Đề HSG môn văn trại hè Hùng Vương năm 2023

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

 

Đề thi gồm 01 trang

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN

KHU VỰC TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI PHÍA BẮC

LẦN THỨ XVII, NĂM 2023

 

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 10

Thời gian: 180 phút (Không kể thời gian giao đề)

 

 

Đọc ngữ liệu sau và thực hiện yêu cầu:

… Nhớ cách đây ba năm, nhiều người thực sự ngạc nhiên khi xem cách báo chí, đặc biệt là các kênh truyền hình Nhật Bản đưa tin diễn tiến thảm họa động đất sóng thần. Có rất ít hình ảnh than khóc, bi thương được truyền đi. Thay vào đó là rất nhiều thông tin hướng dẫn tìm kiếm, những câu chuyện tình người. Người ta biết về thị trấn vùng vịnh Ofunato, Rikuzentakata có hàng ngàn người mất tích. Nhưng người ta còn biết về cây tùng ở Rikuzentakata kiên cường sống sót sau khi một vạt rừng ước chừng bảy vạn cây tùng cổ thụ bị sóng cuốn bật gốc. Biết về một cô gái làm công việc theo dõi và nhận tin về mực nước, sau đó đọc lại trên loa phóng thanh vẫn bám trụ trên một ngôi nhà cho đến phút cuối của đời mình để báo tin giúp mọi người sơ tán chứ không bỏ chạy. Khi đến trước ngôi nhà bị sóng thần cuốn chỉ còn lại khung bê tông, chúng tôi đã không thể cầm được nước mắt khi nghe mọi người kể câu chuyện về cô.

Sự thật là điều mà con người luôn kiếm tìm. Nhưng dường như cuộc sống này còn có ít nhất một điều còn cao hơn sự thật là tình đồng loại. Ta là người, ta yêu đồng loại nên ta biết đồng cảm thay vì hiếu kì trước thảm họa.

(Hà Nhân, Cao hơn sự thật, NXB Văn học, HN 2016, tr 187)

Câu 1. (8,0 điểm)

Sự thật là điều mà con người luôn kiếm tìm. Nhưng dường như cuộc sống này còn có ít nhất một điều còn cao hơn sự thật: tấm lòng đồng cảm. Từ những gợi mở của Hà Nhân, anh/chị hãy viết một bài luận với nhan đề: Tấm lòng đồng cảm – điều cao hơn sự thật trên đời.

Câu 2. (12,0 điểm)

Văn chương mang đến những “sự thật” khiến con người thay đổi cách nhìn nhận về thế giới(chữ dùng của Olga Tokarczuk)

Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học của bản thân, anh/chị hãy làm sáng tỏ điều đó.

 

—-

 

 

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN

KHU VỰC TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI PHÍA BẮC

LẦN THỨ XVII, NĂM 2023

 

HƯỚNG DẪN CHẤM THI MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 10

(Hướng dẫn chấm gồm 04 trang)

  1. YÊU CẦU CHUNG

– Giám khảo cần nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.

– Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản, diễn đạt tốt vẫn cho điểm tối đa.

– Điểm bài thi làm tròn đến 0,25 điểm.

  1. YÊU CẦU CỤ THỂ

 

Câu Ý Yêu cầu cần đạt Điểm
1   Nhớ cách đây ba năm, nhiều người thực sự ngạc nhiên khi xem cách báo chí, đặc biệt là các kênh truyền hình Nhật Bản đưa tin diễn tiến thảm họa động đất sóng thần. Có rất ít hình ảnh than khóc, bi thương được truyền đi. Thay vào đó là rất nhiều thông tin hướng dẫn tìm kiếm, những câu chuyện tình người. Người ta biết về thị trấn vùng vịnh Ofunato, Rikuzentakata có hàng ngàn người mất tích. Nhưng người ta còn biết về cây tùng ở Rikuzentakata kiên cường sống sót sau khi một vạt rừng ước chừng bảy vạn cây tùng cổ thụ bị sóng cuốn bật gốc. Biết về một cô gái làm công việc theo dõi và nhận tin về mực nước, sau đó đọc lại trên loa phóng thanh vẫn bám trụ trên một ngôi nhà cho đến phút cuối của đời mình để báo tin giúp mọi người sơ tán chứ không bỏ chạy. Khi đến trước ngôi nhà bị sóng thần cuốn chỉ còn lại khung bê tông, chúng tôi đã không thể cầm được nước mắt khi nghe mọi người kể câu chuyện về cô.

Sự thật là điều mà con người luôn kiếm tìm. Nhưng dường như cuộc sống này còn có ít nhất một điều còn cao hơn sự thật là tình đồng loại. Ta là người, ta yêu đồng loại nên ta biết đồng cảm thay vì hiếu kì trước thảm họa.

