Từ truyện Tư cách mõ (Nam Cao) ,viết bài văn nghị luận bàn về sự cần thiết phải sống có bản lĩnh

SỞ GD&ĐT

TRƯỜNG THPT

 

(Đề thi gồm 2 trang)

ĐỀ THI KSCĐ LẦN 2 NĂM HỌC 20232024

Môn: Ngữ văn; Lớp 11

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc đoạn văn bản:

Bây giờ thì hắn trở thành mõ hẳn rồi. Một thằng mõ đủ tư cách mõ, chẳng chịu kém những anh mõ chính tông một tí gì: cũng đê tiện, cũng lầy là, cũng tham ăn. Hơi thấy nhà nào lách cách mâm bát là hắn đến ngay. Hắn ngồi tít ngoài xa, ngay chỗ cổng vào. Người ta bưng cho một mình hắn một mâm. Hắn trơ tráo ngồi ăn. Ăn xong, còn thừa bao nhiêu, hốt tất cả vào, lấy lá đùm thành một đùm to bằng cái vế đùi, để đem về cho vợ, cho con. Có khi hắn còn sán đến những chỗ người ta thái thịt, dỡ xôi, lấy cắp hoặc xin thêm một đùm to nữa. Hắn bỏ cả hai đùm vào cái tay nải rất to, lần đi ăn cỗ nào hắn cũng đem theo. Thế rồi một tay xách tay nải, một tay chống ba toong, hắn ra về, mặt đỏ gay vì rượu và trầu, đầy vẻ phè phỡn và hể hả… Mùa đến, hắn vác một cái đòn càn có quấn mấy sợi thừng ở một đầu, đo hết ruộng nọ đến ruộng kia:

– Mùa màng, anh em đến xin cụ lượm lúa… Mùa màng, anh em đến xin ông lượm lúa… Đến xin bà, hay thầy, hay cô lượm lúa…

Mồm hắn nói, tay hắn lượm. Hắn cứ chọn những gồi nào to nhất, mẩy nhất thì lượm. Cụ hay ông, hay bà, hay thầy, cô, bằng lòng cho hay không, cũng mặc! Mặc cho ông, bà, thầy, cô tiếc. Hạt thóc quý như hạt ngọc. Nhưng tiếc cũng chẳng làm sao được. Ai nấy đều im như thóc cả. Người ta đã nói: tham như mõ. Nếu nó không tham, sao nó làm mõ? Còn mình không lẽ mình lại keo với cả từ thằng mõ trở đi?… Hà hà! Cứ vậy là ăn câu đấy. Hắn biết thóp người ta như vậy, nên hắn lại càng làm dữ. Hết mùa rồi đến Tết. Trước Tết, hắn xách ba toong đi trước, vợ thì đội một cái thúng cái đi sau. Chúng đến từng nhà, xin mỗi nhà bát gạo. Mùng một Tết, bố con hắn xách một bao chè với năm quả cau, đến mừng tuổi các ông quan viên để kiếm cỗ và kiếm tiền phong bao. Bao chè với cau của hắn, hắn đem đến rồi lại đem về: có ông nào ngu đến nỗi lấy cau chè của hắn? Người ta thừa biết hắn chỉ có độc trọi một bao chè ấy, đem đi hết nhà này sang nhà nọ, xong mấy ngày Tết lại đem đi bán lại… Thế rồi độ mùng năm, mùng sáu, vợ chồng hắn lại đi tua lần nữa, để xin bánh chưng thừa…

Cứ thế, hắn ỷ vào cái địa vị hèn hạ của mình để nhiễu người ta, và lấy sự nhiễu được người ta làm khoái lắm. Nhiều người phải bực mình. Họ lại còn bực mình vì cái cách hắn tưng nịnh những người rộng rãi và tỏ vẻ xấc láo, bùng phỉu đối với những kẻ không lấy gì mà rộng rãi với hắn được. Thật hắn đã vô liêm sỉ quá. Mỗi lần hắn đi khỏi, những người đàn bà nguýt theo, chúm mỏ ra và lẩm bẩm:

– Giống mõ có khác! Không trách được người ta gọi là đồ mõ!… Trông ghét quá!…

Người ta tưởng như ông trời đã cố ý sinh ra hắn như thế để mà làm mõ; hắn có cái cốt cách của một thằng mõ ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ, và là mõ ngay từ ngày mới sinh…

(Lược đoạn: Lộ sinh ra là con một ông quan viên tử tế. Cách đây độ 3 năm, hắn vẫn còn được gọi là anh cu Lộ hiền như đất. Cuộc sống tuy túng thiếu nhưng anh ăn ở rất phân minh nên xóm giềng ai cũng quý mến. Sau đó, Lộ được giao cho làm mõ trong họ. Kể từ đó, cuộc sống gia đình anh trở lên khấm khá hơn nhưng cũng vì thế nhiều người lại ghen với Lộ, xem Lộ hèn hạ không cùng đẳng cấp với họ, đi ăn cỗ không ai muốn ngồi với Lộ, điều đó vô tình đã tạo nên vết thương nơi tâm hồn Lộ.).

Mới đầu, Lộ tưởng ngồi như thế, có lẽ là yên ổn đấy. Nhưng người ta tồi lắm. Người ta nhất định bêu xấu hắn. Trong nhà đám, một chỗ dù kín đáo thế nào, mà chả có người chạy qua, chạy lại. Mỗi người đi qua lại hỏi hắn một câu:

– Lộ à, mày?

Cũng có người đế thêm: – Chà! Cỗ to đấy nhỉ? Đằng ấy hoá ra lại … bở!

A! Thế ra họ nói kháy anh cu Lộ vậy, cáu lắm. Hắn tặc lưỡi một cái và nghĩ bụng: “Muốn nói, ông cho chúng mày nói chán! Ông cần gì!…”.Hắn lập tức bê cỗ về sân, đặt lên phản, ung dung ngồi. Nói thật ra, thì hắn cũng không được ung dung lắm. Tai hắn vẫn đỏ như cái hoa mào gà, và mặt hắn thì bẽn lẽn muốn chữa thẹn, hắn nhai nhồm nhoàm và vênh vênh nhìn người ta, ra vẻ bất cần ai. Sau cái bữa đầu, hắn thấy thế cũng chẳng sao, và bữa thứ hai đã quen quen, không ngượng nghịu gì mấy nữa. Bữa thứ ba thì quen hẳn. Muốn báo thù lại những anh đã cười hắn trước, tự hắn đi bưng lấy cỗ, và chọn lấu một cỗ thật to để các anh trông mà thèm. Bây giờ thì đến lượt người chủ không được bằng lòng. Có một mình nó ăn mà đòi một cỗ to hơn bốn người ăn!…

– Mẹ kiếp! Không trách được người ta bảo: “Tham như mõ”.

A! Họ bảo hắn là mõ vậy… Tham như mõ vậy!… Đã vậy thì hắn tham cho mà biết!… Từ đấy, không những hắn đòi cỗ to, lúc ăn hắn lại còn đòi xin thêm xôi, thêm thịt, thêm cơm nữa. Không đem lên cho hắn thì tự hắn xông vào chỗ làm cỗ mà xúc lấy. Ăn hết bao nhiêu thì hết, còn lại hắn gói đem về cho vợ con ăn, mà nếu vợ con ăn không hết, thì kho nấu lại để ăn hai ba ngày… Hà hà! Phong lưu thật!… Cho chúng nó cứ cười khoẻ đi!

Cứ vậy, hắn tiến bộ mãi trong nghề nghiệp mõ. Người ta càng khinh hắn, càng làm nhục hắn, hắn càng không biết nhục. Hỡi ôi! Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất diệu để khiến người sinh đê tiện…

                 (Tư cách mõ, Nam Cao,Truyện ngắn tuyển chọn, NXB Văn học, năm 2005)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên là

A. Miêu tả B. Biểu cảm C. Tự sự D. Nghị luận

Câu 2. Xác định ngôi kể trong đoạn trích trên.

A. Ngôi thứ nhất. B. Ngôi thứ hai. C. Ngôi thứ ba. D. Cả A và C

Câu 3: Đề tài của đoạn trích trên là gì?

  1. Tư cách và hành động của những người làm nghề mõ.
  2. Cuộc sống và nhân phẩm của những người nông dân trong xã hội cũ.
  3. Những khó khăn, thử thách và thuận lợi của nghề mõ.
  4. Văn hóa ứng xử của con người Việt Nam trong xã hội cũ.

Câu 4: Phương án nào dưới dây thể hiện “tư cách mõ” của nhân vật Lộ?

        A. Hiền lành, tốt tính          B. Giàu lòng tự trọng
        C. Yêu vợ, thương con          D. Tham lam, đê tiện

Câu 5: Nhân vật anh cu Lộ được khắc họa chủ yếu qua phương diện nào?

Câu 6. Liệt kê 4 chi tiết trong đoạn văn bản cho thấy anh cu Lộ đã trở thành “một thằng mõ đủ tư cách mõ”.

Câu 7. Theo anh/chị, điều gì đã làm cho anh cu Lộ trở thành một thằng mõ “hơn cả những thằng mõ chính tông”?

Câu 8. Anh/Chị có đồng tình với quan điểm của Nam Cao nêu ra trong đoạn trích: “Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm hay không? Vì sao? (Trả lời trong một đoạn văn từ 5 đến 7 câu).

PHẦN II. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Từ đoạn trích trong truyện ngắn Tư cách mõ (Nam Cao) ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận bàn về sự cần thiết phải sống có bản lĩnh để không đánh mất chính mình.

 

…………. HẾT………..

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Họ và tên thí sinh: ………………………………………; Số báo danh: …………………..

SỞ GD&ĐT

TRƯỜNG THPT

 

(Đáp án gồm 2 trang)

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ KSCĐ LẦN 2 NĂM HỌC 20232024

Môn: Ngữ văn; Lớp 11

 

 

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1-4
1 2 3 4
C C B D

Mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm

2,0
5   Nhân vật anh cu Lộ chủ yếu được khắc họa qua phương diện hành động và nội tâm. 0,5
6 4 chi tiết cho thấy anh cu Lộ đã trở thành “một thằng mõ đủ tư cách mõ”:

– Thấy nhà nào lách cách mâm bát là hắn đến ngay. Có khi hắn còn xán đến những chỗ người ta thái thịt, dỡ xôi, lấy cắp hoặc xin thêm.

– Mùa đến, hắn vác một cái đòn càn đi xin lúa.

– Trước tết, hắn đến từng nhà, xin mỗi nhà bát gạo.

– Mùng một tết, bố con hắn xách một bao chè với năm quả cau, đến mừng tuổi các quan viên để kiếm cỗ và kiếm tiền phong bao.

1,0
7 Anh cu Lộ đã trở thành một thằng mõ “hơn cả những thằng mõ chính tông” là do sự ghen ghét, đố kị và coi khinh của người dân trong làng đối với anh cu Lộ. 0,5
8 Câu trả lời của học sinh cần đảm bảo:

– Thể hiện được quan điểm của bản thân: đồng ý hay không đồng ý hoặc kết hợp giữa đồng ý và không đồng ý; Lí giải tại sao đồng ý/ tại sao không đồng ý.

Gợi ý:

– Đồng ý vì: môi trường, hoàn cảnh sống có tác động rất lớn đối với mỗi con người; thái độ khinh bỉ hay coi trọng của những người xung quanh dành cho mỗi cá nhân sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhân cách xấu hay tốt của mỗi người.

– Không đồng ý vì: không phải lúc nào môi trường sống cũng có tác động đến nhân cách của con người. Mà nhân cách của con người tốt hay xấu phụ thuộc chủ yếu vào bản lĩnh, nhận thức,…của mỗi cá nhân

-Vừa đồng ý, vừa không đồng ý kết hợp hai cách lí giải trên

2,0
II   VIẾT 4,0
      Từ đoạn trích trong truyện ngắn Tư cách mõ (Nam Cao) ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận bàn sự cần thiết phải sống có bản lĩnh để không đánh mất chính mình.  
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề. 0,25
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Bàn về bản lĩnh của con người trong cuộc sống. 0,25
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

3,0
  *Khái quát nội dung đoạn trích trong truyện ngắn Tư cách mõ của nhà văn Nam cao, từ đó rút ra bài học về vai trò của việc sống có bản lĩnh.

– Nhân vật anh cu Lộ vốn là một người hiền lành, chất phác, làm nghề mõ làng.

– Sự thay đổi trong tính cách của anh Lộ: từ hiền lành trở nên tha hóa, “ mõ chính chuyên”, cũng đê tiện, cũng lầy là, cũng tham ăn.

– Chính định kiến của dân làng, coi thường những người làm mõ, đã khiến Lộ làm như những gì họ đã đặt điều về anh. Rồi Lộ đã dần tha hóa, tách rời hẳn với xã hội, với những chuẩn mực đạo đức mà từ trước tới giờ anh vẫn luôn theo đuổi, đi ngược lại với nhân cách của bản thân mình ban đầu, trở thành một tay mõ chính tông.

– Nam Cao đã đặt ra vấn đề về bi kịch tha hóa của con người nhiều khi xuất phát từ chính những định kiến của xã hội. Tuy nhiên từ hình tượng nhân vật anh cu Lộ, chúng ta cũng rút ra được bài học về sự cần thiết phải sống có bản lĩnh để không đánh mất chính mình.

0,5
  *Giải thích:

– Bản lĩnh là sự tự khẳng định mình, bày tỏ những quan điểm cá nhân và có chính kiến riêng trong mọi vấn đề.

– Bản lĩnh còn là dám nghĩ, dám làm, không ngại khó, ngại khổ để đạt được điều mình mong muốn

0,5
  *Phân tích, chứng minh

– Biểu hiện của người sống bản lĩnh: Quyết đoán, không vì người khác hay sự tác động của hoàn cảnh mà lung lay ý chí chí quyết tâm của mình; lời nói luôn đi liền với hành động; khi gặp khó khăn thường không than vãn, oán trách số phận, không đổ lỗi cho người khác hoặc hoàn cảnh; dám thừa nhận cái sai của mình; dám theo đuổi ước mơ, lí tưởng; biết sắp xếp cuộc sống khoa học,…

– Sự cần thiết phải sống có bản lĩnh:

+ Giúp bản thân có được sự tự tin, đi đúng đường, đúng hướng; đem lại cho ta nhiều trải nghiệm. Từ đó mỗi người sẽ có nhiều cơ hội khẳng định mình, vượt qua được những giới hạn của bản thân, có thể cải tạo được hoàn cảnh để không đánh mất chính mình, đạt được mục tiêu mình đề ra.

+ Người sống có bản lĩnh luôn được mọi người yêu quý, tin tưởng, có được những mối quan hệ xã hội tốt đẹp,…

+ Bản lĩnh sống cũng là cơ sở tạo ra những thái độ sống tích cực khác như tự tin, trách nhiệm, dũng cảm,…Từ đó, mỗi người sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

(HS lấy dẫn chứng phù hợp để chứng minh)

1,75
  *Mở rộng vấn đề

– Phê phán những người sống nhút nhát, thiếu bản lĩnh, dễ bỏ cuộc, sợ thất bại, gặp khó khăn là vội nản chí, trở thành nạn nhân của hoàn cảnh,…

– Tuy nhiên cũng cần phân biệt bản lĩnh với liều lĩnh, sẵn sàng bất chấp tất cả để đạt được điều mình muốn,…

0,25
  *Rút ra bài học nhận thức và hành động phù hợp

– Nhận ra sự cần thiết phải sống có bản lĩnh để không đánh mất chính mình

– Luôn đặt ra mục tiêu, dám nghĩ,  dám làm, …

0,25
  d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. 0,25
  e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0,25
Tổng điểm: I + II 10,0

———–HẾT————

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *