Viết bài văn (khoảng 500 chữ) phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm Nước mắt – Nam Cao

VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TÁC PHẨM TRUYỆN 11

BỘ CÁNH DIỀU

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu: (Trắc nghiệm)

NƯỚC MẮT (Nam Cao)

Francois Coppe: Người ta chỉ xấu xa, hư       hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỷ ; và nước mắt là một miếng kính biến hình vũ trụ.”

 

 

(Lược đoạn đầu: Điền cả đêm mệt mỏi chăm con là thằng cu Chuyên ốm, sáng ra chuẩn bị lên tỉnh lĩnh tiền. Vợ dặn phải mua thuốc cho con bé Hường đang nổi mụn khắp mặt. Hắn cáu kỉnh, bực tức vì đủ thứ phải chi tiêu, nhưng lại không chịu nổi sự càu nhàu của vợ nên đành chịu. Bản thân hắn mắc bệnh ở tim, cũng chẳng có tiền để theo đuổi thuốc thang. Làm chẳng đủ ăn, chẳng dám mua một cái áo, một quyển sách, lại suốt ngày con ốm, con đau. Hắn ngao ngán cho kiếp mình.  Để tiết kiệm tiền xe, mãi đến mười giờ Ðiền mới đi bộ tới trạm Quỳnh Nha, gặp ông đội Trạm để lĩnh thư, sau đó mới lên nhà dây thép lĩnh tiền.)

Ở nhà dây thép tỉnh, Ðiền phải đợi khá lâu. Người gửi tiền, lĩnh tiền đông. Ðiền thì lại ghét chen chúc và xô đẩy. Nhưng kết cục rồi cũng phải len vào. Nếu cứ muốn làm người nhã nhặn mãi ở đây thì có lẽ chẳng bao giờ hắn lĩnh được ba chục bạc. Hắn lễ phép đưa căn cước và tấm bưu phiếu cho người thư ký:

– Thưa ông, ông làm ơn…

– Ơn oán gì? Ðợi đấy!

Ðiền sửng sốt. Sao người ta lại có thể cục cằn đến thế? Hắn hối hận vì đã phí một lời lịch sự. Gã kia thì vẫn cứ cúi đầu lia lịa viết, cau có, phụng phịu, làu nhàu, như cáu kỉnh với công chúng đến làm phiền gã. Ðiền lộ vẻ khinh bỉ và yên lặng đợi… Một lúc lâu sau, gã mới ngẩng đầu lên. Tức thì hàng chục cái bàn tay cầm căn cước chìa vào. Gã hùng hổ giật xoét lấy từng cái một, đập cả chồng đánh bẹp xuống bàn. Rồi vẫn hầm hầm, gã lần lượt giở từng chiếc một ra xem để phát tiền. May cho Ðiền, cái bưu phiếu của hắn ở trên cùng. Viên thư ký biên những điều cần, cộp cái dấu đề ngày, vào sổ, rồi ném cái giấy căn cước trả Ðiền. Gã ném theo cho Ðiền ba tập giấy bạc chỉ thoáng trông cũng biết là rách lắm. Ðiền nhăn mặt: ở nhà quê, giấy bạc rách quá người ta không chịu lấy. Ðiền kiểm lại. Kể thì cái nào cũng rách, nhưng cố nhiên là hắn không dám khó tính đến đòi đổi cả. Hắn chỉ nằn nì xin đổi một cái vừa rách làm ba, vừa nhòe nhoẹt mực. Viên thư ký lắc đầu quảy quày:

– Không biết! không biết! không biết!

Ðiền không còn thể bình tĩnh nữa. Hắn đỏ bừng mặt, ném tờ giấy bạc vào:

– Thế này thì ông bảo tôi tiêu làm sao được?

Lập tức người thư ký đứng phắt lên, sừng sộ với Ðiền:

– Anh muốn tù phải không?

Ðiền biết gã nhận lầm mình bởi cái mũ tàng và cái áo the sờn, nên cứng cỏi nói bằng tiếng Pháp:

– Ông nên có lễ độ một chút, ông phải biết: ông ăn lương để làm việc cho công chúng chứ không phải đối đãi với công chúng như những người đi lĩnh chẩn.

– Nhưng… nhưng…

Gã nói không thành câu nữa. Mặt gã cũng đỏ lên như một hòn gạch. Gã lại ngồi phịch xuống. Gã nhặt tờ giấy bạc, ném ra giả Ðiền:

– Không tiêu được thì vất đi!

Cái quạt điện đang quay, nên tờ giấy bạc bay vèo. Những người chưa lĩnh được tiền sốt ruột, đẩy Ðiền ra. Ðiền chạy theo tờ giấy bạc, và xô ngã một con bé độ năm sáu tuổi, theo mẹ đi gửi giấy. Hắn vội vàng đỡ nó dậy, giũ áo quần cho nó. Ðến khi hắn quay ra thì tờ giấy bạc đã biến đi đâu mất. Trông thấy cái mặt ngây ra của hắn, một vài người cười chế nhạo. Ðiền thấy mình lố linh. Hắn bực tức chạy vội ra khỏi nhà dây thép, và cúi cổ bước thật nhanh, đi một quãng dài, không dám quay đầu lại. Ðến khi gần ra khỏi tỉnh, hắn mới đi chậm hơn một chút. Ấy thế là một đồng bạc mất! Hắn tức lên đến họng. Hắn vừa đi vừa nguyền rủa người thư ký. Rồi hắn lại nguyền rủa hắn. Bởi vì chính hắn cũng có lỗi một phần vào đấy nữa, hắn ân hận vì đã không chịu cứ nhận tờ giấy bạc rách ấy để đem lại nhà băng đổi. Hắn cứ loanh quanh nghĩ đến nó và tiếc mãi. Hắn nhất định nhịn bữa ăn đã định, để bù vào đấy. Hắn buồn bã đi thẳng về…

Về đến nhà thì trời đã sâm sẩm tối. Ðiền nhọc ươn người. Hắn đi tập tễnh như một người què, bước vào sân. Vợ hắn gọi hắn ngay:

– Thuốc của cái Hường đâu?

Hắn chợt nhớ ra, thừ mặt, rồi chẳng đáp nửa lời, hắn lại ấm nước, rót ra chén, ừng ực uống. Hắn uống hết chén này đến chén khác, không còn biết bao nhiêu chén. Mồ hôi vã ra như tắm. Uống xong, hắn mới vừa thở vừa bảo vợ:

– Tôi quên rồi!

Người đàn bà buông mặt xuống ngay. Thị giận dỗi với chồng:

– Quên! Chỉ quên suốt đời… Có mà tiếc tiền ấy!… Quên… quên thế nào! Người đâu mà có người tệ thế!…

Ðiền gần muốn nhảy lại vợ mà bóp cổ. Con vợ thật là khốn nạn! Sau một ngày hắn đã phải chịu không còn biết bao nhiêu nỗi khổ, đấy là những lời thở ra để mà đón hắn! Hắn quắc mắt lên, và nghiến răng…

– Im ngay! Câm cái mồm!

– Câm… câm cái gì? Mình trông con kia kìa! Mặt nó sưng lên bằng cái lệnh, chẳng còn trông thấy mắt, và mụn thì đầy lên kia!

Thị nói như người gào. Ðiền đưa mắt nhìn con gái. Mặt nó sưng to thật. Hắn nghẹn ngào trong cổ, không nói được. Vợ hắn càng gào mãi lên:

– Tiếc tiền! Tiếc tiền!… Nó chết rồi để tiền mà tiêu.

Ðiền tức sùi bọt mép. Mắt hắn lòe ra lửa. Hắn giơ một bàn tay run lên, đánh nhịp cho lời nói bực dọc đến thành tàn nhẫn:

– Cho nó chết! Cho nó chết!…

Sống làm gì nữa? Nay ốm, mai đau thì chết đi cũng phải!… Sống lắm cũng chỉ khổ và làm người ta khổ thôi, được gì? Chết đi! Mày chết đi!…

Nói xong, Ðiền hét lớn:

– Thằng Bình đâu?

Không thấy thằng ở chạy lên, Ðiền quát hỏi con:

– Thằng Bình nó đi đâu Hường?

Hường sợ hãi, trả lời bằng một câu đứt làm mấy đoạn:

– Nó lại đau bụng xin về rồi.

– Cả thằng ấy nữa!… Nó cũng chết đi cho rảnh! Nay đau bụng, mai đau bụng… Nay xin về, mai xin về!…

Hắn vùng vằng đi vào nhà, quăng mũ quăng áo, quăng nốt cả cái thần xác mỏi mệt xuống một cái giường, thở hổn hển, như để đẩy bớt ra ngoài cái khí giận đang cuồn cuộn trong ngực. Hắn thấy mình khổ quá, khổ như một con chó vậy. Hắn nhịn đói từ sáng đến giờ. Hắn đi bộ què chân, nắng hơ sém cả da. Hắn xẻn từ đồng xu uống nước trở đi. Hắn chịu nhục với mọi người… Như thế, bởi vì đâu? Chẳng phải vì vợ vì con ư? Nhưng nào vợ con có thèm biết cho đâu! Ðã chẳng an ủi một lời, vợ hắn còn vơ lấy một sự hắn quên để mà đay nghiến hắn. Ừ, mà cho rằng hắn không quên nữa, cho rằng hắn không lấy thuốc cho con là cố ý, là muốn khỏi mất mấy đồng bạc nữa, thì vợ hắn có nên nói tệ hắn như vậy hay không? Hắn hà tiện vì ai? Hắn khổ sở vì ai, riêng vào cái thân hắn chẳng phí phạm một đồng xu nào cả. Mấy mươi lần vợ hắn giục hắn may một cái áo sơ-mi, hắn chỉ ư hừ rồi để đấy, chưa bao giờ dám bỏ tiền ra mà may cả. Thế rồi bao nhiêu tiền cũng vào vợ, vào con hết… Hắn bủn xỉn, hắn tiếc tiền… ừ, nhưng mà hắn tiếc tiền cho ai?… Ðiền cứ càng nghĩ càng thấy hắn là người khổ, vợ hắn là người tệ bạc. Hắn muốn chẳng thiết gì vợ con, nhà cửa nữa. Hắn sẽ đi phắt một nơi nào, sống cho mình, đứa nào chết mặc thây, bấy giờ họa chăng vợ hắn mới biết thân!…

Ở ngoài hè, vợ Ðiền bảo thầm con:

– Con vào hỏi xem thày có xơi cơm thì u thổi.

Ðiền nghe thấy mà nuốt bọt. Hắn đang thèm cơm lắm. Nhưng không hiểu sao Ðiền muốn nhịn, muốn đầy đọa mình cho khổ hơn thế nữa, hơn nhiều nữa. Hắn thấy một cái thú chua chát trong sự tự làm khổ mình như vậy. Bởi thế khi Hường vào, rụt rè nhắc lại câu mẹ dặn, Ðiền quát lên với nó:

– Không ăn!

Nó bịu xịu đi ra. Mẹ con thì thầm. Rồi Hường lại rón rén vào.

– Thầy có xơi cháo đậu, để u con đi nấu.

– Không ăn!

Biết rằng chồng giận, vợ Ðiền phải thân hành vào vậy.

Thị ôn tồn nói:

– Mình ăn cơm rồi à?

Ðiền không đáp. Thị lẳng lặng một thoáng, rồi lại bảo:

– Mình ăn từ trưa thì bây giờ đói rồi, còn gì? Hay là mình nhọc, không muốn ăn cơm? Tôi quấy cho mình một chút bột sắn mình ăn nhé?

– Không ăn! Ðừng hỏi gì lôi thôi!

Vợ Ðiền sầm mặt, ẵm con đi nằm. Ðiền thấy hơi hả dạ. Nhưng bỗng con bé Hường chạy vội ra đầu chái, về phía giường Ðiền. Ðiền nghe tiếng đôi guốc của nó lẹc kẹc rất nhanh một thoáng, rồi im lặng. Rồi Hường xịt mũi. Nó xụt xịt rất lâu ngoài ấy. Nó nghẹt mũi hay nó khóc? Ðiền cố lắng tai nghe. Hắn nghe thấy những tiếng Hường nức nở. Hắn đột nhiên rún người. Lòng hắn quăng ra. Những ý giận hờn bừa bộn vụt tan. Còn lại cái hình ảnh bé nhỏ của Hường, với cái mặt đầy mụn và sưng lên của nó, đôi mắt giàn giụa nước và miệng mếu. Con bé còn nhỏ tuổi nhưng đã rất hay khóc vụng; mỗi lần muốn khóc, nó lại tránh ra một chỗ, cố nén tiếng, không cho ai biết. Ðiền thấy thương nó quá. Tội nghiệp cho con bé! Nó ốm đau luôn và thường bị mẹ mắng chửi suốt ngày như tát nước. Mẹ nó mắng chửi nó, nhiều khi bất công và vô lý. Nhưng lạ thay! Lúc này Ðiền không vin vào đấy mà trách vợ. Hắn thấy vợ hắn không tệ. Thị vốn thương con lắm. Những lúc thị gắt gỏng với con như thế chỉ là những lúc thị sốt ruột quá, lo lắng quá. Cũng như hắn vậy, sao hắn nỡ đem lòng giận thị? Ai chả thế? Người không phải là thánh. Sự khổ sở dễ khiến lòng chua chát. Khi người ta lam lũ quá, lại còn lo trăm thứ, bị làm rầy vì trăm thứ, thì ai mà bình tĩnh được? Ai mà chả hay gắt gỏng? Gắt gỏng thì chính mình khổ trước. Không giữ được thì phải bật ra ngoài như vậy. Thật ra có ai muốn cau có làm chi?… Vậy thì vợ hắn gắt lên với hắn lúc này cũng chỉ là việc thường thôi. Cũng như hắn gắt lại với thị và gắt với con. Cũng như ông ký nhà dây thép…

Ngẫm nghĩ một lúc, Ðiền thấy thương ông ấy quá. Ðiền tưởng ra cho ông ấy một gia đình đông con và túng thiếu tựa nhà Ðiền. Số lương chẳng đủ tiêu. Sau mỗi ngày công việc rối tít mù, loạn óc lên vì những con số, vì những cái bưu phiếu cái nọ chưa xong đã đến cái kia, ông mỏi mệt trở về nhà, lại phải nghe mấy đứa con lớn chí chóe đánh nhau, đứa con nhỏ khóc, chủ nợ réo đòi và vợ thì sưng sỉa hoặc gào thét như một con mẹ dại. Nhà cứ om lên như chợ. Ðêm nằm ông nghe vợ bàn bạc; ông nghĩ đến trăm thứ tiền, trăm thứ việc, ông nằm mơ thấy mình trúng số, để sáng hôm sau tưng hửng, lại mải mốt đi đến sở, nhăn mặt lại khi thấy những người gửi tiền, người lĩnh tiền đi vòng trong, vòng ngoài, và người nào cũng muốn ông làm trước cho…

[…] Ðiền rất bùi ngùi. Hắn bùi ngùi cả cho ông ký đã gây sự với hắn sáng hôm nay. Hắn chắc rằng vì việc ấy mà tối hôm nay ông còn buồn bực hơn tối mọi ngày. Hắn cũng vậy, hắn chả thường buồn bực rất lâu vì những việc xảy ra không đáng kể đó ư? Chao ôi! Chẳng qua hắn và ông cũng cùng khổ như nhau cả đấy thôi! Yên ủi nhau còn chẳng thấy đâu, còn làm khổ lẫn nhau làm gì nữa? Ðiền hối hận vì cái cử chỉ của mình đối với ông vô cùng…

Bây giờ trong lòng hắn chỉ còn lại sự xót thương. Hắn thương vợ, thương con, thương tất cả những người phải khổ đau. Lòng hắn thiết tha rướn lên, muốn vươn ra để ấp ôm lấy mọi người. Mắt hắn đầm đìa. Hắn gọi con rất dịu dàng:

– Hường ơi!… Vào đây với thầy con!…

Con bé lau nước mắt xong rồi mới chạy vào. Nó rón rén đứng bên giường:

– Thầy bảo con gì cơ?

– Con lên đây nằm thầy quạt cho.

Vợ hắn biết là chồng mình đã hết giận, bảo chồng:

– Mình lại đây này… Cả cái Hường cũng lại đây, nằm ghé bên em. Em nó ngủ rồi. Mình quạt cho cả thằng Chuyên với cái Hường. Tôi đi lấy gạo thổi cơm. Lúc nãy còn một ít cơm nguội, chúng nó ăn, tôi cũng chưa ăn gì…

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

Lựa chọn đáp án đúng ( Mỗi câu 0.5 điểm):

Câu 1: Xác định ngôi kể của tác phẩm trên:

A.Ngôi thứ nhất                                                        B. Ngôi thứ 3

Câu 2: Nhận định nào đúng về sự thay đổi điểm nhìn trong truyện Nước mắt:

Chủ yếu chuyển từ điểm nhìn của người kể chuyện sang cái Hường

Chủ yếu chuyển từ điểm nhìn của người kể chuyện sang Điền

Chủ yếu chuyển từ điểm nhìn của người kể chuyện sang vợ Điền

Chủ yếu chuyển từ điểm nhìn của người kể chuyện sang ông ký nhà dây thép

Câu 3: Truyện Nước mắt tập trung kể câu chuyện gì?

Con gái Điền bị ốm mà không có thuốc uống

Vợ chồng Điền cãi nhau vì chuyện con cái ốm đau

Sự chuyển biến tâm trạng và cái nhìn của Điền về những người khốn khổ quanh mình

Thói gia trưởng của đàn ông trong xã hội xưa

Câu 4: Nhân vật Điền được khắc họa chủ yếu ở phương diện nào:

Ngoại hình

Lời nói

Tâm lí

Hành động

Câu 5: Qua tác phẩm, tác giả chủ yếu nói lên điều gì về nhân vật Điền:

Sự nghèo khổ của Điền

Tài năng của Điền

Sự vô tâm của Điền

Sự phản tỉnh của Điền

Câu 6: Phương án nào không phải là thành công nghệ thuật của tác phẩm:

Cốt truyện kịch tính, hấp dẫn

Kết hợp giữa điểm nhìn tác giả và nhân vật

Khắc họa tâm lí chân thực, sinh động

Ngôn ngữ nửa trực tiếp

Câu 7: Nhận xét đúng nhất về giọng điệu trần thuật của văn bản trên là

Giọng cay nghiệt, xót xa

Giọng chua chát, buồn thương

Giọng lạnh lùng, đay nghiến

Giọng trào phúng, châm biếm.

Trả lời câu hỏi:

Câu 8 (0. 5 điểm): Nêu đặc điểm hoàn cảnh của nhân vật Điền.

Câu 9 (1.0 điểm): Hãy nêu tác dụng của sự thay đổi điểm nhìn trong đoạn trích sau đây:

Vợ Ðiền sầm mặt, ẵm con đi nằm. Ðiền thấy hơi hả dạ. Nhưng bỗng con bé Hường chạy vội ra đầu chái, về phía giường Ðiền. Ðiền nghe tiếng đôi guốc của nó lẹc kẹc rất nhanh một thoáng, rồi im lặng. Rồi Hường xịt mũi. Nó xụt xịt rất lâu ngoài ấy. Nó nghẹt mũi hay nó khóc? Ðiền cố lắng tai nghe. Hắn nghe thấy những tiếng Hường nức nở. Hắn đột nhiên rún người. Lòng hắn quăng ra. Những ý giận hờn bừa bộn vụt tan. Còn lại cái hình ảnh bé nhỏ của Hường, với cái mặt đầy mụn và sưng lên của nó, đôi mắt giàn giụa nước và miệng mếu. Con bé còn nhỏ tuổi nhưng đã rất hay khóc vụng; mỗi lần muốn khóc, nó lại tránh ra một chỗ, cố nén tiếng, không cho ai biết. Ðiền thấy thương nó quá. Tội nghiệp cho con bé! Nó ốm đau luôn và thường bị mẹ mắng chửi suốt ngày như tát nước. Mẹ nó mắng chửi nó, nhiều khi bất công và vô lý. Nhưng lạ thay! Lúc này Ðiền không vin vào đấy mà trách vợ. Hắn thấy vợ hắn không tệ. Thị vốn thương con lắm. Những lúc thị gắt gỏng với con như thế chỉ là những lúc thị sốt ruột quá, lo lắng quá. Cũng như hắn vậy, sao hắn nỡ đem lòng giận thị? Ai chả thế? Người không phải là thánh. Sự khổ sở dễ khiến lòng chua chát. Khi người ta lam lũ quá, lại còn lo trăm thứ, bị làm rầy vì trăm thứ, thì ai mà bình tĩnh được? Ai mà chả hay gắt gỏng? Gắt gỏng thì chính mình khổ trước. Không giữ được thì phải bật ra ngoài như vậy. Thật ra có ai muốn cau có làm chi?… Vậy thì vợ hắn gắt lên với hắn lúc này cũng chỉ là việc thường thôi. Cũng như hắn gắt lại với thị và gắt với con. Cũng như ông ký nhà dây thép…

Câu 10 (1.0 điểm): Anh chị có đồng tình với suy nghĩ của nhân vật Điền: “Chao ôi! Chẳng qua hắn và ông cũng cùng khổ như nhau cả đấy thôi! Yên ủi nhau còn chẳng thấy đâu, còn làm khổ lẫn nhau làm gì nữa? Ðiền hối hận vì cái cử chỉ của mình đối với ông vô cùng…”

Đề 2: Tự luận (Theo ma trận của Bộ): 8 câu, 6 điểm.

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định ngôi kể của truyện ngắn “Nước mắt”.

Câu 2 (0,5 điểm): Sau khi ra khỏi nhà dây thép tỉnh, Điền bực tức vì điều gì?

Câu 3( 1 điểm) : Hãy chỉ rõ sự thay đổi điểm nhìn trong đoạn trích sau đây và nêu tác dụng của sự thay đổi đó:

Vợ Ðiền sầm mặt, ẵm con đi nằm. Ðiền thấy hơi hả dạ. Nhưng bỗng con bé Hường chạy vội ra đầu chái, về phía giường Ðiền. Ðiền nghe tiếng đôi guốc của nó lẹc kẹc rất nhanh một thoáng, rồi im lặng. Rồi Hường xịt mũi. Nó xụt xịt rất lâu ngoài ấy. Nó nghẹt mũi hay nó khóc? Ðiền cố lắng tai nghe. Hắn nghe thấy những tiếng Hường nức nở. Hắn đột nhiên rún người. Lòng hắn quăng ra. Những ý giận hờn bừa bộn vụt tan. Còn lại cái hình ảnh bé nhỏ của Hường, với cái mặt đầy mụn và sưng lên của nó, đôi mắt giàn giụa nước và miệng mếu. Con bé còn nhỏ tuổi nhưng đã rất hay khóc vụng; mỗi lần muốn khóc, nó lại tránh ra một chỗ, cố nén tiếng, không cho ai biết. Ðiền thấy thương nó quá. Tội nghiệp cho con bé! Nó ốm đau luôn và thường bị mẹ mắng chửi suốt ngày như tát nước. Mẹ nó mắng chửi nó, nhiều khi bất công và vô lý. Nhưng lạ thay! Lúc này Ðiền không vin vào đấy mà trách vợ. Hắn thấy vợ hắn không tệ. Thị vốn thương con lắm. Những lúc thị gắt gỏng với con như thế chỉ là những lúc thị sốt ruột quá, lo lắng quá. Cũng như hắn vậy, sao hắn nỡ đem lòng giận thị? Ai chả thế? Người không phải là thánh. Sự khổ sở dễ khiến lòng chua chát. Khi người ta lam lũ quá, lại còn lo trăm thứ, bị làm rầy vì trăm thứ, thì ai mà bình tĩnh được? Ai mà chả hay gắt gỏng? Gắt gỏng thì chính mình khổ trước. Không giữ được thì phải bật ra ngoài như vậy. Thật ra có ai muốn cau có làm chi?… Vậy thì vợ hắn gắt lên với hắn lúc này cũng chỉ là việc thường thôi. Cũng như hắn gắt lại với thị và gắt với con. Cũng như ông ký nhà dây thép…

Câu 4 (1 điểm) : Nhận xét đặc điểm tính cách của nhân vật Điền và với mỗi đặc điểm hãy lấy một dẫn chứng cụ thể để chứng minh cho tính cách đó.

Câu 5 (1 điểm) : Tâm trạng của Điền đã có sự thay đổi như thế nào ở đoạn cuối tác phẩm. Nguyên nhân nào dẫn tới sự thay đổi đó?

Câu 6 (1 điểm) :  Anh chị có đồng tình với suy nghĩ của nhân vật Điền: “Chao ôi! Chẳng qua hắn và ông cũng cùng khổ như nhau cả đấy thôi! Yên ủi nhau còn chẳng thấy đâu, còn làm khổ lẫn nhau làm gì nữa? Ðiền hối hận vì cái cử chỉ của mình đối với ông vô cùng…”

Câu 7 (0,5): Anh chị rút ra triết lí nhân sinh nào từ truyện ngắn Nước mắt

Câu 8 (0,5): Hãy kể tên một tác phẩm có cùng chủ đề với truyện ngắn “Nước mắt”. Hãy nói rõ chủ đề đó.

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm trên.

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

TRẮC NGHIỆM:

1B, 2B, 3C, 4C, 5D, 6A, 7B

Câu 8: Đặc điểm hoàn cảnh của Điền: gia cảnh nghèo khó, con thường xuyên đau ốm.

Câu 9:

Đoạn trích có sự thay đổi điểm nhìn từ: điểm nhìn của người kể chuyện ở đoạn đầu trích đoạn (Vợ Ðiền sầm mặt, ẵm con đi nằm..) đến điểm nhìn của nhân vật Điền ở cuối trích đoạn. (Tội nghiệp cho con bé!…)

Tác dụng:

+ Góp phần đi sâu khắc họa sự thay đổi tâm lý của nhân vật: Từ tức giận, oán trách sang thương cảm, xót xa

+ Giúp giọng văn trở lên linh hoạt, đa dạng: giọng trần thuật khách quan, giọng xót xa, thương cảm…

+ Khiến cho truyện ngắn thấm đẫm chất trữ tình.

Câu 10:

Hs nêu quan điểm: Đồng tình/ Không đồng tình/ Vừa đồng tình, vừa không.

HS lí giải quan điểm

(Gợi ý: Nếu đồng tình thì lập luận theo hướng: Đó là cách suy nghĩ đúng đắn, biết đặt mình vào hoàn cảnh người khác để thấu hiểu, cảm thông. Nó là biểu hiện của tình yêu thương. Nếu không đồng tình cũng cần nêu rõ lí do như: cách ứng xử của ông phán dây thép là không đúng, vì ông là nhân viên nhà nước, cần hoàn thành nhiệm vụ, không thể vì hoàn cảnh riêng mà có thái độ không tốt đối với nhân dân…)

Đề 2: Tự luận

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định ngôi kể của truyện ngắn “Nước mắt”.

Ngôi thứ ba

Câu 2 (0,5 điểm): Sau khi ra khỏi nhà dây thép tỉnh, Điền bực tức vì điều gì?

Vì thái độ phục vụ của ông phán dây thép và vì đánh mất một đồng bạc

Câu 3( 1 điểm) : Hãy chỉ rõ sự thay đổi điểm nhìn trong đoạn trích sau đây và nêu tác dụng của sự thay đổi đó:

Vợ Ðiền sầm mặt, ẵm con đi nằm. Ðiền thấy hơi hả dạ. Nhưng bỗng con bé Hường chạy vội ra đầu chái, về phía giường Ðiền. Ðiền nghe tiếng đôi guốc của nó lẹc kẹc rất nhanh một thoáng, rồi im lặng. Rồi Hường xịt mũi. Nó xụt xịt rất lâu ngoài ấy. Nó nghẹt mũi hay nó khóc? Ðiền cố lắng tai nghe. Hắn nghe thấy những tiếng Hường nức nở. Hắn đột nhiên rún người. Lòng hắn quăng ra. Những ý giận hờn bừa bộn vụt tan. Còn lại cái hình ảnh bé nhỏ của Hường, với cái mặt đầy mụn và sưng lên của nó, đôi mắt giàn giụa nước và miệng mếu. Con bé còn nhỏ tuổi nhưng đã rất hay khóc vụng; mỗi lần muốn khóc, nó lại tránh ra một chỗ, cố nén tiếng, không cho ai biết. Ðiền thấy thương nó quá. Tội nghiệp cho con bé! Nó ốm đau luôn và thường bị mẹ mắng chửi suốt ngày như tát nước. Mẹ nó mắng chửi nó, nhiều khi bất công và vô lý. Nhưng lạ thay! Lúc này Ðiền không vin vào đấy mà trách vợ. Hắn thấy vợ hắn không tệ. Thị vốn thương con lắm. Những lúc thị gắt gỏng với con như thế chỉ là những lúc thị sốt ruột quá, lo lắng quá. Cũng như hắn vậy, sao hắn nỡ đem lòng giận thị? Ai chả thế? Người không phải là thánh. Sự khổ sở dễ khiến lòng chua chát. Khi người ta lam lũ quá, lại còn lo trăm thứ, bị làm rầy vì trăm thứ, thì ai mà bình tĩnh được? Ai mà chả hay gắt gỏng? Gắt gỏng thì chính mình khổ trước. Không giữ được thì phải bật ra ngoài như vậy. Thật ra có ai muốn cau có làm chi?… Vậy thì vợ hắn gắt lên với hắn lúc này cũng chỉ là việc thường thôi. Cũng như hắn gắt lại với thị và gắt với con. Cũng như ông ký nhà dây thép…

Đoạn trích có sự thay đổi điểm nhìn từ: điểm nhìn của người kể chuyện ở đoạn đầu trích đoạn (Vợ Ðiền sầm mặt, ẵm con đi nằm..) đến điểm nhìn của nhân vật Điền ở cuối trích đoạn. (Tội nghiệp cho con bé!…)

Tác dụng:

+ Góp phần đi sâu khắc họa sự thay đổi tâm lý của nhân vật: Từ tức giận, oán trách sang thương cảm, xót xa

+ Giúp giọng văn trở lên linh hoạt, đa dạng: giọng trần thuật khách quan, giọng xót xa, thương cảm…

+ Khiến cho truyện ngắn thấm đẫm chất trữ tình.

Câu 4 (1 điểm) : Nhận xét đặc điểm tính cách của nhân vật Điền và với mỗi đặc điểm hãy lấy một dẫn chứng cụ thể để chứng minh cho tính cách đó.

Điền có thói gia trưởng, ích kỉ: quát mắng vợ con, trút giận vào gia đình

Điền là người có thương vợ, thương con: Anh nhịn ăn, nhịn tiêu, không dám mua sách, mua áo để lấy tiền cho vợ con; anh thương con bé Hường bị ốm, ôm nó vào lòng, quạt cho nó; anh thấu hiểu cho sự khó tính, hay cằn nhằn của vợ…

Điền là người nhân hậu, bao dung: Biết đặt mình vào hoàn cảnh người khác để thấu hiểu cho vợ, cho con gái, cho ông ký ở nhà dây thép.

Điền là người trí thức có ý thức phản tỉnh cao, luôn nghiêm khắc với bản thân: Từ chỗ ích kỉ trong suy nghĩ, giận dỗi với mọi người, anh dần tự xem xét để nhận ra lỗi sai của mình, để có cái nhìn nhân ái hơn.

(HS lấy được 2 ý đạt 1,0 điểm; nêu ý mà không lấy dẫn chứng thì mỗi ý 0,25 điểm)

Câu 5 (1 điểm) : Tâm trạng của Điền đã có sự thay đổi như thế nào ở đoạn cuối tác phẩm. Nguyên nhân nào dẫn tới sự thay đổi đó?

Ở đoạn cuối truyện, Điền từ tâm trạng bức tực, cay đắng, oán trách, giận dỗi chuyển sang cảm thông, thấu hiểu với mọi người xung quanh

Nguyên nhân của sự thay đổi ấy là do anh nghe thấy con bé Hường đang khóc thầm, tình thương trỗi dậy, anh nhận ra mình ích ỉ, đang làm tổn thương đến những người thân yêu của mình.

Câu 6 (1 điểm) :  Anh chị có đồng tình với suy nghĩ của nhân vật Điền: “Chao ôi! Chẳng qua hắn và ông cũng cùng khổ như nhau cả đấy thôi! Yên ủi nhau còn chẳng thấy đâu, còn làm khổ lẫn nhau làm gì nữa? Ðiền hối hận vì cái cử chỉ của mình đối với ông vô cùng…”

Hs nêu quan điểm: Đồng tình/ Không đồng tình/ Vừa đồng tình, vừa không.

HS lí giải quan điểm

(Gợi ý: Nếu đồng tình thì lập luận theo hướng: Đó là cách suy nghĩ đúng đắn, biết đặt mình vào hoàn cảnh người khác để thấu hiểu, cảm thông. Nó là biểu hiện của tình yêu thương. Nếu không đồng tình cũng cần nêu rõ lí do như: cách ứng xử của ông phán dây thép là không đúng, vì ông là nhân viên nhà nước, cần hoàn thành nhiệm vụ, không thể vì hoàn cảnh riêng mà có thái độ không tốt đối với nhân dân…)

Câu 7 (0,5): Anh chị rút ra triết lí nhân sinh nào từ truyện ngắn Nước mắt

Truyện gửi đến triết lí nhân sinh sâu sắc: Mỗi người cần có đôi mắt tình thương khi nhìn đời, nhìn người – tức là đặt mình vào hoàn cảnh người khác; nhìn bằng đôi mắt cảm thông, thấu hiểu, có như vậy mới yêu thương và trân trọng cuộc đời, con người.

Câu 8 (0,5): Hãy kể tên một tác phẩm có cùng chủ đề với truyện ngắn “Nước mắt”. Hãy nói rõ chủ đề đó.

Truyện ngắn “ Nước mắt” là truyện có nhiều chủ đề phụ bên cạnh chủ đề chính đã nêu ở câu 7, HS có thể kể một trong số các tác phẩm sau và nêu các chủ đề tương ứng:

Lão Hạc: chủ đề về đôi mắt tình thương.

Chí Phèo: chủ đề về cái nhìn không định kiến

Đời thừa: chủ đề về bi kịch người trí thức trong xã hội xưa.

(HS chỉ nêu tên, không nêu chủ đề thì được nửa số điểm)

LÀM VĂN

Mở bài:

– Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc của văn học 1930-1945. Ông thường viết về những thứ bình thường nhưng có ý nghĩa triết lí nhân sinh sâu sắc, thể hiện tình yêu thương vô hạn với những kiếp người đau khổ trong xã hội cũ. “Nước mắt” là truyện nagwns tiêu biểu cho phong cách Nt của ông.

– Nêu yếu tố nổi bật sẽ phân tích, đánh giá: Thông qua một tình huống đời thường nhưng với cách kể linh hoạt, độc đáo, đa dạng điểm nhìn; NC đã truyển tải thông điệp về đôi mắt và tình thương một cách sâu sắc, xúc động.

Thân bài:

* Nêu các điểm nổi bật về nội dung, ý nghĩa tác phẩm

-Trước hết, tác phẩm cho ta thấy hoàn cảnh nghèo khổ, bi đát của người trí thức trong xã hội cũ thông qua cảnh ngộ của Điền: là người nổi tiếng, nhận được nhiều thư từ nhưng thực chất nghèo khổ, cơ cực;  không dám mua thuốc chữa bệnh, không dám mua một chiếc áo, một quyển sách; không dám thuê xe mà cuốc bộ lên tỉnh trong thời tiết nóng bức; con cái ốm đau liên miên, dẽ sẻn từng đồng mua thuốc…

– Tác phẩm cũng cho thấy phẩm chất cao đẹp của người trí thức:

+ Điền là người có thương vợ, thương con: Anh nhịn ăn, nhịn tiêu, không dám mua sách, mua áo để lấy tiền cho vợ con; anh thương con bé Hường bị ốm, ôm nó vào lòng, quạt cho nó; anh thấu hiểu cho sự khó tính, hay cằn nhằn của vợ…

+ Điền là người nhân hậu, bao dung: Biết đặt mình vào hoàn cảnh người khác để thấu hiểu cho vợ, cho con gái, cho ông ký ở nhà dây thép.

+ Điền là người trí thức có ý thức phản tỉnh cao, luôn nghiêm khắc với bản thân: Từ chỗ ích kỉ trong suy nghĩ, giận dỗi với mọi người, anh dần tự xem xét để nhận ra lỗi sai của mình, để có cái nhìn nhân ái hơn.

-Đặc biệt, truyện mang đến thông điệp về đôi mắt tình thương: Người ta chỉ xấu xa trong đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỉ. Mỗi người cần có đôi mắt tình thương khi nhìn đời, nhìn người – tức là đặt mình vào hoàn cảnh người khác; nhìn bằng đôi mắt cảm thông, thấu hiểu, có như vậy mới yêu thương và trân trọng cuộc đời, con người.

=>Truyện mang giá trị hiện thực, nhân đạo và ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

* Phân tích cái hay, cái đẹp của các yếu tố nghệ thuật hoặc hình ảnh đặc sắc.

a/ Tình huống

– Truyện xây dựng tình huống: Điền lên tỉnh lấy tiền, gặp phải ông ký khó tính, đánh mất một đồng bạc và quên không lấy thuốc cho con.

-> Tình huống rất đời thường trong một gia đình trí thức nghèo trong xã hội cũ. Tính đời thường nâng tầm khái quát của câu chuyện: Nó đúng với mọi người, ai cũng có thể thấy mình trong đó

-> Làm nổi bật chủ đề tác phẩm: Con người rất dễ trở nên ác, ích kỉ chỉ vì những sự vặt vãnh trong đời sống hàng ngày. Vậy nên, lúc nào cũng cần tự phản tỉnh, có đôi mắt tình thương để nhân ái và bao dung hơn

b/ Nghệ thuật trần thuật:

Truyện kể từ ngôi thứ ba, nhưng có sự kết hợp và chuyển đổi điểm nhìn linh hoạt: từ điểm nhìn người kể chuyện sang điểm nhìn nhân vật, từ điểm nhìn bên ngoài đến bên trong. Điều này góp phần:

+ Góp phần đi sâu khắc họa sự thay đổi tâm lý của nhân vật: Từ tức giận, oán trách sang thương cảm, xót xa

+ Giúp giọng văn trở lên linh hoạt, đa dạng: giọng trần thuật khách quan, giọng xót xa, thương cảm…

+ Khiến cho truyện ngắn thấm đẫm chất trữ tình.

+ Khắc sâu chủ đề: sự phản tỉnh bên trong của con người về cách nhìn đời, nhìn người

c/ Nhân vật:

Truyện khắc họa nhân vật chủ yếu từ phương diện tâm lí. Nhân vật đa chiều, không hoàn hảo, có những lúc cũng ích kỉ, gia trưởng, hẹp hỏi, thô lỗ. Nhưng vượt lên tất cả, Điền đã tự đấu tranh với chính phần “con” trong mình để vươn tới một lối sống nhân hậu, giàu tình thương hơn.

– Truyện biết sử dụng những chi tiết đắt giá để miêu tả tâm lí chân thực, tinh tế: chi tiết tờ giấy bạc cũ bay mất thổi bùng lên sự giận dữ; chi tiết về tiếng khóc cái Hường là xoa dịu trái tim Điền…

d/ Ngôn ngữ:

Truyện đặc biệt thành công khi sử dụng ngôn ngữ nửa trực tiếp khiến nhân vật trở nên sống động, tâm lí được đào sâu, giọng văn đa dạng…

* Đánh giá (Nhận xét, bình luận), nâng cao, mở rộng.

– Truyện “ Nước mắt” viết theo đề tài người trí thức, có cùng chủ đề với Đời thừa, Sống mòn. Tuy cùng viết về bi kịch, nỗi khổ và nhân cách người trí thức nhưng tác phẩm có cách xử lí chủ đề độc đáo, đi sâu vào vấn đề Cách nhìn đời, nhìn người.

– Vấn đề cái nhìn cũng là vấn đề quen thuộc trong nhiều tác phẩm của Nam Cao như “Đôi mắt” “Lão Hạc” “ Tư cách mõ” “ Chí Phèo”. Từ đó, NC khẩn thiết lên tiếng về đôi mắt ích kỉ, định kiến, không chỉ xúc phạm nhân phẩm người khác còn khiến tha hóa nhân cách, tàn phá tâm hồn của chính họ. Tác phẩm của ông vì vậy có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Kết bài:

– Khái quát về giá trị của các yếu tố đã phân tích đối với tác phẩm: “Nước mắt” là truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách của Nam Cao: từ lựa chọn đề tài, chủ đề đến cách kể truyện và ngôn ngữ độc đáo. Tác phẩm mang giá trị hiện thực, nhân đạo và chiều sâu triết lí nhân văn.

– Nêu ấn tượng và cảm xúc của người viết về các yếu tố đã phân tích; giá trị, hiệu quả tác động tới bạn đọc: “Nước mắt” còn sẽ được đọc lại bởi nhiều thế hệ độc giả, chừng nào con người vẫn cần đến sự phản tỉnh và cách nhìn với con người, cuộc đời.

Bài viết tham khảo: (HS viết tại lớp)

 

Nước mắt được coi là “lăng kính biến hình vũ trụ” là “giọt châu của loài người” Nó không chỉ thể hiện nỗi buồn, tuyệt vọng mà còn thể hiện cho niềm vui, hạnh phúc. Người ta chỉ rơi nước mắt khi cảm xúc của họ đạt đến đỉnh điểm, bật ra thành hình. Đối với các nhà văn, nước mắt gắn liền với những nỗi đau đớn, khốn cùng của con người; với tình thương mênh mông với thân phận con người. Đặng Tiến – một nhà phê bình văn học từng nói ‘’Nghệ thuật tạo vẻ đẹp cho những dòng nước mắt và biến nỗi thống khổ của nhân loại thành tiếng hát vô biên’’. Truyện ngắn “Nước mắt” của Nam Cao là minh chứng hoàn hảo cho câu nói đó.

Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc của văn học 1930-1945. Ông thường viết về những thứ bình thường nhưng có ý nghĩa triết lí nhân sinh sâu sắc, thể hiện tình yêu thương vô hạn với những kiếp người đau khổ trong xã hội cũ. “Nước mắt” là truyện ngắn  tiêu biểu cho phong cách Nt của ông. Trong “Nước mắt” thông qua một tình huống đời thường nhưng với cách kể linh hoạt, độc đáo, đa dạng điểm nhìn; NC đã truyển tải thông điệp về đôi mắt và tình thương một cách sâu sắc, xúc động.

Truyện gây ấn tượng ngay từ nhan đề và lời đề từ. “Nước mắt” gợi nỗi khổ đau, khốn cùng. Nhưng truyện đâu chỉ là lời thở than cho số phận những con người cơ cực trong xã hội cũ, mà chiều sâu của nó là Tình thương. Thế giới phản chiếu qua giọt nước mắt như được chưng cất qua tình thương, trở nên đẹp đẽ, bao dung hơn. Đúng như lời đề từ mà NC đã trích dẫn từ một câu nói nổi tiếng của nhà văn Pháp Francois Coppe: Người ta chỉ xấu xa, hư hỏng trước đôi mắt háo hoảnh của phường ích kỷ ; và nước mắt là một miếng kính biến hình vũ trụ.”

Truyện lấy đề tài về người trí thức nghèo quen thuộc của Nam Cao. Trước hết, tác phẩm cho ta thấy hoàn cảnh nghèo khổ, bi đát của người trí thức trong xã hội cũ thông qua cảnh ngộ của Điền: là người nổi tiếng, nhận được nhiều thư từ nhưng thực chất nghèo khổ, cơ cực;  không dám mua thuốc chữa bệnh, không dám mua một chiếc áo, một quyển sách; không dám thuê xe mà cuốc bộ lên tỉnh trong thời tiết nóng bức; con cái ốm đau liên miên, dẽ sẻn từng đồng mua thuốc…Tác phẩm cũng cho thấy phẩm chất cao đẹp của người trí thức: Điền dù vẫn có những thói tật gia trưởng, ích kỉ của đàn ông thời xưa nhưng sâu xa anh là người có thương vợ, thương con. Anh nhịn ăn, nhịn tiêu, không dám mua sách, mua áo để lấy tiền cho vợ con; anh thương con bé Hường bị ốm, ôm nó vào lòng, quạt cho nó; anh thấu hiểu cho sự khó tính, hay cằn nhằn của vợ…Điền cũng là người nhân hậu, bao dung: Biết đặt mình vào hoàn cảnh người khác để thấu hiểu cho vợ, cho con gái, cho ông ký ở nhà dây thép. Đặc biệt, Điền là người trí thức có ý thức phản tỉnh cao, luôn nghiêm khắc với bản thân: Từ chỗ ích kỉ trong suy nghĩ, giận dỗi với mọi người, anh dần tự xem xét để nhận ra lỗi sai của mình, để có cái nhìn nhân ái hơn. Đây là thông điệp của Nam Cao về người trí thức: cần phải sống trung thực, không ngừng đấu tranh với chính mình để laoij bỏ phần con, vươn tới phần người, vươn tới một cuộc sống thực sự có ý nghĩa.

Đặc biệt, truyện mang đến thông điệp về cách nhìn đời, nhìn người. Mở đầu truyện, Điền luôn trong trạng thái bức bối, khó chịu. Điều này không trách được hắn. Người ta thường nhìn đời qua cái chân đau của mình, chính Nam Cao đã từng nói như vậy. Một người liên miên đói khổ, con ốm, vợ cằn nhằn, áo cơm ghì sát đất không thể vui vẻ và nhẹ nhõm được. Điền thức đêm trông con ốm, Điền bị hạch sách, bị mất 1 đồng bạc quý giá, và hắn phẫn uất, hờn trách, căm ghét từ thầy ký đến cô vợ không biết điều, đến cả đứa trẻ đáng thương mắc bệnh. Hắn nhìn mọi thứ qua nỗi đau của mình bằng đôi mắt của “ráo hoảnh của phường ích kỉ” nên chỉ thấy thù ghét, bức bối. Mọi chuyện thay đổi khi hắn nghe tiếng khóc của con bé Hường, đứa con gái ngoan ngoãn, luôn nhẫn nhịn. Một tình thương mênh mông tràn ngập cõi lòng. Hắn nhận ra những người xung quang ai không đáng thương, không khổ như hắn. Hắn nhận ra: “Chao ôi! Chẳng qua hắn và ông cũng cùng khổ như nhau cả đấy thôi! Yên ủi nhau còn chẳng thấy đâu, còn làm khổ lẫn nhau làm gì nữa? Ðiền hối hận vì cái cử chỉ của mình đối với ông vô cùng…”Khi biết đặt mình vào hoàn cảnh người khác, khi đôi mắt đã nhuốm màu tình thương, Điền đã hối hận, đã biết cảm thông, thấu hiểu cho những người xung quang, để rồi thương họ và yêu họ hơn. Chủ đề của truyện bật ra từ đó: Người ta chỉ xấu xa trong đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỉ. Mỗi người cần có đôi mắt tình thương khi nhìn đời, nhìn người – tức là đặt mình vào hoàn cảnh người khác; nhìn bằng đôi mắt cảm thông, thấu hiểu, có như vậy mới yêu thương và trân trọng cuộc đời, con người. Đây cũng là tuyến chủ đề chính của tác phẩm.

Để truyền tải các thông điệp đó, Nam Cao đã thể hiện tài năng nghệ thuật từ việc xây dựng tình huống, cách kể truyện, xây dựng nhân vật và sử dụng ngôn ngữ.

Truyện xây dựng trên một tình huống: Điền lên tỉnh lấy tiền, gặp phải ông ký khó tính, đánh mất một đồng bạc và quên không lấy thuốc cho con. Tình huống rất đời thường trong một gia đình trí thức nghèo trong xã hội cũ. Tính đời thường nâng tầm khái quát của câu chuyện: Nó đúng với mọi người, ai cũng có thể thấy mình trong đó. Tình huống góp phần lLàm nổi bật chủ đề tác phẩm: Con người rất dễ trở nên ác, ích kỉ chỉ vì những sự vặt vãnh trong đời sống hàng ngày. Vậy nên, lúc nào cũng cần tự phản tỉnh, có đôi mắt tình thương để nhân ái và bao dung hơn

“Nước mắt” cũng rất tiêu biểu cho nghệ thuật trần thuật của nhà văn Nam Cao. Truyện kể từ ngôi thứ ba, nhưng có sự kết hợp và chuyển đổi điểm nhìn linh hoạt: từ điểm nhìn người kể chuyện sang điểm nhìn nhân vật, từ điểm nhìn bên ngoài đến bên trong. Điều này góp phần đi sâu khắc họa sự thay đổi tâm lý của nhân vật: Từ tức giận, oán trách sang thương cảm, xót xa, giúp giọng văn trở lên linh hoạt, đa dạng: giọng trần thuật khách quan, giọng xót xa, thương cảm…và khắc sâu chủ đề: sự phản tỉnh bên trong của con người về cách nhìn đời, nhìn người

Truyện khắc họa nhân vật chủ yếu từ phương diện tâm lí. Nhân vật đa chiều, không hoàn hảo, có những lúc cũng ích kỉ, gia trưởng, hẹp hỏi, thô lỗ. Nhưng vượt lên tất cả, Điền đã tự đấu tranh với chính phần “con” trong mình để vươn tới một lối sống nhân hậu, giàu tình thương hơn. Truyện biết sử dụng những chi tiết đắt giá để miêu tả tâm lí chân thực, tinh tế: chi tiết tờ giấy bạc cũ bay mất thổi bùng lên sự giận dữ; chi tiết về tiếng khóc cái Hường là xoa dịu trái tim Điền…Truyện đặc biệt thành công khi sử dụng ngôn ngữ nửa trực tiếp khiến nhân vật trở nên sống động, tâm lí được đào sâu, giọng văn đa dạng…

Truyện “ Nước mắt” viết theo đề tài người trí thức, có cùng chủ đề với Đời thừa, Sống mòn. Tuy cùng viết về bi kịch, nỗi khổ và nhân cách người trí thức nhưng tác phẩm có cách xử lí chủ đề độc đáo, đi sâu vào vấn đề cách nhìn đời, nhìn người. Vấn đề cái nhìn cũng là vấn đề quen thuộc trong nhiều tác phẩm của Nam Cao như “Đôi mắt” “Lão Hạc” “ Tư cách mõ” “ Chí Phèo”. Từ đó, NC khẩn thiết lên tiếng về đôi mắt ích kỉ, định kiến, không chỉ xúc phạm nhân phẩm người khác còn khiến tha hóa nhân cách, tàn phá tâm hồn của chính họ. Tác phẩm của ông vì vậy có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Tóm lại,  “Nước mắt” là truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách của Nam Cao: từ lựa chọn đề tài, chủ đề đến cách kể truyện và ngôn ngữ độc đáo. Tác phẩm mang giá trị hiện thực, nhân đạo và chiều sâu triết lí nhân văn. Tác phẩm sẽ còn sẽ được đọc lại bởi nhiều thế hệ độc giả, chừng nào con người vẫn cần đến sự phản tỉnh và cách nhìn với con người, cuộc đời.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *