VIẾT VĂN BẢN THUYẾT MINH VỀ MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC
Đề bài
ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
Mùa hạ
(1)Đó là mùa của những tiếng chim reo
Trời xanh biếc, nắng tràn trên khắp ngả
Đất thành cây, mật trào lên vị quả
Bước chân người bỗng mở những đường đi
(2)Đó là mùa không thể giấu che
Cả vạn vật đều phơi trần dưới nắng
Biển xanh thẳm, cánh buồm lồng lộng trắng
Từ những miền cay đắng hoá thành thơ.
(3)Đó là mùa của những ước mơ
Những dục vọng muôn đời không xiết kể
Gió bão hoà, mưa thành sông thành bể
Một thoáng nhìn có thể hoá tình yêu
(4)Đó là mùa của những buổi chiều
Cánh diều giấy nghiêng vòm trời cao vút
Tiếng dế thức suốt đêm dài oi bức
Tiếng cuốc dồn thúc giục nắng đang trưa
(5)Mùa hạ của tôi, mùa hạ đã đi chưa
Ôi tuổi trẻ bao khát khao còn, hết?
Mà mặt đất màu xanh là vẫn biển
Quả ngọt ngào thắm thiết vẫn màu hoa.
28 – 6 – 1986
(Trích Thơ Xuân Quỳnh, NXB Văn học, 2016, tr. 34)
Trả lời các câu hỏi sau (Theo ma trận của Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Câu 1: Xác định thể thơ của văn bản?
Câu 2: Bức tranh mùa hạ được miêu tả trong bài thơ là bức tranh thiên nhiên như thế nào?
Câu 3: Tác giả gọi mùa hạ là mùa là của những điều gì?
Câu 4: Nội dung của bài thơ?
Câu 5: Ý nghĩa ẩn dụ của mùa hè được thể hiện trong bài thơ.
Câu 6: Chỉ ra và nêu hiệu quả của một phép tu từ nổi bật được sử dụng trong bài thơ.
Câu 7: Nhận xét về tâm trạng của nhân vật trữ tình trong khổ thơ (5).
Câu 8: Thông điệp nào trong bài thơ có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Vì sao?
LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về tác phẩm trên.
Hướng dẫn đáp án chi tiết
ĐỌC – HIỂU
Câu 1:
Thể thơ: Tự do.
Câu 2:
Sinh động, vui tươi, căng tràn sức sống.
Câu 3:
Tác giả gọi mùa hạ là mùa: của những tiếng chim reo, không thể giấu che, của những ước mơ, của những buổi chiều.
Câu 4:
-Bài thơ đã khắc họa bức tranh thiên nhiên mùa hạ sinh động, rực rỡ sắc màu, rộn rã âm thanh, vui tươi, căng tràn sức sống của thiên nhiên, đất trời.
-Qua những cảm nhận vạn vật như đều có linh hồn cho thấy tâm hồn nhạy cảm, tinh tế và một tình yêu tha thiết với thiên nhiên, với cuộc sống của nhà thơ.
Câu 5: Mùa hè ẩn dụ cho tuổi trẻ nhiều đam mê, khát vọng, hoài bão.
Câu 6:
– Bài thơ sử dụng phép điệp cấu trúc: “Đó là mùa…”
– Hiệu quả:
+ Nhấn mạnh vẻ đẹp phong phú, đa dạng của mùa hạ.
+ Thể hiện tình yêu của tác giả với mùa hè.
+ Làm cho bài thơ giàu hình ảnh, giàu nhạc điệu, được liên kết chặt chẽ.
Câu 7:
– Tâm trạng của nhân vật trữ tình trong khổ thơ (5):
+Thảng thốt, tiếc nuối tuổi trẻ và tin tưởng dù năm tháng qua đi nhưng những khát khao, ước mơ vẫn còn mãi.
+ Đó là tâm trạng tích cực thể hiện niềm yêu đời, yêu cuộc sống. Tâm trạng đó được thể hiện qua thể thơ tự do, qua ngôn ngữ giản dị.
Câu 8:
– Thông điệp: Tuổi trẻ luôn khát khao, mơ ước/Con người không chùn bước trước mọi khó khăn, thử thách. Bởi con người làm nên những điều lớn lao, mới mẻ…
– Lí giải hợp lý, thuyết phục.
LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)
Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm
– Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam. Bà có phong cách sáng tác độc đáo, đa dạng. Thơ Xuân Quỳnh thường sử dụng những hình ảnh tươi sáng, ngây thơ và lãng mạn.
– Bài thơ “mùa hạ” là tác phẩm khắc họa rõ nét một mùa hè trong suy nghĩ của Xuân Quỳnh, là bài thơ xuất sắc trong sự nghiệp sáng tác của bà. Mùa hạ trong cái cảm nhận của Xuân Quỳnh là một mùa của những âm thanh, những hương vị đặc trưng của mùa hè. Tác phẩm được nữ thi sĩ viết khi tuổi thanh xuân đã qua nhưng những cảm nhận, khát khao về những khoảnh khắc đẹp đẽ của đất trời vẫn được thể hiện rõ qua từng lời thơ
Thân bài:
* Giới thiệu ngắn gọn về quê quán, gia đình, con người, sự nghiệp văn chương của tác giả
–Nhà thơ Xuân Quỳnh (1942 – 1988) tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh. Quê quán xã La Khê, thị xã Hà Đông, Tỉnh Hà Đông, nay thuộc Quận Hà Đông, Tp Hà Nội. Bà là một trong những nhà thơ nữ Việt Nam với nhiều những tác phẩm thơ nổi tiếng và được nhiều người biết đến.
-Xuân Quỳnh được xem là một trong nữ thi sĩ nổi tiếng với nhiều những bài thơ đã đi vào lòng của biết bao nhiêu thế hệ như: Thuyền và Biển, Sóng, Tiếng gà trưa, Thơ tình cuối mùa thu,…
-Nhà thơ Xuân Quỳnh đã được nhà nước phong tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về những thành tựu bà đã làm cho nền văn học của nước nhà.
-Chủ đề chính trong những bài thơ của Xuân Quỳnh thường hướng nhiều về nội tâm như: Kỷ niệm tuổi thơ, tình yêu gia đình,… Thơ ca của bà có tính hướng nội, thiên nhiều về tâm trạng cá nhân nhưng không quá rời xa với đời sống.
-Thơ của bà là đời sống thực, đời sống của bà trong những năm đất nước còn đang bị chiến tranh, nghèo đói, thơ của Xuân Quỳnh là những lo toan con cái, cơm nước, cửa nhà của một người phụ nữ. Những nét riêng trong thơ của Xuân Quỳnh so với các thế hệ nhà thơ hiện đại khác cùng thời đó chính là cái gọi là khía cạnh nội tâm.
* Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác và thể loại của tác phẩm
-“Mùa hạ” là một bài thơ được Xuân Quỳnh sáng tác khi tuổi trẻ đã đi qua. Lúc đó chị đã là một phụ nữ từng trải và đứng tuổi, nhưng cái rực cháy, cái khát khao của một thời vẫn rạo rực qua từng câu thơ.
– Bài thơ làm theo thể thơ tự do
-Phương thức biểu đạt: biểu cảm
– Cấu tứ: bài thơ được cấu tứ theo mạch cảm xúc và liên tưởng, suy tư của chủ thể trữ tình trước vẻ đẹp của mùa hạ, sự tương đồng giữa sức sống căng tràn, mãnh liệt của vạn vật khi đất trời vào hạ với tuổi trẻ của con người.
* Trình bày giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm
-Nội dung
+Khổ 1: Những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất của đất trời
+Khổ 2: Cái nắng vài xua tan đi mọi điều tối tăm, ưu phiền
+Khổ 3: Mùa hạ được tả thực với bão mưa và khát vọng sống mãnh liệt của con người…
+ Khổ 4: Thiên nhiên hiện lên chân thực với buổi chiều mùa hạ có cánh diều bay trên bầu trời, buổi đêm oi bức có tiếng dế kêu, buổi trưa có tiếng cuốc khắc khoải, giục giã nắng hè…
+ Khổ 5: Từ mùa hạ của thiên nhiên tác giả đã liên hệ đến mùa hạ của đời người với bao khát khao sống, cống hiến và dựng xây…
-Bài thơ đã khắc họa bức tranh thiên nhiên mùa hạ sinh động, rực rỡ sắc màu, rộn rã âm thanh, vui tươi, căng tràn sức sống của thiên nhiên, đất trời. Thông qua bức tranh mùa hạ rực rỡ và tràn đầy sức sống, tác giả ca ngợi vẻ đẹp của tuổi trẻ, bày tỏ những ước mơ, khát khao, hoài bão…
– Nghệ thuật:
+ Nghệ thuật sử dụng hình ảnh:
Những hình ảnh đặc trưng của mùa hạ: gió bão, cánh diều, tiếng dế, tiếng cuốc, nắng… gợi hình dung về một không gian thoáng đãng, rộng lớn, nhộn nhịp, náo động…
+ Ngôn từ: sử dụng nhiều động, tính từ làm bật sức sống căng tràn của vạn vật; thể hiện được những xao động, niềm rạo rực, say mê, khát vọng của chủ thể trữ tình.
+ Sử dụng kết hợp các biện pháp tu từ: điệp cấu trúc, liệt kê… làm cho bài thơ giàu nhạc tính
+ Giọng điệu: vừa sôi nổi, vừa chất chứa những trắc ẩn, suy tư.
Kết bài: Khẳng định đóng góp của tác phẩm cho nền văn học hoặc cho đời sống văn hóa của đất nước và thế giới.
– Khẳng định lại những nét độc đáo, đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ; nêu tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc cảm nghĩ sau khi đọc, thưởng thức bài thơ.
Bài viết tham khảo:
Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam. Bà có phong cách sáng tác độc đáo, đa dạng. Thơ Xuân Quỳnh thường sử dụng những hình ảnh tươi sáng, ngây thơ và lãng mạn. Bài thơ “Mùa hạ” là tác phẩm khắc họa rõ nét một mùa hè trong suy nghĩ của Xuân Quỳnh, là bài thơ xuất sắc trong sự nghiệp sáng tác của bà. Mùa hạ trong cái cảm nhận của Xuân Quỳnh là một mùa của những âm thanh, những hương vị đặc trưng của mùa hè. Tác phẩm được nữ thi sĩ viết khi tuổi thanh xuân đã qua nhưng những cảm nhận, khát khao về những khoảnh khắc đẹp đẽ của đất trời.
Nhà thơ Xuân Quỳnh (1942 – 1988) tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh. Quê quán xã La Khê, thị xã Hà Đông, Tỉnh Hà Đông, nay thuộc Quận Hà Đông, Tp Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình công chức, mẹ mất sớm, bố thường xuyên công tác xa gia đình, bà được bà nội nuôi dạy từ nhỏ đến khi trưởng thành. Bà là một trong những nhà thơ nữ Việt Nam với nhiều những tác phẩm thơ nổi tiếng và được nhiều người biết đến. Xuân Quỳnh được xem là một trong nữ thi sĩ nổi tiếng với nhiều những bài thơ đã đi vào lòng của biết bao nhiêu thế hệ như: Thuyền và Biển, Sóng, Tiếng gà trưa, Thơ tình cuối mùa thu,… Nhà thơ Xuân Quỳnh đã được nhà nước phong tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về những thành tựu bà đã làm cho nền văn học của nước nhà.
Chủ đề chính trong những bài thơ của Xuân Quỳnh thường hướng nhiều về nội tâm như: Kỷ niệm tuổi thơ, tình yêu gia đình,… Thơ ca của bà có tính hướng nội, thiên nhiều về tâm trạng cá nhân nhưng không quá rời xa với đời sống. Thơ của bà là đời sống thực, đời sống của bà trong những năm đất nước còn đang bị chiến tranh, nghèo đói, thơ của Xuân Quỳnh là những lo toan con cái, cơm nước, cửa nhà của một người phụ nữ. Những nét riêng trong thơ của Xuân Quỳnh so với các thế hệ nhà thơ hiện đại khác cùng thời đó chính là cái gọi là khía cạnh nội tâm.
“Mùa hạ” là một bài thơ được Xuân Quỳnh sáng tác khi tuổi trẻ đã đi qua. Lúc đó chị đã là một phụ nữ từng trải và đứng tuổi, nhưng cái rực cháy, cái khát khao của một thời vẫn rạo rực qua từng câu thơ. Bài thơ làm theo thể thơ tự do, và bao gồm 5 khổ thơ. Cấu tứ của bài thơ theo mạch cảm xúc và liên tưởng, suy tư của chủ thể trữ tình trước vẻ đẹp của mùa hạ, sự tương đồng giữa sức sống căng tràn, mãnh liệt của vạn vật khi đất trời vào hạ với tuổi trẻ của con người.
Xuân Quỳnh đem đến cho người đọc những cảm nhận tinh tế về thiên nhiên. Thiên nhiên mùa hè hiện lên rực rỡ, nên thơ qua những sự vật quen thuộc. Đó là “tiếng chim reo”, hay “bầu trời xanh biếc”, “đất thành cây”,…. Đó là mùa hạ quen thuộc, đẹp và tràn đầy sức sống. Những hình ảnh Xuân Quỳnh đưa vào lời thơ tự nhiên, gợi một cảm giác muốn đón chào mùa hè. Không gian trời xanh bao la rộng lớn kết hợp với tiếng chim, với những màu sắc rực rỡ của mùa hè. Là những hình ảnh và âm thanh náo nhiệt mang đặc trưng của làng quê. Nếu như mùa xuân mang đến cho ta những sự sống mới, là lúc cây cối đâm chồi này lộc thì đến với mùa hạ là mùa tích tụ cho mật trào tỏa hương. Mùa hạ mở ra cho con người những chân trời mới “bước chân người bỗng mở những đường đi”. Một mùa hè thật tuyệt, đong đầy và đẹp đẽ, để lại trong lòng người đọc những cảm xúc khó phai. Bài thơ đã khắc họa bức tranh thiên nhiên mùa hạ sinh động, rực rỡ sắc màu, rộn rã âm thanh, vui tươi, căng tràn sức sống của thiên nhiên, đất trời. Thông qua bức tranh mùa hạ rực rỡ và tràn đầy sức sống, tác giả ca ngợi vẻ đẹp của tuổi trẻ, bày tỏ những ước mơ, khát khao, hoài bão…
Về nghệ thuật, “Mùa hạ” sử dụng những hình ảnh đặc trưng của mùa hạ: gió bão, cánh diều, tiếng dế, tiếng cuốc, nắng… gợi hình dung về một không gian thoáng đãng, rộng lớn, nhộn nhịp, náo động… Bằng việc sử dụng phép điệp ngữ “đó là”, cùng các từ ngữ và hình ảnh rất tinh tế để miêu tả những cung bậc cảm xúc khi mùa hạ đến. Ngôn từ: sử dụng nhiều động, tính từ làm bật sức sống căng tràn của vạn vật; thể hiện được những xao động, niềm rạo rực, say mê, khát vọng của chủ thể trữ tình. Sử dụng kết hợp các biện pháp tu từ: điệp cấu trúc, liệt kê… làm cho bài thơ giàu nhạc tính. Giọng điệu: vừa sôi nổi, vừa chất chứa những trắc ẩn, suy tư. Xuân Quỳnh khiến cho bài thơ trở nên gần gũi, mang đến những cảm xúc rất thực về mùa hạ.
“Mùa hạ” của Xuân Quỳnh là bài thơ xuất sắc trong sự nghiệp sáng tác của bà. Bài thơ mùa hạ còn mang đến cho người đọc một thông điệp sâu sắc. Đó là những suy nghĩ về cuộc sống và sự tồn tại của con người, sự kiên trì và niềm hy vọng. Bài thơ “Mùa hạ” của Xuân Quỳnh đã làm tái hiện lên bức tranh mùa hè vô cùng rực rỡ đầy sống động và tràn đầy sức sống. Tuổi trẻ dù đã qua đi nhưng ta vẫn là ta, hãy làm những gì ta muốn.