Đề HSG Thơ là ngọn lửa nhen lên trong lòng người, một ngọn lửa đốt cháy, sưởi ấm và soi sáng

UBND TỈNH HÀ NAM

 SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

ĐỀ CHÍNH THỨC

 

      KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 10 THPT CẤP TỈNH  

NĂM HỌC 2022 – 2023

Môn: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 180 phút

 

 

ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

            Đọc đoạn trích sau:

            Bạn có thể không tin nhưng tuổi trẻ mà không có trải nghiệm là tuổi trẻ vứt đi. Giống như một cuốn sách không có nội dung, một bài hát không có giai điệu, một khu rừng không có chim thú, cỏ cây…, một đời người mà không có tuổi trẻ cũng vô nghĩa tương tự.[]

            Chúng ta thường hay tìm kiếm những thứ bên ngoài để chứng minh bản thân mình: quần áo, điện thoại, hàng hiệu, xe cộ, nhà cửa, công việc, gia thế…Những thứ này là minh chứng hoàn hảo nói về một con người ở thì hiện tại nhưng tất cả chúng lại là những thứ có thể mất đi. [] Và khi chúng mất hết rồi thì bạn là ai? Dùng vật chất để định nghĩa bản thân mình là điều ngốc nghếch mà tuổi trẻ rất thường hay mắc phải.

            Vật chất nhiều đến mấy cũng có thể mất đi còn trải nghiệm của bạn thì sao? Hãy yên tâm rằng chúng là của bạn, luôn là của bạn, mãi mãi là của bạn, chúng sẽ không bao giờ mất đi. Hãy dùng những trải nghiệm để chứng tỏ giá trị bản thân, bạn sẽ nhận ra mình đặc biệt và quý giá hơn mọi vật phẩm trang trí bên ngoài.

(Theo Sống như ngày mai sẽ chết – Phi Tuyết,

NXB Thế giới, năm 2017, tr.143-145)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. Theo tác giả, tuổi trẻ thường hay chứng minh bản thân mình bằng cách nào?

Câu 3. Giống như một cuốn sách không có nội dung, một bài hát không có giai điệu, một khu rừng không có chim thú, cỏ cây…, một đời người mà không có tuổi trẻ cũng vô nghĩa tương tự. Anh/chị có đồng tình với ý kiến trên không? Vì sao?

Câu 4. Anh/chị hiểu như thế nào về lời khuyên của tác giả: Hãy dùng những trải nghiệm để chứng tỏ giá trị bản thân, bạn sẽ nhận ra mình đặc biệt và quý giá hơn mọi vật phẩm trang trí bên ngoài?

Câu 5. Chia sẻ một trải nghiệm ý nghĩa của anh/chị trong cuộc sống.

 I LÀM VĂN (17,0 điểm)

Câu 1 (7,0 điểm)

Nhà điêu khắc đẽo gọt từng nhát trên khối đá lớn. Dần dần, đầu, vai…rồi một thiên thần hiện ra.

Một cô bé thấy vậy hỏi nhà điêu khắc: Sao ông biết có thiên thần trong khối đá?

            Nhà điêu khắc trả lời: Thiên thần không ở trong khối đá mà ở trong tim ta.

Anh/chị hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của mình về câu nói của nhà điêu khắc.

Câu 2 (10,0 điểm)

Nhà văn Nga, Lep Tôn-xtôi cho rằng: Thơ là ngọn lửa nhen lên trong lòng người, một ngọn lửa đốt cháy, sưởi ấm và soi sáng.

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy làm sáng tỏ vấn đề.

Hết

 

Họ và tên thí sinh:………………………………………..Số báo danh:……………………………………………….

Người coi thi số 1………………………………………..Người coi thi số 2……………………………………….

