Đề HSG 10 hội các trường chuyên duyên hải và ĐBBB 2023, trường chuyên Bắc Ninh

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BẮC NINH

TRƯỜNG THPT CHUYÊN BẮC NINH

 

ĐỀ THI CHỌN HSG KHU VỰC DHBB

NĂM HỌC 2022 – 2023

Môn: Ngữ Văn – Lớp 10

Thời gian làm bài 180 phút

 (không kể thời gian phát đề)

Câu 1. (8 điểm)

Chàng thợ mộc Trương Văn Đạo ở Bắc Ninh nổi tiếng nhờ chế tác siêu xe bằng gỗ. Ông bố trẻ bắt đầu thiết kế ôtô bằng gỗ giống các mẫu xe nổi tiếng thế giới khi thấy con trai mình thích các xe đồ chơi chạy điện có vẻ ngoài bắt mắt. Sau sản phẩm đầu tiên, mô phỏng một siêu xe, không thành công vì không lái được và động cơ điện không hoạt động, anh mày mò làm nhiều sản phẩm tiếp theo. Với chiếc xe tái hiện mẫu Audi Skysphere, anh được đại diện hãng ôtô Đức liên lạc bày tỏ sự cảm ơn và ngưỡng mộ. Những sản phẩm thủ công mô phỏng các mẫu xe thể thao với mức độ hoàn thiện cao được anh đăng tải trên kênh You Tube, thu hút hơn nửa tỷ lượt xem.

Trong khi đó, kết quả nghiên cứu từ một nhóm các chuyên gia đến từ Trường Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2022 cho thấy, tỷ lệ sinh viên (SV) tốt nghiệp ra trường làm trái ngành là trên 24%. Trong đó, có nhiều ngành cử nhân phải làm trái ngành lên đến trên 60%. Tỷ lệ SV tốt nghiệp các ngành kỹ thuật, công nghệ, kiến trúc và xây dựng làm trái ngành là 31,6%. Tỷ lệ này ở các ngành nhân văn và nghệ thuật là 63%; các ngành khoa học tự nhiên, toán và công nghệ thông tin là 60,6%; các ngành nông, lâm, ngư và thú y là 67%. Cùng năm, Bộ GD&ĐT dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê chỉ ra, trong số 1,2 triệu người thất nghiệp, số người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 30,8%, tức là khoảng 369.600 người.

Từ hai câu chuyện trên, anh/chị hãy viết bài luận bày tỏ suy nghĩ của bản thân về lựa chọn lao động trí óc hay lao động chân tay của giới trẻ hiện nay.

Câu 2. (12 điểm)

Có ý kiến cho rằng:

“Lạ hóa” không có nghĩa lúc nào cũng vặn vẹo làm biến dạng ngôn từ tự nhiên, giản dị. Bản thân ngôn từ tự nhiên, giản dị cũng là một vẻ đẹp và một cách thể hiện nghệ thuật cao cường. Đó là sự giản dị mà phong phú.

(Trích “Giáo trình Lí luận văn học” tập 1, NXB Đại học Sư phạm, 2011, tr.107)

Bằng trải nghiệm văn học anh/chị hãy bình luận và làm sáng tỏ ý kiến trên.

—————-Hết—————-

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BẮC NINH

TRƯỜNG THPT CHUYÊN BẮC NINH

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ THI CHỌN HSG KHU VỰC DHBB

NĂM HỌC 2022- 2023

Môn: Ngữ văn – Lớp 10

(Hướng dẫn chấm gồm 08 trang)

  1. YÊU CẦU CHUNG

– Giám khảo cần nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.

– Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản, diễn đạt tốt vẫn cho điểm tối đa.

– Điểm bài thi làm tròn đến 0.25 điểm.

  1. YÊU CẦU CỤ THỂ
Câu Ý Yêu cầu cần đạt Điểm
1   Chàng thợ mộc Trương Văn Đạo ở Bắc Ninh nổi tiếng nhờ chế tác siêu xe bằng gỗ. Ông bố trẻ bắt đầu thiết kế ôtô bằng gỗ giống các mẫu xe nổi tiếng thế giới khi thấy con trai mình thích các xe đồ chơi chạy điện có vẻ ngoài bắt mắt. Sau sản phẩm đầu tiên, mô phỏng một siêu xe, không thành công vì không lái được và động cơ điện không hoạt động, anh mày mò làm nhiều sản phẩm tiếp theo. Với chiếc xe tái hiện mẫu Audi Skysphere, anh được đại diện hãng ôtô Đức liên lạc bày tỏ sự cảm ơn và ngưỡng mộ. Những sản phẩm thủ công mô phỏng các mẫu xe thể thao với mức độ hoàn thiện cao được anh đăng tải trên kênh You Tube, thu hút hơn nửa tỷ lượt xem.

Trong khi đó, kết quả nghiên cứu từ một nhóm các chuyên gia đến từ Trường Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2022 cho thấy, tỷ lệ sinh viên (SV) tốt nghiệp ra trường làm trái ngành là trên 24%. Trong đó, có nhiều ngành cử nhân phải làm trái ngành lên đến trên 60%. Tỷ lệ SV tốt nghiệp các ngành kỹ thuật, công nghệ, kiến trúc và xây dựng làm trái ngành là 31,6%. Tỷ lệ này ở các ngành nhân văn và nghệ thuật là 63%; các ngành khoa học tự nhiên, toán và công nghệ thông tin là 60,6%; các ngành nông, lâm, ngư và thú y là 67%. Cùng năm, Bộ GD&ĐT dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê chỉ ra, trong số 1,2 triệu người thất nghiệp, số người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 30,8%, tức là khoảng 369.600 người.

Từ hai câu chuyện trên, anh/chị hãy viết bài luận bày tỏ suy nghĩ của bản thân về lựa chọn lao động trí óc hay lao động chân tay của giới trẻ hiện nay.

8,0
  * Yêu cầu về kĩ năng

– Biết cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội: bố cục rõ ràng; lập luận chặt chẽ; vận dụng tốt các thao tác lập luận; dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.

– Bài viết trong sáng, mạch lạc, giáu cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

 
  * Yêu cầu về kiến thức  
1.1 Giải thích

Câu chuyện về anh Trương Văn Đạo: lao động chân tay tay nhưng có thành quả đáng mong đợi do sự đam mê, biết đầu tư và dám mạo hiểm.

Câu chuyện về tỷ lệ làm trái ngành trái nghề, thất nghiệp của sinh viên Việt Nam hiện nay: những công dân lao động trí óc nhưng không tìm được cơ hội sống đúng với lựa chọn nghề nghiệp, cuộc sống bấp bênh, tương lai đầy thách thức.

Lao động trí óc: là sự tiêu hao sức lao động về trí tuệ, chuyên về phát triển khoa học, giáo dục, văn hoá, nghệ thuật…

Lao động chân tay: là sự tiêu hao sức lao động về cơ bắp trực tiếp sản xuất ra của cải dưới hình thái vật chất.

=> Vấn đề nghị luận: Lựa chọn công việc giữa lao động trí óc và lao động chân tay phù hợp với bản thân của giới trẻ trong xã hội ngày nay. Câu chuyện hướng nghiệp của thanh niên hiện đại luôn là vấn đề được xã hội quan tâm.

1.5
1.2 Bàn luận

* Thực trạng

– Cuộc cạnh tranh giữa con người và trí tuệ nhân tạo đang trở nên rất khốc liệt. Mối đe dọa này gây ảnh hưởng trực tiếp tới một bộ phận người lao động, đặc biệt là giới trẻ – những người đang khao khát tìm việc làm ổn định và mang lại nguồn thu nhập cho cuộc sống.

– Nhu cầu nghề nghiệp của xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa luôn thay đổi không ngừng. Nhiều ngành nghề mới được ra đời, tuy nhiên cũng có không ít ngành nghề đứng trước nguy cơ thất nghiệp dù là lao động trí óc hay chân tay. Chính điều đó đã gây ra những hoang mang, lo lắng không hề nhỏ cho những người trẻ khi đứng trước ngưỡng cửa tương lai.

– Hướng nghiệp là bước đi quan trọng đầu tiên, giúp bạn nhanh chóng chạm tới thành công. Thế nhưng việc chọn đúng ngành, đúng nghề tưởng dễ mà lại khó. Hiện nay chọn sai ngành sai nghề, thất nghiệp… là tình trạng phổ biến trong xã hội. Nhiều người cảm thấy mệt mỏi, thất bại với công việc mình đã chọn.

– Ngày nay, lao động chân tay chưa chắc là công việc giản đơn và lao động trí óc chưa chắc là công việc phức tạp. Điều này phụ thuộc rất lớn vào việc đầu tư chất xám cho công việc ấy. Do đó, nhiều người trẻ chọn cách từ bỏ công việc trí óc làm bàn giấy thông thường để làm các công việc chân tay như làm đồ thủ công, đan móc, đồ tái chế… với yêu cầu tính sáng tạo cao.

* Nguyên nhân

– Nguyên nhân khách quan:

+ Nhiều năm qua trong tư duy của người Việt vẫn còn định kiến: coi thường nghề lao động chân tay, chỉ coi trọng những nghề lao động trí óc. Do đó nhiều bạn trẻ không được sống là chính mình, phải lựa chọn theo ý kiến của số đông, chọn theo sự áp đặt của gia đình.

+ Dù sống trong môi trường công nghệ phát triển nhưng hiện nay giới trẻ vẫn còn bị thiếu định hướng nghề nghiệp. Các bậc phụ huynh chỉ mải mê kiếm tiền, không bám sát định hướng cho con cái. Nhà trường và thầy cô các cấp bậc chưa đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh…

– Nguyên nhân chủ quan:

+ Một trong những sai lầm mà giới trẻ hay mắc phải hiện nay là tình trạng chọn ngành nghề học theo thu nhập, thị hiếu và trào lưu mà không có chính kiến của riêng mình.

+ Một bộ phận giới trẻ vì chạy theo mê lực của đồng tiền mà tìm đến những công việc không cần sử dụng đến chất xám, những công việc không cần nghĩ ngợi mà vẫn có tiền. Đó là sự thực dụng và thiếu sự hiểu biết.

* Hệ quả

– Trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển, nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường việc làm bị mất cân đối. Ngành thừa, ngành thiếu dẫn tới ảnh hưởng không tốt cho sự phát triển kinh tế, xã hội… của đất nước.

– Theo các chuyên gia, sai lầm trong lựa chọn ngành học của giới trẻ hiện nay có thể gây ra những hệ lụy sau khi tốt nghiệp ra trường như: thất nghiệp, không phát triển được bản thân, lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc…

Trong quá trình bàn luận, thí sinh cần lấy được những dẫn chứng tiêu biểu, thuyết phục.

* Giải pháp

– Các nhà giáo dục cần chú trọng đổi mới, đa dạng hóa phương thức tư vấn hướng nghiệp để giới trẻ dễ dàng tiếp cận thông tin khi cần thiết và nhận được sự trợ giúp kịp thời.

– Bản thân mỗi người cần tìm hiểu chính mình như: sở thích, sở đoản, khả năng, năng lực… Đồng thời cũng phải biết nắm bắt xu hướng nghề nghiệp tương lai, điều kiện kinh tế gia đình… để đưa ra những lựa chọn phù hợp.

– Mỗi người có thể theo đuổi nghề nghiệp khác nhau nhưng đều phải có đam mê, kiên trì với nghề mình đã chọn.

– Tránh suy nghĩ chọn đại học bằng mọi giá. Công việc gì cũng xứng đáng được tôn vinh nếu bạn làm nghề chính đáng, biết đóng góp cho xã hội, không phân biệt nghề trí óc hay nghề tay chân.

– Hãy dùng trí tuệ để tạo ra giá trị chứ đừng dùng tay chân dù cho bạn làm bất cứ công việc nào. Thay vì chỉ chạy theo bằng cấp đẹp, các bạn trẻ có thể lựa chọn học nghề, làm nghề đúng nghĩa, phát huy hết năng lực bản thân để phát triển tương lai nghề nghiệp.

5.0
1.3 Rút ra bài học

– Không phân biệt người lao động chân tay hay trí tuệ mà sử dụng tất cả tài năng và sức khoẻ có được để làm ra được những điều mà xã hội cần đến thì thực sự mới đáng để tự hào và được nhiều người kính trọng.

– Rèn luyện sự kiên trì và dứt khoát với ngành nghề mình chọn để không cảm thấy hối tiếc vì lựa chọn của bản thân.

1.5
2   Có ý kiến cho rằng:

“Lạ hóa” không có nghĩa lúc nào cũng vặn vẹo làm biến dạng ngôn từ tự nhiên, giản dị. Bản thân ngôn từ tự nhiên, giản dị cũng là một vẻ đẹp và một cách thể hiện nghệ thuật cao cường. Đó là sự giản dị mà phong phú.

(Trích “Giáo trình Lí luận văn học” tập 1, NXB Đại học Sư phạm, 2011, tr.107)

Bằng trải nghiệm văn học anh/chị hãy bình luận và làm sáng tỏ ý kiến trên.

12,0
   

 

* Yêu cầu về kĩ năng

Biết làm bài nghị luận văn học; vận dụng tốt các thao tác giải thích, phân tích, chứng minh văn học; biết kết hợp kiến thức lí luận với kiến thức về tác phẩm để bàn luận, đánh giá; văn viết có hình ảnh và giàu cảm xúc, có giọng điệu riêng; diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

 

 

    * Yêu cầu về kiến thức

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các yêu cầu sau:

 
  2.1 Giải thích

“Lạ hóa”: là một thủ pháp nghệ thuật ở đây là sự “lạ hóa ngôn từ”- “ngôn từ nghệ thuật thường đập vỡ cấu trúc thường quy của ngôn từ để cấu tạo theo quy tắc nghệ thuật.”

– “Ngôn từ tự nhiên, giản dị”: là ngôn từ được sử dụng trong giao tiếp hàng ngày, nó tuân theo những quy tắc về ngữ nghĩa, ngữ pháp chung của một cộng đồng.

→ Ngôn từ nghệ thuật bắt nguồn từ ngôn ngữ đời sống nhưng không có nghĩa là sáng tạo hoàn toàn, phá vỡ hoàn toàn những quy chuẩn ngôn ngữ của đời sống, quy tắc ngôn ngữ chung của cộng đồng.

“Nghệ thuật cao cường”: muốn nói tới việc sử dụng ngôn ngữ một cách tài tình, hơn người của người nghệ sĩ, hướng tới những tác phẩm có giá trị cao.

– “Sự giản dị mà phong phú”: văn học phản ánh hiện thực cuộc đời, cái đẹp trong trong văn học phải mang dấu ấn của cái đẹp trong sự thật đời sống. Tuy nhiên hiện thực giản dị ấy đã được nhào nặn qua bàn tay nghệ thuật của người nghệ sĩ, được thổi vào đó không chỉ hơi thở của thời đại, mà cả sức sống tư tưởng và tâm hồn người viết.

Bản thân ngôn từ tự nhiên, hàng ngày cũng mang nét đẹp giản dị. Việc phát hiện và sử dụng cái đẹp của ngôn ngữ đời thường trong văn chương là sáng tạo không ngừng của người nghệ sĩ, hướng tới những tác phẩm có giá trị cho đời.

à Ý kiến trên khẳng định, nhấn mạnh vẻ đẹp, vai trò của ngôn từ tự nhiên trong việc sáng tạo nghệ thuật.

2,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  2.2 Bàn luận

–  Ngôn ngữ văn học có sự “lạ hóa” xuất phát từ đặc trưng của văn học:

 + Văn học là nghệ thuật của ngôn từ. Văn học cần phải có sự sáng tạo, đó cũng là điều kiện tiên quyết. Ngôn ngữ văn học tuy lấy ngôn ngữ đời sống làm chất liệu nhưng không đồng nhất với ngôn ngữ hàng ngày.

+ Ngôn từ văn học có cách tổ chức, kết hợp đặc biệt để gây ấn tượng, chú ý; tăng cường hiệu quả biểu đạt nghệ thuật. Nói cách khác ngôn từ văn học là ngôn từ “biến dị” theo quy luật nghệ thuật chứ không răm rắp tuân theo quy chuẩn thông thường của ngôn từ đời sống hàng ngày.

– “Lạ hóa” không có nghĩa lúc nào cũng vặn vẹo làm biến dạng ngôn từ tự nhiên, giản dị:

+ Ngôn ngữ là phương tiện diễn đạt chung của cộng đồng nhưng khi được các nhà văn, nhà thơ sử dụng thì mỗi người lại có khả năng thể hiện giọng điệu riêng, phong cách riêng.

+ Sự khác nhau, lạ hóa về ngôn từ trong sáng tác của từng nhà văn, nhà thơ thể hiện ở cách dùng từ, đặt câu và ở cách sử dụng hình ảnh, bắt nguồn từ cá tính sáng tạo của người viết.

+ Sự lạ hóa về ngôn từ phải dựa trên cơ sở của ngôn ngữ tự nhiên, đảm bảo việc giữ gìn sự trong sáng, giàu đẹp của ngôn ngữ dân tộc, đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ – nghệ thuật.

– “Bản thân ngôn từ tự nhiên, giản dị cũng là một vẻ đẹp và một cách thể hiện nghệ thuật cao cường. Đó là sự giản dị mà phong phú”:

+ Ngôn ngữ văn học không phải vẻ đẹp của đồ trang sức hay trò chơi phù phiếm, mà là vẻ đẹp toát ra từ tâm hồn và ánh lên từ cuộc sống thông qua sự mài giũa và tinh luyện của nhà văn.

+ Văn học phải phản ánh hiện thực một cách chân thực, vẻ đẹp ngôn ngữ văn chương cũng được hình thành từ sự trong sáng, tự nhiên và chính xác. Đó chính là khả năng biểu hiện đúng điều nhà văn muốn nói, miêu tả đúng cái mà tác giả cần tái hiện.

+ Ngôn từ tự nhiên trong văn chương mang đến vẻ đẹp riêng: dung dị, đời thường nhưng không nhàm chán, đơn điệu bởi nó hướng tới việc thể hiện nội dung thẩm mĩ.

+ Trong ngôn ngữ văn học, việc dùng từ tự nhiên, trong sáng, chính xác cũng là sự sáng tạo, độc đáo của tác giả. “Lạ hóa” ngôn từ là cách thức sáng tạo của nhà văn, nhà thơ tuy nhiên sự lựa chọn, sắp xếp, trau chuốt, tinh luyện ngôn từ của người sử dụng phải đạt được mục đích thẩm mĩ, phải thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ cái đẹp. Chứ không đơn thuần là sự ngẫu hứng, tùy tiện, xuyên tạc làm “biến dạng” ngôn từ tự nhiên, gây khó hiểu cho người đọc.

+ Không phải lúc nào tạo ra sự khác biệt, lạ lẫm cũng đem lại cái hay. Người nghệ sĩ “cao cường” là ở chỗ sáng tạo ra cái hay, cái mới từ những cái quen thuộc, bình dị.

Học sinh có thể chọn những dẫn chứng khác nhau để làm rõ ý kiến trên, quá trình chọn và phân tích dẫn chứng cần đảm bảo những yêu cầu sau:

+ Chọn được dẫn chứng tiêu biểu, toàn diện

+ Phân tích dẫn chứng cần chỉ ra được vẻ đẹp của ngôn từ tự nhiên trong việc sáng tạo nghệ thuật (cái quen thuộc, giản dị nhưng tạo ra giá trị nghệ thuật thẩm mĩ)

8,0
 
  2.3 Đánh giá, mở rộng

– Ý kiến là lời đánh giá toàn diện, sâu sắc về đặc trưng chất liệu của văn chương.

– Ngôn từ “lạ hóa” là yêu cầu cần thiết trong sáng tác văn học tuy nhiên sử dụng ngôn ngữ đời thường cũng có thể tạo ra những hình thức nghệ thuật độc đáo, sáng tạo, giàu tính thẩm mỹ.

– Từ đó đặt ra yêu cầu đối với người nghệ sĩ: phải am hiểu, biết khai thác sự giàu đẹp của ngôn ngữ dân tộc, có tài năng sáng tạo nghệ thuật…

– Ý kiến cũng là định hướng để người đọc tiếp nhận, đánh giá đúng vẻ đẹp về nội dung cũng như hình thức nghệ thuật của một tác phẩm.

2,0
TỔNG ĐIỂM TOÀN BÀI 20,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *