SỞ GD&ĐT PHÚ THỌ TRƯỜNG THPT
|
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ I LỚP 11 NĂM HỌC 2023-2024 Môn: NGỮ VĂN (Đề thi có 02 trang) Thời gian làm bài: 90 phút |
I.ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
(Lược dẫn: Bà lão có chồng mất sớm, cả đời cặm cụi nuôi đứa con trai. Nhưng rồi đứa con trai cũng chết, bỏ lại bà và đứa cháu gái. Năm đứa cháu 12 tuổi, bà đành bán đứa cháu đi làm con ở cho nhà bà Phó Thụ. Số tiền 10 đồng bán được, bà dành 8 đồng để cải mả cho bố nó, còn lại làm vốn đi buôn. Nhưng việc buôn bán càng ngày càng khó khăn, lại thêm tuổi cao sức yếu, một trận ốm thập tử nhất sinh đã lấy đi sạch mọi vốn liếng ít ỏi của bà, bà có nguy cơ chết đói. Trong bước đường cùng, bà nghĩ đến việc thăm đứa cháu gái, cũng là tiện thể xin một bữa ăn dù bị bà Phó Thụ khinh ra mặt).
[…] Bà phó chẳng nói nửa lời, bê lấy bát cơm ăn. Mặt bà vẫn hằm hằm. Lũ con gái, con nuôi, con ở, biết hiệu, vội vàng cũng làm theo. Chậm một tí, bà chửi cho phải biết! Có khi bà hắt cả bát cơm vào mặt. Bà lão nhìn vòng quanh một lượt, rồi cũng cất bát cơm lên:
– Mời bà phó…
Nhưng bà vừa mới hở mồm ra thì bà phó đã cau mặt quát:
– Thôi, bà ăn đi! Đừng mời!
Bà lão vội vàng ăn ngay. Nhưng họ ăn nhanh quá. Mọi người đều lặng lẽ, cắm cúi, mải mốt. Đôi đũa này lên lại có đôi khác xuống. Liên tiếp luôn như vậy. Cứ tăm tắp tăm tắp. Tay bà lão lờ rờ, không biết lợi dụng lúc nào để gắp rau vào bát mắm. Lập cập quá, bà đánh rơi cả mắm ra ngoài bát. Bà phó lại cau mặt, gắt:
– Sẻ riêng cho bà ấy một bát mắm, để ra cạnh mâm cho bà ấy!
Một cô vội làm ngay. Từ đấy, bà lão dễ xoay xở hơn một chút. Nhưng bà mới ăn chưa hết hai lượt cơm thì bà phó đã quăng bát đũa xuống đất. Chỉ một thoáng sau, mọi người khác cũng thôi. Họ thôi gần đều một lượt. In như bà mẹ ra hiệu cho họ vậy.
[…]Chỉ còn mình bà lão ngồi ăn với bà phó Thụ ngồi lại để lườm với nguýt. Nhưng bà lão còn thấy đói. Còn cơm mà thôi ăn thì tiếc. Vả đã đi ăn chực thì còn danh giá gì mà làm khách. Bà cứ ăn như không biết gì.
Đến khi bà đã tạm no, thì cơm vừa hết. Chỉ còn một ít bám dưới đáy và chung quanh nồi. Bà vẫn tiếc. Bà kéo cái nồi vào lòng, nhìn, và bảo con bé cháu:
– Còn có mấy hột để nó khô đi mất. Tao vét cho mày ăn nốt đi kẻo hoài, đĩ nhé?
– Khô mặc kệ nó! Bà có ăn được hết thì ăn đi, đừng bảo nó. Nó không ăn vào đâu được nữa. Ăn cho nó nứt bụng ra thì ăn làm gì?
Bà phó vội gắt gỏng bảo thế. Ừ, thì bà ăn nốt vậy! Bà cạo cái nồi sồn sột. Bà trộn nước canh, bà rấm nốt. Ái chà! Bây giờ thì bà no. Bà bỗng nhận ra rằng bà no quá. Bụng bà tưng tức. Bà nới thắt lưng ra một chút cho dễ thở. Bà tựa lưng vào vách để thở cho thoả thích. Mồ hôi bà toát ra đầm đìa. Bà nhọc lắm. Ruột gan bà xộn xạo. Bà muốn lăn kềnh ra nghỉ, nhưng sợ người ta cười, cố gượng. Ôi chao! Già yếu thì khổ thật. Đói cũng khổ mà no cũng khổ. Chưa ăn thì người rời rã. Ăn rồi thì có phần còn nhọc hơn chưa ăn. Ôi chao!
Xế chiều hôm ấy, bà lão mới ra về được. Bà bảo: về muộn cho đỡ nắng. Thật ra thì bà tức bụng, không đi nổi. Mà bà uống nhiều nước quá. Uống bằng nào cũng không đã khát. Bà chỉ càng thêm tức bụng. Đêm hôm ấy, bà lăn lóc rất lâu không ngủ được. Bà vần cái bụng, bà quay vào lại quay ra. Bụng bà kêu ong óc như một cái lọ nước. Nó thẳng căng. Bà thở ì ạch.
Vào khoảng nửa đêm, bà thấy hơi đau bụng. Cơn đau cứ rõ thêm, cứ tăng dần. Chỉ một lúc sau, bà đã thấy đau quắn quéo, đau cuống cuồng. Rồi bà thổ. Rồi bà tả. Ôi chao! Ăn thật thì không bõ mửa. Bà tối tăm mặt mũi. Đến khi bệnh tả dứt thì bà lại sinh chứng đi lị. Ruột bà đau quằn quặn. Ăn một tí gì cũng đau không chịu được. Luôn nửa tháng trời như vậy. Rồi bà chết.Bà phó Thụ, nghe tin ấy, bảo: “Bà chết no”. Và bà dùng ngay cái chết ấy làm một bài học dạy lũ con gái, con nuôi:
– Chúng mày xem đấy. Người ta đói đến đâu cũng không thể chết nhưng no một bữa là đủ chết. Chúng mày cứ liệu mà ăn tộ vào! …
(Trích Tuyển tập Nam Cao, NXB Thời đại, 2010)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1 (0,5 điểm). Xác định thể loại của văn bản trên.
Câu 2 (0,5 điểm). Nhân vật chính trong văn bản là ai?
Câu 3 (0,5 điểm). Xác định ngôi kể của bản trên.
Câu 4 (1,0 điểm). Chỉ ra đặc điểm của ngôn ngữ nói trong đoạn văn bản sau:
– Còn có mấy hột để nó khô đi mất. Tao vét cho mày ăn nốt đi kẻo hoài, đĩ nhé?
– Khô mặc kệ nó! Bà có ăn được hết thì ăn đi, đừng bảo nó. Nó không ăn vào đâu được nữa. Ăn cho nó nứt bụng ra thì ăn làm gì?
Câu 5 (1,0 điểm). Anh/ chị hiểu như thế nào về nhân vật bà lão qua chi tiết: Chỉ còn mình bà lão ngồi ăn với bà phó Thụ ngồi lại để lườm với nguýt. Nhưng bà lão còn thấy đói. Còn cơm mà thôi ăn thì tiếc. Vả đã đi ăn chực thì còn danh giá gì mà làm khách. Bà cứ ăn như không biết gì.
Câu 6 (1,0 điểm). Anh/chị hãy nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật của Nam Cao.
Câu 7 (1,0 điểm). Thông qua nhân vật bà lão trong đoạn trích, anh/chị hiểu như thế nào về đời sống của người nông dân lúc bấy giờ?
Câu 8 (0,5 điểm). Thông điệp có ý nghĩa nhất với anh/chị từ văn bản trên.
II.VIẾT (4,0 điểm)
Anh/ chị hãy viết một bài văn (khoảng 500 chữ) bày tỏ suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của niềm tin trong cuộc sống
SỞ GD&ĐT PHÚ THỌ TRƯỜNG THPT XUÂN ÁNG
|
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ I LỚP 11 NĂM HỌC 2023-2024 Môn: NGỮ VĂN (Đáp án có 02 trang)
|
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 6,0 | |
1 | Thể loại:Truyện ngắn | 0,5 | |
2 | Bà lão | 0,5 | |
3 | Ngôi thứ ba | 0,5 | |
4 | Đặc điểm của ngôn ngữ nói trong đoạn văn:
+ Xưng hô: tao – mày. + Kẻo hoài, nhé, ăn cho nứt bụng ra. |
1,0 | |
5 | Đoạn văn Chỉ còn mình bà lão ngồi ăn với bà phó Thụ ngồi lại để lườm với nguýt. Nhưng bà lão còn thấy đói. Còn cơm mà thôi ăn thì tiếc. Vả đã đi ăn chực thì còn danh giá gì mà làm khách. Bà cứ ăn như không biết gì đã thể hiện được suy nghĩ cũng như tình cảnh đáng thương của nhân vật bà lão. Bà đã phải đánh đổi cả lòng tự trọng để có miếng ăn, để được một bữa no.
|
1,0 | |
6 | Nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật của Nam Cao.
– Nam Cao có những phát hiện tinh tế, những miêu tả và nhận xét xác đáng mặc dù chỉ qua những chi tiết rất nhỏ, ngòi bút của Nam Cao đã đi sâu vào những ngõ ngách sâu kín của tâm hồn, của những diễn biến tâm lí phức tạp |
1,0 | |
7 | Qua câu chuyện, Nam Cao phán ánh tình trạng người nông dân vì đói khổ, bần cùng mà dẫn đến tình trạng bị tha hóa về nhân cách. | 1,0 | |
8 | Thông điệp có ý nghĩa tích cực mà anh/ chị nhận được sau khi đọc bài thơ: Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải luôn có ý thức giữ gìn nhân cách; sự chia sẻ với người gặp khó khăn… | 0.5 | |
II | VIẾT | 4,0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề |
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
Ý nghĩa của niềm tin trong cuộc sống |
0,5 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Dưới đây là một vài gợi ý cần hướng tới: |
2.5 | ||
– Giải thích: niềm tin là thứ bạn cảm nhận, tin tưởng vào một điều gì đó và mong muốn nó sẽ xảy ra theo cách mà bạn suy nghĩ.
– Phân tích, đánh giá, bàn bạc: Đứng trước những khó khăn, thử thách trong cuộc đời, chúng ta thường nản lòng, chùn bước. Niềm tin có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người. + Niềm tin sẽ giúp ta mạnh mẽ, bản lĩnh để vượt qua tất cả. + Niềm tin là động lực giúp bạn hoàn thành những mong muốn, dự định và đạt được mục tiêu của mình. Nó có thể định hướng và quyết định những hành động đúng đắn của bạn. + Niềm tin tạo ra năng lượng tích cực giúp bạn xóa bỏ những rào cản, tăng lòng nhiệt huyết, phát huy những năng lực và hành động khác của bản thân. – Phê phán những người sống thiếu niềm tin: thường cảm giác bất an lo lắng, thiếu năng lượng, thiếu nỗ lực khiến bản thân buông xuôi. – Bài học: Không có niềm tin thì cuộc sống sẽ vô nghĩa. Vì vậy, cần có niềm tin và hy vọng bạn sẽ thành công và hạnh phúc. Trước khi tin vào điều gì đó thì hãy tin vào chính bạn. |
|||
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.
|
0,25 | ||
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. | 0,5 | ||
Tổng điểm I + II | 10 |