Đề đọc hiểu+ nghị luận truyện Nghèo của Nam Cao

BỘ CÁNH DIỀU

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc đoạn trích truyện ngắn “Nghèo” của Nam Cao dưới đây và thực hiện yêu cầu: (Trắc nghiệm)

(Lược phần đầu: Chồng của chị Chuột ốm nặng nằm liệt giường 6 tháng trời, nhà chị không có người đàn ông gánh vác nên nghèo đói đến mức không có đủ cái ăn. Một buổi sáng, chị đun chè cho con, đứa nhỏ không chịu được đói nên cứ đòi ăn mãi. Nhưng khi chị đút cho nó, nó lại phun ra vì thực chất, làm gì có tiền mà mua được chè, chị đành đun cám lên để cho các con ăn.)

“Thằng cu chừng đói quá không chịu được, lại há mồm ra. Mẹ nó đút cho nó một xêu nhỏ nữa. Nó nhắm mắt, duỗi cổ, cố nuốt cho trôi. Nhưng cũng như lần trước, nó lại oẹ ra, và khóc oà lên. Chị đĩ Chuột lấy tay áo lau nước mắt không cầm nổi đã trào ra hai má hõm xanh bùng như người ngã nước. Cái Gái lấy ngón tay di một cục “chè”. Rồi bỗng nói to lên:

– À! Con biết rồi! Không phải chè, cám mà! Cám nâu mà bu bảo chè!

Nhưng mẹ nó đưa mắt nhìn nó, lấy ngón tay chỉ ra phía nhà ngoài nói khẽ, nhưng hơi gắt:

– Khe khẽ cái mồm một tí! Réo mãi lên, thằng bố mày nó nghe thì nó chết. Nó đã ốm nằm đấy, thuốc không có, mà còn bực mình thì nó chết.

Rồi hai mẹ con lẳng lặng ăn, cố nuốt những bát cám đặc khè cho đỡ đói. Thằng cu nhất định không chịu ăn, ngồi khóc ti tỉ đòi cơm. Chị đĩ Chuột đành dỗ nó:

– Thôi nín ngay, bu ăn xong bu xin thầy cho một miếng mà ăn.

Chị bế con rón rén bước vào chỗ chõng nằm. Thằng bé vẫn sụt sịt. Anh đĩ Chuột giở mình, hơi nghiêng mặt quay ra. Một làn ánh sáng mờ lướt qua làm cho cái mặt hốc hác và màu da đã xanh lại càng xanh thêm. Mái tóc dài quá xoà xuống tai và cổ, hai con mắt ngơ ngác và lờ đờ, những chiếc răng dài và thưa ở cái mồm hé ra để cho dễ thở khiến anh có cái vẻ dễ sợ của con ma đói. Thấy vợ con, anh cố gượng nhếch miệng cố gượng một cái cười méo xệch và vừa thở phều phào vừa hỏi bằng một thứ tiếng yếu ớt như từ thế giới bên kia đưa lại:

– Nó làm sao thế?

Chị đĩ Chuột xốc con lên một cái:

– Nó vòi đấy chứ có làm sao? Cơm gạo đỏ không chịu ăn, đòi ăn cơm trắng của thầy cơ.”

(Lược phần cuối: Anh Chuột thấy vợ con đói khát liền bảo vợ lấy số tiền vừa “bán con chó mực với hai buồng chuối non”(tiền để mua thuốc cho anh) đi đong ít gạo về cho các con ăn, chị liền bế đứa nhỏ đi. Biết được hoàn cảnh khốn khó của gia đình và bệnh tình của mình là gánh nặng lớn nhất của cả nhà, anh Chuột quyết định treo cổ tự tử trong buồng, và cùng thời điểm ấy ngoài ngõ bà Huyện đến tìm vợ anh, chửi mắng, sỉ rủa đứa con gái anh để đòi nợ. Khi anh “giận dữ đạp phắt cái ghế đổ văng xuống đất” tự vẫn thì đúng lúc vợ anh đong gạo về đến ngõ, mẹ con chị đĩ Chuột vừa kêu khóc vừa van lạy bà Huyện nhưng bà Huyện nhất định bắt mẻ gạo mới đong để trừ sáu hào chị Chuột vay từ hai tháng trước cho chồng uống thuốc.)

 

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

Lựa chọn đáp án đúng (Mỗi câu 0.5 điểm):

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên là?

  1. Tự sự. B. Miêu tả.
  2. Nghị luận. D. Biểu cảm.

Câu 2. Truyện được kể theo ngôi thứ mấy, có điểm nhìn nghệ thuật như thế nào?

  1. Ngôi thứ nhất, có điểm nhìn hạn tri
  2. Ngôi thứ nhất, có điểm nhìn toàn tri
  3. Ngôi thứ ba, có điểm nhìn hạn tri
  4. Ngôi thứ ba, có điểm nhìn toàn tri

Câu 3. Từ nội dung đoạn trích hãy cho biết đề tài truyện?

  1. Cuộc sống dân nghèo ngoại ô, phố huyện
  2. Cuộc sống dân nghèo thành thị
  3. Cuộc sống dân nghèo thôn quê
  4. Cuộc sống trí thức nghèo phố huyện

Câu 4. Tại sao chị đĩ Chuột bảo con gái phải khe khẽ cái mồm không được nói to việc mẹ con phải ăn “chè-cám”?

  1. Sợ xóm giềng biết nhà mình nghèo
  2. Sợ chồng đã ốm mà nghe thấy vợ con phải ăn cám sẽ bực mình, uất chết.
  3. Muốn dỗ thằng cu bé ăn, muốn cho nó tưởng đó là chè thật
  4. Không muốn các con tủi thân.

Câu 5. Câu sau đã sử dụng biện pháp tu từ gì và tác dụng của biện pháp tu từ đó là gì? Chị đĩ Chuột lấy tay áo lau nước mắt không cầm nổi đã trào ra hai má hõm xanh bùng như người ngã nước.

  1. Nhân hóa, nhấn mạnh nỗi buồn của chị đĩ Chuột
  2. Ẩn dụ, ngầm ví chị ốm như người ngã nước
  3. So sánh, sự đói khát làm tiều tùy ốm yếu
  4. Nhân hóa, tô đậm màu da xanh của chị

Câu 6. Tại sao cái Gái và chị đĩ Chuột  chấp nhận cố nuốt món “chè-cám” còn thằng cu lại “nhất định không chịu ăn, ngồi khóc ti tỉ đòi cơm”?

  1. Vì nó là con trai trong nhà nên được cưng chiều hơn
  2. Vì nó là em út nên quen được ăn cơm ngon so với chị gái
  3. Vì nó biết bố nó có cơm trắng nên muốn ăn phần cơm của bố

D.Vì nó là trẻ con ngây thơ, đói nhưng không cố nuốt được cám nên quấy khóc.

Câu 7. Chỉ ra tác dụng nghệ thuật của phép điệp từ “cố gượng” trong câu: “anh cố gượng nhếch miệng cố gượng một cái cười méo xệch”

  1. Khẳng định anh Chuột sức khỏe đã khá hơn, có thể cười với vợ con
  2. Nhấn mạnh anh Chuột dù rất yếu nhưng cố tỏ vẻ lạc quan làm an lòng vợ con.
  3. Nhấn mạnh việc anh Chuột muốn tiếp chuyện vợ con nên tỏ ra thân thiện.
  4. Khẳng định việc anh Chuột bây giờ làm gì cũng phải cô gắng.

 

Trả lời câu hỏi:

Câu 8 (0.5điểm): Cảm nghĩ về món chè cám mà chị Chuột nấu cho 3 mẹ con ăn?

Câu 9 (1.0 điểm): Cảm nhận về các chi tiết  miêu tả ngoại hình của anh Chuột :

Câu 10 (1.0 điểm):

Tình cảnh của gia đình anh chị Chuột anh/chị hiểu gì về thân phận người nông dân trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng?

Đề 2: Tự luận

Câu 1. Hãy cho biết phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?

Câu 2. Cho biết đề tài của truyện?

Câu 3. Chỉ ra các nhân vật được nhắc đến trong đoạn trích và đặc điểm của mỗi nhân vật.

Câu 4. – Khe khẽ cái mồm một tí! Réo mãi lên, thằng bố mày nó nghe thì nó chết. Nó đã ốm nằm đấy, thuốc không có, mà còn bực mình thì nó chết. Câu văn cho thấy tình cảm gì của chị dĩ Chuột dành cho chồng?

Câu 5. Phẩm chất của chị đĩ Chuột?

Câu 6. Nhận xét cách Nam Cao miêu tả ngoại hình anh Chuột.

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) phân tích hiện thực của truyện thông qua đoạn trích

 

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

 

Câu Đáp án đúng Điểm
1 A. Tự sự. 0,5
2 D. Ngôi thứ ba, có điểm nhìn toàn tri 0,5
3 C. Cuộc sống dân nghèo thôn quê 0,5
4 B. Sợ chồng đã ốm mà nghe thấy vợ con phải ăn cám sẽ bực mình, uất chết. 0,5
5 C. So sánh, sự đói khát làm tiều tùy ốm yếu 0,5
6 D.Vì nó là trẻ con ngây thơ, đói nhưng không cố nuốt được cám nên quấy khóc. 0,5
7 B. Nhấn mạnh anh Chuột dù rất yếu nhưng cố tỏ vẻ lạc quan làm an lòng vợ con. 0,5
8 – Là món ăn duy trì sự sống cho gia đình, do nghèo khó không còn gạo ăn, phải ăn cám- thứ thức ăn thường ngày chỉ dùng nuôi gia xúc.

– Chi tiết thể hiện tình trạng cùng cực của người dân lao động trước Cm tháng 8/1945; lên án, tố cáo thực dân, phong kiến.

 

0,5
9 Các chi tiết  miêu tả ngoại hình của anh Chuột: “cái mặt hốc hác “, màu da “xanh”, “mái tóc dài quá xoà xuống tai và cổ”, “hai con mắt ngơ ngác và lờ đờ”, “những chiếc răng dài và thưa ở cái mồm hé ra”

– Nhận xét: gầy yếu, đói khát, ốm o, kiệt sức, ngoại hình của anh được chính tác giả so sánh ‘Như con ma đói.”.

 

1,0
10 Thân phận của người nông dân Việt Nam trước Cách Mạng là thân phận bất hạnh chịu nhiều nỗi khổ cực, đói kém, tối tăm. Họ bị dồn đến chân tường của sự cùng quẫn, bị giai cấp địa chủ bóc lột thậm tệ và tước đi quyền sống, quyền làm người.

 

 

1,0

 

 

Đề 2: Tự luận

 

Câu Đáp án đúng Điểm
1 Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Tự sự  
2 Đề tài của truyện: Người nông dân nghèo trước CM th8/ Người nông dân.  
3 Các nhân vật được nhắc đến trong đoạn trích và đặc điểm của mỗi nhân vật:

+ Thằng Cu: con của vợ chồng chị đĩ Chuột – đứa con nít ngây thơ, hồn nhiên

+ Cái Gái: Con gái đầu của vợ chồng chị đĩ Chuột, đã biết thương cha, thương mẹ, có hiểu biết, biết chăm sóc, lo lắng cho cha mẹ.

+ Chị đĩ Chuột: nhân vật người mẹ, cố nuôi con bằng “chè” cám trong thì đói khát.

+ Anh đĩ Chuột: nhân vật cha. Người mang bệnh lâu ngày, yếu ớt, nhợt nhạt.

 

 
4 – Khe khẽ cái mồm một tí! Réo mãi lên, thằng bố mày nó nghe thì nó chết. Nó đã ốm nằm đấy, thuốc không có, mà còn bực mình thì nó chết.

=> Câu văn cho thấy tình cảm yêu thương lo lắng của chị dĩ Chuột dành cho chồng. Chị không muốn chồng biết tình cảnh nghèo đói cùng cực của gia đình kẻo anh suy nghĩ thêm bệnh thêm uất.

 
5 Phẩm chất của chị đĩ Chuột: chịu thương chịu khó, yêu thương chồng con, cố xoay sở lo cho gia đình khi không may anh chồng lâm bệnh.  
6 Miêu tả ngoại hình anh Chuột, Nam Cao sử dụng bút pháp hiện thực, cho thấy thực trạng đói khổ, thiếu thốn về mặt kinh tế, cho thấy tình cảnh ốm yếu tới kiệt quệ sức lực mà không có tiền chữa bệnh của anh Chuột, cho thấy tinh thần anh vẫn yêu quý vợ con nhưng “lực bất tòng tâm” không thể giúp gì được cho vợ con. Đây cũng là twhucj trạng chung của nhiều người nông dân rơi vào bần cùng trước CM.  

 

 

LÀM VĂN

  1. Mở bài:

– Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm truyện.

– Nêu yếu tố nổi bật sẽ phân tích, đánh giá.

Nam Cao là nhà văn lớn nhất của trào lưu văn học hiện thực phê phán 1930 -1945. Trong số các nhà văn hiện thực, ông là cây bút có ý thức sâu sắc nhất về quan điểm nghệ thuật của mình. Ông phê phán khá toàn diện và triệt để tính chất thoát ly, tiêu cực của văn chương lãng mạn đương thời, coi đó là thứ “ánh trăng lừa dối”, đồng thời yêu cầu nghệ thuật chân chính phải trở về với đời sống, phải nhìn thẳng vào sự thật, nói lên được nỗi thống khổ của hàng triệu nhân dân lao động lầm than (Giăng sáng).

  1. Thân bài: giá trị hiện thực:

– Hiện thực đời sống tăm tối, đau khổ của người nông dân, người lao động lương thiện được thể hiện tập trung qua số phận của một gia đình anh chị đĩ Chuột:

+ Nhà nghèo không có gạo nấu cơm chị đĩ chuột nấu “chè cám” cho các con và mình, để dành ít gạo nấu cơm trắng nuôi chồng ốm nặng.

+ Con trai chị không nuốt nổi cám; con Gái cố ăn cám theo mẹ, dù rất khó nuốt- để cha yên lòng dưỡng bệnh. Cả hai đứa con đều đáng thương.

+ Chị đĩ một mặt phải dỗ dành con trai, một mặt động viên con gái, mặt khác phải để ý chăm lo cho chồng để chồng không vì thấy cảnh nghèo mà tư tưởng suy sụp, tự trách bản thân (vì bệnh nên trở thành gánh nặng cho gđ) ốm thêm.

– Hiện thực còn thể hiện qua hình ảnh anh Chuột: ốm yếu suy sụp kiệt quệ sức lực, không thể gượng dậy. Anh đang sống đó mà nhìn anh người ta tưởng anh là người từ “thế giới bên kia”.

– Tình cảnh thê thảm ấy của người nông dân là do sự áp bức bóc lột của chế độ phong kiến thực dân gây ra.

* Phân tích cái hay, cái đẹp của các yếu tố nghệ thuật hoặc hình ảnh đặc sắc.

– Xây dựng tình huống độc đáo, có tác dựng khắc sâu thân phận bần cùng: ăn cám.

– Giọng điệu, ngôn ngữ:

+ Ngôn ngữ: Ngôn ngữ chân thực, sử dụng những từ ngữ gợi hình cùng so sánh sinh động để tạo cảm giác đau xót, thương cảm cho cái nghèo đói của các nhân vật trong người đọc: “Hai má lõm” , “hai má hõm xanh bùng như người ngã nước”; “Mái tóc dài quá xoà xuống tai và cổ, hai con mắt ngơ ngác và lờ đờ, những chiếc răng dài và thưa ở cái mồm hé ra để cho dễ thở khiến anh có cái vẻ dễ sợ của con ma đói”

+ Giọng điệu : tưởng như lạnh lùng nhưng dầy xót thg:  “thằng bố mày nó nghe thì nó chết”

* Đánh giá (Nhận xét, bình luận), nâng cao, mở rộng.

Viết về hình ảnh thực của người nông dân nghèo, Nam Cao chú ý miêu tả sự nghèo khó, bất công trong xã hội., tuy nhiên vẫn luôn trân trọng phẩm chất trong sạch tốt lành đáng quý của họ, đấy là tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau ngay cả trong những lúc tưởng như là gánh nặng của nhau.

  1. Kết bài:

– Khái quát về giá trị của các yếu tố đã phân tích đối với tác phẩm.

– Nêu ấn tượng và cảm xúc của người viết về các yếu tố đã phân tích; giá trị, hiệu quả tác động tới bạn đọc.

Bài viết tham khảo:

 

Nam Cao dường như đã trở thành một cái tên quá đỗi quen thuộc trong làng truyện hiện đại Việt Nam. Với phong cách văn chương giàu xúc cảm, giàu tình yêuthương con người và đặc biệt là luôn đau đáu, trăn trở đối với những số phận bi kịchcủa nông dân và trí thức nghèo, ông đã “xây đắp” cho kho tàng truyện hiện đại nước nhà vô số tác phẩm độc đáo khiến người đọc có những suy tư, thấu cảm và xúc độngchung với nhà văn. Lần này, chúng ta gặp gỡ với những hình tượng nhân vật củaNam Cao không phải là Chí Phèo- con quỷ của làng Vũ Đại chuyên rạch mặt ăn vạ, sau cùng chính là soi thấu bản chất lương thiện bị che vùi bởi cái xấu xa của cuộcđời, xã hội, và lại càng không phải anh Hộ- một người say mê văn chương mãnh liệtvì chạy theo cơm áo gạo tiền mà viết những thứ văn chương khuấy loãng hòng kiếmnhững đồng bạc nhanh nhất. Ta sẽ đến với một căn nhà có vợ chồng đĩ Chuột và hai đứa con trong truyện ngắn “NGHÈO” cùng tác giả.

Chỉ nghe tên truyện thôi cũng phần nào gợi ra hoàn cảnh của nhân vật. Cách mở đầu đi thẳng vào câu chuyện, các nhân vật chính được giới thiệu trực tiếp. Độc giả biết rằng gia đình trong câu chuyện rất nghèo, không có cái ăn. Truyện mở ra với khung cảnh đầy đau thương và nheo nhóc bởi tiếng than đói của thằng cu Bé, con của chị đĩ Chuột “Bu ơi con đói…Lần này có lẽ là lần thứ 10”. Gia đình anh chị Chuột ở trong hoàn cảnh đầy khó khăn, phải vay mướn đến nợ nần chồng chất, nhà hết gạo, chồng hết thuốc mà để có được bữa ăn ngon thì quả thực quá viển vông. Cả gia đìnhu tối trong cái nghèo khổ ấy, thế nhưng ngọn lửa ấm áp duy nhất còn sót lại là tìnhyêu thương, lo lắng cho gia đình và sự hiểu chuyện đến đau lòng của đứa trẻ đó là cái Gái -con đầu lòng của chị Tí. Thương cha đang nằm ốm, con bé vẫn cố tỏ ra rằng mình vẫn đang được ăn ngon để cha nó an tâm. Còn chị Tí, chị cũng thương chồng lắm, số gạo trắng ít ỏi còn lại trong nhà để dành cả cho anh Chuột, mấy mẹ con chị đĩ Chuột chỉ còn lại cám để qua bữa cho đỡ đói nhưng vì muốn chồng được yên tâm nên đành nói dối là mình ăn gạo đỏ. Nhưng còn thằng cu Bé, nó còn quá nhỏ, nó thèm cơm đến khóc lóc và điều này càng thức tỉnh anh Chuột suy nghĩ đến bữa ăn của vợ con mình. Nói chuyện với con gái, anh nghĩ đến khổ thân nó và cũng xót cho ba mẹ con vì mình mà nhường cơm trắng để ăn cái thứ gọi là “chè” nhưng thực chất lại là CÁM đặc. Anh thấy phẫn uất cuộc đời và khinh chính mình đã đẩy vợ con đến sự đói khát, nghèo khổ. Và đỉnh điểm là anh Chuột, không muốn chứng kiến cảnh vợ con vì bệnh tật của mình mà khổ cực, cái nghèo đã đẩy con người ta đến bờ vực của tuyệt lộ, anh đĩ Chuột chọn cách ra đi và buông xuôi. Ốm đau và đói nghèo khiến anh nghĩ rằng chỉ cần mình chết đi là mọi nguồn cơn khiến cho gia đình đau khổ cũng sẽ không còn nữa.Tác giả không dùng một từ nào để miêu tả về bối cảnh của thời đó nhưng từ gia đình của anh đĩ Chuột, người đọc dần như có cảm giác cái nghèo bao trùm lên mọi ngóc ngách, khiến không khí trở nên tiêu điều mà ảm đạm. Những diễn biến tâm lý của anh đĩ Chuột cũng được nhà văn lột tả đầy hợp lý và xúc động. Ông đã khắchọa lại cuộc sống đầy vất vả, đầy khổ đau của những con người nhỏ bé trong ách thống trị thực dân trước Cách mạng tháng Tám. Ta dễ dàng nhận ra phong cách quen thuộc của Nam Cao, bề ngoài lạnh lùng nhưng ở bên trong ẩn chứa tình yêu thương ấm nóng. Câu chuyện được dẫn dắt đến cái chết của anh Chuột như một hồi chuông vang về bi kịch nghèo khổ của người nông dân trong xã hội cũ đã đày đọa, dồn ép con người đến tận chân tường nhưng từ đó mới thấy được nhân cách cao cả, tốt đẹp của con người trong bi kịch và bản chất tàn nhẫn của xã hội ấy. Liệu rằng sau cái chết thê thảm của anh Chuột, có thể tìm ra đường chạy thoát khỏi sự bần cùng nghèo đói của gia đình hay ba mẹ con chị Chuột vẫn tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy bi kịch ấy. Các độc giả hãy tìm đọc và cảm nhận truyện bằng cả trái tim để tìm ra câu trả lời!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *