VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TÁC PHẨM TRUYỆN
(Giới hạn:Truyện ngắn hiện đại Việt Nam)
ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
TƯỚNG VỀ HƯU
Nguyễn Huy Hiệp
(Tóm tắt cốt truyện: Câu chuyện về ông Thuấn với những mâu thuẫn nội bộ trong gia đình. Bi kịch của người lính sau chiến tranh được thể hiện rõ trong tác phẩm. Là câu chuyện đau xót về những tình cảm gia đình đã mất đi trong cơn lốc của thời mở cửa, ông Thuấn – một vị tướng rời quân ngũ trở về gia đình và hoàn toàn lạc lõng trong một đời sống đang thay đổi với những giá trị bị đảo lộn hàng ngày. Tình cảnh gia đình ông Thuấn dường như rất phổ biến trong xã hội Việt Nam lúc giao thời, khi đồng tiền len lỏi và chi phối trong mọi mối quan hệ. Ông Thuấn như người xa lạ trong chính ngôi nhà của mình trước cô con dâu sắc sảo, người con trai nhu nhược và một bà vợ lẩn thẩn. Những lối sống khác nhau hoàn toàn giữa ông và con trai, con dâu làm cho ông cảm thấy ngột ngạt. Kết thúc tác phẩm ông chọn sự trở về với đơn vị cũ, với đồng đội, với nếp sống quen thuộc nhưng sau cùng, ông lại chết đi trong vòng tay của đồng đội.)
Một tối, tôi đang đọc Sputnhich, cha tôi lặng lẽ đi vào. Ông bảo: “Cha muốn nói chuyện với con”. Tôi pha cà phê, cha tôi không uống. Ông hỏi: “Con có để ý công việc của Thủy không con? Cha cứ rờn rợn”.
Vợ tôi làm việc ở bệnh viện sản, công việc là nạo phá thai. Hàng ngày các rau thai nhi bỏ đi, Thủy cho vào phích đá đem về. Ông Cơ nấu lên cho chó, cho lợn. Thực ra điều này tôi biết nhưng cũng bỏ qua, chẳng quan trọng gì. Cha tôi dắt tôi xuống bếp, chỉ vào nồi cám, trong đó có các mẩu thai nhi bé xíu. Tôi lặng đi. Cha tôi khóc. Ông cầm phích đá ném vào đàn chó béc giê: “Khốn nạn! Tao không cần sự giàu có này”. Đàn chó sủa vang. Ông bỏ lên nhà. Vợ tôi đi vào nói với ông Cơ: “Sao không cho vào máy xát? Sao để ông biết?!” Ông Cơ bảo: “Cháu quên, cháu xin lỗi mợ”.
Tháng mười hai, vợ tôi gọi người bán sạch đàn chó béc giê. Vợ tôi bảo: “Anh thôi hút thuốc Galăng đi. Năm nay nhà mình hụt thu hai mươi bảy nghìn, chi lạm mười tám nghìn, cộng là bốn mươi lăm nghìn”. Kim Chi hết thời gian nghỉ, đi làm. Nó bảo: “Cám ơn anh chị, em đưa con về nhà đây”. Tôi hỏi: “Về đâu?” Thằng Tuân đã bị bắt giam vì tội côn đồ. Kim Chi đưa con về nhà của bố mẹ đẻ. Cha tôi đưa về tận nơi bằng xe taxi thuê riêng. Cha tôi ở chơi với ông vụ phó bố của Kim Chi một ngày. Ông này vừa đi công tác ở Ấn Độ về, ông biếu cha tôi một mảnh lụa hoa và nửa lạng cao tổng hợp. Cha tôi cho cô Lài mảnh lụa hoa, cho ông Cơ nửa lạng cao.
Trước Tết Nguyên đán, ông Cơ nói với hai vợ chồng tôi: “Cháu xin cậu mợ một việc”. Vợ tôi hỏi: “Việc gì?” ông Cơ nói vòng vèo, chẳng đâu vào đâu. Đại để ông muốn về thăm quê. Ở với chúng tôi sáu năm, cũng có dành dụm, ông Cơ muốn về bốc mộ bà vợ. Để lâu ngày chắc ván đã sụt. “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Ở thành phố, cũng muốn về thăm họ hàng làng xóm cho nó mát mặt. Bây giờ đã vậy, sau này “cáo chết ba năm quay đầu về núi”. Vợ tôi cắt lời: “Thế bao giờ đi?” ông Cơ gãi đầu: “Đi mười ngày, về Hà Nội trước hăm ba tết”. Vợ tôi tính: “Được. Anh Thuần này (Thuần là tên tôi), anh có nghỉ phép được không?” Tôi bảo: “Được”. Ông Cơ bảo: “Chúng cháu muốn mời ông về quê chơi. Như đi du lịch”. Vợ tôi bảo: “Tôi không thích. Thế ông bảo sao?” ông Cơ bảo: “Ông đồng ý rồi. Không có ông, cháu cũng chẳng nhớ đến việc cải mộ nhà cháu”. Vợ tôi hỏi: “Thế hai cha con có bao nhiêu tiền?” ông Cơ bảo: “Cháu có ba nghìn, ông cho hai nghìn là năm”. Vợ tôi bảo: “Được, đừng lấy hai nghìn của ông, tôi bù cho hai nghìn ấy, lại cho thêm năm nghìn. Thế là hai cha con có chục nghìn. Đi được”.
Trước hôm đi, vợ tôi làm cơm. Cả nhà ngồi ăn, có cả ông Cơ, cô Lài. Cô Lài vui lắm, mặc bộ quần áo mới may bằng vải cha tôi cho hôm về. Cái Mi và Cái Vi trêu: “Chị Lài xinh nhất”. Cô Lài cười thỏn thẻn: “Chả phải. Mợ mới xinh nhất”. Vợ tôi bảo: “Em đi chú ý đỡ ông những khi tàu xe”. Cha tôi bảo: “Hay thôi không đi?” ông Cơ giãy nảy: “Chết, cháu đã điện rồi: Mang tiếng chết”. Cha tôi thở dài: “Tôi có tiếng gì mà mang?”.
Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận
Lựa chọn đáp án đúng (Mỗi câu 0.5 điểm):
Câu 1: Điểm nhìn trần thuật của truyện ngắn “Tướng về hưu” là
- nhân vật tôi.
- nhân vật vợ tôi.
- nhân vật cha tôi.
- nhân vật ông Cơ.
Câu 2: Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là
- miêu tả.
- biểu cảm.
- tự sự.
- nghị luận.
Câu 3: Đoạn trích được viết theo đề tài nào?
- Bi kịch của xã hội.
- Cuộc sống gia đình.
- Tự nhận thức bản thân.
- Bi kịch của cá nhân.
Câu 4: Anh/chị hãy cho biết câu văn sau đây là lời của ai trong văn bản: “Anh thôi hút thuốc Galăng đi. Năm nay nhà mình hụt thu hai mươi bảy nghìn, chi lạm mười tám nghìn, cộng là bốn mươi lăm nghìn”
- Lời của người kể chuyện.
- Lời của nhân vật vợ tôi.
- Lời của nhân vật cô Lài.
- Lời của nhân vật cái Vi.
Câu 5: Việc “rờn rợn” mà nhân vật “cha” muốn nói với nhân vật “con” là việc gì?
- Việc vợ nhân vật tôi chửi mắng người giúp việc không thương tiếc.
- Việc ông Cơ lấy mẩu thai nhi bỏ vào máy xát cho lợn và chó ăn.
- Việc ông Cơ nghe theo lời vợ nhân vật tôi để la mắng nhân vật cha.
- Việc vợ nhân vật tôi lấy mẩu thai nhi về nấu cho lợn và chó ăn.
Câu 6: Nội dung chính của đoạn trích là gì?
- Bi kịch lạc lõng, bơ vơ của ông tướng về hưu trong gia đình bị đảo lộn khi đồng tiền len lỏi và chi phối trong mọi mối quan hệ.
- Bi kịch bị tha hóa của ông tướng về hưu trong gia đình bị đảo lộn khi đồng tiền len lỏi và chi phối trong mọi mối quan hệ.
- Bi kịch không được là chính mình của ông tướng về hưu trong gia đình bị đảo lộn khi đồng tiền len lỏi và chi phối trong mọi mối quan hệ.
- Bi kịch bị người thân từ chối của ông tướng về hưu trong gia đình bị đảo lộn khi đồng tiền len lỏi và chi phối trong mọi mối quan hệ.
Câu 7: Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói: “cáo chết ba năm quay đầu về núi”?
- Câu thành ngữ răn dạy chúng ta không được quên công ơn người khác.
- Câu thành ngữ răn dạy chúng ta không được quên đi cội nguồn của mình.
- Câu thành ngữ răn dạy chúng ta không được quên công ơn tổ tiên của mình.
- Câu thành ngữ răn dạy chúng ta không được quên gia đình của mình.
Trả lời câu hỏi:
Câu 8 (0.5điểm): Nhận xét của anh/chị về thái độ và tính cách của nhân vật người cha qua câu văn sau:“Ông cầm phích đá ném vào đàn chó béc giê: “Khốn nạn! Tao không cần sự giàu có này”.
Câu 9 (1.0 điểm): Anh/chị có đồng tình với quan niệm: “Nghĩa tử là nghĩa tận” không? Vì sao?
Câu 10 (1.0 điểm): Anh/chị hãy nêu nhận xét về nghệ thuật tự sự của Nguyễn Huy Hiệp trong văn bản trên.
Đề 2: Tự luận
Câu 1: Xác định ngôi kể trong văn bản.
Câu 2: Việc “rờn rợn” mà nhân vật “cha” muốn nói với nhân vật “con” là việc gì?
Câu 3: Nhận xét của anh/chị về thái độ và tính cách của nhân vật người cha qua câu văn sau:“Ông cầm phích đá ném vào đàn chó béc giê: “Khốn nạn! Tao không cần sự giàu có này”.
Câu 4: Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói: “cáo chết ba năm quay đầu về núi”?
Câu 5: Anh/chị có đồng tình với quan niệm: “Nghĩa tử là nghĩa tận” không? Vì sao?
Câu 6: Anh/chị hãy nêu nhận xét về nghệ thuật tự sự của Nguyễn Huy Hiệp trong văn bản trên.
LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp.
HƯỚNG DẪN ĐÁP ÁN CHI TIẾT
ĐỌC – HIỂU
Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận
Câu 1: A
Câu 2: C
Câu 3: D
Câu 4: B
Câu 5: D
Câu 6: A
Câu 7: B
Câu 8: Thái độ và tính cách của nhân vật người cha qua câu văn sau:“Ông cầm phích đá ném vào đàn chó béc giê: “Khốn nạn! Tao không cần sự giàu có này”.
– Thái độ: bực tức, ghê tởm trước hành động “vô nhân tính” của vợ nhân vật tôi.
– Tính cách: giàu tình cảm, lương thiện.
Câu 9: Có đồng tình với quan niệm: “Nghĩa tử là nghĩa tận” không? Vì sao?
Có thể theo hướng đồng tình hay không đồng tình nhưng lý giải hợp lý và thuyết phục. Có thể theo hướng sau:
– Đồng tình. Bởi câu nói đó nói lên triết lý sống tốt đẹp, mối quan hệ chân tình của con người đối với con người.
– Không đồng tình. Bởi con người chết đi là hết, hãy đối xử tử tế đối với người đang sống.
Câu 10: Nghệ thuật tự sự của Nguyễn Huy Hiệp trong văn bản:
– Người kể chuyện xưng tôi nhưng kể chuyện theo cái nhìn bên ngoài (hạn tri). Nghĩa là người kể chuyện chỉ kể những gì anh ta thấy, nghe nhưng không suy đoán. Không biểu cảm, không bình luận.
– Điều đó tạo cho câu chuyện kể khách quan, lạnh lùng.
Đề 2: Tự luận
Câu 1. Ngôi kể trong văn bản: ngôi thứ nhất hay “tôi”
Câu 2. Việc “rờn rợn” mà nhân vật “cha” muốn nói với nhân vật “con” là việc:
– Vợ tôi làm việc ở bệnh viện sản, công việc là nạo phá thai. Hàng ngày các rau thai nhi bỏ đi, vợ nhân vật cho vào phích đá đem về.
– Nhờ ông Cơ nấu lên cho chó, cho lợn.
Câu 3. Thái độ và tính cách của nhân vật người cha qua câu văn sau:“Ông cầm phích đá ném vào đàn chó béc giê: “Khốn nạn! Tao không cần sự giàu có này”.
– Thái độ: bực tức, ghê tởm trước hành động “vô nhân tính” của vợ nhân vật tôi.
– Tính cách: giàu tình cảm, lương thiện.
Câu 4. Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói: “cáo chết ba năm quay đầu về núi”?
– Nghĩa đen: con cáo dù có sắp chết cũng phải tìm đường quay về núi chính là nơi ở của nó, cho dù có bị chết dọc đường thì đầu của nó cũng luôn hướng về núi (tức quê hương) của mình.
– Nghĩa biểu tượng: dù con người có đi đâu xa làm gì chăng nữa, dù đã đạt được thành công hay không thì cuối cùng đều mong muốn trở về với nơi chôn nhau cắt rốn, về với nơi gọi là quê hương.
– Câu thành ngữ còn răn dạy chúng ta không được quên đi cội nguồn của bản thân mình.
Câu 5. Có đồng tình với quan niệm: “Nghĩa tử là nghĩa tận” không? Vì sao?
Có thể theo hướng đồng tình hay không đồng tình nhưng lý giải hợp lý và thuyết phục. Có thể theo hướng sau:
– Đồng tình. Bởi câu nói đó nói lên triết lý sống tốt đẹp, mối quan hệ chân tình của con người đối với con người.
– Không đồng tình. Bởi con người chết đi là hết, hãy đối xử tử tế đối với người đang sống.
Câu 6. Nghệ thuật tự sự của Nguyễn Huy Hiệp trong văn bản:
– Người kể chuyện xưng tôi nhưng kể chuyện theo cái nhìn bên ngoài (hạn tri). Nghĩa là người kể chuyện chỉ kể những gì anh ta thấy, nghe nhưng không suy đoán. Không biểu cảm, không bình luận.
– Điều đó tạo cho câu chuyện kể khách quan, lạnh lùng.
- LÀM VĂN
(Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, hướng dẫn yêu cầu chi tiết)
- Mở bài:
– Giới thiệu ngắn gọn về tác giả Nguyễn Huy Thiệp, truyện ngắn Tướng về hưu.
– Truyện ngắn “Tướng về hưu” được xem như một đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp.
– Đoạn trích hấp dẫn người đọc bởi những nét đặc sắc về nội dung và hấp dẫn về nghệ thuật. Nội dung đoạn trích cho người đọc thấy được sự băng hoại đạo đức của con người trước đồng tiền.
- Thân bài:
– Xác định chủ đề của tác phẩm
Đoạn trích nói về bi kịch cá nhân con người. Đó là bi kịch con người lý tưởng bình đẳng và sự tha hóa trong nếp sống thực dụng của nền kinh tế thị trường.
– Phân tích, đánh giá chủ đề của tác phẩm
+ Các sự kiện diễn ra xung quanh việc ông Thuấn- tướng về hưu, một sự tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất quan trọng cho một sự thức tỉnh quý báu. Qua bức tranh gia đình ông Thuấn, ta không thấy sự đói khổ, thiếu thốn về vật chất như nhiều gia đình khác mà ở đó là sự dằn vặt trong nội tâm của từng thành viên trong gia đình, đặc biệt là nhân vật ông Thuấn. Câu chuyện được kể lại qua lời của người con trai của ông Thuấn. Anh như một cái bóng nhạt nhòa trong gia đình, lúc nào cũng “vợ tôi nói”, nhu nhược trong vai trò làm chồng, làm cha.
+ Hình mẫu gia đình truyền thống với người đàn ông làm chủ gia đình đã bị đảo lộn. Đoạn trích cho thấy được giá trị chuẩn mực đạo lý đã thay đổi theo sức mạnh của nền kinh tế thị trường.
– Phân tích một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm
+ Điểm nhìn trần thuật: Sự đa dạng, chuyển đổi liên tục điểm nhìn nghệ thuật. Trong “Tướng về hưu”, dù ngôi kể là ngôi thứ nhất “tôi”, nhưng qua sự đối thoại, chuyển lời liên tiếp giữa các nhân vật, điểm nhìn cũng thay đổi liên tục: tôi, tướng Thuấn, ông Bổng, Thủy, Lài….từ đó nhận ra tính cách các nhân vật.
+ Ngôn ngữ đối thoại: đối thoại hết sức ngắn gọn, chỉ đủ nêu thông tin, mang đậm tính liệt kê. Nguyễn Huy Thiệp rất chuộng dùng câu đơn. Từ đó, nó tạo ra một giọng điệu lạnh lùng, khách quan, cho bạn đọc tự phán đoán câu chuyện. Nhà văn không định hướng, không phán xét bất cứ điều gì, đó cũng là tinh thần hậu hiện đại nâng người đọc lên vị trí cao hơn.
+ Kết cấu phân mảnh phá vỡ lối kết cấu truyền thống trước đây, không chú trọng trình tự sự kiện. Ở “Tướng về hưu” ta thấy các câu chuyện rời rạc được kể liền mạch bởi nhân vật tôi.
– Đánh giá tác dụng của những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm.
Những đặc sắc về hình thức nghệ thuật đã góp phần làm sáng tỏ chủ đề của đoạn trích. Đồng thời, hình thức nghệ thuật đã làm rõ dấu ấn riêng của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp trong nên văn học “hậu hiện đại” Việt Nam.
– Thể hiện được những suy nghĩ, cảm nhận của người viết về tác phẩm
(Có lí lẽ thuyết phục và bằng chứng tin cậy lấy từ tác phẩm)
Văn bản trên cho thấy được tình người, mối quan hệ gia đình ngày càng đổ vỡ bởi nền kinh tế thị trường. Chính đồng tiền đã “giết” đi tình cảm gia đình. Ngoài ra, đoạn trích cho người đọc cảm nhận được sự cô đơn, lạc lõng của “vị tướng” thời hậu chiến ngay trong gia đình của họ.
- Kết bài:
– Đoạn trích đặc sắc về chủ đề và thành công về các hình thức nghệ thuật. Đoạn trích tiêu biểu cho phong cách truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
– Đoạn trích cho ta thấy được bi kịch của những vị tướng trở về từ chiến tranh. Hãy cảm thông sẻ chia với họ để xoa dịu nỗi đau chiến tranh. Chính tình yêu thương của gia đình là liều thuốc ngọt ngào, chữa lành vết thương của họ.
BÀI VIẾT THAM KHẢO
Nguyễn Huy Thiệp khẳng định tên tuổi mình với Chảy đi sông ơi, Những người thợ xẻ và đặc biệt là Tướng về hưu đã đóng góp những nét chấm phá trong văn học đương đại Việt Nam. Truyện ngắn “Tướng về hưu” được xem như một đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Đoạn trích hấp dẫn người đọc bởi những nét đặc sắc về nội dung và hấp dẫn về nghệ thuật. Nội dung đoạn trích cho người đọc thấy được sự băng hoại đạo đức của con người trước đồng tiền.
Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện khá muộn trên văn đàn Việt Nam với vài truyện ngắn đăng trên Báo Văn nghệ năm 1986. Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp in dấu ấn khá đậm nét về nông thôn và những người lao động. Sở trường của ông là truyện ngắn mảng đề tài đa dạng gồm lịch sử và văn học, hơi hướng huyền thoại và cổ tích, xã hội Việt Nam đương đại, xã hội làng quê và những người lao động. Tướng về hưu lần đầu được in trên tuần báo Văn Nghệ số 20 /6/1987 của Hội Nhà văn Việt Nam. Nó lập tức trở thành một hiện tượng văn học và được nhà xuất bản Trẻ tuyển chọn in trong tập truyện ngắn với tựa đề Tướng về hưu. Nhà xuất bản Văn hoá, năm 1989 cũng cho ra một tập gồm 11 truyện lấy tên là Những ngọn gió Hua Tát... Tuy mới xuất hiện nhưng Tướng về hưu được xem như một truyện ngắn đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp.
Đoạn trích nói về bi kịch cá nhân con người. Đó là bi kịch con người lý tưởng bình đẳng và sự tha hóa trong nếp sống thực dụng của nền kinh tế thị trường. Các sự kiện diễn ra xung quanh việc ông Thuấn- tướng về hưu, một sự tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất quan trọng cho một sự thức tỉnh quý báu. Qua bức tranh gia đình ông Thuấn, ta không thấy sự đói khổ, thiếu thốn về vật chất như nhiều gia đình khác mà ở đó là sự dằn vặt trong nội tâm của từng thành viên trong gia đình, đặc biệt là nhân vật ông Thuấn. Câu chuyện được kể lại qua lời của người con trai của ông Thuấn. Anh như một cái bóng nhạt nhòa trong gia đình, lúc nào cũng “vợ tôi nói”, nhu nhược trong vai trò làm chồng, làm cha. W. Shakespeare trong vở kịch Hamlet đã đưa ra khái niệm triết học “To be or not to be” (tồn tại hay không tồn tại). Viên tướng tồn tại trong ngôi nhà chính mình mà như cái bóng. Bởi lẽ mọi việc đều theo sự sắp đặt của cô con dâu. Ngay cả người chồng cũng chỉ là con người nhu nhược phụ thuộc vào vợ. như viên tướng đã nhận định về con trai độc nhất của mình: “Anh nhu nhược. Duyên do là anh đếch sống được một mình”. Bản chất con người trí thức ấy bị lệ thuộc, nhất nhất mọi việc đều phải hỏi ý kiến vợ. Hình mẫu gia đình truyền thống với người đàn ông làm chủ gia đình đã bị đảo lộn. Nhân vật Thủy là một người tháo vát, năng động, cô cũng biết quan tâm đến gia đình nhưng chủ yếu là về vật chất. Công việc ở bệnh viện hay ở gia y cô đều làm những việc mà xã hội không dễ dàng chấp nhận. Đó là cách sống lí trí và rất thực dụng của Thủy. Dường như trong gia đình, ông Thuấn trở thành “bại tướng” dưới Thủy. Đoạn trích cho thấy được giá trị chuẩn mực đạo lý đã thay đổi theo sức mạnh của nền kinh tế thị trường.
Đồng tiền trong xã hội hiện đại đã rửa trôi những nét nhân cách con người, làm con người tha hóa, bất chấp tất cả để sống. Ông Thuấn đau khổ khi nhận thấy sự băng hoại nhân cách của con dâu, sự nhu nhược không chấp nhận được của con trai mình. đồng tiền không nằm trong suy nghĩ của ông. Nhưng oái oăm thay, đồng tiền đã là lẽ sống của xã hội. Chính vì thế ông không thể chấp nhận việc cô con dâu, một bác sĩ sản khoa hàng ngày đem các nhau thai nhi bỏ đi, cho vào phích đá đem về nấu lên cho chó, cho lợn ăn chóng lớn để bán lấy tiền. Ông đã nhìn thấy những mẫu thai nhi bé xíu, có cả những ngón tay nhỏ hồng hồng trong nồi cám. Đau đớn quá, ông đã bật khóc. Nước mắt của vị tướng về hưu, người đã từng chôn cất ba nghìn người lại bật khóc vì những sinh linh, những hình hài chưa kịp hoàn chỉnh của con người đã trở thành thực phẩm cho loài chó, lợn, và chính loài chó lợn ấy lại nuôi sống con người mang danh phận trí thức. Đúng là bi kịch. Ông đã thốt lên: “Khốn nạn ! Tao không cần sự giàu có này”. Không phải ông không cần tiền, nhưng kiếm tiền đến như thế thì đã là một tội ác. Sự lạnh lùng của nền kinh tế thị trường với thế lực đồng tiền thành tiêu chí đã tạo cho Thủy lạnh lùng đến kinh tởm. Cô bảo ông Cơ: “Sao không cho vào máy xát?”. Nhân vật Thủy còn tính toán chi li việc chi tiêu với chồng: “Vợ tôi bảo: “Anh thôi hút thuốc Galăng đi. Năm nay nhà mình hụt thu hai mươi bảy nghìn, chi lạm mười tám nghìn, cộng là bốn mươi lăm nghìn”,.. Quả thật, nhân vật Thủy điển hình cho kiểu người trong xã hội kinh tế thị trường: “Cuộc sống càng khắc nghiệt, hiện thực càng ghê gớm, miếng ăn manh áo trở thành vấn đề riết róng thì văn học càng phải nâng đỡ con người ta, nó đòi hỏi trí tưởng tượng, đòi hỏi con người phải bứt phá” (Nguyễn Thị Minh Thái).
Đặc sắc của truyện là điểm nhìn trần thuật. Sự đa dạng, chuyển đổi liên tục điểm nhìn nghệ thuật. Trong “Tướng về hưu”, dù ngôi kể là ngôi thứ nhất “tôi”, nhưng qua sự đối thoại, chuyển lời liên tiếp giữa các nhân vật, điểm nhìn cũng thay đổi liên tục: tôi, tướng Thuấn, ông Bổng, Thủy, Lài….từ đó nhận ra tính cách các nhân vật. Ngoài ra, đoạn trích còn thành công ở kết cấu phân mảnh phá vỡ lối kết cấu truyền thống trước đây, không chú trọng trình tự sự kiện. Ở “Tướng về hưu” ta thấy các câu chuyện rời rạc được kể liền mạch bởi nhân vật tôi.
Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ. Mỗi nhà văn sáng tạo ngôn từ để trở thành quy luật ngữ pháp riêng, giọng điệu riêng, tính cách riêng. Nguyễn Huy Thiệp đã sử dụng những câu chữ gãy gọn, súc tích, đa phần là câu đơn với giọng kể chắt lọc. Hầu như nhà văn ít sử dụng đối thoại nên giọng kể đôi lúc trở nên khô cứng nhưng vẫn đủ uy lực để khắc sâu trong tâm trí người đọc về những nhân vật, về những số phận bi kịch cá nhân con người. Trong đoạn trích đã thể hiện rõ điều đó. Cuộc đối thoại giữa hai cha con ông Thuấn qua lời trần thuật ngắn gọn: Ông bảo: “Cha muốn nói chuyện với con”. Tôi pha cà phê, cha tôi không uống. Ông hỏi: “Con có để ý công việc của Thủy không con? Cha cứ rờn rợn”. Hay giữa nhân vật Thủy và ông Cơ: Vợ tôi đi vào nói với ông Cơ: “Sao không cho vào máy xát? Sao để ông biết?!” Ông Cơ bảo: “Cháu quên, cháu xin lỗi mợ”,… Từ đó, nó tạo ra một giọng điệu lạnh lùng, khách quan, cho bạn đọc tự phán đoán câu chuyện. Nhà văn không định hướng, không phán xét bất cứ điều gì, đó cũng là tinh thần hậu hiện đại nâng người đọc lên vị trí cao hơn.
Những đặc sắc về hình thức nghệ thuật đã góp phần làm sáng tỏ chủ đề của đoạn trích. Đồng thời, hình thức nghệ thuật đã làm rõ dấu ấn riêng của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp trong nên văn học “hậu hiện đại” Việt Nam. Văn bản trên cho thấy được tình người, mối quan hệ gia đình ngày càng đổ vỡ bởi nền kinh tế thị trường. Chính đồng tiền đã “giết” đi tình cảm gia đình. Ngoài ra, đoạn trích cho người đọc cảm nhận được sự cô đơn, lạc lõng của “vị tướng” thời hậu chiến ngay trong gia đình của họ. Đọc Tướng về hưu, Đặng Anh Đào đánh giá: “Tử và sinh, tình yêu và cái chết, đám cưới và đám ma… Một truyện ngắn mà đã dựng lại cả sơ đồ của tiểu thuyết và truyện kể từ khi ra đời. Chuyện nuôi chó và nuôi vẹt, vấn đề “trinh nữ” trong xã hội này, thế nào là đạo đức và bóc lột, một cô gái dở hơi, những lá thư “giới thiệu”, trí thức hay lao động chân tay, cuộc sống làng xã hay sự cô đơn… Tất cả những chuyện đó đều là những chuyện nhỏ nhặt, không phải là phổ biến, nhiều khi rất độc đáo (cả những cái đít chum, cả thuốc lá galăng nữa) nhưng đều là những tín hiệu thức tỉnh sự chú ý của người đọc. Chúng nhấp nháy báo hiệu một điều gì đó, khi từ miệng một đứa trẻ thốt ra cái câu: “Có phải ngậm miệng ăn tiền không hở bố?” (Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, tr.24).
Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp đã khắc họa thân phận con người trong xã hội sau chiến tranh, khi mà những giá trị chuẩn mực đạo lý đã thay đổi theo sức mạnh của nền kinh tế thị trường. Chính vì thế, nhà nghiên cứu văn học người Australia Greg Lockhart đã khẳng định “Nguyễn Huy Thiệp đã đóng góp cho văn học thế giới không chỉ về số phận riêng lẻ của một con người, mà của cả dân tộc, rộng ra, của cả thế giới”. Tướng về hưu là đỉnh cao tạo nên thế đứng vững vàng cho Nguyễn Huy Thiệp trong thế giới văn chương. Đoạn trích đặc sắc về chủ đề và thành công về các hình thức nghệ thuật. Đoạn trích tiêu biểu cho phong cách truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Đoạn trích cho ta thấy được bi kịch của những vị tướng trở về từ chiến tranh. Hãy cảm thông sẻ chia với họ để xoa dịu nỗi đau chiến tranh. Chính tình yêu thương của gia đình là liều thuốc ngọt ngào, chữa lành vết thương của họ.
[*] Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 29 tháng 4 năm 1950 tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông là nhà văn đương đại Việt Nam nổi tiếng trong các thể loại kịch, truyện ngắn và tiểu thuyết với những góc nhìn mới, táo bạo. Sở trường của Nguyễn Huy Thiệp là viết truyện ngắn, mảng đề tài đa dạng gồm lịch sử và văn học, hơi hướng huyền thoại và cổ tích, xã hội Việt Nam đương đại, xã hội làng quê và những người lao động.
Truyện ngắn Tướng về hưu lần đầu được in trên Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987 là một trong những tác phẩm tiêu biểu khẳng định nghệ thuật đỉnh cao về truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và cũng đã được chuyển thể kịch bản dựng thành phim.