 

UBND TỈNH HÀ NAM

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

 

 

         KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 10 THPT CẤP TỈNH

         NĂM HỌC 2022 – 2023

  

 

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN

(Hướng dẫn chấm gồm 04 trang)

YÊU CẦU CHUNG

– Thí sinh có kiến thức văn học và xã hội chính xác, sâu rộng; kĩ năng đọc hiểu, làm văn tốt. Bố cục bài làm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, giàu hình ảnh và cảm xúc.

– Hướng dẫn chấm chỉ nêu những nội dung cơ bản, có tính định hướng chứ không định lượng. Giám khảo cần hết sức linh hoạt khi vận dụng. Cần đánh giá bài làm của thí sinh trong tính chỉnh thể, không đếm ý cho điểm; trân trọng, khuyến khích những bài có cảm xúc và sáng tạo, có ý kiến và giọng điệu riêng; chấp nhận các cách kiến giải khác nhưng phải hợp lí và có sức thuyết phục.

– Việc chi tiết hoá điểm số của các câu (nếu có) trong Hướng dẫn chấm phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm mỗi câu và được thống nhất trong Hội đồng chấm thi.

– Bài thi được chấm theo thang điểm 20; làm tròn đến 0,25 điểm.

YÊU CẦU CỤ THỂ

  1. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
  2. Kĩ năng: Thí sinh trả lời các câu hỏi theo đúng yêu cầu, ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc.
  3. Kiến thức

Câu 1.                                                                                                                         (0,25 điểm)

Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: phương thức nghị luận/nghị luận

Câu 2.                                                                                                                      (0,5 điểm)

Theo tác giả, tuổi trẻ thường hay chứng minh bản thân mình bằng cách: tìm kiếm những thứ bên ngoài: quần áo, điện thoại, hàng hiệu, xe cộ, nhà cửa, công việc, gia thế…                                                                                                                 

Câu 3.                                                                                                                    (0,75 điểm)

Thí sinh có thể bày tỏ ý kiến khác nhau, có lí giải hợp lí, thuyết phục thì đều cho điểm. Dưới đây là một vài định hướng:

– Đồng tình với ý kiến:

+ Tuổi trẻ là tuổi thanh xuân, tuổi đẹp nhất của đời người, tuổi trẻ đầy ước mơ, hoài bão, nhiệt huyết, yêu đời, ham sống, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, cháy hết mình với những đam mê.

+ Nếu đời người mà không có tuổi trẻ, không có ước mơ, hoài bão, khát vọng thì cũng giống như một cuốn sách không có nội dung, một bài hát không có giai điệu, một khu rừng không có chim thú, cỏ cây… Đó là một cuộc đời nhàm chán, đơn điệu, tẻ nhạt, vô nghĩa.

– Không đồng tình với ý kiến:

+ Tuổi trẻ không đơn giản là một khái niệm chỉ một giai đoạn trong cuộc đời mà còn chỉ một trạng thái trong tâm hồn.

+ Dù ở bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời, con người luôn giữ được một tâm hồn tuổi trẻ thì cuộc đời con người luôn có ý nghĩa. Không ai già đi vì tuổi tác, chúng ta chỉ già đi khi để tâm hồn mình héo hon ( Mac Anderson).

– Vừa đồng tình, vừa không đồng tình: kết hợp cả 2 ý kiến trên.

Câu 4.                                                                                                              (0,75 điểm)                                                                                                                                          Thí sinh trình bày cách hiểu của cá nhân và có lý giải hợp lí, thuyết phục thì đều cho điểm. Dưới đây là một vài định hướng:

– Trải nghiệm là một phần tất yếu của cuộc sống, đặc biệt là trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

– Qua trải nghiệm, qua những hoạt động thực tế, con người sẽ tự trang bị tri thức; đúc kết những kinh nghiệm sống; nhận thức rõ những ưu điểm, hạn chế và khám phá cả những năng lực kì diệu của bản thân mình; giá trị con người được nâng cao. Đó mới là những giá trị bền vững, không bao giờ mất đi, giúp mỗi chúng ta thêm giàu có, tâm hồn thêm phong phú, mài giũa bản lĩnh thêm vững vàng để khôn lớn, trưởng thành. Những giá trị ấy quý giá hơn mọi vật phẩm trang trí bên ngoài vốn là những thứ có thể mất đi.

