HỘI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN
KHU VỰC DUYÊN HẢI, ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ TRƯỜNG THPT CHUYÊN BIÊN HOÀ, T. HÀ NAM
ĐỀ THI ĐỀ XUẤT |
ĐỀ THI CHỌN HSG GIỎI LẦN THỨ XIV
MÔN THI: NGỮ VĂN – KHỐI 10 Ngày thi 15/07/2023 Thời gian làm bài 180 phút (Đề này gồm 01 trang) |
Câu 1 (8,0 điểm): Nghị luận xã hội
Đời ngắn đừng ngủ dài là nhan đề bản dịch tiếng Việt cuốn sách của Robin Sama – một chuyên gia hàng đầu thế giới về huấn luyện nghệ thuật lãnh đạo và phát triển bản thân.
Suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa triết lý được gợi ra từ nhan đề cuốn sách.
Câu 2 (12,0 điểm): Nghị luận văn học
Một bài thơ hay, theo tôi là một bài thơ có thần thái, có linh hồn, một sinh linh được hiện hữu trong thân xác ngôn ngữ.
(Mai Văn Phấn – Nhà thơ nói về thơ hay – Chuyện trong cuộc – Báo Văn nghệ Quân đội 4/6/2019)
Anh/Chị hiểu như thế nào về ý kiến trên? Bằng trải nghiệm văn học, hãy làm sáng tỏ vấn đề.
HỘI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN
KHU VỰC DUYÊN HẢI, ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
|
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LẦN THỨ XIV
MÔN THI: NGỮ VĂN – KHỐI 10 Ngày thi 14/07/2023 (Hướng dẫn chấm này gồm có 04 trang) |
Câu 1 (8,0 điểm): Nghị luận xã hội
Yêu cầu về kỹ năng
– Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ quan điểm riêng.
– Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ; diễn đạt trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; vận dụng tốt các thao tác lập luận; dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.
Yêu cầu về kiến thức
Trên cơ sở hiểu ý nghĩa nhận định, bài làm của thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng phải có căn cứ xác đáng. Thí sinh được tự do bày tỏ quan điểm của mình nhưng phải có thái độ chân thành nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Sau đây là một số định hướng:
Giải thích (1,0 điểm)
– Đời ngắn: là sự hữu hạn của cuộc đời mỗi con người.
– Ngủ dài: chỉ giấc ngủ dài, ngủ lâu; cũng chỉ việc ngủ quên, quên cuộc đời, quên chính mình.
-> Nhan đề cuốn sách là một nhắc nhở mỗi chúng ta về việc sống có ích, có ý nghĩa, không nên lãng phí cuộc đời.
Bình (5,0 điểm)
– Mỗi chúng ta chỉ có một cuộc đời. Thời gian cuộc đời là hữu hạn, nó qua đi là không bao giờ lấy lại được nữa. Trong quỹ thời gian ngắn ngủi đó của cuộc đời, chúng ta có và cần làm rất nhiều việc quan trọng và ý nghĩa.
– Nếu chúng ta ngủ dài, chúng ta sẽ:
+ Lãng phí thời gian cuộc đời mình, không thực hiện được những việc chúng ta cần và mong muốn trong cuộc đời. Đến khi không còn đủ thời gian nữa thì chúng ta lại hối tiếc, ân hận. Cuộc đời có nhiều lần Giá như là cuộc đời vô ích, nhàm chán.
+ Trở thành những con người lười biếng, chậm chạp, trây lì, trở thành sống không có lý tưởng, mục tiêu, tự buông thả bản thân mình và trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội.
+ Bỏ phí những cơ hội, dịp may để thay đổi cuộc đời, làm mới cuộc đời và tương lai sẽ là bóng tối mù mịt, u ám.
+ Bị xã hội lên án, mọi người xa lánh, coi thường, tẩy chay.
– Nếu chúng ta biết sống có ích, có ý nghĩa, chúng ta sẽ:
+ Tận dụng được tối đa thời gian cuộc đời mình để làm những việc cần thiết khiến mỗi ngày của chúng ta đều đẹp đẽ, có ích, vui vẻ. Như quan niệm của triết gia Marcus Aurelius: “Để sống như thể đây là ngày cuối cùng, đừng bao giờ hoang mang, đừng bao giờ hờ hững, đừng bao giờ kiểu cách – đó là một tính cách hoàn hảo”.
+ Là người nhanh nhẹn, hoạt bát, sáng tạo, yêu đời và xã hội cũng nhờ đó phát triển, hiện đại, văn minh.
(Thí sinh lấy dẫn chứng chứng minh)
Bàn luận, mở rộng vấn đề (1,0 điểm)
– Khẳng định được ý nghĩa quan trọng của sống đẹp, sống có ích trong cuộc đời.
– Tuy nhiên, đừng ngủ dài không có nghĩa là luôn sống gấp, sống vội, sống chạy đua với cuộc đời mà không biết sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, tận hưởng, sống chậm. Những giây phút được ngủ cũng là phương thuốc di dưỡng tâm hồn để nạp thêm năng lượng cho những công việc tiếp theo
– Phê phán những người sống không hết mình, không có lý tưởng, chỉ muốn tận hưởng mà không cống hiến.
Bài học nhận thức và hành động (1,0 điểm)
Cách cho điểm
– Điểm 7-8: Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội; trình bày vấn đề một cách sâu sắc, thuyết phục; văn phong chuẩn xác, biểu cảm; có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả và dùng từ.
– Điểm 5-6: Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội; trình bày vấn đề cơ bản rõ ràng nhưng chưa thật sâu sắc; mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt và chính tả.
– Điểm 3- 4: Trình bày được khoảng một nửa yêu cầu về kiến thức; còn mắc lỗi về diễn đạt và chính tả.
– Điểm 1-2: Bài viết tỏ ra chưa hiểu rõ vấn đề, lúng túng trong cách giải quyết, mắc nhiều lỗi diễn đạt và chính tả .
– Điểm 0: Bài viết lạc đề, hiểu sai vấn đề hoặc không viết gì.
Câu 2 (12,0 điểm): Nghị luận văn học
Yêu cầu về kỹ năng
– Nắm chắc phương pháp, kĩ năng làm bài nghị luận văn học.
– Biết vận dụng kiến thức lí luận văn học để bàn luận, chứng minh vấn đề một cách hợp lí, thuyết phục.
– Bố cục rõ ràng, mạch lạc; lập luận chặt chẽ, hành văn trong sáng, có cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày, sắp xếp các luận điểm theo nhiều cách nhưng về cơ bản cần đảm bảo những nội dung sau:
Giải thích (1,0 điểm)
– Thơ: là hình thức sáng tác văn học đầu tiên của loài người, theo phương thức trữ tình, thực sự hình thành khi con người có nhu cầu tự biểu hiện. Thơ phản ánh cuộc sống qua những cảm xúc dạt dào, chất chứa, những liên tưởng, tưởng tượng mạnh mẽ, ngôn ngữ hàm súc và gợi cảm, hình ảnh phong phú và rất giàu nhịp điệu…
– Thần thái: là phong cách mang nét đẹp được thể hiện cả ở vẻ bên ngoài và giá trị bên trong.
– Linh hồn, sinh linh: là cơ thể sống có cuộc đời mang giá trị tinh thần to lớn.
– Thân xác ngôn ngữ: là hình thức bên ngoài được tạo nên bởi chất liệu ngôn từ.
-> Bằng cách diễn đạt theo lối nêu định nghĩa, nhà thơ Mai Văn Phấn đã nêu một quan niệm về một bài thơ hay. Một bài thơ hay phải mang những nội dung, tư tưởng, tinh thần lớn lao tạo làm nên phong thái, sức sống lâu bền phía trong lớp vỏ ngôn từ văn chương. Đó là đặc trưng và cũng là yêu cầu của một bài thơ hay.
Bình (3,0 điểm)
– Ngôn ngữ là chất liệu, là phương tiện để biểu hiện mang tính đặc trưng của văn chương. M. Gorki từng viết: “Yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ – công cụ chủ yếu của nó – và cùng với các sự kiện, các hiện tượng của cuộc sống – là chất liệu của văn học”. Ngôn ngữ văn học nói chung và ngôn ngữ thơ ca nói riêng là quá trình lao động công phu của người nghệ sĩ nhằm gửi gắm những tư tưởng, tình cảm sâu sắc đến người đọc. Bởi vậy thân xác ngôn từ phải mang đến cho mỗi bài thơ một thần thái, linh hồn, sinh linh. Nếu không, thứ ngôn từ kia chỉ là ngôn từ vô tri vô giác, không có sức sống.
– Ngôn từ thơ ca là kết quả của quá trình sáng tạo thực sự ở người nghệ sĩ. Bởi vậy, ngôn từ đó sẽ mang cá tính sáng tạo, làm nền thần thái, nét riêng, không trùng lặp của nhà thơ. Mỗi bài thơ hay theo đó cũng có thần thái của riêng nó, để lại những ấn tượng riêng trong lòng người đọc.
– “Thời gian hủy hoại các lâu đài, nhưng lại làm giàu những vẫn thơ” (Jorge Luis Borges). Nhờ đâu thơ cá có sức sống trường tồn? Đó là bởi thơ ca mang trong mình một linh hồn, là một sinh linh có sự sống thực sự. Linh hồn ấy là tâm hồn, tình cảm, tư tưởng của nhà thơ gửi gắm trong những ngôn từ hàm ý, linh diệu. Bởi vậy, tìm hiểu một bài thơ, người đọc phải khám phá được chiều sâu những điều bí ẩn đó mới thấy được sức sống diệu kì của thơ ca.
3. Phân tích, chứng minh (7,0 điểm)
– Thí sinh được tự do chọn dẫn chứng, miễn là chọn được bài thơ hay trong chương trình Ngữ văn 10 để phân tích một cách thuyết phục, làm sáng tỏ vấn đề.
– Phân tích dẫn chứng cần tập trung vào các vấn đề sau:
+ Phân tích tâm hồn, tình cảm, tư tưởng được thể hiện phía sau lớp vỏ ngôn từ trong thi phẩm.
+ Chỉ ra nét riêng làm nên thần thái, sức sống của thi phẩm.
Bàn luận, đánh giá ý nghĩa của vấn đề (1,0 điểm)
– Ý kiến của Mai Văn Phấn đã khẳng định được đặc trưng và yêu cầu quan trọng của thơ ca cũng như của văn học nói chung.
– Ý kiến có ý nghĩa định hướng cho người sáng tác và tiếp nhận :
+ Nhà thơ cần trau dồi vốn sống, sống sâu sắc, mãnh liệt trong từng cảm xúc, đồng thời luôn luôn sáng tạo để mang đến sự độc đáo, mới lạ cho tác phẩm, khẳng định được sức sống lâu bền của tác phẩm.
+ Người đọc trong quá trình tiếp nhận văn học cần trân trọng công sức của nhà thơ, đọc không chỉ thấy cái hay của câu chữ mà còn thực sự đồng điệu tri âm với tâm hồn, với tiếng nói sâu lắng mà nhà thơ gửi gắm vào tác phẩm.
Cách cho điểm
– Điểm 11-12: Bài viết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, sâu sắc, độc đáo; diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc; có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả và dung từ.
– Điểm 9-10: Bài viết có nội dung tương đối đầy đủ (có thể còn thiếu một vài ý nhỏ); bố cục rõ ràng; diễn đạt trôi chảy; câu văn có hình ảnh, cảm xúc. Mắc một số lỗi nhỏ về chính tả, dùng từ, viết câu.
– Điểm 7-8: bài viết đáp ứng khoảng 2/3 nội dung cơ bản của đáp án. Văn có thể chưa hay nhưng rõ ý. Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.
– Điểm 5-6: Bài viết đáp ứng khoảng ½ nội dung cơ bản của đáp án. Mắc nhiều lỗi hành văn, chính tả.
– Điểm 3-4: Hiểu và trình bày vấn đề còn sơ sài; kết cấu không rõ ràng; còn mắc nhiều lỗi diễn đạt.
– Điểm 1-2: Không hiểu đề, không có kĩ năng nghị luận, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.
– Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn hoặc không viết gì.
(Lưu ý: Thí sinh có thể trình bày những quan điểm riêng, thậm chí trái chiều. Tuy nhiên cần có thái độ chân thành, nghiêm túc, tư tưởng nhất quán trên tinh thần xây dựng, lập luận thuyết phục)