Đề bài
ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
TIẾNG ĐÀN BẦU
(Lữ Giang)
Lắng tai nghe đàn bầu
Ngân dài trong đêm thâu
Tiếng đàn là suối ngọt
Cho thời gian lên màu.
Tiếng đàn bầu của ta
Lời đằm thắm thiết tha
Cung thanh là tiếng mẹ
Cung trầm là giọng cha.
Đàn ngày xưa mất nước
Dây đồng lẻ não nuột
Người hát xẩm mắt mù
Ôm đàn đi trong mưa
Mừng Việt Nam chiến thắng
Đàn bầu ta dạo lên
Nghe niềm vui sâu đậm
Việt Nam – Hồ Chí Minh.
(Mã Giang Lân sưu tầm, tuyển chọn, Thơ Việt Nam 1954 – 1964, NXB Giáo dục, 1997, tr155)
Trả lời các câu hỏi sau (Theo ma trận của Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Câu 1: Nhân vật trữ tình trong văn bản là ai?
Câu 2: Chỉ ra những hình ảnh trong bài thơ miêu tả các cung bậc của tiếng đàn bầu.
Câu 3: Những biện pháp tu từ nào được sử dụng trong hai dòng thơ: “Tiếng đàn là suối ngọt/Cho thời gian lên màu”.
Câu 4: Anh/chị hiểu như thế nào về câu thơ: “Đàn ngày xưa mất nước /Dây đồng lẻ não nuột”.
Câu 5: Nêu hiệu quả của việc kết hợp các biện pháp tu từ trong các dòng thơ sau:
Tiếng đàn bầu của ta
Lời đằm thắm thiết tha
Cung thanh là tiếng mẹ
Cung trầm là giọng cha.
Câu 6: Nhận xét về đặc điểm và tác dụng của các hình ảnh thơ trong các dòng thơ sau:
Đàn ngày xưa mất nước
Dây đồng lẻ não nuột
Người hát xẩm mắt mù
Ôm đàn đi trong mưa
Câu 7: Qua những suy nghĩ của nhà thơ về tiếng đàn bầu, anh/chị nhận ra thái độ, tình cảm nào của tác giả.
Câu 8: Anh/chị rút ra bài học gì sau khi đọc bài thơ.
LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về tác phẩm trên.
Hướng dẫn đáp án chi tiết
ĐỌC – HIỂU
Câu 1: Nhân vật trữ tình trong văn bản: Ta
Câu 2: Những hình ảnh trong đoạn trích miêu tả các cung bậc của tiếng đàn bầu: ngân dài trong đêm, cung thanh , cung trầm,…
Câu 3: Những biện pháp tu từ nào được sử dụng trong hai dòng thơ: “Tiếng đàn là suối ngọt/Cho thời gian lên màu”.
* Biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ là:
– So sánh: Tiếng đàn – suối ngọt
– Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: Thời gian lên màu
Câu 4: Anh/chị hiểu như thế nào về câu thơ: “Đàn ngày xưa mất nước /Dây đồng lẻ não nuột”.
– Tiếng đàn bầu mang theo cả những giai điệu bi ai, não nuột, buồn tủi khi đất nước, nhân dân bị rơi vào cảnh lầm than nô lệ, mất độc lập tự do.
– Đó cũng chính là tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ.
Câu 5: Nêu hiệu quả của việc kết hợp các biện pháp tu từ trong các dòng thơ sau:
Tiếng đàn bầu của ta
Lời đằm thắm thiết tha
Cung thanh là tiếng mẹ
Cung trầm là giọng cha.
– Đoạn thơ đã sử dụng kết hợp các biện pháp tu từ:
+ Lặp cấu trúc “Cung… là…”
+ So sánh: “Cung thanh” như là “tiếng mẹ”; “cung trầm” như là “giọng cha”
+ Liệt kê: Cung thanh, cung trầm, tiếng mẹ, giọng cha
+ Đối: Thanh – trầm; mẹ – cha
– Việc sử dụng kết hợp các biện pháp tu từ đã đem lại hiệu quả nghệ thuật cho đoạn thơ:
+ Khắc họa những cung bậc âm thanh, cảm xúc của tiếng đàn bầu. Tiếng đàn bầu có cung bậc âm thanh phong phú trầm bổng, ngân nga, thanh thoát vừa gần gũi, quen thuộc, giản dị, ấm áp vừa thiêng liêng cao đẹp như tình mẹ, tình cha.
+ Qua đó, thể hiện tình yêu, niềm tự hào của tác giả về vẻ đẹp của tiếng đàn bầu, một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam.
+ Việc kết hợp các biện pháp tu từ còn tạo nhịp điệu, giọng điệu cho đoạn thơ, khiến cho đoạn thơ giàu tính nhạc, giàu hình ảnh, giàu giá trị biểu cảm, sinh động, hấp dẫn.
Câu 6: Nhận xét về đặc điểm và tác dụng của các hình ảnh thơ trong các dòng thơ sau:
Đàn ngày xưa mất nước
Dây đồng lẻ não nuột
Người hát xẩm mắt mù
Ôm đàn đi trong mưa.
– Đoạn thơ đã xây dựng những hình ảnh độc đáo là: “Dây đồng lẻ”; “người hát xẩm mắt mù, ôm đàn đi trong mưa”.
+ “Dây đồng lẻ não nuột” là hình ảnh khắc họa đặc điểm độc đáo của cây đàn bầu cùng những giai điệu cô đơn, bi ai của tiếng đàn trong những năm tháng đất nước mất chủ quyền.
+ Hình ảnh người hát xẩm mù lòa, ôm đàn trong đêm mưa khắc họa rõ nét về thân phận, cảnh ngộ đau đớn của những người dân Việt Nam trong những năm tháng đất nước bị giặc xâm lăng.
– Những hình ảnh đó được xây dựng một cách chân thực, cụ thể, giàu tính tạo hình, giàu giá trị biểu cảm gây ấn tượng mạnh mẽ đến bạn đọc. Giúp người đọc cảm nhận sâu sắc về những giai điệu của tiếng đàn; về thân phận, cảnh ngộ của con người VN trong hoàn cảnh đất nước mất độc lập tự do.
Câu 7: Qua những suy nghĩ của nhà thơ về tiếng đàn bầu, anh/chị nhận ra thái độ, tình cảm nào của tác giả.
– Tiếng đàn bầu hiện lên trong suy nghĩ của nhà thơ là:
+ Tiếng đàn bầu có nhiều cung bậc âm thanh gợi những cung bậc cảm xúc trong tâm hồn con người: khi ngọt ngào như dòng suối; khi đằm thắm thiết tha như tiếng mẹ, giọng cha; khi não nuột buồn tủi bởi mất nước; khi vui tươi phấn khởi bởi đất nước giành chiến thắng.
+ Tiếng đàn bầu gắn liền với đời sống tâm hồn của con người VN, gắn liền với từng giai đoạn lịch sử của đất nước, dân tộc.
– Qua những suy nghĩ đó, ta nhận ra thái độ, tình cảm của nhà thơ:
+ Đó là niềm xúc động khi nhà thơ lắng nghe từng giai điệu của tiếng đàn bầu
+ Đó là niềm tự hào, ngợi ca về một loại hình âm nhạc độc đáo của dân tộc
+ Đó còn là tình yêu với quê hương, đất nước; là sự quyết tâm lưu giữ, bảo tồn một loại hình âm nhạc truyền thống của dân tộc; là lòng quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước.
Câu 8: Anh/chị rút ra bài học gì sau khi đọc bài thơ.
Tình yêu quê hương đất nước.
Lưu giữ, bảo tồn những nét văn hoá truyền thống của dân tộc…
LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)
Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm
– Khái quát và tóm tắt đôi nét nổi bật về tác giả Lữ Giang và tác phẩm, giá trị và ý nghĩa của bài Tiếng đàn bầu.
– Dẫn dắt vào vấn đề cần làm sáng tỏ: thuyết minh về bài thơ Tiếng đàn bầu.
Thân bài:
* Giới thiệu ngắn gọn về quê quán, gia đình, con người, sự nghiệp văn chương của tác giả
– Lữ Giang (1928-2005) tên thật là Trần Xuân Kỷ, quê ở xã Công Chính, huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhài văn Hà Nội, được biết nhiều là tác giả bài thơ Tiếng đàn bầu được nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc phổ nhạc.
– Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia nhiều cơ quan ở địa phương. Hòa bình lập lại ông làm biên tập lâu năm của báo Chính nghĩa. Vừa làm báo, Lữ Giang vừa say mê viết văn và làm thơ. Ông đã viết được một loạt truyện ký và tiểu thuyết như Hạnh phúc trên thế gian (1978), Ánh sáng và mây mù (1979), Con Đức mẹ (1990) và Dốc sương mù (2003).
=> Ông là cây bút tiêu biểu cho nền văn học hiện đại Việt Nam với giọng thơ gần gũi, đầm ấm và chan chứa tình cảm gắn bó với quê hương đất nước.
* Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác và thể loại của tác phẩm
-Theo lời kể của nhà thơ Lữ Giang thì bài thơ Tiếng đàn bầu được ông sáng tác vào năm 1954, đây chính là lần ông được cùng người thân đạp xe từ Nghệ An ra Hà Nội dự buổi biểu diễn của Đoàn Văn công Quân đội do nhà thơ Hoàng Cầm chỉ đạo.
– Bài thơ được viết theo thể thơ năm chữ, đã khái quát được bóng dáng quê hương đất nước với chiều sâu văn hóa cũng như thể hiện được tình yêu quê hương đất nước của tác giả.
* Trình bày giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm
Giá trị tư tưởng:
– Hình tượng tiếng đàn bầu là hình tượng nghệ thuật đặc sắc của bài thơ được hiện lên với những cung bậc âm thanh, cảm xúc phong phú. Xuyên suốt cả bài thơ có sự sóng đôi giữa tiếng đàn bầu và tiếng lòng của nhà thơ.
+ Khổ thơ thứ nhất, tiếng đàn bầu hiện lên với những giai điệu ngân vang, ngọt ngào, trữ tình giống như dòng suối ngọt, làm cho thời gian cũng có sắc màu.
+ Khổ thơ thứ hai, tiếng đàn bầu hiện lên với những cung bậc âm thanh đằm thắm, thiết tha; khi trầm khi bổng, khi thanh thoát như tiếng mẹ, khi trầm vang như giọng cha.
+ Khổ thơ thứ ba, tiếng đàn bầu mang theo những giai điệu bi ai, não nuột, buồn tủi khi đất nước, nhân dân bị rơi vào cảnh lầm than nô lệ, mất độc lập tự do.
+ Khổ thơ thứ tư, tiếng đàn bầu là những giai điệu hào hùng, réo rắt, vui tươi ẩn chứa niềm vui sâu đậm ngợi ca đất nước trong ngày chiến thắng.
=> Tiếng đàn bầu hiện lên với những cung bậc âm thanh, cảm xúc phong phú không chỉ phản ánh đời sống tâm hồn của con người Việt Nam mà còn gắn liền với những giai đoạn lịch sử của đất nước, dân tộc.
– Đồng thời, qua hình tượng tiếng đàn bầu cũng góp phần khắc họa vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ:
+ Đó là niềm xúc động khi nhà thơ lắng nghe từng giai điệu của tiếng đàn bầu
+ Đó là niềm tự hào, ngợi ca về một loại hình âm nhạc độc đáo của dân tộc
+ Đó còn là tình yêu với quê hương, đất nước; là sự quyết tâm lưu giữ, bảo tồn một loại hình âm nhạc truyền thống của dân tộc; là lòng quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước.
– Ngoài ra, đọc thi phẩm cũng giúp ta chiêm nghiệm ra nhiều bài học sâu sắc : Bài học về tình yêu quê hương đất nước, về lưu giữ, bảo tồn những nét văn hoá truyền thống của dân tộc.
Giá trị nghệ thuật:
– Sử dụng thể thơ năm chữ quen thuộc, gần gũi
– Lựa chọn lời thơ đầy ấn tượng, thay đổi theo dòng cảm xúc của tiếng đàn.
– Xây dựng hệ thống hình ảnh tự nhiên, chân thực, cụ thể, giàu tính tạo hình, giàu giá trị biểu cảm gây ấn tượng mạnh mẽ đến bạn đọc.
– Ngôn ngữ thơ trong sáng, giản dị.
– Sử dụng kết hợp nhiều biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ, liệt kê, đối không chỉ giúp bài thơ giàu tính nhạc, gợi hình, gợi cảm mà còn khắc họa rõ nét những cung bậc âm thanh, cảm xúc của tiếng đàn bầu.
Kết bài: Khẳng định đóng góp của tác phẩm cho nền văn học hoặc cho đời sống văn hóa của đất nước và thế giới.
Bài viết tham khảo:
“Tiếng đàn bầu” là bài thơ để đời của nhà thơ Lữ Giang. Thi phẩm không chỉ là một tác phẩm văn học đẹp, mà còn chứa đựng tinh thần sâu sắc và tình cảm sâu đậm với văn hóa dân tộc Việt Nam. Sự kết hợp giữa ngôn từ và âm nhạc trong bài thơ đã tạo ra một tác phẩm nghệ thuật đầy ấn tượng, gây xúc động và chạm đến lòng người nghe. Đặc biệt, chính những nét đặc sắc về tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm đã tạo thành sợi dây gắn kết thi phẩm với độc giả.
Lữ Giang (1928-2005) tên thật là Trần Xuân Kỷ, quê ở xã Công Chính, huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia nhiều cơ quan ở địa phương. Hòa bình lập lại ông làm biên tập lâu năm của báo Chính nghĩa. Vừa làm báo, Lữ Giang vừa say mê viết văn và làm thơ. Ông đã viết được một loạt truyện ký và tiểu thuyết như Hạnh phúc trên thế gian (1978), Ánh sáng và mây mù (1979), Con Đức mẹ (1990) và Dốc sương mù (2003). Trong đó, tác phẩm được biết đến nhiều là bài thơ Tiếng đàn bầu được nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc phổ nhạc.
Theo lời kể của nhà thơ Lữ Giang thì bài thơ Tiếng đàn bầu được ông sáng tác vào năm 1954, đăng trong tập thơ “Nắng bên sông”. Đây chính là lần ông được cùng người thân đạp xe từ Nghệ An ra Hà Nội dự buổi biểu diễn của Đoàn Văn công Quân đội do nhà thơ Hoàng Cầm chỉ đạo. Nhà thơ Lữ Giang không sao quên được cảm xúc của ông trong chuyến hành hương về thủ đô này: “Năm 1954, khi thủ đô được giải phóng, đạp xe từ Khu 4 về Hà Nội, tôi được nghe một nghệ sĩ biểu diễn đàn bầu. Ôi tiếng đàn bầu thánh thót, réo rắt đến vậy, làm xao xuyến lòng người… Khi Nguyễn Đình Phúc đọc bài thơ của tôi, tôi thấy anh rất tâm đắc với bài thơ này”. Bài thơ được viết theo thể thơ năm chữ, đã khái quát được bóng dáng quê hương đất nước với chiều sâu văn hóa cũng như thể hiện được tình yêu quê hương đất nước của tác giả. Mỗi khổ thơ trong bài thơ đều thấm đẫm tiếng lòng của nhà thơ với những cảm xúc tinh tế khi nghe tiếng đàn bầu.
“Tiếng đàn bầu” là tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc. Về tư tưởng, thông qua tiếng đàn bầu- vẻ đẹp văn hóa của người Việt thi phẩm đã thể hiện được tình yêu, niềm tự hào về quê hương, đất nước của nhà thơ. Trước hết, hình tượng tiếng đàn bầu là hình tượng nghệ thuật đặc sắc của bài thơ được hiện lên với những cung bậc âm thanh, cảm xúc phong phú. Xuyên suốt cả bài thơ có sự sóng đôi giữa tiếng đàn bầu và tiếng lòng của nhà thơ. Ở khổ thơ thứ nhất với biện pháp so sánh và điệp từ, hình ảnh thơ trở nên gợi hình, gợi cảm hơn và âm thanh của tiếng đàn bầu trong đêm cũng trở nên da diết, thiết tha hơn. Đặc biệt là những giai điệu ngân vang, ngọt ngào, trữ tình giống như dòng suối ngọt, làm cho thời gian cũng có sắc màu. Đến với khổ thơ thứ hai, với những câu thơ xuất thần như:
Tiếng đàn bầu của ta
Lời đằm thắm thiết tha
Cung thanh là tiếng mẹ
Cung trầm như giọng cha
Người đọc không chỉ cảm nhận được sự độc đáo về âm thanh của tiếng đàn mà còn cảm nhận sâu sắc hơn tình cha, nghĩa mẹ qua các cung bậc của tiếng đàn. Tiếng đàn bầu hiện lên với những cung bậc âm thanh thật đằm thắm, thiết tha,khi trầm khi bổng, khi thanh thoát như tiếng mẹ, khi trầm vang như giọng cha. Thế nhưng, ở khổ thơ thứ ba, giọng thơ trầm lại, tiếng đàn bầu lúc này như ai oán, như than thở cho một kiếp người cô độc giữa cuộc đời. Hình ảnh: Có người hát xẩm mù/ Ôm đàn đi trong mưa/Mưa hòa cùng nước mắt gợi lên cho người đọc sự xót thương, đồng cảm sâu sắc. Mỗi khúc ngân của tiếng đàn bầu là cả một quá trình trăn trở, suy tư, của tác giả. Dường như lúc này tiếng đàn bầu mang theo những giai điệu bi ai, não nuột, buồn tủi khi đất nước, nhân dân bị rơi vào cảnh lầm than nô lệ, mất độc lập tự do. Đặc biệt, đến với khổ thơ cuối, tiếng đàn bầu lại hóa thân thành những giai điệu hào hùng, réo rắt, vui tươi ẩn chứa niềm vui sâu đậm ngợi ca đất nước trong ngày chiến thắng. Có thể thấy, tiếng đàn bầu hiện lên với những cung bậc âm thanh, cảm xúc phong phú không chỉ phản ánh đời sống tâm hồn của con người Việt Nam mà còn gắn liền với những giai đoạn lịch sử của đất nước, dân tộc. Đồng thời, qua hình tượng tiếng đàn bầu cũng góp phần khắc họa vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ. Đó là niềm xúc động khi nhà thơ lắng nghe từng giai điệu của tiếng đàn bầu, là niềm tự hào, ngợi ca về một loại hình âm nhạc độc đáo của dân tộc. Đặc biệt, đó còn là tình yêu với quê hương, đất nước, là sự quyết tâm lưu giữ, bảo tồn một loại hình âm nhạc truyền thống của dân tộc, là lòng quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước. Ngoài ra, đọc thi phẩm cũng giúp ta chiêm nghiệm ra nhiều bài học sâu sắc về tình yêu quê hương đất nước, về lưu giữ, bảo tồn những nét văn hoá truyền thống của dân tộc.
Về nghệ thuật, “Tiếng đàn bầu” đã hội tụ nhiều yếu tố hình thức đặc sắc, góp phần tạo nên thành công của thi phẩm cũng như thể hiện tài năng của tác giả. Nhà thơ lựa chọn thể thơ năm chữ quen thuộc, gần gũi cùng với lời thơ đầy ấn tượng, thay đổi theo dòng cảm xúc của tiếng đàn đã giúp bài thơ giống như một bản nhạc trầm bổng, du dương. Xây dựng hệ thống hình ảnh tự nhiên, chân thực, cụ thể, giàu tính tạo hình, giàu giá trị biểu cảm đã gây ấn tượng mạnh mẽ đến bạn đọc, đồng thời giúp người đọc cảm nhận sâu sắc về những giai điệu của tiếng đàn, về thân phận, cảnh ngộ của con người Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước mất độc lập tự do. Ngôn ngữ thơ trong sáng, giản dị cũng là một điểm sáng ấn tượng của thi phẩm. Đặc biệt, sử dụng kết hợp nhiều biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ, liệt kê, đối không chỉ giúp bài thơ giàu tính nhạc, gợi hình, gợi cảm mà còn khắc họa rõ nét những cung bậc âm thanh, cảm xúc của tiếng đàn bầu cũng như là tiếng lòng của thi nhân.
Bài thơ “Tiếng đàn bầu” của Lữ Giang không chỉ là một tác phẩm văn học, mà còn là biểu tượng của tinh thần và văn hóa dân tộc Việt Nam. Sự kết hợp giữa lời thơ và âm nhạc đã tạo ra một tác phẩm vĩ đại, đánh bại thời gian và luôn truyền tải cảm xúc sâu sắc đến người nghe, làm cho mỗi hạt âm nhạc từ đàn bầu trở nên sống động và ý nghĩa hơn bao giờ hết. Đồng thời, thi phẩm đã làm cho đàn bầu trở nên phổ biến và trở thành biểu tượng của âm nhạc dân tộc, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa của Việt Nam trong lòng người dân và trên trường quốc tế.