-> Lời khuyên ý nghĩa, đã nhấn mạnh vai trò của sự trải nghiệm.

Câu 5.                                                                                                                   (0,75 điểm)

– Thí sinh chia sẻ một trải nghiệm có ý nghĩa của bản thân.

– Thí sinh rút ra được giá trị của những trải nghiệm đó.

  1. LÀM VĂN­ (17,0 điểm)

Câu 1 (7,0 điểm)

  1. Kĩ năng: Đáp ứng đúng yêu cầu của bài văn nghị luận xã hội; bố cục rõ ràng, hợp lí; lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục; dẫn chứng phù hợp; khuyến khích những bài viết sáng tạo.
  2. Kiến thức: Trên cơ sở hiểu đúng vấn đề, biết cách làm bài nghị luận xã hội, thí sinh có thể trình bày quan điểm cá nhân nhưng cần hợp lí, thuyết phục; dưới đây là một hướng giải quyết:
  3. a) Mở bài: Dẫn dắt giới thiệu được vấn đề cần nghị luận  (0,25 điểm)
  4. b) Thân bài

* Giải thích                                                                                                                     (1,0 điểm)                                                                                                                          

Câu hỏi của cô bé Sao ông biết có thiên thần trong khối đá?: cô bé cho rằng thành quả lao động của nhà điêu khắc là ở phiến đá – ở yếu tố bên ngoài.

– Câu trả lời của nhà điêu khắc Thiên thần không ở trong khối đá mà ở trong tim ta: nhà điêu  khắc khẳng định thành quả lao động của ông không phải từ phiến đá, nói cách khác là từ yếu tố bên ngoài mà chính là từ trong trái tim, tâm hồn ông – từ bản thân ông. Thiên thần ở trong tim biểu trưng cho tinh thần sáng tạo, tâm huyết, niềm hăng say lao động. Chính điều này giúp nghệ sĩ đạt được thành công.

-> Ý nghĩa câu nói của nhà điêu khắc: Thành quả lao động của mỗi người không phải ở các yếu tố bên ngoài mà chính là tự bản thân họ (niềm đam mê, sự sáng tạo, nỗ lực lao động…)   

* Bình luận, chứng minh                                                                                      (3,5 điểm)

            Thí sinh khẳng định ý nghĩa sâu sắc trong câu nói của nhà điêu khắc.

– Con người trưởng thành và phát triển từ những hoạt động lao động. Lao động tạo ra sản phẩm để phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Lao động chính là phương thức khẳng định giá trị của con người.

– Dù là sáng tạo nghệ thuật hay lao động thông thường, cần phải nỗ lực, dùng cả tâm huyết, sức lực của bản thân mới có thể đạt được thành quả lao động như ý. Làm việc bằng cả trái tim và khối óc, sản phẩm sẽ luôn là những thiên thần của chúng ta.

– Sự thành công và niềm vui chỉ có khi làm việc tận tâm và dồn hết tâm huyết để tạo ra sản phẩm mang theo tâm tư và nguyện vọng của chính mình.

(Thí sinh lấy dẫn chứng thực tế để chứng minh)

* Mở rộng                                                                                                                               (1,5 điểm)

– Phê phán những người muốn đạt được thành quả lao động tốt đẹp nhưng lại không muốn bỏ tâm, sức, nỗ lực của bản thân hoặc những con người làm việc nửa vời, cẩu thả, thiếu tình yêu, trách nhiệm, không có nhiệt huyết, đam mê và sự sáng tạo. Những người đó sẽ không bao giờ đạt được thành quả như ý.

– Câu nói của người nghệ sĩ điêu khắc giúp chúng ta xác định được một thái độ làm việc đúng đắn: nghiêm túc, nỗ lực, tâm huyết.

– Khi đánh giá thành quả lao động của bản thân cũng như của người khác, cần nhìn nhận đúng đắn vào sự nỗ lực, cố gắng và tâm sức của người lao động chứ không phải nhìn vào những yếu tố bên ngoài. Đó mới là cách đánh giá đúng đắn và thể hiện được sự tôn trọng với người lao động.

* Bài học                                                                                                              (0,5 điểm)

– Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của sự lao động, từ đó xác định thái độ học tập, lao động nhiệt tình, nghiêm túc, say mê, bằng cả tâm huyết để đạt được kết quả tốt đẹp.

– Cần tích cực học tập, nghiên cứu, rèn luyện kĩ năng để có đủ năng lực làm việc, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị.

  1. c) Kết bài: Đánh giá, khái quát lại vấn đề (0,25 điểm)                                                                                                       

Câu 2 (10,0 điểm)

  1. Kĩ năng: Đáp ứng đúng yêu cầu một bài văn nghị luận văn học bàn về một ý kiến; bố cục rõ ràng, hợp lí; lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục; dẫn chứng phù hợp làm nổi bật được vấn đề; khuyến khích những bài viết sáng tạo.
  2. Kiến thức: Trên cơ sở hiểu đúng vấn đề, nắm vững kiến thức về thơ trong chương trình Ngữ văn 10 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và ngoài chương trình, biết cách làm bài nghị luận về một vấn đề lí luận văn học. Thí sinh có thể trình bày, diễn đạt theo nhiều cách khác nhau, cơ bản đạt được những nội dung sau:
  3. a) Mở bài: Dẫn dắt giới thiệu và trích dẫn ý kiến. (0,25 điểm)
  4. b) Thân bài

* Giải thích ý kiến:                                                                                                (1,0 điểm)                            

Ngọn lửa nhen lên trong lòng người: là ngọn lửa từ trái tim biết nhìn đời, đau đời của nhà thơ và truyền sang cho người đọc những rung động của tâm hồn mình.

Ngọn lửa đốt cháy, sưởi ấm và soi sáng: là ngọn lửa nồng ấm nhất, mãnh liệt nhất, có tác dụng hướng con người đến những tình cảm tốt đẹp, nâng đỡ, thanh lọc tâm hồn để giúp cho con người sống tốt hơn, hướng đến chân- thiện- mĩ.

-> Hình ảnh ngọn lửa là một ẩn dụ cho cảm xúc và tư tưởng của thơ. Bởi vậy, trong nhận định, nhà văn Lep Tôn-xtôi sử dụng hình thức câu định nghĩa để khẳng định đặc trưng và tác dụng kì diệu, to lớn của thơ ca.

* Bàn luận ý kiến.                                                                                                (1,5 điểm)

Đặc trưng cảm xúc của thơ

+ Thơ là hình thức tổ chức ngôn từ đặc biệt, tuân theo một mô hình thi luật hoặc nhịp điệu nhất định. Thơ có khả năng diễn tả được những tình cảm mãnh liệt hoặc những ấn tượng, xúc động tinh tế của con người trước thế giới, thể hiện những trăn trở, suy tư, khát vọng của nhà thơ. Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi động chạm tới cuộc sống (Nguyễn Đình Thi). Trong quá trình sáng tạo thơ, rung động và cảm xúc là điểm tựa, tình cảm của nhà thơ phải mạnh mẽ, sâu lắng đến tận cùng. Một yếu tố không thể thiếu được trong thơ là sự rung động của trái tim tạo thành điểm giao thoa giữa nội tâm và ngoại cảnh. Khi ấy ngòi bút mới có thể xúc động hồn thơ.

+ Thơ là những rung động từ trái tim nghệ sĩ truyền sang người đọc những rung động mãnh liệt.

++ Thơ là nỗi niềm, là tấm lòng không phải của riêng nhà thơ mà trái tim nhà thơ phải đập cùng một nhịp đập với trái tim người đọc và cả cộng đồng.

++ Nhà thơ phải yêu thương và trân trọng con người và cuộc sống. Thơ muốn hay, tình cảm phải bùng cháy, đó là bản chất của thơ, nguyên tắc của thơ. Chỉ khi nào tình cảm tràn ra thì chữ nghĩa trong thơ mới hàm súc và chắt lọc. Nhà thơ Chính Hữu đã cho rằng Chỉ có thể có những bài thơ hay nếu mỗi câu có dính máu của mình trong đó.

Tác dụng kì diệu của thơ:

+ Thơ đến với chúng ta bằng sự đồng điệu của những tấm lòng, bằng mối giao cảm của tiếng nói tri âm, tri kỉ.

+ Thơ là phương thức biểu hiện trữ tình. Thơ được hình thành nhờ mối rung cảm thầm kín giữa con người và cuộc sống. Trong dòng chảy của thơ, con người được đắm chìm mình trong tình cảm của nhà thơ và của chính mình. Thơ giúp sưởi ấm tâm hồn con người, làm trái tim con người thêm ấm áp, yêu thương, đồng cảm, biết trân quý những giá trị của cuộc sống và vạn vật quanh ta. Nhờ đó, tâm hồn con người sẽ được thanh lọc để trong sáng và cao thượng hơn.

+ Thơ thấm vào lòng người, bởi những cảm xúc trực liếp và nhiều mối liên tưởng kín đáo, bằng ý tứ sâu xa, sức quyến rũ của tiết tấu và thanh điệu… Tất cả những yếu tố ấy ùa vào lòng người đọc, xoá đi hay khắc sâu thêm những tình cảm, tạo nên ấn tượng khó phai mờ. Con người khi đến với thơ, sẽ được rộng mở, soi sáng về nhận thức, tình cảm, thẩm mĩ.

* Làm sáng tỏ qua một số tác phẩm thơ trong chương trình Ngữ văn 10 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống hoặc ngoài chương trình                                                                                        (6,0 điểm)

Yêu cầu:

– Bằng trải nghiệm văn học: Thí sinh lựa chọn được những bài thơ tiêu biểu (trong hoặc ngoài chương trình) để phân tích làm sáng rõ nhận định.

– Đủ số lượng: Thí sinh chọn ít nhất 02 tác phẩm thơ.

– Trong quá trình phân tích, chứng minh; thí sinh cần bám vào vấn đề nghị luận; viết đúng, trúng và làm nổi bật được 02 vấn đề:

+ Đặc trưng cảm xúc của thơ.

            + Tác dụng kì diệu của thơ.

* Đánh giá, mở rộng.                                                                                            (1,0 điểm)

            – Tình cảm, cảm xúc, những rung động mãnh liệt trong thơ là một trong những tiêu chí để đánh giá tầm tư tưởng và tài năng của người nghệ sĩ. Những tình cảm, cảm xúc mãnh liệt có ý nghĩa, khơi dậy được những tình cảm tốt đẹp trong mỗi con người, hướng họ đến những giá trị nhân bản cao đẹp.

– Tình cảm của nhà thơ muốn chạm đến và neo đậu trong tâm hồn người đọc thì người nghệ sĩ cần biểu hiện những tình cảm ấy bằng những hình thức nghệ thuật phù hợp, giàu tính thẩm mĩ.

– Bài học với người sáng tác và người tiếp nhận văn học:

+ Nhà thơ: khi sáng tác phải rung động, cảm xúc, phải giống như con ong làm mật, chịu nhiều vất vả để cho ra đời những giọt ngọt thơm; như con tằm nhả tơ, vắt kiệt mình để làm nên những sợi tơ óng ả.

+ Người đọc: đến với thơ biết sống mãnh liệt hơn, tâm hồn trong sáng và biết yêu thương, chia sẻ nhiều hơn.

c) Kết bài: Đánh giá, khái quát lại, nâng cao vấn đề. (0,25 điểm)                                                                                    

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *