SỞ GD & ĐT ……
TRƯỜNG THPT…… (Đề bài gồm 01 trang) |
KỲ THI HỌC SINH GIỎI CẤP TRƯỜNG
MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 10 NĂM HỌC 2022 – 2023 Thời gian làm bài: 150 phút |
- NGHỊ LUẬN XÃ HỘI:(8 điểm).
NGỤ NGÔN CỦA MỖI NGÀY
Ngồi cùng trang giấy nhỏ
Tôi đi học mỗi ngày
Tôi học cây xương rồng
Trời xanh cùng nắng, bão
Tôi học trong nụ hồng
Màu hoa chừng rỏ máu.
Tôi học lời ngọn gió
Chẳng bao giờ vu vơ
Tôi học lời của biển
Đừng hạn hẹp bến bờ.
Tôi học lời con trẻ
Về thế giới sạch trong
Tôi học lời già cả
Về cuộc sống vô cùng.
Tôi học lời chim chóc
Đang nói về bình minh
Và trong bia mộ đá
Lời răn dạy đời mình..
(Theo Internet, Đỗ Trung Quân)
Từ bài thơ trên, anh/ chị có suy nghĩ gì về việc học trong cuộc sống?
- NGHỊ LUẬN VĂN HỌC: (12 điểm)
“Văn học làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn” (M.L.Kalinine).
Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến trên? Hãy làm sáng tỏ vấn đề đó qua việc phân tích một số tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn 10.
— HẾT —
SỞ GD & ĐT HÀ NỘI
TRƯỜNG THPT TRUNG VĂN |
HƯỚNG DẪN CHẤM THI HỌC SINH GIỎI CẤP TRƯỜNG
MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 10 NĂM HỌC 2022 – 2023 Thời gian làm bài: 150 phút |
- Nghị luận xã hội (8,0 điểm)
- Về kĩ năng:
– Biết cách làm bài văn nghị luận về một tư tưởng đạo lí, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, vận dụng tốt các thao tác lập luận, dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.
– Bài viết trong sáng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b.Về kiến thức:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải thể hiện sự am hiểu về vốn sống thực tế, có hệ thống luận điểm phù hợp, các dẫn chứng tiêu biểu thuyết phục.
Cần đáp ứng một số ý sau:
- Yêu cầu về kĩ năng:
Thí sinh biết cách vận dụng kĩ năng làm bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý để tạo lập văn bản. Bài viết có bố cục rõ ràng, các luận điểm, luận cứ xác đáng, vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận như giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, bác bỏ…, diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Yêu cầu về kiến thức:
1.Nêu vấn đề nghị luận: Từ quan niệm của nhà thơ Đỗ Trung Quân, bày tỏ suy nghĩ của mình về việc học mỗi ngày từ cuộc sống
- Giải thích:
– Học ( học tập, học hành, học hỏi) là quá trình tiếp xúc và tiếp thu kiến thức mới hoặc bổ sung, trau dồi các kiến thức nâng cao, các kỹ năng, kinh nghiệm, giá trị, nhận thức hoặc sở thích và có liên quan đến việc tổng hợp các thông tin khác nhau.
– Bài thơ đã thể hiện một quan niệm đúng đắn, tốt đẹp của tác giả Đỗ Trung Quân về việc học: học không phải chỉ là ở trường, lớp mà học còn là một cuộc hành trình tìm kiếm – khám phá – lĩnh hội từ những điều bình dị trong cuộc sống. Trong suốt cuộc đời, con người luôn luôn có thể học tập thêm kiến thức, bồi dưỡng cho tâm hồn mình giàu có và phong
phú hơn. Cuộc sống chính là một trường học lớn giúp ta trải nghiệm mỗi ngày để thêm yêu đời và sống tốt đẹp hơn.
- Bàn luận:
– Những bài học hữu ích có thể đến từ chính những điều bình dị quanh mình
+ Học được từ thiên nhiên, cỏ cây vạn vật: sự thích nghi để tồn tại của cây xương rồng trong hoàn cảnh khắc nghiệt, luôn chắt chiu nhựa sống giữa trời xanh và nắng bão); sự tận hiến kiệt cùng của nụ hồng dâng sắc tỏa hương điểm tô cho đời màu hoa chừng rỏ máu; sự phóng khoáng, tự do nhưng không vu vơ của gió; sự rộng lượng, bao dung không hạn hẹp bến bờ của biển; sự vui vẻ, lạc quan, yêu đời của những con chim líu lo hót chào bình minh…
+ Học được từ con người: sự hồn nhiên, sạch trong từ lời của trẻ thơ; sự từng trải, kinh nghiệm quý giá của người già về cuộc sống vô cùng; ngay cả “bia mộ đá” trên nấm mồ hoang lạnh cũng mang đến “ lời răn dạy”, nhắc nhở ta về cuộc đời hữu hạn, hãy yêu và trân trọng sự sống, cuộc sống quý giá này.
– Những bài học cuộc sống sẽ giúp tâm hồn ta thêm phong phú, rộng mở, hoàn
thiện nhân cách, hướng tới lối sống tích cực, hữu ích
– Học phải chọn lọc những điều hay, loại trừ những điều không tốt.
4 .Bài học trong nhận thức và hành động
– Học đi với hành, để kiến thức trở thành văn hóa trong mỗi hành vi ứng xử.
– Học một cách bền bỉ trong suốt quá trình sống: từ nhỏ đến khi trưởng thành, cho đến suốt cuộc đời.
Cách cho điểm:
7 – 8 điểm: Đảm bảo được đầy đủ các yêu cầu, nghị luận có sức thuyết phục, diễn đạt có cảm xúc, có thể mắc một vài lỗi nhỏ.
5 – 6 điểm: Đáp ứng khá đầy đủ yêu cầu ; nghị luận tương đối có sức thuyết phục, không có sai sót lớn về diễn đạt.
3 – 4 điểm: Tỏ ra hiểu vấn đề; biết cách làm bài nghị luận xã hội, tuy vậy bài viết còn sơ sài về nội dung hoặc mắc nhiều lỗi.
1 – 2 điểm: Chưa hiểu rõ vấn đề hoặc không biết cách lập luận, mắc quá nhiều lỗi
0 điểm: Lạc đề hoàn toàn hoặc không viết bài
- Nghị luận văn học (12,0 điểm)
- Về kĩ năng:
– Biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Bài viết có bố cục chặt chẽ, vận dụng kiến thức lí luận để làm rõ vấn đề nghị luận.
– Bài viết trong sáng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b.Về kiến thức:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được các ý cơ bản sau:
- Giải thích ý kiến:(2điểm)
“Văn học làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn”
– Văn học: Loại hình nghệ thuật ngôn từ, phản ánh hiện thực bằng cách sáng tạo các hình tượng nghệ thuật, qua đó bày tỏ quan điểm, thái độ của người nghệ sĩ với cuộc sống.
– Lời nhận định của M. L. Kalinine đề cập đến những chức năng của văn học:
+ Làm cho con người thêm phong phú, tức là đem lại những nhận thức mới mẻ, sâu sắc về cuộc đời, giúp họ có thêm những trải nghiệm cuộc sống; làm nảy nở trong con người những tình cảm mới, rèn dũa những tình cảm cũ…
+ “Tạo khả năng để con người lớn lên”: Lớn lên về tri thức, nhân cách, tâm hồn; sống tốt đẹp hơn, biết ứng xử một cách nhân văn…
+ Hiểu được con người nhiều hơn: thấu hiểu bản chất của con người, qua đó thấu hiểu chính bản thân mình.
- Bình luận: (2 điểm)
– Vì sao nói “Văn học làm cho con người thêm phong phú?”
+ Văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống, là cuốn bách khoa toàn thư về cuộc sống. Qua văn học, con người có được những hiểu biết sâu sắc hơn về tự nhiên, về xã hội, về chính bản thân mình.
+ Mặt khác, văn học là “tiếng nói của tình cảm, là sự giãi bày và gửi gắm tâm tư”. Qua văn học, con người tìm thấy mình trong đó, cảm nhận được những cung bậc tình cảm đa dạng trong thế giới nội tâm con người, được giãi bày, được đồngcảm, được sẻ chia, được gợi ra những tình cảm chưa có, được trui rèn những tình cảm sẵn có.
+ Hơn thế nữa, mỗi tác phẩm văn học là một cuộc trải nghiệm nhiều hơn, sống nhiều hơn qua những cuộc đời khác nhau, được nhìn cuộc đời dưới nhiều lăng kính, được lắng nghe nhiều luồng tư tưởng, được đối thoại với nhà văn
– Chính vì vậy, văn học “tạo khả năng giúp con người lớn lên”
+ Từ những trải nghiệm đó, văn học giúp con người lớn lên về mặt nhân cách, về mặt tâm hồn. Văn học, qua con đường tình cảm truyền đạt đến con người những bài học đạo đức, nhân sinh, những bài học tác động vào con đường tình cảm, trong quá trình chuyển từ giáo dục thành tự giáo dục.
+ Thật vậy, tìm đến tác phẩm văn học, người đọc đâu chỉ mong chờ một vài giây phút giải trí bâng quơ. Trang sách đóng lại, tác phẩm nghệ thuật mới mở ra, “Cuộc đời là điểm khởi đầu và là điểm đi tới của văn chương”, mỗi tác phẩm như một nấc thang nâng đỡ bước chân người đọc tách khỏi phần con để đi đến phần người, tiệm cận các giá trị Chân Thiện Mỹ mà họ hằng ngưỡng vọng.
– Vì sao văn học giúp con ngườihiểu được con người nhiều hơn
+ Đối tượng phản ánh của văn học chính là con người trong các mối quan hệ xã hội, soi chiếu dưới lăng kinh thẩm mỹ. Văn học tìm hiểu những vẻ đẹp, những “hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn con người” (Nguyễn Minh Châu), văn học khám phá những khát vọng muôn thuở của nhân loại, tìm lời giải đáp cho những trăn trở có tính nhân bản: vấn đề sống – chết, vấn đề chiến tranh – hòa bình, vấn đề ý nghĩa của cuộc sống…
+ Mục đích của quá trình ấy chính là để cho người đọc hiểu thêm về con người – cũng là hiểu thêm về chính mình. Chỉ khi hiểu biết sâu sắc về con người, mỗi cá nhân mới có thể trở thành một lực lượng vật chất tích cực, giúp văn học thực hiện sứ mệnh cải tạo cuộc sống.
– Văn học có thiên chức lớn lao như vậy, nên người nghệ sĩ cũng phải có sự kết hợp giữa cái tâm và cái tài
- Chứng minh: (6 điểm)
Học sinh có thể chọn một số tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau của văn học dân gian (sử thi, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, truyện thơ, ca dao, tục ngữ…) để phân tích làm rõ vấn đề trên các phương diện sau:
- – Văn học làm cho con người thêm phong phú:
+ Văn học cung cấp cho con người tri thức về tự nhiên, xã hội, con người.
+ Văn học tạo cho con người những tình cảm mới mẻ mà họ chưa có, rèn luyện cho họ những tình cảm sẵn có.
+ Văn học giúp con người có thêm nhiều trả nghiệm sống thông qua việc nhập thân vào nhân vật.
- – Qua đó, văn học giúp người đọc lớn hơn.
+ Họ nhận ra được hiện thực cuộc sống để hình thành các phẩm chất tốt đẹp, thanh lọc tâm hồn, hướng tới chân thiện mỹ.
- – Văn học giúp người đọc hiểu thêm về con người
+ Vẻ đẹp của con người (trọng tâm là vẻ đẹp tâm hồn)
+ Bản chất của con người: khát vọng sống, khát vọng hòa bình, công lý, hạnh phúc; khao khát yêu thương, mong muốn sống một cuộc đời có ý nghĩa…
+ Hiểu về chính bản thân mình.
- Đánh giá: (2 điểm)
– Khẳng định lại tính đúng đắn của nhận định.
– Khẳng định văn học dân gian là kho tàng quý giá, bộ bách khoa toàn thư cung cấp kiến thức phong phú trên mọi phương diện; bồi dưỡng tâm hồn, đạo đức cho con người.
– Bài học sáng tạo và tiếp nhận:
+ Văn chương phải gắn bó với đời sống và có những tác động tích cực đến con người và xã hội
+ Để đạt được những điều tác giả nhận định nói, mỗi nhà văn còn cần một hình thức nghệ thuật phù hợp và độc đáo để làmnên hình hài sắc vóc cho tác phẩm văn học, giúp tác phẩm đến gần hơn với bạn đọc.
+ Đọc văn là quá trình tự nhận thức, tự giáo dục. Qua đó người đọc nâng cao hiểu biết và thanh lọc tâm hồn, bồi đắp đạo đức.
Cách cho điểm:
– Điểm 10 – 12: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu; văn viết có cảm xúc; có thể còn mắc một vài lỗi nhỏ. (Khuyến khích những sáng tạo của học sinh)
– Điểm 7 – 9: Trình bày đủ ý; diễn đạt trôi chảy, không mắc sai sót lớn về kiến thức và diễn đạt.
– Điểm 4 – 6: Tỏ ra hiểu vấn đề; biết cách nghị luận, diễn đạt được.
– Điểm 1 – 3 điểm: Còn lúng túng về phương pháp nghị luận; viết chung chung sơ sài.
– Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn.
* Lưu ý:
– Trên đây chỉ là những gợi ý có tính chất định hướng, giám khảo cần thảo luận kỹ về yêu cầu nội dung và biểu điểm để bổ sung cho hoàn chỉnh trước khi chấm.
– Giáo viên linh hoạt khi chấm bài. Cần khuyến khích những tìm tòi, sáng tạo riêng cả trong nội dung và hình thức của bài làm.