TRƯỜNG TH, THCS VÀ THPT LÊ THÁNH TÔNG HẠ LONG- Q.NINH
|
KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ I
NĂM HỌC 2023 – 2024 Môn: Ngữ văn – Lớp 11 ĐỊA LÝ |
Thời gian : 90 phút (Không kể thời gian phát đề) | |
ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:
BÍ ẨN CỦA LÀN NƯỚC
[…]
Năm ấy, nhằm trúng đỉnh lũ đêm Rằm tháng Bảy, một loạt bom Mỹ phá tan vệt đê canh giữ đằng trước làng tôi. Dứt dây nổ của bom và tiếng gầm ghê rợn của máy bay cường kích là chuỗi ầm ầm long lở của dòng sông phá bung đê tràn ngang vào đồng ruộng. […]
Nước đã ngập làng. Tôi về, kịp dìu vợ leo lên mái. Mái nhà tranh của vợ chồng tôi bị lôi đi trong đêm đen. Đến khi mái rạ(1) sắp rã tan ra thì ơn trời nó vướng vào thân đa trước đình làng. Đã cả một đám đông bám trên các cành. Nhiều bàn tay chìa xuống giúp tôi đỡ vợ con trèo lên. Vợ tôi ôm khư khư đứa con mới sinh, nhất định không để tôi bế đỡ.
– Con trai… con trai mà…, con trai… Để yên em ẵm, anh vụng… […]
Khoảng gần sáng, bỗng có tiếng quẫy nước ngay dưới cành đa của vợ chồng tôì. Một giọng nghẹn sặc với lên:
– Cứu mẹ con tôi mấy… cứu mấy… người ơi… […]
Cành đa kêu rắc, chao mạnh. Vợ tôi ối kêu một tiếng thảng thốt, và “ùm”, con trai tôi, đứa con sơ sinh tôi chưa được nhìn thấy mặt, tuột khỏi bọc ni lông trên tay mẹ nó, sa xuống làn nuớc tối tăm.
– Con tôi …! – Vợ tôi hét rú lên và lao ngay lập tức xuống nước hòng chụp lấy con.
Tôi phóng mình theo. Nước lạnh, ngầu bùn, sâu hút và cuốn mạnh. Tôi vớ kịp thằng con, nhao vội lên, trao nó cho những bàn tay đang chìa xuống, rồi lại lặn tiếp ngay để cứu vợ. Nhiều người phi xuống theo để trợ sức tôi …
Tôi tỉnh lại, thấy trời sáng rồi và đã tạnh mưa. Tôi nằm trong khoang một ca nô cứu nạn đầy ắp ngườì. Hồi đêm, tôi đã vật lộn điên dại quyết sống mái một phen với làn nước giết người, nhưng tôi đã thua cuộc. Ứa ra cả máu tai máu mũi mà không những không cứu nổi vợ, đến thi thể cô ấy cũng bất lực không tìm thấy. Khi ca nô quân đội tới, mọi người đã phải dùng sức để buộc tôi rời mặt nước. Kiệt sức, tôi ngất đi. Khổ đau, tôi tỉnh dậy, nước mắt nóng rực, tê nhói. Một chị phụ nữ chen tới bên tôi, lên lời an ủi:
– Phận chị ấy đã vậy, thôi thì anh phải nén lòng lại, giữ sức khoẻ mà nuôi con. Ơn trời, anh còn kịp cứu được cháu. Chao ôi, vừa kịp khóc chào đời đã trải một cơn kinh hoàng hú vía. Anh coi con anh này. Cứ như không. Đã bú, đã ngủ rồi đây này. Ngoan chưa này…Ôi chao, nó tè dầm rồi này.
Chị nựng nịu, và từ từ giở bọc chăn chiên đang ủ kín con tôì. Chị thay tã cho nó. Tôi nhìn, chết lặng.
– Con tôi … – Tôi òa khóc, đỡ lấy bọc chăn. – Con tôi!
Từ bấy tới nay, thời gian trôi qua và triền nước trôi đi, tôi đã có tuổi và con gái tôi đã thành một thiếu nữ. Nó là đứa con của làn nước, mọi người đều nói thế bởi vì chuyện nó sa xuống dòng nước lụt rồi được cha nó cứu lên thì cả làng ai cũng biết. Nhưng điều bí mật kia thì không ai hay, kể cả con gái tôi nó cũng không thể biết. Chỉ có dòng sông biết.
(Những Truyện Ngắn Bảo Ninh, NXB Trẻ, 2013, tr11-12)
Chú thích:
Nhà văn Bảo Ninh tên thật là Hoàng Ấu Phương, sinh năm 1952, tại Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Quê ông ở Xã Bảo Ninh, huyện Quảng Ninh (nay thuộc thành phố Đồng Hới), tỉnh Quảng Bình. Bảo Ninh được biết tới với những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh và thời hậu chiến. Ông là nhà văn có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới văn xuôi Việt Nam hiện đại giai đoạn từ sau 1975 tới nay.
(1): Mái nhà lợp bằng phần thân còn lại của cây lúa sau khi gặt.
Câu 1 (0,5 điểm). Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản?
Câu 2 (0,5 điểm). Xác định ngôi kể của văn bản trên?
Câu 3 (0,5 điểm). Câu chuyện được kể diễn ra trong bối cảnh nào?
Câu 4 (0,75 điểm). Tóm tắt các chi tiết, sự kiện theo đúng trình tự của văn bản?
Câu 5 (0,75 điểm). Khi cứu được con từ dòng nước lũ, nhìn người phụ nữ thay tã cho con, nhân vật tôi “chết lặng” gợi cho anh/ chị suy nghĩ gì?
Câu 6 (1,0 điểm). Điểm chung về cảnh ngộ của nhân vật tôi và em bé được cứu trong văn bản trên là gì?
Câu 7 (1,0 điểm). Theo anh/chị, nhân vật “tôi” nên giữ bí mật về sự việc suốt đời hay nên nói ra? Vì sao?
Câu 8 (1,0 điểm). Bài học sâu sắc nhất mà anh/chị nhận được sau khi đọc văn bản trên?
VIẾT (4,0 điểm)
Từ nội dung văn bản “Bí ẩn của làn nước” (Những Truyện Ngắn Bảo Ninh), em hãy viết một bài văn nghị luận bàn về tình yêu thương trong cuộc sống.
————–HẾT—————
(Thí sinh không được sử dụng tài liệu, giám thị không giải thích gì thêm)
ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM BÀI KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ I
NĂM HỌC 2023 – 2024
Môn: Ngữ văn, Lớp: 11
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 6.0 | |
|
1 | Phương thức biểu đạt chính: Tự sự
Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 0,5 điểm. – Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm |
0.5 |
2 | Ngôi kể: ngôi thứ nhất
Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 0,5 điểm. – Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm |
0.5 | |
3 | Bối cảnh: Kháng chiến chống Mỹ, “tôi” khi phải chứng kiến tình cảnh vợ và con trai bị nước lũ cuốn trôi.
Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 0,5 điểm. – Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm |
0.5 | |
4 | Tóm tắt các chi tiết, sự kiện theo đúng trình tự của văn bản:
– Đỉnh lũ đêm Rằm tháng Bảy, một loạt bom Mỹ phá tan vệt đê canh giữ đằng trước làng. – Nước đã ngập, nhân vật tôi kịp dìu vợ leo lên mái, khi mái rạ sắp rã tan ra thì vướng vào thân đa trước đình làng – nơi có đám đông bám trên các cành. – Gần sáng, có tiếng quẫy nước và kêu cứu của một người đàn bà cùng đứa con nhỏ. Bàn tay của người đàn bà dưới nước truội đi, chìm nghỉm. – Cành cây gãy, người vợ và con cùng rơi xuống dòng nước, nhân vật tôi nhảy xuống cứu vợ con nhưng chỉ cứu được đứa trẻ mà không cứu nổi vợ, đến thi thể cô ấy cũng bất lực không tìm thấy. – Nhìn người phụ nữ thay tã cho con, nhân vật tôi chết lặng. Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 0,75 điểm. – Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm |
0.75 | |
5 | Khi cứu được con từ dòng nước lũ, nhìn người phụ nữ thay tã cho con, nhân vật tôi lại chết lặng gợi suy nghĩ:
– Đứa bé ấy không phải là con của nhân vật tôi. – Nhân vật tôi đau đớn, tuyệt vọng vì không cứu được vợ và con trai của mình. -> thương xót cho tình cảnh éo le và ngang trái của nhân vật tôi. Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 0,75 điểm. – Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm |
0.75 | |
6 | Điểm chung về cảnh ngộ của nhân vật tôi và em bé được cứu:
+ là nạn nhân của chiến tranh + mất hết người thân sau trận lũ lụt Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm. – Học sinh trả lời có nội dung phù hợp nhưng diễn đạt chưa tốt: 0,5 điểm. – Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm |
1.0 | |
7 | Nhân vật “tôi” nên giữ bí mật về sự việc suốt đời hay nên nói ra? Vì sao?
HS có thể đưa ra các phương án: – Khuyên nhân vật “tôi” im lặng và giữ bí mật về sự việc suốt đời, vì + Sự mất mát người thân yêu là hoàn cảnh không thể nào thay đổi, cách tốt nhất là sống trọn vẹn với những gì đang có nên hãy để bí mật đó trôi theo dòng nước. + Nếu nói ra, người con gái sẽ đau khổ. Im lặng nghĩa là giữ lại hạnh phúc cho con… – Khuyên nhân vật “tôi” nên nói ra vì: + Đứa trẻ đã lớn, cần được biết về sự thật. + Nhân vật tôi là người đã hi sinh vì con, người con sẽ hiểu và yêu thương ông hơn. + Khi giữ bí mật, nhưng trong nhân vật tôi luôn phải mang nỗi ám ảnh, day dứt. Có thể việc nói ra những bí mật sẽ giúp ông thanh thản, giải thoát khỏi những giằng xé nội tâm trong suốt cuộc đời… Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm. – Học sinh trả lời có nội dung phù hợp nhưng diễn đạt chưa tốt: 0,5 điểm. – Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm. * Lưu ý: Học sinh có thể trả lời khác đáp án nhưng thuyết phục, diễn đạt nhiều cách miễn hợp lý là chấp nhận được. |
1.0 | |
8 | Bài học sâu sắc nhất mà anh/chị nhận được sau khi đọc văn bản:
– Bài học sâu sắc nhất là chỉ có tình thương mới có thể chữa lành vết thương. – Vì yêu thương giúp con người vượt qua được những mất mát, đau thương… Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm. – Học sinh trả lời có nội dung phù hợp nhưng diễn đạt chưa tốt: 0,5 điểm. – Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm. * Lưu ý: Học sinh có thể trả lời khác đáp án nhưng thuyết phục, diễn đạt nhiều cách miễn hợp lý là chấp nhận được. |
1.0 | |
II | VIẾT: Từ nội dung văn bản “Bí ẩn của làn nước” (Những Truyện Ngắn Bảo Ninh), em hãy viết một bài văn nghị luận bàn về sự cần thiết của tình yêu thương trong cuộc sống. | 4.0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề |
0.25 | ||
b. Xác định đúng yêu cầu của đề.
Sự cần thiết của tình yêu thương trong cuộc sống. Hướng dẫn chấm: – Học sinh xác định được vấn đề cần nghị luận: 0,25 điểm. – Học sinh xác định chưa đúng vấn đề cần nghị luận: 0,0 điểm. |
0.25 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
HS có thể viết bài theo nhiều cách trên cơ sở kết hợp được lí lẽ và dẫn chứng để tạo tính chặt chẽ, logic của mỗi luận điểm; đảm bảo các yêu cầu sau: |
3.0 | ||
a) Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận (Sự cần thiết của tình yêu thương trong cuộc sống)
b)Thân bài 1. Sự cần thiết của tình yêu thương trong truyện “Bí ẩn của làn nước” – Biểu hiện: + Sự lo lắng, quan tâm, chăm sóc của người chồng với vợ con + Sẵn sàng đương đầu với khó khăn, nguy hiểm để bảo vệ vợ con + Cưu mang, chăm sóc, yêu thương, che chở, giữ im lặng… –Ý nghĩa: đem lại tình yêu thương, để con không phải chịu nỗi đau mất đi người thân, mong muốn cho đứa trẻ có một gia đình, có một cuộc sống hạnh phúc… 2. Sự cần thiết của tình yêu thương trong cuộc sống: * Giải thích – Tình yêu thương: là những phẩm chất và tình cảm, vẻ đẹp của tâm hồn con người, là thứ tình cảm yêu thương, chia sẻ và đùm bọc một cách thắm thiết, sự quan tâm giúp đỡ giữa mỗi người với mọi người xung quanh. –> đề cao vai trò, giá trị, ý nghĩa của sự cần thiết của tình yêu thương trong cuộc sống. *Bàn luận: tình yêu thương trong cuộc sống – Tình yêu thương là điều cần thiết đối với mỗi người, là yếu tố xây dựng niềm tin, hạnh phúc trong mối quan hệ giữa con người với con người. – Tình yêu thương là dấu hiệu cơ bản nhất của tình người, của sự chân thành và lòng nhân ái. *Biểu hiện của tình yêu thương trong cuộc sống – Tình yêu thương trong gia đình: cha mẹ thương con cháu, ông bà thương con cháu; Con cháu yêu thương, kính trọng ông bà, cha mẹ; Sự quý mến giữa anh em với nhau. – Tình yêu thương trong xã hội: tình cảm đôi lứa; tình yêu thương dành cho những số phận đau khổ, bất hạnh; *Ý nghĩa sự cần thiết của tình yêu thương trong cuộc sống – Sưởi ấm tâm hồn của những con người cô đơn, đau khổ, bất hạnh và truyền nghị lực sống cho họ. – Cảm hóa những con người “lầm đường lạc lối”. – Mang lại niềm hạnh phúc và niềm tin cho mọi người để có cuộc sống tốt hơn. – Cơ sở để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. * Bài học nhận thức và hành động – Tình yêu thương là một trong những phẩm chất quan trọng, cần có của mỗi người. c)Kết bài: Khái quát, khẳng định ý nghĩa, giá trị của tình yêu thương trong cuộc sống. Hướng dẫn chấm: – Phân tích đầy đủ, sâu sắc: 3,0 điểm. – Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu: 1,0 điểm – 2,75 điểm. – Phân tích chung chung, sơ sài: 0,25 điểm – 0,75 điểm. |
|||
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. |
0.25 | ||
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. | 0.25 | ||
Tổng điểm | 10.0 |