ĐỀ ĐỀ XUẤT
(Đề thi gồm 01 trang)
|
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
LẦN THỨ XIV, NĂM 2023
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 10 Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề) Ngày thi: 15/7/2023 |
Câu 1. (8,0 điểm)
Nhà văn Katrina Goldsaito và họa sĩ Julia Kuo đã viết lên cuốn truyện tranh “Âm thanh của sự im lặng” (The sound of silence). Câu truyện kể về Yoshio, một cậu bé đã khám phá ra sự im lặng giữa lòng thành phố Tokyo ồn ã, và tự dạy mình cách để cảm thụ được vẻ đẹp tinh tế ấy.
Còn bạn, bạn đã lắng nghe được điều gì giữa thời đại đang có quá nhiều âm thanh này?
Câu 2. (12,0 điểm)
Đỗ Phủ viết làm gì…
Nguyễn Phan Hách
Đỗ Phủ viết làm gì
Mà viết nhiều như thế
Đói rách suốt một đời
Dòng thơ như dòng lệ
Thời ấy không có báo
Không đóng tập phát hành
Lệ và huyết mài mực
Đâu phải vì chữ Danh
Danh cũng chẳng làm gì
Không là cơm là gạo
Danh không là manh áo
Che thân gầy cho Thơ
Đỗ Phủ vẫn cứ viết
Rồi buông tay nằm chết
Trên chiếc thuyền sông Tương
Thơ bay thành khói sương
Đỗ Phủ viết làm gì
Thế gian không ai biết
Hỏi làm sao Chim hót
Chim hót để làm gì
Hỏi làm sao cây lá
Rút ruột thành màu hoa
Đến thân tàn héo úa
Tay người hái lướt qua ……
(Viết và đọc – Chuyên đề mùa hạ 2019, NXB Hội nhà văn, 2019)
Bằng trải nghiệm văn chương của mình, anh/chị hãy trả lời câu hỏi của nhà thơ Nguyễn Phan Hách.
—
HƯỚNG DẪN CHẤM
(HD chấm có 3 trang) |
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
LẦN THỨ XIV, NĂM 2023
Môn thi: Ngữ văn – Lớp 10 Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề) Ngày thi: 15/7/2023 |
YÊU CẦU CHUNG
– Do đặc trưng của môn Ngữ văn và tính chất của kì thi, giám khảo chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng hướng dẫn chấm và chuẩn cho điểm để đánh giá chính xác bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm.
– Khuyến khích những bài viết có những tìm tòi sáng tạo, không giống với đáp án nhưng có căn cứ và lí lẽ xác đáng.
– Điểm bài thi cho lẻ đến 0,25 điểm và không làm tròn.
YÊU CẦU CỤ THỂ VÀ THANG ĐIỂM
Câu 1:
A/ Về kĩ năng:
– Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ quan điểm riêng.
– Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ; diễn đạt trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; vận dụng tốt các thao tác lập luận; dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.
B/.Về kiến thức:
Trên cơ sở hiểu ý nghĩa của các ý kiến, thí sinh có thể trình bày bài làm theo nhiều cách nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng. Thí sinh được tự do bày tỏ quan điểm của mình nhưng phải có thái độ chân thành nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Sau đây là một số định hướng:
Ý | Nội dung | Điểm |
1 | Xác định đúng vấn đề nghị luận: Phải biết lắng nghe được điều gì giữa thời đại đang có quá nhiều âm thanh này. | 0,5 đ |
2 | 1. Giải thích
– “Lắng nghe” chính là hoạt động chủ động tập trung sự chú ý để tiếp nhận mọi nguồn thông tin của cuộc sống mà không bị chi phối bởi những gì xảy ra xung quanh. – “Thời đại đang có quá nhiều âm thanh này”: là quãng thời gian hiện tại, đang tồn tại cùng lúc quá nhiều kiểu dạng khác nhau của các kiểu tiếng nói, trong đó có cả tiếng nói bên trong lẫn bên ngoài. Ý chỉ một thời đại đang cùng lúc có quá nhiều vấn đề tác động đến sự tập trung chú ý của con người, khiến con người dễ bị chi phối. – Có những âm thanh nào giữa thời đại này đang tác động đến con người? + Âm thanh bên ngoài: Tiếng ồn của thời đại công nghiệp: tiếng động cơ xe, tiếng động cơ của các thiết bị máy móc, âm thanh của các thiết bị điện tử (chuông điện thoại, âm báo tin nhắn,…); Tiếng la hét, chửi bới, ồn ào, chúc tụng,… của cuộc sống hỗn tạp; Tiếng gào thét của những cơn bão dữ, những đợt sóng thần; Tiếng gầm gào của những họng súng,… + Âm thanh bên trong: Tiếng thôi thúc của những tham vọng, tiếng giục giã của những kế hoạch, công việc chồng lên nhau,.. |
1,5 đ |
3 | 2. Bàn luận:
– Vì sao chúng ta cần phải lắng nghe? + Lắng nghe để tìm được sự bình yên trong tâm hồn. + Lắng nghe để hoàn thiện và không đánh mất chính mình. – Bạn đã lắng nghe được những gì? (đáp án chỉ là đề xuất, chấp nhận những luận điểm khác đáp án nhưng hợp lí): + Âm thanh bên ngoài: Những âm thanh thường nhật nhưng bị át đi bởi sự hỗn tạp của đời sống: Tiếng xào xạc trên vòm lá, tiếng hót trong trẻo ríu rít của những chú chim, tiếng chuông trên vọng tháp của nhà thờ, tiếng dương cầm trong căn nhà nào đó, tiếng rao đêm hay tiếng khóc yếu ớt của một đứa trẻ, một người vợ, một người cha, người mẹ bị ngược đãi, bỏ rơi,… + Âm thanh bên trong của chính mình: Tiếng nói nội tâm của chính mình: Nỗi lo lắng cho cuộc sống loài người (tiếng kêu cứu của môi trường tự nhiên khi những màu xanh của sự sống đã dần biến mất -tiếng đập cánh trong vô vọng của chim muông, nỗi buồn của cành cây héo khô, của dòng sông tuyệt vọng) và tình yêu thương trước một cuộc đời còn lắm bất công, ngang trái. ++ Sự ngăn cản giữa những lời mời gọi, về một cơ hội, một niềm vui chè chén. ++ Những lời cảnh báo từ những lời dụ dỗ tự bên trong của chính mình. ++ Lời thúc giục của những khát vọng chen lẫn trong những lời bàn ra tán vào. ++ Sự yên tĩnh của tâm hồn. – Lắng nghe bằng cách nào? Vừa nghe bằng tai vừa nghe bằng tim. Phải tự tìm cho mình sự tĩnh lặng trong nội tâm thì mới có thể lắng nghe được các kiểu âm thanh. Không phải lắng nghe cuộc đời là ngồi lặng im trong mọi không gian và thời gian. Đang chuyện trò, đang làm việc, mà vẫn có thể lắng nghe. (Học sinh liên hệ với thực tế để có những dẫn chứng phù hợp) |
3.5 đ |
4 | Bàn luận, mở rộng vấn đề | 1,5 đ |
– Bàn luận mở rộng:
+ Lắng nghe thôi chưa đủ, bạn phải học cách làm cho sự lắng nghe trở nên hữu ích không chỉ với bạn mà còn với người khác. Tức là đôi khi lắng nghe lại đi kèm hành động, hành động để mang đến một chút ấm áp, một chút yêu thương,… + Vẫn còn nhiều những người không biết lắng nghe cuộc đời. Cuộc sống cứ đi qua vô vị và tâm hồn họ cũng nhạt nhẽo, lụi tàn. |
||
5 | . Bài học nhận thức và hành động:
– Mỗi người chúng ta tạo cho mình một cách nhìn nhận, lắng nghe tiếng nói của cuộc đời và của chính mình. Nếu ai đó sống không lắng nghe, suy ngẫm thì cuộc đời tẻ nhạt, vô nghĩa biết nhường nào. – Mỗichúng ta biết nhìn thấu đáo cuộc sống bên ngoài và tiếng nói của nội tâm sẽ bồi đắp, nuôi dưỡng cho ta vẻ đẹp tâm hồn phong phú và ước mơ sống tốt đẹp. |
1,0 đ |
Câu 2: (12,0 điểm)
A/Về kĩ năng:
– Biết cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề lí luận văn học, bố cục rõ ràng, vận dụng tốt các thao tác lập luận.
– Biết cách chọn và phân tích dẫn chứng một cách xác đáng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.
– Bài viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
B/ Về kiến thức:
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
Ý | Nội dung | Điểm |
1 | Giới thiệu được vấn đề nghị luận | 1,0 đ |
2 | Xác định câu hỏi của nhà thơ Nguyễn Phan Hách | 1,0 đ |
– Câu hỏi của nhà thơ Nguyễn Phan Hách: Đỗ Phủ viết làm gì?
– Đó không chỉ là câu hỏi của nhà thơ Nguyễn Phan Hách hỏi về Đỗ Phủ, của người đọc hỏi người cầm bút mà còn là nỗi trăn trở, sự tự chất vấn của mỗi nhà văn, nhà thơ về bản chất của sáng tạo nghệ thuật; về thiên chức, sứ mệnh của người nghệ sĩ. – Đây cũng là tuyên ngôn nghệ thuật của người nghệ sĩ chân chính. |
||
3 | Bàn luận | 3,0 đ |
– Vì sao nhà thơ Nguyễn Phan Hách lại đặt ra câu hỏi: Viết để làm gì?
Đó là câu hỏi muôn đời của những người làm nghệ thuật chân chính, nó đã chạm đến bản chất của sáng tạo nghệ thuật và trách nhiệm, sứ mệnh của người nghệ sĩ. – Nhà văn viết để làm gì? + Viết để giãi bày, bộc bạch tâm tư, tình cảm, những trăn trở, khát khao về cuộc đời, về con người, về nghệ thuật… + Viết để ca ngợi cái đẹp, cái thiện; cảm thông và sẻ chia với những kiếp người đau khổ, lầm than; lên tiếng về những bất công, oan trái trong xã hội; tìm kiếm, tôn vinh những cái đẹp khiêm nhường, khuất lấp… + Viết để gieo vào lòng bạn đọc giấc mơ đẹp đẽ về cuộc đời còn bao khó khăn, thách thức; chuyển tải đến người đọc những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống và con người. → Viết “để cho cái đẹp của trái đất, cho lời kêu gọi đấu tranh vì hạnh phúc, cho niềm vui và tự do, cho cái cao rộng của tâm hồn, cho sức mạnh của trí tuệ sẽ chiến thắng bóng tối, để chúng vĩnh viễn rực rỡ như một mặt trời không bao giờ tắt”. (Pauxtôpxki) |
||
4 | Chứng minh | 4,0 đ |
– Thí sinh có thể kết hợp chứng minh với lí giải, phân tích hoặc chứng minh sau khi đã lí giải, phân tích.
– Yêu cầu chọn dẫn chứng: tiêu biểu và toàn diện (thơ + văn xuôi). |
|
|
5 | Bàn luận, mở rộng | 3,0 đ |
– Câu hỏi của nhà thơ Nguyễn Phan Hách có ý nghĩa gì?
+ Thể hiện lương tâm, trách nhiệm của những nhà văn chân chính trên con đường sáng tạo nghệ thuật nhiều niềm vui mà cũng lắm nhọc nhằn, khổ đau. + Trả lời được câu hỏi ấy, nhà văn sẽ vượt qua những rào cản, những điều tầm thường trên hành trình sáng tạo (sự tung hô của bạn đọc, sự cám dỗ của danh lợi, sự chật vật của đời sống …) – Để trả lời câu hỏi ấy, người cầm bút cần có phẩm chất gì? + Phải có trái tim tràn đầy tình yêu và khát vọng lớn lao; Phải có đức tin bền vững về những gì tốt đẹp nhất của con người. + Phải có đủ bản lĩnh và lòng dũng cảm để đối mặt với những khó khăn, thách thức; Phải có tài năng nghệ thuật. – Vấn đề đặt ra có ý nghĩa gì đối với người đọc? + Khi đến với tác phẩm văn học người đọc cần trả lời được câu hỏi: Nhà văn viết để làm gì? + Người đọc cần không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết của mình, tích lũy kinh nghiệm tiếp nhận; có tình yêu tha thiết với cái đẹp, sự say mê và rung cảm mãnh liệt với văn chương. + Từ đó người đọc hiểu và thêm trân trọng quá trình lao động nghệ thuật của nhà văn và giá trị lớn lao của văn học. |
Lưu ý: Khuyến khích những bài viết sử dụng dẫn chứng hay, mới; dùng từ độc đáo, viết câu linh hoạt; văn giàu hình ảnh, cảm xúc, có màu sắc cá nhân, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
————————— HẾT ————————