TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN – QUẢNG TRỊ
MÔN NGỮ VĂN 10 – NĂM HỌC 2022-2023
Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
(Đề thi gồm 1 trang, 2 câu)
Câu 1. Nghị luận xã hội (8,0 điểm)
Trẻ người = non dạ
Từ góc độ là một người trẻ trong xã hội hiện nay, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề được đặt ra trong công thức trên.
Câu 2. Nghị luận văn học (12,0 điểm)
Văn học là thế giới của tưởng tượng và hư cấu nhưng nhà văn vẫn được kì vọng nói lên sự thật.
Anh/Chị hiểu nhận định trên như thế nào? Bằng trải nghiệm văn học của mình, hãy chứng minh.
TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN – QUẢNG TRỊ
HƯỚNG DẪN CHẤM THI MÔN NGỮ VĂN 10 – NĂM HỌC 2022-2023
(Hướng dẫn chấm gồm 04 trang)
HƯỚNG DẪN CHUNG
Giám khảo chấm đúng như đáp án, biểu điểm. Tổ trưởng Tổ chấm thi cần tổ chức để các giám khảo thảo luận kĩ trước khi chấm.
Nếu thí sinh có cách trả lời khác đáp án nhưng đúng thì giám khảo vẫn chấm điểm theo biểu điểm của Hướng dẫn chấm thi.
Giám khảo không quy tròn điểm thành phần của từng câu, điểm của bài thi.
Đề thi gồm hai câu thuộc dạng mở, khuyến khích thí sinh:
– Làm bài có cảm xúc, cá tính; trình bày vấn đề một cách có hệ thống, lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc sảo, dẫn chứng đa dạng, tiêu biểu; có thể định dạng văn bản theo những kiểu khác nhau (trừ thơ) miễn là bám sát yêu cầu của đề và có sức thuyết phục.
– Có cách nhìn nhận vấn đề theo quan điểm riêng, có những tìm tòi, sáng tạo riêng (ví dụ: biết vận dụng những quan sát, suy nghĩ và trải nghiệm riêng về cuộc sống hay văn chương để bàn luận vấn đề; biết kết hợp linh hoạt các thao tác nghị luận để làm nổi bật luận điểm của bài viết,…).
Giám khảo căn cứ vào tình hình và chất lượng thực tế của mỗi bài làm để chấm điểm thích hợp.
ĐÁP ÁN, BIỂU ĐIỂM
CÂU | YÊU CẦU CẦN ĐẠT | ĐIỂM |
Câu 1 | Trẻ người = non dạ
Từ góc độ là một người trẻ trong xã hội hiện nay, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề được đặt ra trong công thức trên.
|
8,0 |
1. Xác định đúng vấn đề nghị luận: quan điểm về sự tương quan giữa tuổi tác và suy nghĩ, bản lĩnh của giới trẻ. | 0,5 | |
2. Đảm bảo bố cục bài văn với cấu trúc ba phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài. | 0,25 | |
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng để làm nổi bật vấn đề. | ||
1. Giải thích:
– “trẻ người”: chỉ người trẻ, những người thiếu sự từng trải. – “non dạ”: nhận thức, suy nghĩ non nớt, thiếu sâu sắc – “trẻ người = non dạ”: quan điểm đánh đồng giữa sự thiếu từng trải trong tuổi đời với sự non nớt, thiếu sâu sắc trong tư duy, nhận thức của tuổi trẻ. -> Đây là quan điểm còn phiến diện nhất là khi đặt trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay. |
0,25 0,25 0,25
0,25 |
|
2. Bình luận
– Một mặt cần thừa nhận rằng những người nhỏ tuổi vì chưa va vấp, trải nghiệm cuộc đời được nhiều sẽ thiếu nhiều kinh nghiệm sống, sẽ không có đủ thời gian để tích lũy cho mình hiểu biết đa diện về đời sống và kĩ năng giải quyết vấn đề một cách thấu đáo nên chắc hẳn nhận thức, hành động sẽ thiếu độ chín, sự sắc sảo. – Tuy nhiên, có thể thấy suốt dọc chiều dài lịch sử luôn có những con người tuy tuổi đời còn trẻ nhưng đã làm nên được những kì tích đáng nể, minh chứng cho việc trẻ người nhưng “dạ không non”. -Đặc biệt, trong xã hội hiện đại ngày nay, những người trẻ có nhiều cơ hội, mảnh đất trải nghiệm để nâng cao nhận thức, bản lĩnh của mình: họ dễ dàng mở rộng vốn hiểu biết nhờ công cuộc số hóa, họ được tham gia các lớp học về kĩ năng sống, tham gia những diễn đàn uy tín nơi họ có thể phát triển tư duy biện chứng…Vậy nên có thể tuổi đời không nhiều nhưng nhờ môi trường thuận lợi đó, những người trẻ có thể tích lũy, tôi luyện cho mình về nhiều mặt. |
1,0
1,0
1,5
|
|
3.Mở rộng, nâng cao
– Người trẻ cần có ý thức không ngừng cố gắng, học hỏi, phát huy năng lực để khẳng định giá trị bản thân, đóng góp tích cực cho cuộc sống chứ không sớm tự mãn, thỏa mãn với những gì mình đã có. – Khi muốn khẳng định bản thân trẻ người nhưng không non dạ cần chú ý thái độ, cách thể hiện trong từng tình huống, tránh sự thiếu lịch sự, thất lễ, sự kiêu ngạo thái quá.. – Không nhìn hiện tượng mà vội quy chụp bản chất. Về phía cộng đồng xã hội cần có cái nhìn rộng mở hơn với người trẻ, đánh giá và nhìn nhận đúng mức sự đóng góp của người trẻ, cần động viên và khuyến khích thế hệ trẻ biết sống chủ động, sống sáng tạo và tự tin bộc lộ mình hơn để góp phần thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực. |
0,5
0,5
0,5
|
|
4. Sáng tạo: Cách dẫn dắt nêu vấn đề hấp dẫn, lập luận sắc sảo, ý tưởng mới mẻ, dẫn chứng thuyết phục… | 1,0 | |
5. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo các quy tắc về chuẩn chính tả, ngữ pháp. | 0,25 |
Câu 2 | Bình luận ý kiến: Văn học là thế giới của tưởng tượng và hư cấu nhưng nhà văn vẫn được kì vọng nói lên sự thật. | |
1. Xác định đúng trọng tâm vấn đề cần nghị luận: Mối quan hệ giữa tưởng tượng – hư cấu với kì vọng phản ánh sự thật đời sống của văn học | 0,5 | |
2. Bảo đảm cấu trúc của bài văn nghị luận với kết cấu ba phần. Phần Mở bài: Dẫn dắt, nêu vấn đề cần nghị luận; phần Thân bài: Vận dụng các thao tác lập luận để triển khai, làm rõ vấn đề; phần Kết bài: Khái quát, nâng cao vấn đề, rút ra bài học cho bản thân. | 0,25 | |
3. Triển khai vấn đề: HS có thể triển khai theo nhiều cách nhưng về cơ bản phải đáp ứng được các ý cơ bản sau:
3.1. Giải thích: – Tưởng tượng và hư cấu: những hoạt động không thể thiếu trong tư duy nghệ thuật, luôn đi liền nhau, được nhà văn sử dụng để xây dựng nên những hình tượng nghệ thuật, nhằm biểu hiện tập trung chân lý cuộc sống, thể hiện tư tưởng tình cảm và cá tính sáng tạo. (0,5) – Sự thật: những điều có thật, tồn tại hiển nhiên như là chân lý, không phụ thuộc vào ý định chủ quan của con người; những khái quát về đời sống theo quy luật khách quan…(0,5) => Nhận định đề cập đến mối quan hệ giữa tưởng tượng – hư cấu với kì vọng phản ánh sự thật đời sống của văn học. (0,5) |
1,5 | |
3.2. Bình luận – Chứng minh: Khẳng định tính minh xác của vấn đề trên hai phương diện: Lý luận và thực tiễn sáng tác (HS có thể kết hợp lồng ghép hai phương diện này trong quá trình bình luận). | ||
Về mặt lý luận:
– Văn học bao giờ cũng bắt nguồn từ đời sống nhưng tuyệt nhiên không sao chép, chụp ảnh hiện thực một cách giản đơn, máy móc. Tác phẩm là kết quả sự tái tạo, nhào nặn của nhà văn nhằm những ý đồ nghệ thuật nhất định.(1,0) – Một trong những mục đích cao cả của văn học là nói lên sự thật. Muốn thực hiện sứ mệnh của người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp thì nhà văn không thể né tránh việc nói lên sự thật, dù là sự thật về tự nhiên hay về xã hội, lịch sử, con người; sự thật đem đến niềm tin yêu hi vọng hay có thể gây chán chường tuyệt vọng… (1,0) – Văn học muốn nói lên sự thật không thể thiếu tưởng tượng và hư cấu. Đó là phương tiện để sự thật ấy được nói ra một cách chân thực, sinh động và đầy tính nghệ thuật. Phương tiện này tạo ra sự khác biệt cơ bản giữa tư duy nghệ thuật so với tư duy khoa học. Sự thật về đời sống vẫn có thể được nói ra nhưng thiếu tưởng tượng hư cấu, văn học không còn là văn học nữa. (1,0) – Mỗi thể loại văn học có thể yêu cầu nhiều ít khác nhau về mức độ tưởng tượng hư cấu, song nó luôn được coi là đôi cánh của văn học, giúp nhà văn thể hiện một cái nhìn, cách đánh giá riêng của nhà văn về sự thật. (1,0) |
4,0 | |
Về mặt thực tiễn:
Thực tiễn sáng tác văn học xưa nay đã cho thấy rõ đặc trưng của văn học trong cách thức phản ánh hiện thực đời sống; thông qua những hư cấu, tưởng tượng, các nhà văn đã tái hiện những sự thật của đời sống một cách khách quan và đầy nghệ thuật. (HS chọn, phân tích TP để chứng minh, tập trung làm rõ sự thật được phản ánh trong tác phẩm và cách thức nhà văn tưởng tượng, hư cấu để chuyển tải sự thật ấy) |
3,5 | |
3.3. Mở rộng, nâng cao vấn đề:
– Đối với người sáng tác: cần phải gắn bó với đời, mài sắc khả năng quan sát, phát hiện thật tinh nhạy, khái quát hóa đời sống, dũng cảm đối diện và nói lên sự thật; đồng thời nâng cao năng lực tưởng tượng hư cấu để tạo nên những hình tượng điển hình sinh động, bất hủ…(0,5) – Đối với người tiếp nhận: đến với tác phẩm bằng cả tâm hồn và trí tuệ, nhận thức sâu sắc chân lý nghệ thuật mà tác phẩm đem lại; đồng thời tận hưởng vẻ đẹp của những hình tượng do tưởng tượng hư cấu tài hoa của nhà văn tạo ra, …(0,5) |
1,0 | |
4. Lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, chữ viết rõ ràng, ít sai lỗi chính tả | 0,25 | |
5. Bài viết thể hiện sự sáng tạo (ý tưởng, câu chữ, dẫn chứng…) | 1,0 | |
TỔNG : CÂU 1 + CÂU 2 | 20,0 |