SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO YÊN BÁI
TRƯỜNG THPT CHUYÊN NGUYỄN TẤT THÀNH
(Đề thi gồm 01 trang) |
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI
KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐB BẮC BỘ NĂM HỌC 2022 – 2023
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 10 Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
|
Câu 1. (8,0 điểm)
Suy nghĩ của anh/chị về câu hỏi sau: Ngày hôm nay tôi phải sống thế nào để tạo ra ngày mai mà tôi quyết tâm hướng đến?
Câu 2. (12,0 điểm)
Một nhà văn từng nói: Đọc là biến đi khỏi thế giới. Đọc là tìm lại một thế giới. Đọc là còn lại một mình với cả thế giới trong lòng bàn tay.
Bằng trải nghiệm văn học của mình, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.
SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO YÊN BÁI
TRƯỜNG THPT CHUYÊN NGUYỄN TẤT THÀNH (Đề thi gồm 01 trang) |
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI
KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐB BẮC BỘ NĂM HỌC 2022 – 2023 ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 10
|
HƯỚNG DẪN CHẤM
Câu 1: Suy nghĩ của anh/chị về ý kiến sau “Ngày hôm nay tôi phải sống thế nào để tạo ra ngày mai mà tôi quyết tâm hướng đến?”
Ngoài phần mở bài và kết bài (mỗi phần tối đa 0,5 điểm), thí sinh cần đạt được các yêu cầu cơ bản sau đây:
- Giải thích (1,0 điểm)
– tôi: khác ta, chúng ta, bạn, từ đó nhấn mạnh vào trách nhiệm, sự tự ý thức sự chủ động, độc lập của mỗi người trong việc sống cuộc đời của chính mình
– ngày hôm nay sống như thế nào: cách sống, lối sống trong hiện tại.
– tạo ra ngày mai mà tôi quyết tâm hướng đến: đạt được mục tiêu, ước mơ, lý tưởng trong tương lai sau này.
=> Ý kiến gợi ta suy nghĩ về phương cách sống ở hiện tại của chính mình để đi tới mục tiêu trong tương lai.
- Bàn luận (4,0 điểm):
* Tại sao những điều ta làm ngày hôm nay ảnh hướng, tác động tới tương lai?
– Cuộc sống có quy luật nhân quả, vận hành như những “dây chuyền”, với những bánh răng ăn khớp, những việc làm dù nhỏ nhất cũng có thể tác động đến những gì diễn ra sau đó.
– Chỉ có thể là hôm nay mà không phải quá khứ, bởi quá khứ là điều đã qua, không thể sửa đổi, không quay ngược được thời gian. Trong khi hiện tại đang diễn ra, ta có khả năng sử dụng, làm chủ, còn có cơ hội để tạo ra được sự thay đổi
– Những việc làm ở thực tại là nền móng, tiền đề, cơ sở; tạo ra kết quả, dấu ấn để tương lai có thể kế thừa, phát huy; Điều đó cũng giống như ta ở hiện tại là sự kế thừa ta ở quá khứ.
* Sống như thế nào để tạo ra ngày mai mà mình quyết tâm hướng đến?
– Đặt ra kế hoạch, mục tiêu, chí hướng rõ ràng để tập trung nguồn lực để hành động, tạo động lực, sức mạnh để vượt qua những khó khăn ở thực tại, vượt qua những thất bại ở quá khứ và những mối nguy tiềm ẩn ở tương lai.
– Không ngừng học hỏi, trau dồi, trải nghiệm để hoàn thiện những thiếu sót, nâng cao năng lực, trình độ, tạo nên hành trang không thể thiếu trên hành trình trở thành con người mình mong muốn.
– Quyết tâm cao độ, tận dụng thời gian: Quỹ thời gian của mỗi người có hạn, thời gian đã qua không bao giờ có thể lấy lại được. Vì thế phải quyết tâm cao độ để có động lực, có sức mạnh tiến lên kịp thời, không trì hoãn. Bởi trì hoãn một ngày sẽ khiến ta xa mục tiêu một bước, khiến ta bỏ lỡ cơ hội quý giá, tạo thành thói quen trì trệ, khiến năng lực bị mài mòn,…
- Phản đề (1,0 điểm):
– Phê phán những người sống mà không có mục tiêu, hoạch định cho tương lai; hoặc sống hời hợt hoặc sống buông thả không màng hậu quả của ngày mai
– Coi trọng hiện tại và tương lại nhưng không được lãng quên, coi thường quá khứ, bởi ở đó có bao bài học kinh nghiệm quý giá cho ta thành công.
– Phấn đấu hết mình để có tương lai tương sáng nhưng không vì thế mà quên đi việc tận hưởng những giây phút bình yên, lắng đọng, thư thái của cuộc sống.
- Bài học (1,0 điểm):
– Ta phải biết trân trọng thời gian, tận dụng, sống hết mình ở thực tại, biết tự đặt ra mục tiêu, ước vọng và có ý chí, quyết tâm, tình yêu và hành động để theo đuổi mục tiêu ấy, từ đó hoàn thiện bản thân, trở thành phiên bản tốt đẹp hơn
– Xã hội hiện đại nhiều cám dỗ, gây ra tâm lý trì hoãn, lười nhác, dễ dãi, buông thả bản thân, chìm đắm vào thế giới ảo của mạng xã hội, mỗi người, nhất là các bạn trẻ, những người còn cả một tương lai dài lâu và triển vọng ở phía trước, càng phải tự nâng cao kỉ luật tự giác, tự học, tự rèn luyện, phấn đấu,…
Câu 2:
Một nhà văn từng nói: Đọc là biến đi khỏi thế giới. Đọc là tìm lại một thế giới. Đọc là còn lại một mình với cả thế giới trong lòng bàn tay.
Bằng trải nghiệm văn học của mình, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.
Ngoài phần mở bài và kết bài (mỗi phần tối đa 0,5 điểm), thí sinh cần đạt được các yêu cầu cơ bản sau đây:
- Giải thích (2,0 điểm)
– đọc: tiếp nhận tác phẩm, chiếm lĩnh giá trị nội dung và nghệ thuật, biến văn bản thành thế giới nghệ thuật sống động theo tâm trí mình.
– biến đi khỏi thế giới: vượt thoát khỏi hiện thực, tạm quên hiện thức trước mắt để thâm nhập, chìm đắm vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm, để bước vào, thể nghiệm ở thế giới nghệ thuật mà tác phẩm mở ra.
– tìm lại một thế giới: nhìn lại, nhớ lại thế giới đã qua, đã mất ở quá khứ hoặc nhìn nhận lại về thế giới thực mình đang sống một cách đủ đầy, toàn vẹn hơn.
– còn lại một mình với thế giới trong lòng bàn tay: người đọc tiếp nhận tác phẩm một cách độc lập, chủ động chiếm lĩnh, say mê, thâm nhập vào thế giới thu nhỏ trong tác phẩm; hiểu tường tận về thế giới ấy trong tác phẩm như nắm trong lòng tay.
=> Ý kiến đề cập tới bản chất, quy luật, ý nghĩa, mục đích của quá trình tiếp nhận tác phẩm văn học.
- Bàn luận, chứng minh (8,0 điểm)
* Tại sao văn học lại có khả năng khiến bạn đọc đi từ thế giới này đến thế giới khác; từ hiện thực đến xứ sở của trí tưởng tượng:
– Tác phẩm văn học được xây dựng bằng ngôn từ – chất liệu phi vật thể, không bị bó buộc trong những giới hạn hữu hình nên người đọc dễ dàng thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm .
– Những hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm sinh động, cụ thể, tác động sâu xa vào trí tưởng tượng của bạn đọc.
– Nhà văn là những người mở đường đến xứ sở cái đẹp. Anh luôn ý thức, khao khát việc khám phá, sáng tạo những vùng đất mới hoặc đưa ra một cái nhìn mới trong tác phẩm. Nhờ đó bạn đọc được dẫn đường đến những chân trời mới đầy hấp dẫn.
* Tại sao đọc là biến đi khỏi thế giới:
– Văn có chức năng nhận thức, giúp bạn đọc được sống nhiều cuộc đời khác nhau, được khám phá những nơi phương xa xứ lạ.
– Văn chương nhiều khi giúp con người vượt thoát thực tại (khổ đau, bất hạnh, đen tối, …) để đến với một thế giới nghệ thuật với những điều đẹp đẽ nhân văn; ở đó con người được đồng cảm, sẻ chia, xoa dịu, chữa lành tâm hồn.
* Tại sao đọc cũng chính là tìm lại một thế giới?
– Văn chương chân chính có khả năng nối kết quá khứ – hiện tại – tương lai bởi sức sống lâu bền của tác phẩm ấy. Những thế giới đã mất, đã tiêu tan, lụi tàn, dù chỉ còn hồn thu thảo hay dấu xe ngựa nhưng sẽ được bất tử hoá trong tác phẩm.
– Văn học cũng giúp con người nhìn nhận lại về thế giới thực mình đang sống một cách đủ đầy, toàn vẹn hơn: nhà văn bao giờ cũng có tầm nhìn, tầm tư tưởng lớn về thời đại, có sự trải nghiệm và năng lực đúc kết, khái quát những quy luật. Từ đó, tác phẩm không bao giờ khám phá hiện thực một cách hời hợt, giản đơn một chiều: bề sâu, bề sau, bề xa. Độc giả theo tác phẩm đi tới tận cùng những tầng vỉa hiện thực và tìm lại được thế giới mà mình bỏ lỡ.
* Tại sao đọc là còn lại một mình với thế giới trong lòng bàn tay:
– Những tác phẩm đích thực không chỉ tạo ra những từ trường cảm xúc mà còn cuốn hút ra vào những cuộc phiêu lưu. Người đọc không chỉ đứng ở bên ngoài tiếp nhận thụ động, hời hợt mà đặt mình vào trong tác phẩm, tiếp nhận một cách chủ động, tích cực như chính mình cũng là một nhân vật.
– Văn học cũng có những khoảng trống, khoảng trắng, những chỗ cong để người đọc có thể đồng sáng tạo. Ở đó, dấu ấn của tác giả không quá rõ ràng nên người đọc được phát huy trí tưởng tượng, dấu ấn chủ quan để kiến tạo thế giới nghệ thuật theo mạch suy tư và xúc cảm của riêng mình.
– Thí sinh phải lấy các tác phẩm để làm sáng tỏ cho những luận điểm trên.
- Mở rộng (1,0 điểm)
– Nhà văn cần sáng tạo những tác phẩm đích thực, có sức hấp dẫn, có những khám phá mới mẻ, đem đến giá trị nhận thức, cuốn hút con người. Muốn vậy, anh phải có tài sáng tạo hình tượng nghệ thuật, tạo ra những khoảng trống vô ngôn, gợi sự đối thoại, đồng sáng tạo của bạn đọc.
– Người đọc là biến khỏi thế giới nhưng không đồng nghĩa với việc chìm đắm quá mức, xa rời thực tế, hão huyền trong thế giới nghệ thuật mà trở nên lạc lõng với cuộc đời, chỉ là tạm quên không phải thoát li, hành trình đi sâu khám phá tác phẩm có đích đến cuối cùng là cuộc đời, soi vào tác phẩm ta phải tìm thấy chính mình – Tố Hữu.
– Tiếp nhận tác phẩm “một mình” không phải là cách đọc phiến diện, cực đoan, định kiến,… mà vẫn phải gặp gỡ, dung hòa với tư tưởng chủ đạo của tác phẩm, tôn trọng tác giả và cách hiểu của độc giả khác, tránh nhận thức lệch lạc, hiểu lầm làm mất đi giá trị của tác phẩm