(Hà Nhân, Cao hơn sự thật, NXB Văn học, HN 2016, tr 187)

Câu 1. (8,0 điểm)

Sự thật là điều mà con người luôn kiếm tìm. Nhưng dường như cuộc sống này còn có ít nhất một điều còn cao hơn sự thật: tấm lòng đồng cảm. Từ những gợi mở của Hà Nhân, anh/chị hãy viết một bài luận với nhan đề: Tấm lòng đồng cảm – điều cao hơn sự thật trên đời.

8,0
    * Yêu cầu về kĩ năng

– Biết cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội: bố cục rõ ràng; lập luận chặt chẽ; vận dụng tốt các thao tác lập luận; dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.

– Bài viết trong sáng, mạch lạc, giàu cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

 
  * Yêu cầu về kiến thức  
1.1 Giải thích

– Sự thật: Gắn với những lời chia sẻ của Hà Nhân, đó là sự thật về thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản. Thảm họa đã ập xuống thị trấn vùng vịnh Ofunato, Rikuzentakata khiến hàng ngàn người mất tích. Sự thật là những cây tùng Rikuzentakata đã sống sót như một kì tích mặc cho bảy vạn cây tùng cổ thụ khác đã bị sóng thần cuốn bật gốc. Sự thật về một cô gái bị nước cuốn trôi. Sự thật về ngôi nhà bị sóng thần cuốn trôi chỉ còn lại khung bê tông.

Đó là sự thật khách quan của đời sống.

Có thể sự thật thỏa mãn sự hiếu kì của nhiều người nhưng đứng trước sự thật ấy: không ít người đã không cầm được nước mắt khi đứng trước khung bê tông còn sót lại của ngôi nhà và  nghe câu chuyện cô gái đã bám trụ đến cùng để thực hiện nhiệm vụ của mình.

– Lòng đồng cảm: là tấm lòng của con người biết rung cảm trước những vui buồn, những cảnh ngộ của kẻ khác, luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu và cảm thông với họ.

→ Những chia sẻ của Hà Nhân đã khẳng định: tấm lòng đồng cảm của con người trong cuộc đời là điều đáng trân quí trong cuộc đời, thậm chí còn “cao hơn” bất kì sự thật nào trên đời.

1,0
1.2 Bàn luận

Tấm lòng đồng cảm – điều cao hơn sự thật trên đời.

* Lí giải:

Sự thật là điều bất kì ai cũng trông đợi/hiếu kì, tuy nhiên, tấm lòng đồng cảm mới là điều đáng trân trọng hơn cả. Bởi:

– Sự thật khách quan chủ yếu tác động vào nhận thức của con người. Tấm lòng đồng cảm của con người khiến trái tim con người rung động/xúc cảm. Đó là điều khiến con người là Người nhất.

– Lòng đồng cảm là tình cảm rất đỗi nhân văn của con người, khiến con người nuôi dưỡng những cảm xúc và những điều tốt đẹp; khiến con người biết yêu, biết thương không chỉ đồng loại của mình mà còn yêu thương, trân trọng những loài vật, những sự vật nhỏ bé quanh mình. Biết đồng cảm ta sẽ có một đời sống tâm hồn đẹp.

– Biết đồng cảm con người sẽ không thể sống thờ ơ, vô cảm với con người và cuộc đời. Vì thế cõi người và cõi đời phần nào vơi bớt nỗi cô đơn, đau khổ, lan tỏa những giá trị tốt đẹp.

– Ta sẽ được trân trọng và yêu thương.

* Chứng minh:

Thí sinh cần chọn dẫn chứng phù hợp, lập luận thuyết phục.

 

 

 

 

 

 

1,0

 

 

1,0

 

 

 

1,0

 

 

1,0

 

1,5

  1.3 Mở rộng vấn đề

– Trong thực tế còn có những người sống thiếu tấm lòng đồng cảm, họ thờ ơ với mọi người và mọi việc quanh mình.

– Cũng có những người chọn đồng cảm với một ai đó nhưng vì những mục đích không trong sáng, tốt đẹp.

– Lòng đồng cảm cần được nuôi dưỡng bằng một trái tim chân thành, hướng thiện.

1,5
2   Văn chương mang đến những “sự thật” khiến con người thay đổi cách nhìn nhận về thế giới(chữ dùng của Olga Tokarczuk)

Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học của bản thân, anh/chị hãy làm sáng tỏ điều đó.

12,0
  * Yêu cầu về kĩ năng

– Có kĩ năng viết bài văn nghị luận văn học; biết huy động các kiến thức lí luận, kiến thức về tác giả, tác phẩm để làm bài.

– Vận dụng tốt các thao tác lập luận, lí lẽ xác đáng; trình bày khoa học; văn viết có cảm xúc, giọng điệu riêng; diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

 
  * Yêu cầu về kiến thức

Thí sinh có nhiều cách trình bày khác nhau, song cần đạt được những nội dung cơ bản sau:

 
2.1. Giải thích

Văn chương (văn học): loại hình nghệ thuật phản ánh hiện thực đời sống thông qua việc xây dựng các hình tượng nghệ thuật bằng chất liệu ngôn từ.

Văn chương mang đến những sự thật: về con người và cuộc đời, những điều tồn tại như nó vốn là/như nó vốn có trong cuộc đời.

Cách nhìn nhận về thế giới: cách nhìn nhận/cách tư duy về thế giới.

– Văn học làm người đọc thay đổi cách nhìn nhận về thế giới:

Cách nói là một gợi mở về sứ mệnh của văn chương nghệ thuật trong đời sống tinh thần của nhân loại: từ những “sự thật” trong đời sống, con người thay đổi thế giới quan, nhân sinh quan, thay đổi những nhận thức về cuộc đời.

1,0
  2.2. Bàn luận

Văn chương mang đến những “sự thật” khiến con người “thay đổi cách nhìn nhận” về thế giới

* Lí giải

– Khởi nguồn từ đời sống, nhiệm vụ quan trọng của văn chương là phản ánh hiện thực, mang đến cho con người những “sự thật” ở đời. Văn học mở ra những tầng sâu của “sự thật” đời sống, chạm đến những suy tư, trăn trở, day dứt bản thể. Nếu không cất tiếng cho những “sự thật” ở đời văn chương sẽ chỉ là “ánh trăng lừa dối”, sẽ chỉ kéo thêm “một tấm mạng che mắt” con người mà thôi.

– Văn học không chỉ phản ánh bức tranh hiện thực đời sống rộng lớn của nhân loại mà còn có sứ mệnh quan trọng: giúp con người có những nhận thức đúng đắn, làm thay đổi thế giới quan, nhân sinh quan của con người, thôi thúc con người tìm câu trả lời cho những câu hỏi thường trực về sự tồn tại của chính mình giữa vũ trụ rộng lớn này.

Mặt khác, thế giới rộng lớn vô cùng, thế giới cũng đầy bí ẩn và luôn dịch chuyển không ngừng, con người hoàn toàn không thể khẳng định những gì con người biết về thế giới xung quanh mình, biết về chính con người đã đầy đủ, đúng đắn, chân lí. Những “sự thật” mà văn học mang lại cần phải giúp con người nhận ra điều đó.

* Chứng minh

Thí sinh lựa chọn dẫn chứng tiêu biểu, toàn diện để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận:

– Văn chương mang đến sự thật cuộc đời phức tạp hơn nhiều so với những gì ta nghĩ, đằng sau vinh quang chiến thắng có thể là những nỗi đau mất mát không nói thành lời, cuộc sống ẩn chứa những vẻ đẹp lạ kì mà ta thường dễ lướt qua… từ đó khiến ta thay đổi cách nhìn về cuộc đời: không thể nhìn đơn giản, xuôi chiều, hời hợt, dễ dãi.

– Văn chương mang đến sự thật về con người:

+ Con người có thể bị đẩy vào đường cùng nhưng họ cũng trọng nhân cách chứ không đê tiện xấu xa như ta nghĩ.

+ Con người có thể bị đặt vào những tình huống thật khó xử, họ bằng lòng chấp nhận điều đó nhưng không có nghĩa là họ sống một đời thanh thản, vô lo, hạnh phúc hoặc họ luôn tìm cách kháng cự lại nghịch cảnh đó, tự mình tách khỏi đám đông để nhận thức…

Từ đó, văn học khiến ta cẩn trọng, bao dung, vị tha khi đánh giá/ phán xét con người, thắp lên niềm tin vào con người.

Khi phân tích dẫn chứng cần kết hợp hài hòa giữa nội dung và hình thức nghệ thuật.

9,0

 

 

(4,0)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(5,0)

  2.3. Đánh giá, mở rộng

– Lời nhủ của Olga Tokarczuk là sự trải lòng của một người viết giàu kinh nghiệm và có trách nhiệm với nghề viết, đã khiến ta nhận thức đúng đắn về sứ mệnh của văn học trong thế giới hiện đại phức tạp như hiện này.

– Để có thể khiến con người thay đổi cách nhìn nhận về thế giới, những “sự thật” mà văn học mang lại phải thực sự đáng tin cậy, không thể là những tư tưởng lệch lạc, nổi loạn. Điều đó đòi hỏi nhà văn không chỉ có tài năng nghệ thuật mà còn cần có hiểu biết sâu sắc.

– Đó là một tiêu chí đánh giá về tầm vóc của tác phẩm văn học, giá trị của một tác phẩm văn học. Đó cũng là tiêu chí để đánh giá vị thế của một nhà văn

– Người đọc cũng cần mở rộng tầm đón của mình để có thể hiểu tư tưởng của tác phẩm, có ý thức thay đổi nhận thức của chính mình về thế giới.

2,0
    TỔNG ĐIỂM TOÀN BÀI 20,0

 

——HẾT——

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *