TRƯỜNG THPT CHUYÊN
HẠ LONG ——————— ĐỀ THI ĐỀ XUẤT (Đề thi gồm 01 trang) |
KỲ THI HSG CÁC TRƯỜNG CHUYÊN
KHU VỰC DH VÀ ĐBBB LẦN THỨ XIX NĂM HỌC 2022- 2023 Môn: NGỮ VĂN Lớp 10 .Thời gian làm bài: 180 phút. (Không kể thời gian giao đề) |
CÂU 1 (8.0 điểm)
Tự chịu trách nhiệm – cái giá của tự do, cũng là ưu đãi của tự do.
Bằng góc nhìn của một người trẻ, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận để chia sẻ suy nghĩ của mình về quan điểm trên.
CÂU 2 (12.0 điểm)
Bàn về tiếp nhận văn học, GS.Trần Đình Sử cho rằng: “Tiếp nhận tác phẩm là cụ thể hóa, hiện thực hóa tác phẩm trong trí tưởng tượng; là đối thoại liên tục với tác giả trên mọi lĩnh vực; là quá trình chờ đợi, thắc mắc, giải đáp”.
(Trích Lý luận và phê bình văn học, Trần Đình Sử,
NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, trang 157)
Anh/Chị hãy bình luận ý kiến trên.
TRƯỜNG THPT CHUYÊN HẠ LONG
|
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ ĐỀ XUẤT
THI CHỌN HSG KHU VỰC DH ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ NĂM HỌC 2022 – 2023 Môn thi: NGỮ VĂN 10 (Hướng dẫn này có 06 trang) |
Câu | Ý | Yêu cầu cần đạt | Điểm |
1 | Tự chịu trách nhiệm – cái giá của tự do, cũng là ưu đãi của tự do.
Bằng góc nhìn của một người trẻ, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận để chia sẻ suy nghĩ của mình về quan điểm trên. |
8.0đ | |
*. Yêu cầu về kỹ năng
– Nắm chắc các thao tác nghị luận về một vấn đề xã hội. – Biết vận dụng kiến thức thực tế một cách linh hoạt. – Bố cục rõ ràng, mạch lạc, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng phong phú, hành văn giàu cảm xúc. |
|||
*. Yêu cầu về kiến thức
Trên cơ sở hiểu ý nghĩa của nhận định, biết cách làm bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lý, học sinh có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau nhưng cần thuyết phục, hợp lí. Sau đây là một số gợi ý: |
|||
1.1 | Giải thích
– Tự do: là được tự mình lựa chọn, quyết định theo mong muốn, nguyện vọng cá nhân mà không bị chi phối, ràng buộc bởi người khác hay các yếu tố bên ngoài. Tự do là điều mà con người luôn mong muốn và hướng tới. – Tự chịu trách nhiệm: là ý thức về vai trò, nghĩa vụ của bản thân đối với cuộc đời của chính mình; dám nhận trách nhiệm về sự lựa chọn, quyết định của bản thân; dám chấp nhận sự sai lầm hay thất bại mà không đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người khác. – Cái giá – ưu đãi: mối tương quan giữa điều phải đánh đổi – điều được nhận lại. -> Nhận định thể hiện một cái nhìn sâu sắc về tinh thần tự chịu trách nhiệm của mỗi người trong mối quan hệ với tự do: Tự chịu trách nhiệm vừa là điều kiện không thể thiếu, điều phải chấp nhận để có được tự do thực sự nhưng đồng thời cũng là quyền lợi, là điều tốt đẹp mà sự tự do mang lại cho mỗi người. |
1.5 | |
1.2 | Bàn luận: Quan điểm đúng đắn, sâu sắc
2.1. Tự chịu trách nhiệm – cái giá của tự do – Tự chịu trách nhiệm là điều không hề dễ dàng bởi con người luôn tồn tại trong mối quan hệ với tập thể, cộng đồng, cần sự khuyên bảo, định hướng, chỉ đường của người khác, thậm chí có xu hướng đổ lỗi cho người khác. – Cuộc sống phong phú đưa ra rất nhiều con đường và không phải mọi sự lựa chọn và quyết định đều là đúng đắn, mang lại kết quả tốt đẹp. Không dám chấp nhận sự thất bại, sai lầm, không dám chịu trách nhiệm với mong muốn của mình, con người sẽ không dám tự đưa ra lựa chọn, quyết định để đạt tới sự tự do. – Dám thừa nhận trách nhiệm của bản thân mà không đổ lỗi cho hoàn cảnh và người khác, con người mới nhìn nhận được đúng sở trường, năng lực của mình, rút ra được những bài học quí giá sau mỗi lần thất bại, tự tin quyết định theo sự lựa chọn của chính mình, từ đó mà có được tự do thực sự. 2.2. Tự chịu trách nhiệm – ưu đãi của tự do – Tự chịu trách nhiệm tuy không hề dễ dàng nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp mỗi người dũng cảm, bản lĩnh hơn và sẵn sàng đối diện với những khó khăn, thử thách. – Khi lựa chọn và quyết định theo nguyện vọng của chính mình, cùng với những thành công và thất bại, con người (nhất là người trẻ) sẽ dần nâng cao ý thức, năng lực tự chịu trách nhiệm để trưởng thành và hoàn thiện giá trị bản thân. |
2.5
2.5
|
|
1.3 | Mở rộng
– Cần tránh và phê phán những trường hợp luôn đòi hỏi sự tự do nhưng không dám chấp nhận sự sai lầm, thất bại hay đổ lỗi cho hoàn cảnh và người khác. – Tự do thực sự không có nghĩa muốn làm gì thì làm, bất chấp các qui tắc đạo đức cũng như những qui định của pháp luật cũng như bỏ qua mọi sự tư vấn, định hướng của người khác. |
1.0 | |
1.4 | Bài học nhận thức và hành động
– Là một người trẻ, cần nhận thức được tự do đi kèm với rất nhiều trách nhiệm, mà trước hết là trách nhiệm với sự lựa chọn của chính mình. Đồng thời, tự do cũng giúp con người nâng cao khả năng tự chịu trách nhiệm để hoàn thiện nhân cách, phát triển năng lực trên hành trình trưởng thành của bản thân. – Mỗi người, đặc biệt là người trẻ muốn có được tự do thực sự cần không ngừng trau dồi năng lực, phẩm chất để đưa ra những lựa chọn và quyết định đúng đắn cho cuộc đời mình. |
0.5 | |
2 | Bàn về tiếp nhận văn học, GS.Trần Đình Sử cho rằng:
“Tiếp nhận tác phẩm là cụ thể hóa, hiện thực hóa tác phẩm trong trí tưởng tượng; là đối thoại liên tục với tác giả trên mọi lĩnh vực; là quá trình chờ đợi, thắc mắc, giải đáp”. (Trích Lý luận và phê bình văn học, Trần Đình Sử, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, trang 157) Anh/Chị hãy bình luận ý kiến trên. |
||
*Yêu cầu về kĩ năng:
– Làm đúng kiểu bài nghị luận về vấn đề lí luận văn học được đề cập đến qua một ý kiến. – Sử dụng kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận và các phương thức diễn đạt. Thí sinh cần phát huy đồng thời các năng lực: giải thích, bình luận vấn đề lí luận văn học; chọn lựa và phân tích những dẫn chứng tiêu biểu, toàn diện, xác đáng trong thực tế tiếp nhận văn học để làm sáng tỏ vấn đề, bàn luận, mở rộng vấn đề. – Bố cục bài viết sáng rõ, mạch lạc, lập luận chặt chẽ, hành văn lưu loát, trong sáng, có cảm xúc. |
|||
* Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể giải quyết vấn đề theo nhiều hướng nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau: | |||
2.1 | Giải thích
– Tiếp nhận tác phẩm là cụ thể hóa, hiện thực hóa tác phẩm trong trí tưởng tượng: là tái hiện một cách rõ nét, chi tiết những ấn tượng về tác phẩm trong tâm trí người đọc như cốt truyện, nhân vật, chi tiết, hình ảnh…cũng tức là làm sống lại tác phẩm trong tâm trí. – là đối thoại liên tục với tác giả trên mọi lĩnh vực: là đối thoại ngầm giữa bạn đọc với tác giả diễn ra trong suốt quá trình đọc tác phẩm, trên mọi lĩnh vực của đời sống, trên tất cả các yếu tố của tác phẩm. – là quá trình chờ đợi, thắc mắc, giải đáp: quá trình tiếp nhận còn là quá trình chờ đợi diễn biến, kết thúc, quá trình lắng lại để suy tư về tác phẩm, là đặt ra những câu hỏi và tự trả lời những câu hỏi… => Như vậy: nhận định đã đưa ra ý kiến xác đáng về quá trình, cách thức và hiệu quả của việc tiếp nhận. |
2.0đ | |
2.2 | Bàn luận
a. Tiếp nhận tác phẩm là cụ thể hóa, hiện thực hóa tác phẩm trong trí tưởng tượng; – Đặc trưng văn học: văn học phản ánh hiện cuộc sống bằng hình tượng, sử dụng ngôn từ làm chất liệu, vì vậy khi tiếp nhận tác phẩm người đọc cần dùng trí tượng để làm sống lại tác phẩm trong tâm trí. – Trong quá trình sáng tạo, nhà văn cóp nhặt hình ảnh, chi tiết cụ thể của hiện thực, từ đó nhào nặn, khái quát để xây dựng hình tượng, xây dựng thế giới nghệ thuật. Vì vậy, người đọc phải tưởng tượng để cụ thể hóa hiện thực được nhà văn phản ánh – Người đọc cụ thể hóa toàn bộ thế giới nghệ thuật của tác phẩm: không gian, thời gian, nhân vật, cốt truyện, mối quan hệ các tình tiết, các hình ảnh, chi tiết… – Mỗi độc giả tiếp nhận một cách khác nhau, quá trình tưởng tượng trong tâm trí mỗi người là khác nhau…tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Vì vậy, cùng một tác phẩm, có nhiều cách nhìn, cách tái hiện và lí giải khác nhau. (Học sinh lấy dẫn chứng cụ thể để để làm sáng tỏ) b.Tiếp nhận là đối thoại liên tục với tác giả trên mọi lĩnh vực; – Vì bản chất quá trình tiếp nhận là một cuộc giao tiếp giữa người viết và người đọc, là cuộc giao tiếp gián tiếp thông qua văn bản ngôn từ. Vì vậy tiếp nhận có tính đối thoại. – Người đọc đối thoại với nhà văn về cuộc sống ở mọi phương diện và về tác phẩm ở mọi yếu tố. (Học sinh lấy dẫn chứng cụ thể để chứng minh) c. Tiếp nhận là quá trình chờ đợi, thắc mắc, giải đáp. – Nhà văn khi sáng tác tác phẩm không chỉ phản ánh thế giới mà còn bày tỏ tư tưởng, quan điểm, thế giới nghệ thuật không chỉ là những chi tiết, con người cụ thể mà đó còn là nơi để nhà văn gửi gắm những thông điệp, triết lí sâu xa. Vì vậy, tiếp nhận là quá trình “chờ đợi, thác mắc, giải đáp” để lĩnh hội chiều sâu tư tưởng của tác phẩm và những thông điệp của nhà văn. – Tiếp nhận không phải là quá trình tiếp thu thu động mà là quá trình người đọc không ngừng suy tư, trăn trở, lắng lại, đặt câu hỏi và tự trả lời câu hỏi. Quá trình đó sẽ giúp người đọc hiểu sâu tư tưởng của nhà văn, đồng cảm với nhà văn, thậm chí sáng tạo, phát triển ý đồ của nhà văn, đặt ra và trả lời những vấn đề nhà văn chưa nghĩ tới… – Quá trình “chờ đợi, thác mắc, giải đáp” trong tiếp nhận tác phẩm được biểu hiện ở những suy nghĩ và đặt ra những câu hỏi: Tại sao lại thế? Điều ây có ý nghĩa gì?… Và tự trả lời câu hỏi của người đọc để thấy được tư tưởng của nhà văn… (Học sinh lấy dẫn chứng cụ thể để chứng minh) |
3.0
2.0
3.0 |
|
2.3 | – Ý kiến xác đáng: đề cao vai trò của người đọc trong quá trình tiếp nhận.
– Tuy nhiên, cần chú ý đến tính khách quan của quá trình tiếp nhận: cụ thể hóa, hiện thực hóa tác phẩm bằng trí tưởng tượng nhưng vẫn phải tôn trọng tính khách quan của văn bản, không thể suy diễn một cách tùy tiện. – Đề cao tiếp nhận song cũng cần chú ý đến vai trò của người sáng tạo – Tiếp nhận không chỉ là đối thoại với nhà văn mà còn là đối thoại với chính mình… – Ý nghĩa: với người sáng tác và người tiếp nhận. |
2.0 |
* Lưu ý:
– Trên đây chỉ là những gợi ý có tính chất định hướng; giám khảo cần thảo luận kĩ yêu cầu nội dung và biểu điểm để bổ sung cho hoàn chỉnh trước khi chấm.
– Giám khảo cần linh hoạt khi chấm bài; cần khuyến khích, trân trọng những tìm tòi, sáng tạo riêng cả trong nội dung và hình thức của bài làm.
– Điểm toàn bài là tổng điểm của hai câu, cho điểm lẻ đến 0,25.
———Hết———