khăn đến cùng cực mà Điền cũng như người thân trong gia đình và xã hội lúc bấy giờ đang phải trải qua.

+ Tạo ngữ điệu trăn trở, day dứt của người kể về nghệ thuật.

1.0
4 Nhận xét về phẩm chất nổi bật của nhân vật Điền trong văn bản:

– Là 1 nhà văn có lí tưởng đẹp đẽ về văn chương nghệ thuật.

– Có cái nhìn chân thực, sâu sắc về cuộc đời, về mối quan hệ giữa văn chương nghệ thuật và cuộc sống: nghệ thuật phải vị nhân sinh chứ k phải nghệ thuật chỉ vị nghệ thuật.
⟶ Nhà văn có tâm huyết, có tình thương và có hoài bão lớn.

 

1.0
5 Qua văn bản, ước mơ của nhân vật Điền mà em cho là có ý nghĩa nhất đối với cuộc sống hiện nay là: Nghệ thuật phải vì con người, nhà văn phải là người phản ánh trung thực cuộc sống ngay cả khi cuộc sống còn nhiều ngang trái, khổ đau. Cái đẹp, cái tài không thể tồn tại nếu không gắn với cuộc sống, không phục vụ cuộc sống …

Vì:

+ Con người là đối tượng phản ánh của văn học, hiện thực cuộc sống chính là nguồn cảm hứng, là chất liệu tạo nên tác phẩm văn học. Con người cũng chính là đối tượng hướng tới của văn học. Nếu xa rời hiện thực, văn chương sẽ trở nên sáo rỗng; không có độc giả, văn chương sẽ “chết”.

+ Văn chương phải cất lên tiếng nói sẻ chia, đồng cảm với con người mới là văn chương chân chính.

* HS có thể trả lời và lí giải theo nhiều cách. Diễn đạt tương đương, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức đều cho điểm tối đa.

1.0
II   VIẾT 6,0
 

 

1 Viết đoạn văn nghị luận ( Khoảng 200 chữ) làm rõ đặc điểm về cảm xúc của nhân vật trữ tình trong văn bản 2.0
a. Xác định được về hình thức, dung lượng của đoạn văn ( khoảng 200 chữ). Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng- phân- hợp; song hành hoặc móc xích. 0.25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: đặc điểm về cảm xúc của nhân vật trữ tình. 0.25
c.Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề cần nghị luận.

Xác định được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề cần nghị luận, sau đây là một số gợi ý:

–         Nhân vật trữ tình trong đoạn thơ là “em” – người con gái đang yêu.

–         Qua khổ thơ, cảm xúc của nhân vật trữ tình bộc lộ:

+ Đó là trái tim yêu tinh tế, nhạy cảm, luôn lo âu, phấp phỏng, luôn dự cảm những đổi thay trong tình yêu: “Em lo âu trước xa tắp đời mình”,“Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn”, Điệp ngữ “Trái tim đập” ->một sự thúc giục đến cồn cào từ bên trong để vươn tới những điều nhân vật em mong muốn khi yêu

+ Đó còn là trái tim yêu mãnh liệt, luôn sống hết mình, cháy hết mình, hi sinh hết mình cho tình yêu: “ Em trở về đúng nghĩa trái tim em”, quan hệ từ “ Vẫn – Nhưng” -> tình yêu thủy chung, bao dung, vị tha.

0.5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được thao tác lập luận, phương thức biểu đạt hợp lý để triển khai vấn đề.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục, lí lẽ xác đáng,  bằng chứng hợp lý.

0.5
e. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0.25
g. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. 0.25
2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mỗi chúng ta đều có một giá trị riêng. Nhận thức và phát huy hay không là ở lựa chọn của bạn. Viết bài văn nghị luận ( khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/ chị về việc nhận thức về giá trị của bản thân mỗi người.   4.0
a. Đảm bảo đúng kiểu bài văn nghị luận  xã hội 0.25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: về việc nhân thức về giá trị bản thân của mỗi người. 0.5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề cần nghị luận.

– Xác định được ý chính của bài viết.

– Xác định các ý theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu được vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm cá nhân về vấn đề nghị luận.

* Triển khai vấn đề cần nghị luận:

– Giải thích:“Giá trị bản thân” là: sự tồn tại có ý nghĩa của mỗi con người, là nội lực riêng trong mỗi con người. Đó là yếu tố để mỗi người khẳng định được vị trí trong cuộc đời. Có thể hiểu đó là ưu điểm, thế mạnh vượt trội của mỗi người so với những người khác khiến mình có một cá tính riêng, dấu ấn riêng không trộn lẫn với đám đông.

– Bày tỏ quan điểm của người viết:

+ Giá trị bản thân biểu hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau như  nhân cách, hành động, ý chí, nghị lực, tinh thần hướng thiện, hướng đến những điều tốt đẹp cho chính bản thân họ và cho cuộc sống xung quanh…

+ Mỗi người đều có giá trị khác biệt, đó chính là thứ để khẳng định bản thân, tự làm mới, tự tạo dấu ấn cá nhân trong xã hội công nghiệp này.

+ Ý thức về giá trị của bản thân khiến chúng ta có động lực sống, có niềm cảm hứng thúc đẩy chúng ta đứng lên thực hiện ước mơ, lý tưởng một cách đầy nhiệt huyết và có trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn gian khổ.

+ Biết được giá trị bản thân sẽ biết được điểm mạnh để phát huy, điểm yếu để hạn chế, như vậy sẽ đạt nhiều thành công trong cuộc sống.

+ Mỗi người đều có giá trị của riêng mình, nhiều người trong xã hội cùng hòa vào sẽ tạo ra giá trị cuộc sống, xã hội ngày càng phát triển.

– Lấy được dẫn chứng và phân tích dẫn chứng.

– Mở rộng, bày tỏ quan điểm trái chiều, hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện hơn:Phê phán những biểu hiện tự ti, lối sống mặc cảm, sống trong vỏ bọc; giá trị bản thân không thể hiện ở ngoại hình, chức vụ, nghề nghiệp…

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân và rút ra bài học cho bản thân.

 

1.0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

d.  Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

Học sinh lựa chọn được 2 luận điểm để bày tỏ được quan điểm của cá nhân.

– Lựa chọn được thao tác lập luận, phương thức biểu đạt hợp lý để triển khai vấn đề.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục, lí lẽ xác đáng, bằng chứng hợp lý.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ quan điểm của cá nhân nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1.5
e. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt, liên kết bài văn

0.25

 

g Sáng tạo: Bài viết có suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ. 0.5

 

Tổng điểm 10.0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *