Đề đọc hiểu + nghị luận truyện ngắn Anh Xẩm của Nguyễn Công Hoan

SỞ GD & ĐT QUẢNG NAM

TRƯỜNG THPT ……………

                  (Đề này gồm có 02 trang)

KIỂM TRA CUỐI KÌ I, NĂM HỌC 2023 – 2024

MÔN: NGỮ VĂN – Lớp 11

Thời gian: 90 phút (Không kể thời gian phát đề)

ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu:

        ANH XẨM – Nguyễn Công Hoan –

Từ chiều, lại bắt đầu trở rét.

Gió.

Mưa.

Não nùng.

Đường vắng ngắt. Chưa đến 8 giờ mà đường đã vắng ngắt. Thỉnh thoảng, những chiếc xe cao – su kín mít như bưng, lép nhép chạy uể oải tia ra hai bên cánh gà hai dòng khói thuốc lá. Lại thỉnh thoảng một người đi lén dưới mái hiên, run rẩy, vội vàng. Thật là cả một đụn vải chỉ hở có cái mặt. Trên đầu một cái mũ tủm hum xuống đến mi, quanh cổ, một cuộn khăn len dầy cộm. Rồi áo, quần, giầy, bít tất, găng tay, có bao nhiêu thứ để chống nhau với rét, đều quện cả vào người xù xù. Mưa như rây bột, như chăng lưới. Phố xá lờ mờ trắng ra. Xung quanh ngọn lửa điện đẫm lệ rây nước loáng sáng thành một quầng vàng tròn. Đường bòng nhoáng như mặt hồ lặng sóng, chiếu lộn những vệt ánh đèn dài. Gió giật từng hồi. Lá vàng trút xuống mặt đường lăn theo nhau rào rào. Hơi lạnh thấm buốt đến tận xương. Cây và cột đèn rú lên. Nhưng một giọng hát ảo não xen lẫn vào tiếng gió.

Hội Chùa Thầy anh em ơi còn đương lúc đua chen,

Hễ nhanh chân thì tới, chứ ươn hèn thì í xa.

Dưới mái hàng nước đầu ngã ba, một anh xẩm đương lắc lư, nghêu cổ lên mà hát. Anh ngồi trên manh chiếu, trước cái xoong sắt tây thủng, một đùi ghếch lên mặt đàn. Tay nắm cần, tay bật dây, anh uốn cung đàn trầm bổng theo tiếng hát khàn khàn. Cái mũ dạ, trơn từ đỉnh đến rìa, mềm oặt theo khuôn đầu, che cho anh khỏi lạnh gáy. Nhưng cái áo tây vàng rộng thùng thình không giữ nổi hơi rét cắt da. Mặt anh xám lại. Hết bài xẩm chợ, anh quay ra cải lương. Anh ngâm:

Hai năm i i mới rõ la à mười i,

Hễ mà hai sáu ú ú, tôi i thời mười i hai ai…

Mà chứ tôi cảm tạ các à ngài…

Điệu hành vân bắt đầu.

Anh ngửa đầu, dúm gân mặt, há mồm ra mà hát. Tiếng đàn từng tưng hòa theo, lúc khoan, lúc nhặt.

– Nào các ông các bà cho nhà cháu kiếm bữa.

Anh nhăn răng ra cười.

Nhưng mà…

Gió vẫn giật từng hồi. Lá vàng trút xuống mặt đường lăn theo nhau rào rào. Ho lạnh thấm buốt đến tận xương. Cây và cột đèn rú lên. Mưa vẫn như rây bột, như chăng lưới. Phố xá lờ mờ, trắng ra. Xung quanh ngọn lửa điện đẫm lệ, rây nước loáng sáng thành một quầng vàng tròn. Đương bóng nhoáng như mặt hồ lặng sóng, chiếu lộn những vệt ánh đèn dài. Đường vẫn vắng ngắt. Thỉnh thoảng, những chiếc xe cao-su kín mít như bưng, lép nhép, chạy uể oải, tia ra hai bên cánh gà hai dòng khói thuốc lá lại thỉnh thoảng một người đi lén dưới mái hiên, run rầy, vội vàng.

Thế mà anh xẩm vẫn hát. Anh kể sa mạc:

Mà chứ anh khoá ơi, em tiễn chân anh xuống tận bến tàu,

Hai tay sém xách cái khăn giầu em lấy đưa anh.

Và đến Ma-đơ lông:

Là bá i a phố rrề.

Thau anh vẫn không một tiếng vang động. Một xu cũng chẳng có. Một chinh to cũng chẳng có. Một chinh con cũng chẳng có. Anh càng hết sức để hát, để đàn, và để… không ai nghe.

Bởi vì…

Đường càng vắng ngắt. Thỉnh thoảng, những chiếc xe cao – su kín mít như bưng, lép nhép chạy uể oải, lại thỉnh thoảng một người đi lén dưới mái hiên, run rẩy, vội vàng.

Bởi vì…

Mưa càng như rây bột, như chăng lưới. Phố xá lờ mờ trắng xoá. Xung quanh ngọn lửa điện đẫm lệ, rây nước loáng sáng thành một quầng vàng tròn. Đường bóng nhoáng như mặt hồ lặng sóng, chiếu lộn những vệt ánh đèn dài.

Bởi vì…

Gió vẫn giật từng hồi. Lá vàng trút xuống mặt đường lăn theo nhau rào rào. Hơi lạnh thấu buốt đến xương. Cây và cột đèn rú lên.

Nhưng anh xầm có trông thấy đâu cảnh ấy.

Anh lại nói:

– Các ông các bà bớt chút ít cho cháu kiếm bữa gạo.

Ông nào? Bà nào? Quanh anh nào có ai?

Song anh vẫn cứ hát, hát một mình.

Anh, anh cùng em, có giời có giời xui khiến

Cho chúng ta dịp này.

Rồi lại kể chuyện Sài Gòn:

Anh tiếc cho cô mình mơn mởn đương tơ,

Buồng không lạnh ngắt đương chờ đợi ai.

Và thỉnh thoảng lại giục:

– Các ông các bà thương kẻ khó, các ông các bà ơi.

Anh tưởng đông người đứng nghe lắm.

Chứ biết đâu, xung quanh anh, gió giật từng hồi, lá vàng trút xuống mặt đường, lăn theo nhau rào rào.

Mưa như rây bột, như chăng lưới. Đường bóng nhoáng như mặt hồ lặng sóng, chiếu lộn những vệt ánh đèn dài. Đường vắng ngắt. Thỉnh thoảng những chiếc xe cao – su kín mít như bưng, lép nhép chạy uể oải. Lại thỉnh thoảng, một người đi lén dưới mái hiên, run rẩy, vội vàng.

Anh cứ hát. Hết sức hát. Gò ngực mà hát. Há miệng to mà hát. Hát như con cuốc kêu thương. Ông giăng lên cao, ông giăng xuống thấp, ông giăng lẩn bóng chuối, chứ ông giăng lại i a mờ. Và khi đã đến hết tất cả các bài anh thuộc, anh ngồi im lặng để chờ và để nghe. Sau hết, sờ tay vào lòng thau không để vét. Rồi anh run cầm cập, xếp thau, ôm đành cuốn chiếu, cầm gậy, đứng dậy, thong thả lần lối đi.

Gió.

Mưa…

Não nùng.

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản. (0.5 điểm)

Câu 2. Nêu một số chi tiết miêu tả ngoại hình của anh xẩm? (0.5 điểm)

Câu 3. Xác định ngôi kể chuyện trong văn bản trên? (0.5 điểm)

Câu 4. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong đoạn văn sau Anh cứ hát. Hết sức hát. Gò ngực mà hát. Há miệng to mà hát. Hát như con cuốc kêu thương. (1.0 điểm)

Câu 5. Hãy nêu nội dung chính của đoạn văn Từ chiều, lại bắt đầu trở rét…một cuộn khăn len dầy cộm. (1.0 điểm)

Câu 6. Đoạn văn: Mưa như rây bột, như chăng lưới. Phố xá lờ mờ trắng ra. Xung quanh ngọn lửa điện đẫm lệ, rây nước loáng sáng thành một quầng vàng tròn. Đường bóng nhoáng như mặt hồ lặng sóng, chiếu lộn những vệt ánh đèn dài được lặp lại 3 lần có tác dụng gì? (1.0 điểm)

Câu 7. Hình ảnh thỉnh thoảng, một người đi lén dưới mái hiên, run rẩy, vội vàng gợi đến ý nghĩa gì? (1.0 điểm)

Câu 8. Hãy chỉ ra ít nhất một đặc điểm về ngôn ngữ của truyện ngắn hiện đại so với truyện ngắn trung đại sau khi đọc xong tác phẩm “Anh xẩm”? (0.5 điểm)

LÀM VĂN (4 điểm)

Hãy phân tích hình tượng nhân vật anh xẩm để làm nổi bật giá trị nhân đạo của truyện ngắn “Anh xẩm”.

                                                                    ——Hết——

                                                   HƯỚNG DẪN CHẤM

                               (Hướng dẫn chấm này có 02 trang)

 

HƯỚNG DẪN CHUNG

– Thầy cô giáo cần nắm vững yêu cầu của Hướng dẫn chấm này để đánh giá một cách tổng quát bài làm của học sinh.

– Việc chi tiết hóa điểm số của các câu (nếu có) trong Hướng dẫn chấm phải được thống nhất trong tổ chấm và đảm bảo không sai lệch với tổng điểm toàn bài.

– Cần linh hoạt khi vận dụng Hướng dẫn chấm, tránh đếm ý cho điểm, khuyến khích những bài viết sáng tạo.

– Điểm lẻ toàn bài tính đến 0,25 điểm.

  1. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ
PHẦN NỘI DUNG CẦN ĐẠT ĐIỂM
I. Đọc hiểu: (6,0 điểm)
Câu 1 Tự sự 0.50
   

Câu 2

Học sinh nêu tối thiểu 2 chi tiết về ngoại hình như: cái áo tây vàng rộng thùng thình; mặt xám lại…(Học sinh chép lại cả câu văn thì không cho điểm tối đa) 0.50
Câu 3 Ngôi kể: ngôi thứ 3. 0.50
 

 

Câu 4

– Biện pháp tu từ: Điệp từ

– Tác dụng:

+ Nhấn mạnh sự vất vả, đáng thương của anh xẩm

+ Làm tăng tính gợi hình gợi cảm, diễn tả một cách sinh động sự cố gắng, nỗ lực của anh xẩm…

0.50

0.50

 

Câu 5 Cảnh sinh hoạt trên phố trong một đêm mưa gió, rét mướt. 1.00
 

 

Câu 6

– Làm nổi bật không gian đường phố trong đêm khuya tĩnh mịch.

– Nhấn mạnh và phản ảnh đậm nét sự vất vả, hẩm hiu của anh xẩm trong cuộc mưu sinh.

* Học sinh diễn đạt khác nhưng có ý đúng vẫn đạt điểm tối đa. Giám khảo linh hoạt khi chấm điểm câu này.

1.00
Câu 7 Nhấn mạnh sự giá lạnh vào buổi tối và làm nổi bật không gian vắng lặng cũng như sự cô độc, lẻ loi của anh xẩm…

* Học sinh diễn đạt khác nhưng có ý đúng vẫn đạt điểm tối đa. Giám khảo linh hoạt khi chấm điểm câu này.

1.00
 

Câu 8

Học sinh chỉ ra được ít nhất một đặc điểm, chẳng hạn như ngôn ngữ truyện hiện đại là ngôn ngữ đời thường, ngôn ngữ sinh hoạt, khác với lối văn ngôn, lối văn biền ngẫu của truyện trung đại… 0.50
II. Làm văn (4,0 điểm): Phân tích hình tượng anh xẩm để làm nổi bật giá trị nhân đạo của truyện ngắn “Anh xẩm”.
1 Yêu cầu về kĩ năng: Đảm bảo hình thức của một bài văn nghị luận văn học: Mở bài giới thiệu khái quát vấn đề nghị luận; thân bài thực hiện các yêu cầu của đề bài; kết bài khẳng định vấn đề nghị luận. 0,25
2 Yêu cầu về kiến thức  
 

a

Xác định được vấn đề cần nghị luận: Phân tích hình tượng nhân vật anh xẩm. 0,25
 

 

 

b

 Triển khai vấn đề nghị luận: Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau nhưng cần hướng đến những nội dung sau:

* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích.

* Phân tích cụ thể:

   Học sinh có thể chọn nhiều cách triển khai vấn đề cần nghị luận nhưng về cơ bản phải đảm bảo các ý sau đây:

Về nội dung

– Hình ảnh anh xẩm nghèo khổ, ăn mặc sơ sài, dùng lời ca tiếng hát mưu sinh trên lề phố giữa  cái lạnh thấu xương và những cơn mưa bụi não nùng…cũng như sự vô tình của người qua đường.

– Anh xẩm lao động hăng say, cật lực đến kiệt sức nhưng rốt cuộc trong thau vẫn trống không, không nhận được một chút lòng từ tâm bố thí…

– Giá trị nhân đạo của tác phẩm thể hiện đậm nét qua giọng văn đầy thương cảm, xót xa của tác giả cho một mảnh đời tật nguyền bất hạnh nhưng vẫn khát vọng sống mãnh liệt bằng sức lao động chân chính của bản thân.

Về nghệ thuật

– Bút pháp tả thực, phơi bày một cách sinh đông hiện thực

– Truyện không có cốt truyện

*Nhận xét:

“Anh xẩm” là truyện ngắn hiện đại, không có cốt truyện, thể hiện khát vọng sống của con người trong hoàn cảnh khắc nghiệt và tấm lòng thương cảm sâu sắc của nhà văn.

2,75
c  Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. 0,25
d Sáng tạo: Có lối diễn đạt sáng tạo, hấp dẫn, cảm xúc. 0,50
  I+ II 10,00

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *