Đề HSG : Làm thế nào để bạn định nghĩa được chính mình trong hơn 8 tỷ người

Đề tham khảo số 02:

           SỞ GD&ĐT…..

 TRƯỜNG THPT….

ĐỀTHI HỌC SINH GIỎI  NĂM HỌC 2023 – 2024

 MÔN: NGỮ VĂN 10

(Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian phát đề)

 

Câu 1: (8 điểm)

Thế giới chúng ta đã vượt qua con số 8 tỷ người. Làm thế nào để bạn định nghĩa được chính mình trong hơn 8 tỷ người đó?

Viết bài văn nghị luận trả lời cho câu hỏi trên.

Câu 2: (12 điểm)

Bàn về hoạt động đồng sáng tạo của người đọc, GS. Huỳnh Như Phương cho rằng: “Nói đến sự đồng sáng tạo của người đọc không phải nói đến vai trò tham gia sáng tạo ra văn bản như người biên tập, hiệu đính… mà là sáng tạo ra hiệu quả của văn bản”.

(Trích Lý luận văn học vấn đề và suy nghĩ,

Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương, NXB Giáo dục, 1998, Tr.148)

Bằng trải nghiệm văn học anh/chị hãy bàn luận về ý kiến trên.

—HẾT—

HƯỚNG DẪN CHẤM

 

 Câu 1 (8 điểm)

* Yêu cầu về kĩ năng:

– Thí sinh nắm vững kĩ năng làm bài nghị luận xã hội, vận dụng nhuần nhuyễn các thao tác lập luận để làm rõ ý kiến, suy nghĩ của bản thân.

– Bố cục mạch lạc, kết cấu chặt chẽ, thuyết phục.

– Hành văn gãy gọn, khúc chiết, có sức truyền cảm; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; chữ viết sạch đẹp.

* Yêu cầu về kiến thức:

Thí sinh có thể có những cách trình bày khác nhau, song cần đáp ứng được những yêu cầu sau:

  1. Giải thích

Định nghĩa được chính mình”: Hiểu rõ bản thân – mình là ai, hiểu được ý nghĩa của sự tồn tại của chính mình – mình sống để làm gì. Biết tạo được giá trị, chỗ đứng của mình trong xã hội cũng như nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình đối với xã hội, đất nước.

  1. Bàn luận:

– Vì sao chúng ta cần định nghĩa chính mình?

+ Định nghĩa được chính mình, tức là hiểu được con người tốt – xấu bên trong mình. Từ đó, tự điều chỉnh được mình, để nếu không làm được một con người kiêu hãnh thì cũng trở thành một con người tử tế.

+ Khi định nghĩa được bản thân, tức hiểu được ý nghĩa của sự tồn tại của chính mình, ta sẽ tạo ra những giá trị sống hữu ích, để sự tồn tại của ta không trở nên vô nghĩa.

+ Khi định nghĩa được bản thân, tức tạo ra và khẳng định được giá trị của bản thân, rất có thể ta sẽ làm được những điều đẽ, lớn lao. Khi đó, ta sẽ tạo ra được những giá trị sống cao hơn.

+ Định nghĩa bản thân cũng là một cách tạo nên giá trị cho cộng đồng, cho quê hương, đất nước.

– Làm thế nào để định nghĩa được chính mình?

+ Nhận thức đúng về con người mình, tạo dựng và lưu giữ những giá trị riêng biệt. Đồng thời có ý thức góp phần kiến tạo một cộng đồng văn minh, nhân ái.

+ Tìm hiểu, phát huy năng lực riêng của bản thân. Kiên trì, vững tâm dẫu khó khăn, thất bại.

+ Lắng nghe tiếng nói nội tâm của mình, xác định đúng hướng đi, bởi thế giới càng phức tạp, con người càng dễ sa ngã. Có cho mình một đam mê, mục đích đúng đắn.

– Bàn luận mở rộng:

+ Có những người lưu lại dấu ấn, định nghĩa bản thân bằng hành động, việc làm lập dị chơi trội, tiêu cực hoặc bằng mọi cách để có được địa vị, hầu mong được mọi người nhìn nhận. Không nỗ lực khẳng định mình thì khó thành công, nhưng không tỉnh táo chế ngự mình thì dễ vấp ngã.

+ Lại có những kẻ sống mà như chết hay sống lây lất, thừa thãi, dựa dẫm gia đình và xã hội.

Lưu ý:

Học sinh có thể có nhiều cách nhìn nhận và thể hiện khác nhau về ý kiến trên miễn là bài viết đủ sức thuyết phục, chặt chẽ, lôgic; giám khảo căn cứ trên bài làm thực tế của thí sinh để đánh giá, cho điểm.

Câu 2. (12,0 điểm)

* Yêu cầu về kĩ năng

Biết cách làm bài văn nghị luận có bố cục rõ ràng, vận dụng tốt các thao tác lập luận ; biết cách chọn và phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận ; bài viết mạch lạc, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

* Yêu cầu về kiến thức

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

  1. Giới thiệu được vấn đề nghị luận (1,0 điểm)
  2. Giải thích ý kiến (5,0 điểm)
  3. a) Thế nào là sự đồng sáng tạo trong tiếp nhận văn học?

Tiếp nhận văn học là quá trình người đọc hòa mình vào tác phẩm, đắm chìm trong thế giới nghệ thuật lắng nghe tiếng nói của tác giả, thưởng thức cái hay, cái đẹp, tài sáng tạo của người nghệ sĩ. Bằng trí tưởng tượng, kinh nghiệm sống, vốn văn hóa và bằng cả tâm hồn mình, người đọc khám phá ý nghĩa của từng câu chữ, cảm nhận sức sống của từng hình ảnh, hình tượng, nhân vật… làm cho tác phẩm từ một văn bản ngôn từ biến thành một thế giới sống động, đầy sức cuốn hút. Cùng với tác giả, người đọc tạo cho tác phẩm giá trị mới

Quy trình tiếp nhận văn học: Tái hiện, Thể nghiệm, đồng cảm, Lý giải, sáng tạo, mở rộng và nâng cao. Trong đó sáng tạo là thao tác tiếp nhận quan trọng của người đọc. Sáng tạo là quá trình người đọc dựa trên cơ sở văn bản tác phẩm sáng tạo ra những tầng nghĩa mới, những ý nghĩa giá trị mới của tác phẩm. Đây chính là lúc người đọc thực hiện vai trò đồng sáng tạo của mình. Đây chính là tiền đề cho quá trình mở rộng, nâng cao. Trên cơ sở tái hiện, thể nghiệm, đồng cảm, lí giải và sáng tạo, người đọc nâng cấp tác phẩm lên tầm quan niệm để hiểu được vị trí tác phẩm và tác giả trong đời sống và trong lịch sử văn học.

  1. b) Tại sao đồng sáng tạo trong văn bản lại gắn liền với sự sáng tạo ra hiệu quả của văn bản?

Vì:

– Người đọc giữ vai trò quan trọng trong hoạt động văn học: Người đọc là mục tiêu, động lực của hoạt động sáng tác văn học. Người đọc hoàn tất quá trình sáng tạo tác phẩm văn học; Người đọc đóng vai trò người chuyền tải thông điệp thẩm mĩ của nhà văn vào cuộc sống; Người đọc còn là người đồng sáng tạo để nâng cấp ý nghĩa, giá trị cho tác phẩm.

-Tính chất của hoạt động tiếp nhận văn học là một cuộc giao tiếp, đối thoại giữa người đọc và tác giả thông qua tác phẩm. Đồng thời tiếp nhận văn học là một hoạt động có tính quy luật và chịu sự chi phối của nhiều yếu tố. Nên tiếp nhận văn học là hoạt động mang tính đa dạng, không thống nhất và luôn gắn liền với hoạt động khám phá, sáng tạo của người đọc.

Vì vậy người đọc là người quyết định số phận cho tác phẩm.

  1. Phân tích chứng minh (6,0 điểm)
  2. a) Vì sao tiếp nhận văn học lại gắn liền với sự sáng tạo ra hiệu quả của văn bản?

Do tác phẩm nào càng đem lại nhiều giá trị tinh thần trong cảm nhận thì càng nhiều ý nghĩa. Nhưng ý nghĩa tác phẩm không phải chỉ phụ thuộc vào bản thân văn học nghệ thuật. Nó là hệ quả của một quá trình tiếp nhận mau chóng hoặc lâu dài vừa mang tính khách quan, vừa mang tính chủ quan. Khách quan bởi nó vốn có hoặc rõ ràng hoặc chìm lấp trong tác phẩm. Chủ quan bởi nó chỉ được phát hiện bằng chủ thể nhận thức và phù hợp với tầm đón nhận của chủ thể và tầm đón nhận của thời đại. Như vậy, ý nghĩa của tác phẩm là nội dung, là bài học của nó trong tiếp nhận của bạn đọc thuộc các thế hệ, thời đại khác nhau.

  1. b) Chứng minh: Thí sinh biết chọn một số tác giả, tác phẩm để phân tích chứng minh. Sau đây là một vài gợi ý:

– Truyện cổ tích Cây khế, có người nhìn nhận đó như là lời răn đe không được sống tham lam độc ác, hoặc như là bài học về việc ở hiền gặp lành. Có người cho đó là câu chuyện về ước mơ con người có thể thoát khỏi cuộc sống cơ cực của mình bằng sự giúp đỡ của những điều kì diệu…

– Có những tác phẩm ở thời đại này bị lãng quên hoặc đánh giá chưa thoả đáng thì đến thời đại sau với cách nhìn mới mẻ lại được đánh giá đúng về những giá trị mà các tác phẩm ấy chứa đựng. Ví dụ, trước Cách mạng có những quan niệm đánh giá lệch lạc về Truyện Kiều của Nguyễn Du dẫn tới lời khuyên: Làm gái chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều thì sau Cách mạng, Truyện Kiều được xem là kiệt tác văn chương trong kho tàng văn học của dân tộc. Văn học lãng mạn gồm các sáng tác của nhóm tiểu thuyết Tự lực văn đoàn và phong trào Thơ Mới có thời kì bị lãng quên hoặc bị phủ định thì đến thời kì đổi mới được đánh giá đúng những giá trị khuynh hướng văn học này.

*Học sinh có thể chọn những dẫn chứng khác, miễn là đúng phạm vi tư liệu và biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề một cách thuyết phục.

  • Lưu ý:

– Hướng dẫn chấm chỉ mang tính gợi ý, khi chấm giám khảo cần có sự thống nhất chung về biểu điểm cụ thể.

– Việc chi tiết hóa điểm số (nếu có) phải bảo đảm không làm sai lệch điểm mỗi ý và được thống nhất trong tổ chấm.

– Trân trọng những bài làm sáng tạo, có tính chất phát hiện vấn đề của HS và những bài làm có cảm xúc văn chương thật sự.

– Điểm tổng cộng làm tròn đến 0.25.

…..Hết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *