Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật truyện Trở về- Thạch Lam

DỰ ÁN 4:

VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TÁC PHẨM TRUYỆN

(Giới hạn:Truyện ngắn hiện đại Việt Nam)

BỘ CÁNH DIỀU

Đề bài

  1. ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu: (Trắc nghiệm)

 [..] Có đến 5, 6 năm nay, tâm không về thăm quê nhà. Trong thời gian ấy, ở Hà Nội, Tâm gắng sức làm việc để giành một cái địa vị trong xã hội. Chàng lấy vợ, con một nhà giàu có, cũng không cho mẹ biết. Thỉnh thoảng chàng nhận được ở nhà quê gửi ra một bức thư mà chữ viết non nớt nguệch ngoạc, và lời lẽ quê kệch. Tâm chỉ đọc thoáng qua rồi không để ý đến. Sống trong hoàn cảnh giàu sang chắc chắn, Tâm không bao giờ nghĩ đến quê nhà nữa. Hoặc có nghĩ đến, chỉ để lại tự chế giễu mình, khi còn nhỏ, đã có cái đời ở thôn quê là giản dị, và sung sướng. Chàng mơ màng yêu một cô thôn nữ, và ước mong cùng nhau sống trong cảnh thanh bạch dưới một túp liều tranh. Cái mộng ấy, bây giờ làm chàng khi nghĩ đến mỉm cười.

Không còn một cái liên lạc gì ràng buộc Tâm với thôn quê nữa. Những người họ hàng ở làng chỉ làm chàng sinh ghét, vì những sự đi lại nhờ vả lôi thôi. Còn đối với mẹ chàng, Tâm tin rằng đã làm đủ bổn phận khi mỗi tháng gửi về giúp bà cụ một số tiền, chàng lại càng tin như vậy lắm, khi nghĩ đến những cái khó khăn chàng phải vượt qua để có số tiền ấy. Bao nhiêu sự dối trá chàng phải cần đến để giấu không cho vợ biết! Có khi chàng nghĩ giận bà mẹ, vì bà mà chàng phải giấu diếm như thế.

[..]Khi vào đến sân nhà, Tâm thấy bốn bề yên lặng, không có bóng người. Cái nhà cũ vẫn như trước, không thay đổi, chỉ có sụp thấp hơn một chút và mái gianh xơ xác hơn. Tâm bước qua sân đồi đẩy cái liếp bước vào. Vẫn cái gian nhà mà chàng đã sống từ thuở nhỏ. Tâm cất tiếng gọi. Chàng nghe thấy tiếng guốc đi, vẫn cái tiếng guốc ấy, thong thả và chậm hơn trước, rồi mẹ Tâm bước vào. Bà cụ đã già đi nhiều, nhưng vẫn mặc cái bộ áo cũ kỹ như mấy năm về trước.

Khi nhận ra con, bà cụ ứa nước mắt:

– Con đã về đấy ư?

– Vâng, chính tôi đây, bà vẫn được mạnh khỏe đấy chứ? Câu nói như khó khăn mới ra khỏi miệng được, vì Tâm thấy cái lãnh đạm của mình.

[..] Câu chuyện nhạt dần. Những câu hỏi và sự săn sóc của bà cụ về công việc của chàng chỉ làm cho Tâm khó chịu. Chàng trả lời qua loa lấy lệ.

Nghĩ đến vợ đợi, Tâm vội vàng đứng dậy. Bà cụ nhìn theo khẩn khỏan:

– Cậu hãy ở đây ăn cơm đã. Đến chiều hãy ra.

– Thôi, bà để tôi về. Độ này bận công việc lắm.

Tâm lại an ủi:

– Nhưng thế nào có dịp tôi cũng về.

Rồi Tâm mở ví lấy ra bốn tấm giấy bạc 5 đồng đưa cho mẹ. Tâm hơi kêu ngạo, trước mặt cô Trinh, chàng nói:

– Đúng hai chục, bà cầm lấy mà tiêu, có thiếu tôi lại gửi về cho.

Bà cụ run run đỡ lấy gói bạc, rơm rớm nước mắt.

Tâm làm như không thấy gì, vội vàng bước ra:

– Thôi, bà ở lại. Chào cô Trinh nhé. Bảo tôi có nhời hỏi thăm tất cả họ hàng.

Ra đến ngoài Tâm nhẹ hẳn mình. Chàng tự cho đã làm xong bổn phận.

[… ]  Khi đến chỗ quặt quá ga, bỗng nhiên Tâm thoáng thấy đứng bên cạnh đường, một bà cụ già khom lưng dựa vào một cô con gái. Chiếc xe chạy bắn vọt bùn lên quần áo hai người. Trong một giây, Tâm thấy cặp mắt đen láy của cô gái quê mở to ngạc nhiên nhìn mình.

Tâm không ngoảnh lại chàng nghĩ đến bà mẹ, đến cô Trinh vẫn chơi đùa với chàng thuở nhỏ. Song những hình ảnh ấy như xa xăm lắm, và Tâm vẫn thấy dửng dưng không bận tâm trí. Giữa những kỷ niệm ấy với Tâm, như có một cái bờ ngăn cản: xe ô tô, vợ chàng, cái đời sang trọng, sung sướng của chàng hiện giờ.

Phong cảnh đồng ruộng hai bên đường vùn vụt trốn lại sau như càng làm xa cách chàng với cảnh thôn quê cũ.

(Đoạn trích truyện ngắn “ Trở về” của Thạch Lam)

 

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Truyện ngắn trên sử dụng người kể chuyện ở ngôi thứ mấy? (0,5 điểm)

  1. Ngôi thứ ba
  2. Ngôi thứ hai
  3. Ngôi thứ nhất
  4. Ngôi thứ nhất và thứ ba

Câu 2. Phát biểu nào sau đây nói đúng về đặc điểm của lời kể trong truyện? (0,5 điểm)

  1. Chỉ có lời nhân vật
  2. Chỉ có lời người kể chuyện
  3. Bao gồm cả lời người kể chuyện và lời nhân vật
  4. Bao gồm cả lời người kể chuyện, lời nhân vật và lời tác giả

Câu 3. Đoạn trích trên chủ yếu được kể từ điểm nhìn nào?

  1. Điểm nhìn bên ngoài
  2. Điểm nhìn bên trong
  3. Điểm nhìn không gian
  4. Điểm nhìn tâm lí

Câu 4. Tình huống chính trong truyện ngắn trên là gì ? (0,5 điểm)

  1. Khi trở về thành phố, Tâm thoáng thấy đứng bên cạnh đường, một bà cụ già khom lưng dựa vào một cô con gái
  2. Tâm trở về sau nhiều năm xa nhà
  3. Tâm lên thành phố học rồi không muốn trở về quê nhà
  4. Cả 3 đáp án trên

Câu 5. Theo đoạn trích, tại sao đã 5, 6 năm Tâm không về thăm nhà

  1. Tâm không thấy nhớ quê nhà
  2. Vì ở quê nhà Tâm không còn ai thân thích
  3. Vì sống trong hoàn cảnh giàu sang, Tâm không bao giờ nghĩ đến quê nhà nữa
  4. Vì Tâm phải giành thời gian làm việc, kiếm tiền để gửi về cho mẹ

Câu 6. Qua cách cư xử của Tâm, bạn thấy nhân vật này hiện lên là một con người như thế nào? (0,5 điểm)

  1. Một con người lãnh đạm, dửng dưng
  2. Một con người cạn tình
  3. Một con người bất hiếu
  4. Cả 3 đáp án trên

Câu 7. Qua câu chuyện, nhà văn Thạch Lam muốn gửi gắm thông điệp gì? (0,5 điểm)

  1. Con người cần biết từ bỏ quá khứ để vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn
  2. Câu chuyện đem đến thông điệp về sự thức tỉnh lương tri con người, về đạo làm con, về ân nghĩa, ân tình trong cuộc sống
  3. Trước mọi sự việc, con người cần có sự quyết đoán
  4. Con người cần biết tàn nhẫn thì mới có thể sống thanh thản

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:

Câu 8. Khi nhận lấy gói bạc Tâm đưa, người mẹ có phản ứng như thế nào? (0,5 điểm)

Câu 9. Anh/ chị có hiểu như thế nào về chi tiết sau? “Khi đến chỗ quặt quá ga, bỗng nhiên Tâm thoáng thấy đứng bên cạnh đường, một bà cụ già khom lưng dựa vào một cô con gái. Chiếc xe chạy bắn vọt bùn lên quần áo hai người”. (1,0 điểm)

Câu 10.  Anh/ chị có nhận xét gì về  thái độ và cách ứng xử của Tâm khi trở về thăm nhà? (1,0 điểm)

  1. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Bạn hãy viết một bài văn nghị luận phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật ở truyện ngắn trên.

 

 

ĐÁP ÁN

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1 A 0.5
2 C 0.5
3 A 0.5
4 B 0.5
5 C 0.5
6 D 0.5
7 B 0.5
8 Khi nhận lấy gói bạc Tâm đưa, người mẹ có phản ứng:

Bà cụ run run đỡ lấy gói bạc, rơm rớm nước mắt

0.5
9  Em hiểu chi tiết “Khi đến chỗ quặt quá ga, bỗng nhiên Tâm thoáng thấy đứng bên cạnh đường, một bà cụ già khom lưng dựa vào một cô con gái. Chiếc xe chạy bắn vọt bùn lên quần áo hai người”:

+ Chi tiết kể lại sự việc Tâm trên đường từ quê trở về thành phố, đến chỗ quặt đầu làng, đã nhìn thấy mẹ và cô Trinh đứng đó, để muốn tiễn đưa anh thêm một đoạn đường. Nhưng anh cố tình cho xe chạy qua khiến bùn bắn lên quần áo hai người.

+ Chi tiết cho người đọc thấy sự bất nhẫn, vô tâm của Tâm. Sĩ diện, đồng tiền đã làm Tâm tha hóa, đánh mất lương tri, vùi chôn ơn nghĩa sinh thành.

+ Từ đó, Thạch Lam đã làm nổi bật sự suy đồi đạo đức của con người trong xã hội đồng tiền lên ngôi, phản ánh sự đểu giả và tha hóa nhân cách của con người.

1.0
10 – Thái độ và cách ứng xử của Tâm khi trở về thăm nhà: Lạnh lùng, xa cách, qua quýt, thờ ơ, kiêu căng và hách dịch.

– Nhận xét:

+ Đó là cách ứng xử và thái độ vô ơn đáng trách, đáng lên án của đứa con bất hiếu.

+ Thức tỉnh trong mỗi người đọc bài học về đạo hiếu làm con đáng suy ngẫm, về ân tình, ân nghĩa, về nguồn cội quê hương với những mộc mạc xưa cũ.

0,25

 

 

0,25

 

0,5

II   VIẾT 4,0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học 0,25
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật ở truyện ngắn trên

0,5
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng hợp lí.

Sau đây là một số gợi ý:

I. MỞ BÀI

– Dẫn dắt

– Giới thiệu vấn đề nghị luận: Những nét đặc sắc về nghệ thuật trong truyện ngắn “Trở về” của Thạch Lam.

II. THÂN BÀI

1.     Giới thiệu khái quát:

a/ Tác giả Thạch Lam: Thạch Lam là cây bút xuất sắc trong nhóm Tự lực văn đoàn. Văn Thạch Lam không lãng mạn, thoát li hiện thực; văn Thạch Lam cũng không dữ dội, gay gắt như những cây bút hiện thực phê phán đương thời. Mỗi trang viết của ông nhẹ nhàng và trong trẻo, bình dị và tinh tế, trữ tình nên thơ mà vẫn bám rễ vào hiện thực cuộc đời. Các sáng tác của Thạch Lam, đặc biệt là truyện ngắn có giá trị đặc biệt tựa như “một thứ khí giới thanh cao làm cho lòng người thêm trong sạch.

b/ Tác phẩm: “Trở về” là một trong những truyện ngắn ấn tượng và đáng suy ngẫm của nhà văn Thạch Lam, in trong tập “Gió đầu mùa” xuất bản năm 1937. Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính tên Tâm, được người mẹ tần tảo sớm khuya nuôi dạy nên người. Tuy nhiên khi được ra thành phố, cuộc sống danh lợi hào nhoáng, kim tiền lấp lánh đã khiến anh ta mờ mắt và quên đi người mẹ già ở quê nhà, chối bỏ nguồn cội quê hương.

2. Nêu các điểm nổi bật về nội dung, ý nghĩa tác phẩm

Điểm nổi bật về nội dung và ý nghĩa tác phẩm được tập trung vào việc khắc họa nhân vật Tâm và người mẹ.

a. Nhân vật Tâm:

– Đoạn trích truyện ngắn “Trở về”  chứa đựng trong đó là bài học về đạo hiếu làm con đáng suy ngẫm, khắc họa sự vô ơn đáng trách của đứa con bất hiếu.

– Bản tính bất hiếu của nhân vật “Tâm mà vô tâm” được nhà văn tô đậm qua một loạt sự việc chi tiết:

+  Có đến năm, sáu năm nay, Tâm không về thăm quê nhà. + Chàng lấy vợ, con một nhà giàu có, cũng không cho mẹ biết.

+ Thỉnh thoảng chàng nhận được ở nhà quê gửi ra một bức thư mà chữ viết nguệch ngoạc và lời lẽ quê kệch. Tâm chỉ đọc thoáng qua rồi không để ý đến.

-> Cuộc sống bon chen khiến con người thay đổi, sẵn sàng chà đạp lên chính quá khứ bản thân.  Cái địa vị – giàu sang kia biến Tâm thành kẻ vô đạo: chuyện cưới vợ anh ta cũng giấu mẹ, những bức thư mẹ gửi ở quê ra, Tâm cho là quê kệch, không để ý, đọc qua loa rồi chẳng nhớ đến nữa.

– Trở về thăm quê, Tâm đáp lại tình cảm của mẹ bằng sự thờ ơ, cùng thái độ kiêu căng, hách dịch đến đáng ghét.

+ Cách xưng hô: bà – tôi -> lạnh lùng, xa cách, thờ ơ.

+  Ra khỏi ngôi nhà tuổi thơ, Tâm cảm thấy “nhẹ hẳn cả người” và chẳng có chút mảy may xúc động với nơi đã chăm bẵm anh ta những ngày khốn khó, “không còn một cái liên lạc gì ràng buộc Tâm với thôn quê nữa. Những người họ hàng ở làng chỉ làm chàng sinh ghét, vì những sự đi lại nhờ vả lôi thôi”.

->Lãnh đạm, dửng dưng, cạn tình, bất hiếu. Dối trá, tham giàu, bất nhân, bất hiếu.

– Nỗi đau đời, căm giận cách hành xử của người con được đẩy lên tột đỉnh ở phần cuối câu chuyện ở nhà ga.

+ Con về thăm chóng vánh, đối xử tệ bạc, dửng dưng với mẹ, bà mẹ già tội nghiệp vẫn trọn một tình thương, ra ga tiễn con mong gặp thêm lần nữa. Kết cục, đau càng thêm đau.

+ “Bỗng nhiên, Tâm giật lùi lại: “Một bà cụ già khom lưng dựa bên một cô con gái, đi ra phía ga”. Tâm nhận ra bà mẹ. Có lẽ bà cụ muốn được trông thấy con một lần nữa. Chắc bà tưởng Tâm đi xe hỏa. Chàng lộ vẻ khó chịu… “Khi đến chỗ quặt quá ga, bỗng nhiên Tâm thoáng thấy đứng bên cạnh đường, một bà cụ già khom lưng dựa vào một cô con gái. Chiếc xe chạy bắn vọt bùn lên quần áo hai người”.

->Tâm mà bất nhẫn, vô tâm. Sĩ diện, đồng tiền đã làm Tâm tha hóa, đánh mất lương tri, vùi chôn ơn nghĩa sinh thành.

Thạch Lam đã làm nổi bật sự suy đồi đạo đức của con người trong xã hội đồng tiền lên ngôi, phản ánh sự đểu giả và tha hóa nhân cách bằng ngòi bút đầy tinh tế.

b. Nhân vật người mẹ:

– Người mẹ có số phận bất hạnh:

+ Cả cuộc đời nghèo khổ, yêu thương và hi sinh hết lòng vì con -> Tâm thảnh thơi, hưởng thụ mà mặc nhiên rũ bỏ những điều mà người mẹ nghèo khổ hy sinh cho mình.

+ Người mẹ già tần tảo sớm hôm nuôi dạy con nên người, sống một mình ở quê, hi sinh tất cả vì con nhưng nhận lại là một sự thờ ơ, bất hiếu.

– Một người mẹ già nơi mái tranh nghèo xơ xác là trái tim thương yêu con nồng ấm.

+ Lời thăm hỏi ân cần của bà mẹ với Tâm làm ta cay cay khóe mắt: “Năm ngoái bác Cả lên tỉnh về bảo cậu ốm. Tôi lo quá, nhưng quê mùa chả biết tỉnh thế nào mà đi, thành ra không dám lên thăm. Bây giờ cậu đã khỏe hẳn chưa?”.

->Niềm thương đi cùng nỗi lo, mà lo cũng bởi thương, mong con mạnh khỏe. Cao cả biết bao tấm lòng người mẹ. Buồn thay, người mẹ tội nghiệp ấy thương con mà không được đáp đền.

+ Bà mẹ già trong truyện luôn mang trong tim mình suối nguồn thương yêu cao cả: Sáu năm con không về, nỗi nhớ mong của người mẹ nén chặt, nay con về bỗng òa cảm xúc: “Khi nhận ra con, bà cụ ứa nước mắt. Con đã về đấy ư? Bà cụ cảm động đến nỗi không nói được”.Vẻn vẹn ba câu văn hai mươi ba chữ, tác giả đã nói đúng, nói đủ niềm xúc động của người mẹ nghèo mòn mỏi nhớ con. “Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày”, giọt nước mắt ứa ra là miềm mong, nỗi nhớ những tháng ngày xa cách. Lẽ đời, người ta buồn cũng khóc, vui cũng khóc. Sáu năm, không dài nhưng cũng đâu có ngắn, tuổi già bóng xế, một mình càng thấm nỗi cô đơn, nhà văn rất tài tình khi diễn tả tâm trạng xúc động của người mẹ khi con về thăm.

+ Hình ảnh “một bà cụ già khom lưng dựa vào một cô con gái” trên đường ra ga đủ để người đọc ngẫm ngợi, day dứt. Họ vẫn sống, sống trong âm thầm thương nhớ, đơn côi. Cuộc sống vẫn lặng lẽ trôi đi trọng ngậm ngùi đau xót, chẳng mảy may hi vọng đền đáp thương yêu.

->Câu chuyện rất đời, nhiều nỗi niềm bỗng trở nên nhẹ nhàng, lan tỏa, thấm sâu vào lòng người.Ta càng  trân quý tấm lòng thương con của người mẹ càng  xót đau bởi đạo hiếu hoen mờ.

3. Phân tích cái hay, cái đẹp của các yếu tố nghệ thuật hoặc hình ảnh đặc sắc.

– Giọng văn: Điềm đạm, nhẹ nhàng mà sâu sắc, mỗi trang viết của cây bút truyện ngắn biệt tài thấm sâu vào tâm trí người đọc.

– Cốt truyện đơn giản, tác giả đi sâu vào ngõ ngách tâm lí nhân vật, khơi sâu thế giới nội tâm con người với nhiều cung bậc, cảm xúc. Dõi theo nhân vật Tâm, người đọc hiểu thấu tài năng miêu tả nội tâm nhân vật của Thạch Lam: Một thoáng cảm động khi về đến đầu làng; một thoáng nhớ về tuổi thơ với đôi bàn chân đau đớn đi học trên con đường rải đá khô rắn; những lạnh lùng, vô cảm, kiêu ngạo với mẹ khi trở về rồi phút chốc đi ngay; sự nhẹ nhõm sau khi bước ra khỏi ngôi nhà, cho mình đã làm xong bổn phận…Qua nội tâm nhân vật, dường như nhà văn đã chạm đến những góc khuất trong suy nghĩ của con người.

– Truyện có sự hòa quện của hai yếu tố: Hiện thực và lãng mạn. Trong truyện ngắn “Trở về”, chất hiện thực đậm hơn chất lãng mạn, chất thơ. Song, sự tinh tế của ngòi bút, nét đặc sắc trong miêu tả ngoại cảnh, đi sâu thế giới nội tâm nhân vật của nhà văn có giá trị đặc biệt.

–  Ngôn từ nhẹ nhàng, đằm thắm cùng cách kể chuyện giản dị là điểm nhấn độc đáo cho câu chuyện.

– Lời văn Thạch Lam nhiều hình ảnh, nhiều tìm tòi, có một cách điệu thanh thản, bình dị và sâu sắc. Văn Thạch Lam đọng nhiều suy nghiệm, nó là cái kết tinh của một tâm hồn nhạy cảm và từng trải về sự đời.

4. Đánh giá (Nhận xét, bình luận), nâng cao, mở rộng.

– Với truyện ngắn “Trở về”, câu chuyện về người người con bất hiếu, vô tâm, chạy theo danh lợi mà quên tình, cạn nghĩa, đánh mất đi nguồn cội, Thạch Lam đã hoàn tất sứ mệnh của mình một cách xuất sắc và độc đáo khi lay thức đến trái tim người đọc những tình cảm, lối sống nhân văn, cao đẹp.

–  Trở về là truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam, khắc họa nỗi xót xa của người mẹ già tần tảo sớm hôm nuôi con ăn học nhưng cuối cùng vì chìm đắm trong danh lợi mà anh ta đã thờ ơ, vô tâm với chính người đã sinh thành ra mình. Câu chuyện viết về bóng tối, về góc khuất cuộc đời nhưng có giá trị thức tỉnh lương tri con người.

III. KẾT BÀI

– Khẳng định khái quát những nét đặc sắc về chủ đề và nghệ thuật của truyện

– Nêu giá trị và sức sống của tác phẩm với thời gian

2.5
  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25
  e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. 0,5
Tổng điểm 10.0

 

 

Bài tham khảo

Đọc truyện ngắn Thạch Lam, người ta mến yêu “Cô hàng xén”, thương cảm cho “Nhà mẹ Lê”, day dứt sau “Một cơn giận”…  Tất cả đều để lại ấn tượng riêng, nhưng xót đau vẫn là “Trở về”. Truyện không hấp dẫn độc giả bởi tình tiết gay cấn mà bằng lối kể chuyện tâm tình về cảnh đời, cảnh sống tối tăm của con người. Ngôn từ nhẹ nhàng, đằm thắm cùng cách kể chuyện giản dị là điểm nhấn độc đáo, để lại cho người đọc suy ngẫm khó quên về chữ “hiếu” của người con với cha mẹ, nỗi xót xa khi con người mải mê chạy theo danh lợi mà quên đi những ân nghĩa, ân tình, những mộc mạc xưa cũ.

Thạch Lam là cây bút xuất sắc trong nhóm Tự lực văn đoàn. Văn Thạch Lam không lãng mạn, thoát li hiện thực; văn Thạch Lam cũng không dữ dội, gay gắt như những cây bút hiện thực phê phán đương thời. Mỗi trang viết của ông nhẹ nhàng và trong trẻo, bình dị và tinh tế, trữ tình nên thơ mà vẫn bám rễ vào hiện thực cuộc đời. Các sáng tác của Thạch Lam, đặc biệt là truyện ngắn có giá trị đặc biệt tựa như “một thứ khí giới thanh cao làm cho lòng người thêm trong sạch. “Trở về” là một trong những truyện ngắn ấn tượng và đáng suy ngẫm của nhà văn Thạch Lam, in trong tập “Gió đầu mùa” xuất bản năm 1937.Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính tên Tâm, được người mẹ tần tảo sớm khuya nuôi dạy nên người. Tuy nhiên khi được ra thành phố, cuộc sống danh lợi hào nhoáng, kim tiền lấp lánh đã khiến anh ta mờ mắt và quên đi người mẹ già ở quê nhà, chối bỏ nguồn cội quê hương.

Đoạn trích truyện ngắn “Trở về”  với cốt truyện đơn giản nhưng chứa đựng trong đó là bài học về đạo hiếu làm con đáng suy ngẫm, khắc họa sự vô ơn đáng trách của đứa con bất hiếu. Bản tính bất hiếu của nhân vật “Tâm mà vô tâm” được nhà văn tô đậm qua một loạt sự việc chi tiết.“Có đến năm, sáu năm nay, tâm không về thăm quê nhà. Trong thời gian ấy, ở Hà Nội, Tâm gắng sức làm việc để giành một cái địa vị trong xã hội. Chàng lấy vợ, con một nhà giàu có, cũng không cho mẹ biết. Thỉnh thoảng chàng nhận được ở nhà quê gửi ra một bức thư mà chữ viết nguệch ngoạc và lời lẽ quê kệch. Tâm chỉ đọc thoáng qua rồi không để ý đến”.

Sáu năm không về thăm mẹ,Tâm chỉ gửi tiền hàng tháng về cho mẹ và tuyệt nhiên không một lời hỏi thăm, để tâm đến những bức thư mẹ gửi từ quê ra với biết bao sự săn sóc, ân cần.Tồi tệ hơn nữa, vì sợ bị phát hiện là mình có người mẹ nghèo khổ nơi quê nhà nên anh ta không báo tin cho mẹ biết rằng mình đã lấy vợ. Tuy vậy, anh ta vẫn chẳng quan tâm và còn cảm thấy khó chịu với điều ấy. Đã có lúc Tâm tự chế giễu mình khi nhớ lại ước mơ hồi nhỏ rằng yêu một cô thôn nữ, sống thanh bạch dưới túp lều tranh. Ký ức trong trẻo đó khiến anh ta cảm thấy nực cười, cuộc sống bon chen khiến con người thay đổi, sẵn sàng chà đạp lên chính quá khứ bản thân.

Cái địa vị – giàu sang kia biến Tâm thành kẻ vô đạo. Con không chê cha mẹ khó, đằng này chuyện cưới vợ anh ta cũng giấu mẹ, tệ quá, còn đâu hiếu đạo làm con?!. Những bức thư mẹ gửi ở quê ra, Tâm cho là quê kệch, không để ý, đọc qua loa rồi chẳng nhớ đến nữa. Chưa đủ, miễn cưỡng về thăm mẹ, Tâm đáp lại tình cảm của mẹ bằng sự thờ ơ, cùng thái độ kiêu căng, hách dịch đến đáng ghét. Hãy lắng nghe những lời anh ta nói với bà cụ trước khi quay trở lại thành phố: “Vâng, chính tôi đây, bà vẫn được mạnh khỏe đấy chứ? Bà ở đây một mình thôi à? Như thường rồi. Thôi, bà để tôi về. Độ này bận công việc lắm. Đúng hai chục, bà cầm lấy mà tiêu, có thiếu tôi lại gửi về cho. Thôi, bà ở lại…”. Ra khỏi ngôi nhà tuổi thơ, Tâm cảm thấy “nhẹ hẳn cả người” và chẳng có chút mảy may xúc động với nơi đã chăm bẵm anh ta những ngày khốn khó, “không còn một cái liên lạc gì ràng buộc Tâm với thôn quê nữa. Những người họ hàng ở làng chỉ làm chàng sinh ghét, vì những sự đi lại nhờ vả lôi thôi”.Lãnh đạm, dửng dưng, cạn tình, bất hiếu. Chỉ qua cách xưng hô “tôi – bà”, người đọc nhận thấy mối quan hệ giữa Tâm với mẹ chẳng khác nào người dưng, cách xa vời vợi. Còn đâu ân nghĩa sinh thành? Dối trá, tham giàu, bất nhân, bất hiếu. Bốn tấm giấy bạc năm đồng Tâm đưa cho mẹ với thái độ kiêu ngạo trở thành điểm nhấn của câu chuyện. Bố thí chứ đâu phải báo hiếu. Tiền bạc đâu thể thay người ta làm tròn bổn phận. Mẹ còn sống, Tâm đã đối xử tệ như vậy, chẳng hiểu lúc về đất xa trời, anh ta sẽ hành xử thế nào? Người ta sẽ nhận thấy bao nỗi xót đau trong câu nói của Tâm với mẹ trước lúc rời đi: “Thôi, bà để tôi về”. Về đâu bây giờ? Về thành phố với cô vợ nhà giàu ư? Một chữ “về” sao mà chua xót, thì ra, quê hương, ngôi nhà của mẹ đâu còn là chốn đi về của đứa con đáng ghét, đánh mất cội nguồn. Nghe những lời nói vô cảm đó, người đọc xót xa, oán giận, hờn căm…

Nỗi đau đời, căm giận cách hành xử của người con được đẩy lên tột đỉnh ở phần cuối câu chuyện ở nhà ga. Con về thăm chóng vánh, đối xử tệ bạc, dửng dưng với mẹ, bà mẹ già tội nghiệp vẫn trọn một tình thương, ra ga tiễn con mong gặp thêm lần nữa. Kết cục, đau càng thêm đau. Ngòi bút tinh tế của Thạch Lam đã ghi lại khoảnh khắc xót xa: “Bỗng nhiên, Tâm giật lùi lại: “Một bà cụ già khom lưng dựa bên một cô con gái, đi ra phía ga”. Tâm nhận ra bà mẹ. Có lẽ bà cụ muốn được trông thấy con một lần nữa. Chắc bà tưởng Tâm đi xe hỏa. Chàng lộ vẻ khó chịu… “Khi đến chỗ quặt quá ga, bỗng nhiên Tâm thoáng thấy đứng bên cạnh đường, một bà cụ già khom lưng dựa vào một cô con gái. Chiếc xe chạy bắn vọt bùn lên quần áo hai người”. Anh ta chỉ lo sợ rằng bà cụ sẽ khóc lóc kể lể, ái ngại những câu bình phẩm to nhỏ, cái mỉm cười chế giễu của mọi người mà không quan tâm đến cảm xúc của người mẹ nghèo. Đốn mạt thay hắn đi ngang qua họ và dửng dưng khi thấy chiếc xe chạy bắn vọt bùn lên quần áo hai người. Lúc này, “không còn một cái gì ràng buộc Tâm với cuộc sống thôn quê nữa” nên anh ta chẳng mảy may động lòng thương hay hối hận. Thế là hết, Tâm mà bất nhẫn, vô tâm. Sĩ diện, đồng tiền đã làm Tâm tha hóa, đánh mất lương tri, vùi chôn ơn nghĩa sinh thành.Thạch Lam đã làm nổi bật sự suy đồi đạo đức của con người trong xã hội đồng tiền lên ngôi, phản ánh sự đểu giả và tha hóa nhân cách bằng ngòi bút đầy tinh tế.

Ở đây, nhà văn không chỉ khiến người đọc phải lên án sự vô ơn của đứa con mà còn đau xót cho số phận bất hạnh của người mẹ. Giờ đây giữa Tâm và quá khứ tuy nghèo nhưng đầy tình nghĩa đã có một bờ rào ngăn cách, đó là xe ô tô, tiền tài, danh vọng, cái đời sang trọng, sung sướng. Anh ta thảnh thơi, hưởng thụ mà mặc nhiên rũ bỏ những điều mà người mẹ nghèo khổ hy sinh cho mình.“Phong cảnh đồng ruộng hai bên đường vùn vụt trốn lại sau như càng làm xa cách chàng với cảnh thôn quê cũ.” Bon chen giữa dòng đời tấp nập, mỗi người mải mê chạy theo khát vọng về vật chất mà vô tình quên đi những điều rất đỗi bình dị. Tưởng chừng như nhận được rất nhiều nhưng thực sự thì đã đánh mất đi quá nhiều thứ quý giá mà không bao giờ lấy lại được.

Đọc đoạn trích, có thể khẳng định, ẩn sau người mẹ già nơi mái tranh nghèo xơ xác là trái tim thương yêu con nồng ấm. Lời thăm hỏi ân cần của bà mẹ với Tâm làm ta cay cay khóe mắt: “Năm ngoái bác Cả lên tỉnh về bảo cậu ốm. Tôi lo quá, nhưng quê mùa chả biết tỉnh thế nào mà đi, thành ra không dám lên thăm. Bây giờ cậu đã khỏe hẳn chưa?”.Niềm thương đi cùng nỗi lo, mà lo cũng bởi thương, mong con mạnh khỏe. Cao cả biết bao tấm lòng người mẹ. Buồn thay, người mẹ tội nghiệp ấy thương con mà không được đáp đền. Lần dở theo từng trang viết, người đọc khóc thương cho ân nghĩa sinh thành. Người mẹ già tần tảo sớm hôm nuôi dạy con nên người, sống một mình ở quê, hi sinh tất cả vì con nhưng nhận lại là một sự thờ ơ, bất hiếu. Chao ôi! Sự đời chua xót, đắng cay.

“Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, suối nguồn yêu thương của mẹ dành cho con có khi nào cạn vơi? Bà mẹ già trong truyện luôn mang trong tim mình suối nguồn thương yêu cao cả. Sáu năm con không về, nỗi nhớ mong của người mẹ nén chặt, nay con về bỗng òa cảm xúc: “Khi nhận ra con, bà cụ ứa nước mắt. Con đã về đấy ư? Bà cụ cảm động đến nỗi không nói được”.Vẻn vẹn ba câu văn hai mươi ba chữ, tác giả đã nói đúng, nói đủ niềm xúc động của người mẹ nghèo mòn mỏi nhớ con. “Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày”, giọt nước mắt ứa ra là miềm mong, nỗi nhớ những tháng ngày xa cách. Lẽ đời, người ta buồn cũng khóc, vui cũng khóc. Sáu năm, không dài nhưng cũng đâu có ngắn, tuổi già bóng xế, một mình càng thấm nỗi cô đơn, nhà văn rất tài tình khi diễn tả tâm trạng xúc động của người mẹ khi con về thăm.

Cạn nghĩa, những mong vương sót chút tình. Dõi theo câu chuyện, với nhân vật Tâm, nghĩa cạn tình cũng tan, có gì đâu mà luyến tiếc, vấn vương. Thực tế, Tâm đã có gia đình, cô vợ thành phố con nhà giàu. Vì thế, kỉ niệm cũ về cái thời “chân đất đầu trần” với Trinh – cô gái hàng xóm đảm đang, chịu khó – mãi thuộc về quá khứ, nên vậy và phải vậy. Điều đáng nói, đáng tiếc với Tâm là không có duyên vẫn nên còn một chút nghĩa, chút tình. Chí ít, cái tình ấy để đền đáp việc cô gái quê thường qua lại làm giúp mẹ anh ta nhiều công việc, luôn bên cạnh cho tuổi già của mẹ anh vơi bớt cô đơn. Có sao đâu một lời nói chân thành! Có gì đâu một ánh nhìn thân thiện hàm ơn! Thế là đủ! Đằng này, lời nói, thái độ của Tâm với Trinh quả thực đáng tiếc, đáng trách. Tình cạn, nghĩa cũng không.Chút ân tình ngày xưa toang đứt: “Những kỷ niệm cũ đối với chàng bây giờ thành ra trẻ con và vô vị. Tâm không thấy có sự tha thiết giữa chàng và cảnh cũ nữa. ..” Lợi danh, địa vị, sự giàu sang khiến Tâm thay đổi, chà đạp lên chính quá khứ bản thân. Giờ đây, Tâm tự phụ vì đã đã “vượt hẳn được cái bực nghèo hèn”. Thế nên, sau khi chạy xe bắn vọt bùn vào mẹ và cô Trinh, Tâm chẳng mảy may ân hận. “Tâm không ngoảnh lại, chàng nghĩ đến bà mẹ, đến cô Trinh vẫn chơi đùa với chàng thuở nhỏ. Song những hình ảnh ấy như xa xăm lắm, và Tâm vẫn thấy dửng dưng không bận tâm trí. Giữa những kỷ niệm ấy với Tâm, như có một cái bờ ngăn cản: Xe ô tô, vợ chàng, cái đời sang trọng, sung sướng của chàng hiện giờ”. Hình như, với Tâm đồng tiền đã lấy mất tính người. Giàu sang vùi chôn luôn nhân phẩm, biến anh ta thành kẻ bất hiếu, vô tình. Ước vọng “cái đời ở thôn quê là giản dị, và sung sướng, mơ màng yêu một cô thôn nữ, và ước mong cùng nhau sống trong cảnh thanh bạch dưới một túp lều tranh” mãi thuộc về một thời dĩ vãng.

Đọc truyện, người đời khóc cho mẹ, tiếc cho em (cô Trinh) khi trao trọn yêu thương mà không được đón nhận thương yêu. Hình ảnh “một bà cụ già khom lưng dựa vào một cô con gái” trên đường ra ga đủ để người đọc ngẫm ngợi, day dứt. Những con người bị phụ nghĩa, quên tình đó mai sau sẽ sống sao đây? Họ vẫn sống, sống trong âm thầm thương nhớ, đơn côi. Cuộc sống vẫn lặng lẽ trôi đi trọng ngậm ngùi đau xót, chẳng mảy may hi vọng đền đáp thương yêu. Câu chuyện rất đời, nhiều nỗi niềm bỗng trở nên nhẹ nhàng, lan tỏa, thấm sâu vào lòng người.Ta càng  trân quý tấm lòng thương con của người mẹ càng  xót đau bởi đạo hiếu hoen mờ. Đọc truyện, người ta sẽ nhận thức được cái xấu để đừng bao giờ dấn thân vào lỡ lầm đáng tiếc. “Con người ta có rất nhiều nơi để đến, chỉ một chốn để quay về”, hãy mở lối đi, không nên tự mình chặn mất lối về bởi ai biết cơ trời vần xoay, cuộc sống ngày mai sẽ ra sao?

“Điều còn lại ở mỗi nhà văn là giọng điệu riêng biệt của chính mình”. Với Thạch Lam, điệu riêng ấy trở thành cốt lõi tạo dựng vị thế riêng của ông trên văn đàn dân tộc. Điềm đạm, nhẹ nhàng mà sâu sắc, mỗi trang viết của cây bút truyện ngắn biệt tài thấm sâu vào tâm trí người đọc. Không nằm ngoài quy luật đó, truyện ngắn “Trở về” tiêu biểu cho văn phong Thạch Lam.Từ một cốt truyện đơn giản, tác giả đi sâu vào ngõ ngách tâm lí nhân vật, khơi sâu thế giới nội tâm con người với nhiều cung bậc, cảm xúc. Dõi theo nhân vật Tâm, người đọc hiểu thấu tài năng miêu tả nội tâm nhân vật của Thạch Lam: Một thoáng cảm động khi về đến đầu làng; một thoáng nhớ về tuổi thơ với đôi bàn chân đau đớn đi học trên con đường rải đá khô rắn; những lạnh lùng, vô cảm, kiêu ngạo với mẹ khi trở về rồi phút chốc đi ngay; sự nhẹ nhõm sau khi bước ra khỏi ngôi nhà, cho mình đã làm xong bổn phận…Qua nội tâm nhân vật, dường như nhà văn đã chạm đến những góc khuất trong suy nghĩ của con người.Truyện Thạch Lam có sự hòa quện của hai yếu tố: Hiện thực và lãng mạn. Trong truyện ngắn “Trở về”, chất hiện thực đậm hơn chất lãng mạn, chất thơ. Song, sự tinh tế của ngòi bút, nét đặc sắc trong miêu tả ngoại cảnh, đi sâu thế giới nội tâm nhân vật của nhà văn có giá trị đặc biệt. Ngôn từ nhẹ nhàng, đằm thắm cùng cách kể chuyện giản dị là điểm nhấn độc đáo, để lại cho người đọc suy ngẫm khó quên về chữ “hiếu” của người con với cha mẹ, nỗi xót xa khi con người mải mê chạy theo danh lợi mà quên đi những điều mộc mạc xưa cũ. Lời văn Thạch Lam nhiều hình ảnh, nhiều tìm tòi, có một cách điệu thanh thản, bình dị và sâu sắc. Văn Thạch Lam đọng nhiều suy nghiệm, nó là cái kết tinh của một tâm hồn nhạy cảm và từng trải về sự đời.

Với truyện ngắn “Trở về”, câu chuyện về người người con bất hiếu, vô tâm, chạy theo danh lợi mà quên tình, cạn nghĩa, đánh mất đi nguồn cội, Thạch Lam đã hoàn tất sứ mệnh của mình một cách xuất sắc và độc đáo. Trở về là truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam, khắc họa nỗi xót xa của người mẹ già tần tảo sớm hôm nuôi con ăn học nhưng cuối cùng vì chìm đắm trong danh lợi mà anh ta đã thờ ơ, vô tâm với chính người đã sinh thành ra mình. Câu chuyện viết về bóng tối, về góc khuất cuộc đời nhưng có giá trị thức tỉnh lương tri con người.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *